NFT - cuộc cách mạng về cách thể hiện tính độc bản cá nhân

Tuấn Trần| 13/12/2021 17:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Với nhiều bạn trẻ, NFT không chỉ là một trào lưu nhất thời mà còn là một cuộc cách mạng về cách thể hiện tính độc bản cá nhân.

Theo nhận định của nhà báo Maya Middlemiss trên chuyên trang công nghệ cointelegraph.com: "Có thể những đứa trẻ thuộc thế hệ con cháu chúng ta sẽ không sở hữu những ngôi nhà, nhưng chúng sẽ có rất nhiều tài sản số".

Với nhiều bạn trẻ, NFT (token không thể thay thế) không chỉ là một trào lưu nhất thời mà còn là một cuộc cách mạng về cách thể hiện tính độc bản cá nhân. Nhiều người trong số họ, ít nhất là ở thế giới phương Tây, đã học cách vuốt màn hình trước khi học nói. Họ đã từng chứng kiến cha mẹ mình có mặt trên thị trường chứng khoán, và dù sao có thể họ cũng không tin tưởng vào bất cứ thứ gì "truyền thống".

NFT - cuộc cách mạng về cách thể hiện tính độc bản cá nhân - Ảnh 1.

Những người trẻ thế hệ Z: tài sản đối với họ không chỉ là những thứ hữu hình mà còn là những trải nghiệm, câu chuyện và quyền chứng tỏ tính độc nhất của bản thân.

Quyền chứng tỏ tính độc nhất của bản thân

Theo Bholdus - một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ số hóa tài sản cho các doanh nghiệp (DN) và cung cấp nền tảng tạo ra các NFT, khi nói đến tài sản, những người ở thế hệ Baby Boomer – thế hệ của những bậc phụ huynh sinh sau chiến tranh và thế hệ những người 8X, 9X đã đi làm, tài sản phải là một thứ gì đó hữu hình, mang lại lợi ích tài chính như chứng khoán, bất động sản, hoặc trang sức quý hiếm.

Trong khi đó, những người trẻ thế hệ (gen) Z - (sinh năm 1996 - 2012), hay còn gọi là "thế hệ màn hình", tài sản đối với họ không chỉ là những thứ hữu hình mà còn là những trải nghiệm, câu chuyện và quyền chứng tỏ tính độc nhất của bản thân.

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey: trong khi thế hệ X (những người sinh ra trong giai đoạn 1960 - 1979) tiêu dùng để thể hiện địa vị xã hội, Millennial (sinh trong giai đoạn 1980 - 1994) tiêu dùng là để trải nghiệm thì thế hệ Z tiêu dùng để thể hiện tính độc nhất.

Nghiên cứu của McKinsey cũng chỉ ra 3 điều liên quan đến hành vi tiêu dùng của thế hệ này gồm: tiêu thụ quyền truy cập thay vì sở hữu, tiêu thụ để thể hiện bản sắc cá nhân và tiêu dùng thể hiện sự quan tâm đến một vấn đề đạo đức.

Vừa vặn thay, các tài sản số mới nổi như NFT lại có nhiều điểm tương đồng với những điều mà thế hệ Z mong đợi: cung cấp quyền sở hữu, tính độc nhất và đề cao vấn đề về bản quyền.

Theo John G Fields, người sáng tạo ra Grow Your Base, một nền tảng trực tuyến về đầu tư tài sản số: "Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều và phần lớn thế hệ Z cho biết thị trường chứng khoán khiến họ cảm thấy bất an, sợ hãi… nhưng có nhiều sự thoải mái hơn trong việc chơi game, thế giới ảo, và ý tưởng đầu tư thời gian thay vì tiền bạc".

Vì vậy, John G Fields đã mang trải nghiệm thị trường truyền thống của mình vào hệ sinh thái mới và thuê các đồng nghiệp thế hệ Z đưa Grow Your Base vào cuộc sống.

