NFT có phải là chìa khoá công nghệ cho các quốc gia đang phát triển?

Vinh Hồng| 13/07/2021 07:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc triển khai NFT sang các lĩnh vực nghệ thuật và giải trí, tạo cơ hội nhận đầu tư từ nguồn vốn trên toàn thế giới cho các dự án có tính ứng dụng lâu dài.

NFT có phải là chìa khoá công nghệ cho các quốc gia đang phát triển? - Ảnh 1.

Phòng trưng bày các tác phẩm NFT trực tiếp ở New York, Mỹ.

Xu hướng phát triển của hệ sinh thái NFT 

Theo dữ liệu được công bố trên nền tảng Open Sea, trong quý II/2021 vừa qua, thị trường NFT (Token không thể thay thế) đã chạm mốc kỷ lục khi doanh số các tài sản số đạt giá trị lên tới 2,5 tỷ USD tính từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2020 doanh số của thị trường này mới chỉ ở mức khiêm tốn là 13,7 triệu USD.

NFT (Non-fungible token) là một loại tài sản số sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) - tương tự như Bitcoin - để tạo ra một chuỗi mã độc nhất đại diện cho một vật phẩm nào đó và không thể thay thế.

Các chuỗi mã này thường được dùng để định danh phiên bản số của các tác phẩm nghệ thuật, bài hát hay hiện tượng mạng...

Tại buổi toạ đàm với nội dung "Làn sóng NFT thay đổi ngành đầu tư như thế nào?", vừa được S-World phối hợp cùng nền tảng gọi vốn cộng đồng Republic.co tổ chức, được phát trực tiếp ngày 10/7, ông Kendrick Nguyễn, Giám đốc điều hành Republic.co đưa ra nhận định: "Một trong những giá trị thú vị tạo nên xu hướng ngày càng phát triển của hệ sinh thái NFT chính là việc cho phép người dùng phát hành và giao dịch các tài sản mà không cần đến sự tham gia của những bên thứ ba. NFT đang làm tốt nhiệm vụ giúp người dùng nhận được nhiều giá trị nhất có thể nhờ vào một hệ thống liền mạch, trọn vẹn và tiết kiệm chi phí khi tham gia vào hệ sinh thái này."

Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Kendrick Nguyễn cho biết, theo khảo sát Người tiêu dùng Toàn cầu của Statista năm 2020, Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ hai thế giới về mức độ phổ biến tiền mã hoá.

"Có thể nhìn thấy tiềm năng phát triển tiền kỹ thuật số ở Việt Nam hay đối với startup trong lĩnh vực này là rất cao về góc độ năng lực đổi mới sáng tạo hay nhu cầu tiêu thụ đến từ người dùng Việt Nam", ông Kendrick nói.

Xu hướng triển khai NFT vào các mô hình kinh doanh số

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đồng ý rằng, xu hướng triển khai NFT vào các mô hình kinh doanh số đang từng ngày phát triển rộng đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhà đầu tư, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim - Charlie Nguyễn đưa ra ý kiến cho rằng, công nghệ NFT đã giúp hỗ trợ minh bạch hóa và phần nào giải quyết các vấn đề vẫn đang tồn tại dai dẳng như các tranh chấp xoay quanh lĩnh vực nghệ thuật - giải trí, bản quyền, nạn phim lậu, hay các vấn đề liên quan đến nạn tiền giả, tranh chấp về IP,...

Ở Việt Nam, có thể kể đến ứng dụng công nghệ blockchain trong nghệ thuật và giải trí như FAM Central. Ông Cris D. Trần chia sẻ, dự án được thực hiện với mong muốn nhằm hỗ trợ nhà sản xuất trong lĩnh vực nghệ thuật - giải trí tại Việt Nam và trên thế giới tiếp cận được đa dạng các nguồn vốn thông qua việc sử dụng công nghệ blockchain và công nghệ tokenization (số hóa thẻ).

NFT có phải là chìa khoá công nghệ cho các quốc gia đang phát triển? - Ảnh 3.

Các chuyên gia chia sẻ trong buổi tọa đàm "Làn sóng NFT thay đổi ngành đầu tư như thế nào?"

Ông Kendrick nguyễn nhấn mạnh, các dự án NFT được đánh giá là tiềm năng khi nó có tính" ứng dụng lâu dài" và mang lại "giá trị cho cộng đồng". Ứng dụng công nghệ blockchain hay NFT sẽ ngày càng tạo tác động và phá bỏ những giới hạn trong tương lai khi cho phép người dùng vừa theo đuổi đam mê và sở thích của bản thân, vừa tạo ra lợi nhuận trong những thế giới mới. 

Mô hình trò chơi play-to-earn gần đây như Axie Infinity của startup Việt Sky Mavis là một ví dụ điển hình khi đã huy động được 7,5 triệu USD từ tỷ phú Mỹ Mark Cuban và các nhà đầu tư khác để phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Theo đó, người chơi của Axie Infinity có thể bán tài sản trò chơi của mình cho bất kỳ ai trên thế giới, kiếm được liquid token để chơi hoặc đóng góp và có thể sở hữu một phần của trò chơi họ đang chơi.

NFT có phải là chìa khoá công nghệ cho các quốc gia đang phát triển? - Ảnh 4.

Bức Hashmask 15753 của "Suum Cuique Labs GmbH" được rao bán dưới dạng NFT (theo Wikipedia).

Tháng 6 vừa qua, dự án phát triển bất động sản trong vũ trụ kỹ thuật số (metaverse) của quỹ Republic Realm do Republic.co tài trợ vừa công bố khai trương quận mua sắm kỹ thuật số trên nền tảng Decentraland. Dự án được thực hiện trên mảnh đất số của nền tảng Decentraland mà Republic đã mua lại với trị giá hơn 913.000 USD - thương vụ sở hữu bất động sản số sử dụng công nghệ NFT lớn nhất từ trước đến nay. 

Theo ông Kendrick Nguyễn, với thời gian mà mọi người, đặc biệt là giới trẻ, dành ra để trải nghiệm môi trường số, metaverse được dự báo sẽ là một thị trường tiềm năng chứ không còn chỉ là một giấc mơ công nghệ.

Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư NFT trước bối cảnh biến động của thị trường, các chuyên gia cảnh báo người mới bắt đầu phải cẩn thận với nhiều dự án NFT không có giá trị khi bất kỳ ai trên Internet đều có thể tạo NFT một cách nhanh chóng. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều token vô giá trị song hành với các trường hợp gian lận hoặc sử dụng tên giả. Do đó, người dùng nên dành nhiều thời gian để học hỏi và đánh giá các dự án kỹ lưỡng trước khi tiến hành các khoản đầu tư lớn.

Theo Wikipedia, NFT là một đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên blockchain (sổ cái kỹ thuật số). Chúng có thể được xem như đại diện cho một mặt hàng kỹ thuật số độc nhất, chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật.

Nhìn từ góc độ khác, NFT còn là một token dạng mật mã. Tuy nhiên, khác với những loại tiền mã hóa như bitcoin, và nhiều mạng lưới, cũng như token tiện ích, thì NFT không thể hoán đổi cho nhau, hay nói cách khác là fungible.

Một NFT được tạo ra bằng cách tải một tệp lên thị trường đấu giá NFT. Những thị trường đấu giá ấy có thể là KnownOrigin, Rarible hoặc OpenSea. Việc này sẽ tạo ra bản sao của một tệp được lưu lại trên sổ cái kỹ thuật số dưới dạng NFT. Người có nhu cầu có thể mua NFT bằng tiền mã hóa, sau này vẫn có thể bán lại.

Nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm có thể bán nó dưới dạng NFT mà vẫn giữ được bản quyền, đồng thời tạo ra nhiều NFT trên cùng 1 tác phẩm. Người mua NFT không có quyền truy cập độc quyền vào tác phẩm, cũng như không có quyền sở hữu đối với tệp kỹ thuật số "gốc". Người tải lên một tác phẩm nào đó dưới dạng NFT không nhất thiết phải chứng minh rằng mình là nghệ sĩ gốc. Có nhiều trường hợp tác phẩm được mang ra đấu giá NFT mà không cần sự cho phép của người sáng tạo gốc./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
NFT có phải là chìa khoá công nghệ cho các quốc gia đang phát triển?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO