Nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo lớn mạnh, cạnh tranh sòng phẳng với OTT quốc tế
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, hiện người dùng có thể dễ dàng truy cập nền tảng xuyên biên giới, với nội dung vi phạm pháp luật. Việc ra mắt nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo được kỳ vọng sẽ giúp đảo ngược xu thế này.
Thưc hiện Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 về việc phê duyệt chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số Quốc gia phục vụ CĐS, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Theo kế hoạch đề ra, giai đoạn 2022 - 2023, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là cơ quan chủ trì triển khai xây dựng và hình thành nền tảng truyền hình số quốc gia trên cơ sở ứng dụng xem truyền hình trên Internet VTVgo.
Thực hiện sứ mệnh dẫn dắt CĐS lĩnh vực truyền hình, VTV đã nghiên cứu triển khai phát triển nền tảng xem truyền hình trên Internet VTVgo từ gần 10 năm nay.
Đến nay, với tầm nhìn đưa VTVgo thành một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy mạnh mẽ của Bộ TT&TT, ứng dụng xem truyền hình trên Internet VTVgo đã trở thành nền tảng truyền hình số quốc gia.
Nền tảng VTVgo đã có hơn 8 triệu người dùng thường xuyên
Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT và ra mắt nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo ngày 5/6, ông Phạm Anh Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số, VTV cho biết, sự phát triển của VTVgo đến ngày hôm nay đã trải qua hơn 9 năm. Đây là kết quả của quá trình CĐS lâu dài, có tầm nhìn của VTV trước sự chuyển dịch của khán giả truyền hình từ tivi truyền thống lên Internet và từ màn hình tivi lên màn hình điện thoại di động.
Đối với nền tảng truyền hình số quốc gia, VTVgo thấy rằng trên nền tảng phải có đầy đủ các kênh truyền hình của VTV, kênh thiết yếu quốc gia và 63 kênh truyền hình địa phương.
Còn về vùng phủ, nền tảng phải đảm bảo 63 tỉnh/thành cũng như ở nước ngoài, nơi nào có Internet thì nơi đó phải có VTVgo và có mặt trên tất cả các thiết bị của người dùng từ PC, laptop, smartphone, smarthome, setopbox…
“VTVgo đang là một trong số những ứng dụng thường xuyên của người dùng Internet Việt Nam cùng hơn 5 triệu người dùng Việt ở nước ngoài”, ông Chiến khẳng định.
Về tầm nhìn công nghệ, VTVgo đang ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI)… Bài toán của nền tảng truyền hình số khác biệt rất lớn với những ứng dụng OTT khác khi đòi hỏi tốc độ xử lý nhanh nên phải ứng dụng những công nghệ hàng đầu mới có thể đáp ứng được
Về vai trò của các bên trong nền tảng truyền hình số quốc gia, ông Chiến cho rằng có 4 vai trò. Đầu tiên là của Bộ TT&TT trong việc xây dựng cơ chế chính sách, thúc đẩy, kiểm tra và giám sát các nền tảng số quốc gia, trong đó có VTVgo. Gần 1 năm qua, Bộ TT&TT đã phối hợp rất chặt chẽ với VTV để thúc đẩy, hoàn thiện VTVgo để có thể ra mắt chính thức ngày hôm nay.
Tiếp theo, VTV với vai trò đơn vị chủ trì VTVgo đã có định hướng rõ ràng, cam kết mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, nội dung cũng như năng lực truyền thông quảng bá.
Còn các kênh truyền hình thiết yếu quốc gia và kênh truyền hình địa phương, VTVgo kỳ vọng đây sẽ là những nơi cung cấp nội dung và phối hợp quảng bá. “Chúng tôi mong muốn cùng tham gia với các đài địa phương để đào tạo, huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ để các tỉnh, thành có thể nâng cao trình độ, chất lượng sản xuất nội dung để có thể được sự đón nhận của khán giả khi đưa lên nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo”, ông Chiến cho biết thêm.
Đặc biệt, với một nền tảng Internet như VTVgo thì vai trò của các doanh nghiệp công nghệ, nhà mạng rất quan trọng để có được sự thành công của dự án.
Về chiến lược nội dung, do là nền tảng số quốc gia nên phải phục vụ nhiều đối tượng khán giả khác nhau nên nội dung phải phong phú, từ tin tức, giải trí, cho đến các phóng sự chuyên sâu… Từ đó, VTVgo sẽ phối hợp với các đài truyền hình địa phương để làm phong phú kho nội dung của mình.
Đến thời điểm hiện tại, VTVgo đã có hơn 45 triệu lượt tải trên tất cả các nền tảng bao gồm hơn 22 triệu trên thiết bị Android, 13 triệu trên thiết bị Apple, 10 triệu trên thiết bị SmartTV… Số lượt người dùng thường xuyên là hơn 8 triệu/tháng trong đó có 6 triệu người dùng trên các thiết bị di động và 2 triệu người dùng trên TV thông minh. “Hy vọng với sự hỗ trợ chính sách, sự đồng hành của Bộ TT&TT thì số lượng người dùng, các thiết bị được cài sẵn VTVgo sẽ tăng lên. Qua đó giúp khán giả theo dõi thuận tiện, dễ dàng hơn”, ông Chiến bày tỏ.
Ngoài ra, dữ liệu từ khán giả cũng rất quan trọng, hệ thống VTVgo đã liên tục có sự theo dõi về hành vi người dùng trong thời gian và sẵn sàng chia sẻ với các đài địa phương khi đưa kênh lên nền tảng để giúp hiểu hơn về khán giả của mình, để có kế hoạch sản xuất nội dung cũng như kinh doanh phù hợp.
Trong thời gian tới, nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ, tối ưu tính năng cá nhân hóa về trải nghiệm người dùng… Cùng với sự thúc đẩy của Bộ TT&TT, sự đồng hành của các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương, các đơn vị sản xuất nội dung lớn trên cả nước, nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo sẽ ngày càng lớn mạnh và phục vụ tốt hơn các nhu cầu thông tin, giải trí thiết yếu của người dân Việt Nam, từng bước cạnh tranh với các nền tảng số quốc tế.
VTVgo cũng mong muốn sẽ được tích hợp sẵn trên điều khiển của các tivi bán ra trên thị trường. Khi đó, chúng ta sẽ bảo vệ quyền quốc gia trên không gian số, để cạnh canh sòng phẳng với các OTT quốc tế mà đang khó kiểm soát về nội dung, dữ liệu, kinh doanh. “Khi đó, việc phát triển VTVgo với vài chục triệu người dùng là hoàn toàn khả thi”, ông Chiến kết luận.
Giảm tình trạng sử dụng nền tảng OTT xuyên biên giới
Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT cho biết, sau 11 tháng phối hợp với VTV thì đến tháng 6/2023, nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo mới chính thức được ra mắt gồm các kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia, gần 20 kênh truyền hình thiết yếu địa phương phục vụ đông đảo người dân Việt Nam trong và ngoài nước.
Trước đó, vào cuối năm 2022, Bộ TT&TT đã công nhận VTVgo là nền tảng số phục vụ người dân. Điều này đã cho thấy, việc ra mắt việc ra mắt nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo hết sức có ý nghĩa, là hy vọng để người dân Việt Nam có thể sử dụng dịch vụ truyền hình quảng bá trong nước một cách rộng rãi. Từ đó, góp phần giảm tình trạng sử dụng các nền tảng truyền hình xuyên biên giới khó kiểm soát.
Phát biểu kết luận tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, đối với các nền tảng số của báo chí nói chung, trong đó có nền tảng số của VTV mà hôm nay chứng kiến một sản phẩm, một nỗ lực với mục tiêu, lộ trình rất rõ mà VTVgo đã trình bày hôm nay.
Thứ trưởng cũng bày tỏ sự cảm ơn với những nỗ lực vì sự nghiệp truyền hình nói chung và VTV là đài truyền hình quốc gia lớn nhất đất nước, là cơ quan đầu ngành truyền hình, thể hiện vai trò dẫn dắt của mình trong việc chìa một cánh tay ra với nền tảng của mình đã được xây dựng bằng nguồn lực của VTV chưa có sự đầu tư của ngân sách Nhà nước đã giải quyết câu chuyện số hoá và đưa các nội dung của VTV lên nền tảng số. Để rồi, bây giờ ở bước cao hơn là đưa các kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia, địa phương lên chung 1 nền tảng. Để tới đây sẽ thực hiện được mục tiêu chỉ 1 nút bấm có thể xem tất cả các kênh truyền hình thiết yếu quốc gia tại Việt Nam.
“Nút bấm đó sẽ được tích hợp lên trên các điều khiển tivi và ứng dụng đó sẽ được cài sẵn trên các nền tảng tivi thông minh như mong muốn, nỗ lực hiện nay mà Bộ TT&TT đang cùng với VTV thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.
Việc này thực hiện được do thể chế hoá bằng những quy định của pháp luật thông qua việc ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời đẩy câu chuyện này lên không gian truyền thông để nâng cao nhận thức của toàn xã hội.
Hiện nay, việc người dùng có thể truy cập dễ dàng hay thậm chí quá dễ dàng vào các nền tảng nội dung xuyên biên giới, trong đó nhiều nền tảng nội dung còn rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Đó là một nguy cơ đối với an ninh văn hoá tư tưởng và hiện nay rất nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ có xu hướng tiếp cận rất dễ dàng với các nền tảng đó.
“Cùng với cơ quan quản lý nhà nước, những cơ quan báo chí đầu ngành như VTV phải đảo ngược lại xu thế này”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm kết luận./.