Nhiều người trẻ sẵn sàng chi trả cho NFT

Vẫn theo Bholdus, NFT về cơ bản là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép. Nó được lưu trữ trong một blockchain và được sử dụng để đại diện cho quyền sở hữu các loại hàng hóa điện tử. Nhờ vào bản chất lưu trữ và ngăn chặn sửa đổi của công nghệ blockchain, hồ sơ về quyền sở hữu sẽ luôn tồn tại, minh bạch, không thể được sửa đổi và đảm bảo rằng chỉ có một chủ sở hữu tại một thời điểm.

NFT có thể được sử dụng để phát hành các mặt hàng kỹ thuật số cũng như các bộ sưu tập độc nhất. Những token này có thể là một vật phẩm sưu tầm, một sản phẩm đầu tư hoặc một thứ gì đó khác. Nó có thể là chứng chỉ đại diện cho những món đồ mỹ nghệ, tranh ảnh, đồ sưu tầm quý hiếm.

Trong lĩnh vực trò chơi điện tử, NFT còn được ứng dụng trong việc tạo ra các vật phẩm và các nhân vật độc nhất. Thực tế việc giao dịch và trao đổi tài khoản, vật phẩm trong các trò chơi điện tử đã diễn ra từ rất lâu, nhưng việc sử dụng blockchain để ghi nhận các giao dịch trên sẽ là một bước tiến lớn trong nền kinh tế của các trò chơi này. Bên cạnh đó, NFT có thể giải quyết hoặc giảm thiểu vấn đề lạm phát phổ biến mà nhiều trò chơi gặp phải.

Nhiều người tiêu dùng trẻ sẵn sàng chi trả cho NFT thay vì chọn cách tải miễn phí một bức tranh trên Internet hay đơn giản chọn cách chụp màn hình. Tất cả là vì điều thế hệ Z quan tâm là tính độc bản, khả năng truy cập và chứng minh mình sở hữu nó trên mạng xã hội. Họ cũng có thể bỏ hàng ngàn USD để sở hữu một nhân vật hiếm trong game, bởi nó được xem như một khoản đầu tư xứng đáng cho tính độc nhất nhưng vẫn có thể "sang nhượng" lại trong trường hợp cần thiết.

Theo phân tích của Blockchain Center, lượng tìm kiếm toàn cầu về NFT đã tăng 426%. Một khảo sát trực tuyến của YPulse với hơn 500 khách hàng trẻ có độ tuổi từ 16 - 34 tuổi cho thấy: 29% người trẻ không biết đến NFT, 44% người trẻ đã nghe nói về NFT nhưng không hiểu chúng là gì và 27% số người trong đói nó rằng họ biết và hoàn toàn hiểu về NFT.

Mặc dù các nghiên cứu và khảo sát chỉ ra rằng NFT chưa hẳn là một cơn sốt đối với tất cả những người trẻ tuổi, nhưng có một sự tiếp cận gia tăng đáng kể của thế hệ Z so với thế hệ Millennials trong lĩnh vực này.

Ông Phan Đức Nhật, CEO của dự án Bholdus chia sẻ: "Sức hút của các NFT chính là bởi sự khan hiếm và độc bản hoặc có giới hạn do chúng tạo ra. Hiện tại, các NFT được ứng dụng nhiều nhất trong các trò chơi điện tử, nhưng trong tương lai chúng có thể góp phần định hình lại tiếp thị thương hiệu trong một nền kinh tế sáng tạo."

Có thể nói, NFT là một cuộc cách mạng về chứng nhận sở hữu và tài sản số. Cùng với Metaverse (vũ trụ ảo), mức độ phổ biến và sức ảnh hưởng của các công nghệ này với giới trẻ sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển mạnh trong nhiều năm tới.

Tài liệu tham khảo: https://cointelegraph.com/magazine/2020/06/26/gen-z-nft-ownership-digital-natives

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
NFT - cuộc cách mạng về cách thể hiện tính độc bản cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO