Ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn trái phép
Rao bán hóa đơn trái phép trên các mạng xã hội, website, và các diễn đàn trực tuyến đang có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng xấu đến quản lý thuế. Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán hoá đơn trên không gian mạng
Quảng bá mua bán hóa đơn công khai trên mạng
Tình trạng mua bán hóa đơn điện tử trên không gian mạng vẫn đang diễn ra công khai với chiều hướng phức tạp. Các cá nhân và tổ chức lợi dụng sự tiện lợi của không gian mạng để quảng bá dịch vụ mua bán hóa đơn nhằm trục lợi bất chính, làm thất thu ngân sách nhà nước và phá vỡ sự lành mạnh của môi trường kinh doanh.
Việc mua bán trái phép hóa đơn diễn ra ngày một nhiều, với mục đích để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi. Đây là hành vi trái pháp luật, không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 31/10/2024, toàn ngành Thuế đã thực hiện 52.145 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 78,21% kế hoạch năm 2024, bằng 99,14% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra được 409.625 hồ sơ, bằng 83,13% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 51.362 tỷ đồng, bằng 105,46% so với cùng kỳ năm 2023 thực hiện, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 13.324 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 2.152 tỷ đồng; giảm lỗ là 35.885 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 9.134 tỷ đồng, bằng 68,6% số tăng thu qua thanh kiểm tra.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế đánh giá, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được cải thiện, bình quân tăng thu/cuộc thanh tra 2,5 tỷ đồng; bình quân tăng thu/cuộc kiểm tra là trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, công tác triển khai thanh tra thuế còn chậm, có 3/63 cục thuế từ đầu năm đến nay chưa hoàn thành cuộc thanh tra nào, các cục thuế còn lại tiến độ thực hiện kế hoạch cũng còn thấp.
Từ nay đến cuối năm 2024, toàn ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; bám sát triển khai thực hiện đồng bộ các chuyên đề chống thất thu như: chuyên đề chống thất thu đối với hàng nông sản nhập khẩu; chuyên đề nâng cao hiệu quả quản lý và chống thất thu đối với lĩnh vực vận tải, BOT; các chuyên đề nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm chăn nuôi; hoạt động kinh tế số, kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ; quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, nhằm chống thất thu thuế.
Tăng cường biện pháp ngăn chặn
Để quản lý, giám sát tình hình sử dụng hóa đơn của các tổ chức, doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường các giải pháp để ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn; tăng cường kiểm tra phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về hoá đơn, chống gian lận về hoá đơn. Theo đó, nhiều vụ án mua bán hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước bị phát hiện và nhiều đối tượng phạm tội mua bán hóa đơn đã bị xử lý hình sự.
Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán hoá đơn trên không gian mạng. Theo đó, cơ quan thuế các cấp chủ động thu thập thông tin các đối tượng rao bán hóa đơn trên không gian mạng trên địa bàn; thông tin từ các nguồn báo chí, mạng xã hội; thông tin từ nguồn đơn tố cáo, phản ánh từ các đơn vị, cá nhân trong và ngoài địa bàn quản lý... để tổ chức rà soát, nắm bắt thông tin, chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng có liên quan có biện pháp ngăn chặn việc phát tán, đăng tải các thông tin rao bán hoá đơn điện tử trên không gian mạng và kịp thời điều tra, xử lý các hành vi vi phạm của các đối tượng.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định, quy trình về quản lý hóa đơn, quy trình áp dụng quản lý rủi ro về hóa đơn để thường xuyên đánh giá, sàng lọc các doanh nghiệp có rủi ro cao về sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các vi phạm, cần đặc biệt lưu ý đối với các hành vi mua bán hoá đơn liên quan đến người nộp thuế trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan thuế các tỉnh, thành phố có biện pháp xử lý thuế theo quy định. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, cơ quan thuế các cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an ngang cấp để tiến hành phối hợp cung cấp thông tin, rà soát các tổ chức, cá nhân có hành vi mua bán hóa đơn trên địa bàn quận, huyện, tỉnh, thành phố để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, cơ quan thuế các cấp phải chủ động nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ thông tin trong các nghiệp vụ thu thập, đánh giá và phân tích thông tin về hoá đơn trên không gian mạng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng để người nộp thuế hiểu và nắm được các chế tài xử lý đối với hành vi mua bán hóa đơn, hướng dẫn người nộp thuế sử dụng hoá đơn đúng quy định và nâng cao tính tự giác tuân thủ, thực hiện đúng chính sách pháp luật về thuế, hoá đơn; tăng cường hợp tác với cơ quan công an và các cơ quan quản lý liên quan nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi mua bán hóa đơn giả. Việc trao đổi thông tin thường xuyên giữa các đơn vị chức năng sẽ giúp phát hiện sớm và triệt phá các đường dây mua bán hóa đơn trái phép./.