Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu

Trần Đình Hoạch| 30/10/2021 19:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam), đồng thời kế thừa kết quả hợp tác giữa Hội LHPN Việt Nam và UN Women về lĩnh vực lồng ghép giới trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu từ năm 2010 đến nay, dự án "Tăng cường sinh kế và sự tham gia của phụ nữ để nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi với thiên tai và biến đổi khí hậu tại Việt Nam (2019 -2021)" đã được hai cơ quan thống nhất triển khai tại hai tỉnh Lào Cai và Phú Yên.

Trong dự án này, UN Women đã hỗ trợ Hội LHPN Việt Nam về kỹ thuật và tài chính để triển khai các hoạt động hỗ trợ những đối tượng phụ nữ dễ bị tổn thương trong ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, thông qua phát triển các mô hình sinh kế có khả năng chống chịu, hướng tới nâng cao năng lực kinh tế và năng lực nói chung cho phụ nữ.

Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Hoạt động phòng, chống thiên tai tại tỉnh Lào Cai. (Ảnh: phunuvietnam.vn).

Dự án đã giúp 30 hộ tại huyện Bát Xát (Lào Cai) tham gia mô hình chăn nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học; bằng các hoạt động tập huấn kỹ thuật, kiến thức về giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ trang thiết bị, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu… đã giúp 32 hộ tham gia mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen theo tiêu chuẩn Vietgap tại xã Hòa Đồng, Phú Yên…Các mô hình giúp hạn chế được các rủi ro khách quan và chủ quan, mang lại thu nhập ổn định, góp phần nâng cao kiến thức cho chị em về chăn nuôi, trồng trọt.

Trong hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp (hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, trang thiết bị máy móc) do phụ nữ khởi nghiệp với tính chất kinh doanh thông minh, thân thiện với môi trường và tạo ra lợi ích cho phụ nữ khu vực nông thôn, đã có 5 doanh nghiệp/hợp tác xã đạt giải "Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp" năm 2019 - 2020 được đánh giá rất thiết thực và hữu ích. Đặc biệt, thông qua các gói hỗ trợ, dự án đã xây dựng được mạng lưới chuyên gia cho doanh nghiệp/hợp tác xã, mang lại giá trị lâu dài, bền vững cho các dự án khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, dự án còn triển khai xây dựng tài liệu và đào tạo nâng cao năng lực cho 250 cán bộ của Hội cấp tỉnh, cấp Trung ương nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với việc cung cấp các công cụ khoa học, hệ thống, xây dựng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương... qua đó giúp cán bộ Hội các cấp có khả năng tư vấn khởi nghiệp cho chị em đạt hiệu quả hơn.

Đồng thời, Trung ương Hội đã tổ chức các lớp tập huấn giảng viên nguồn cho 60 cán bộ Hội thuộc 24 tỉnh/thành khu vực miền núi phía Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - các địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai; 2 lớp tập huấn cấp huyện cho lãnh đạo Hội Phụ nữ xã và lãnh đạo xã phụ trách công tác phòng, chống thiên tai, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ tại các xã địa bàn dự án.

Các buổi truyền thông, sinh hoạt câu lạc bộ cũng được tổ chức giúp hội viên, phụ nữ, nam giới và người dân địa phương hiểu rõ hơn về công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng, tăng cường năng lực và vai trò của họ trong các hoạt động này. Dự án cũng xây dựng một số sản phẩm truyền thông như: sách lật, sổ tay, các clip phòng chống một số loại hình thiên tai (có bản bằng tiếng dân tộc thiểu số) nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các lãnh đạo cấp cơ sở, cán bộ, hội viên phụ nữ…

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ Việt Nam, nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tập trung rất nhiều các hoạt động nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội trên mọi lĩnh vực, trong đó "Vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường". Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có mối quan hệ tương quan lẫn nhau, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất nông nghiệp của rất nhiều phụ nữ, nhất là với đặc thù ngành nghề có 60% lao động là nữ.

Việc sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng không chỉ làm tăng tính hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, từ đó sẽ làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Điều này cũng đặt ra yêu cầu rằng phụ nữ ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu cần được hỗ trợ bằng những mô hình sinh kế thay thế nhằm đạt được thu nhập cao hơn và mức sống tốt hơn.

Trong quá trình thực hiện dự án, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số hoạt động của dự án đã phải thay đổi về phương thức triển khai và thời gian thực hiện. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan ở 2 tỉnh Lào Cai và Phú Yên, các mục tiêu của dự án về cơ bản đã được hoàn thành.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO