Make in Vietnam

Ngăn dòng dữ liệu của người dùng Việt chảy ra nước ngoài

Nguyễn Khiêm 14/09/2023 06:30

Theo đại diện của Cốc Cốc, hiện nay dữ liệu số chính là “vàng đen” của bất kỳ quốc gia, doanh nghiệp (DN) hay tổ chức nào. Do đó, việc Cốc Cốc trở thành nền tảng số quốc gia sẽ giúp dữ liệu của người Việt phải được lưu trữ tại Việt Nam, từ đó hình thành các giải pháp “đo ni đóng giày” để phục sự chính người dân.

Cốc Cốc đang phục vụ hơn 29 triệu người dùng Việt

Tháng 10/2022, Công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc chính thức được Bộ TT&TT công nhận là Nền tảng số đáp ứng các tiêu chí phục vụ người dân năm 2022. Gần đây, sau khi thực hiện đánh giá hiệu quả và năng lực triển khai nền tảng số, Cốc Cốc đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) gia hạn công nhận là Nền tảng số đáp ứng các tiêu chí phục vụ người dân năm 2023.

mai-thi-oanh.png
Bà Mai Thị Thanh Oanh: “Vàng đen” dữ liệu của người Việt cần được lưu trữ để phục sự chính người dân và giúp công nghệ Việt Nam phát triển.

Theo bà Mai Thị Thanh Oanh, Phó Tổng Giám đốc Cốc Cốc, từ thời điểm nhận được công nhận đến nay, nền tảng số Cốc Cốc đã tham gia vào các hoạt động đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Cụ thể, đơn vị này đã: Phối hợp tổ chức khóa tập huấn CĐS cho hơn 255.000 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc; Ra mắt bộ giải pháp CĐS dành cho người dân với các tính năng hỗ trợ Chính phủ số, xã hội số, giáo dục điện tử và an ninh mạng.

Chưa kể, Cốc Cốc cũng là một trong 10 thành viên Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn thông tin (ATTT), phối hợp cùng Cục ATTT, Bộ TT&TT triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân và bảo vệ người dân trên không gian mạng.

Hiện nay, trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc đang phục vụ hơn 29 triệu người dùng, tương đương 1/3 dân số Việt Nam với hơn 600 triệu lượt truy vấn/tháng. Gần đây, Cốc Cốc cũng cho ra mắt các tính năng mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dùng Việt Nam như Cốc Cốc AI Chat, AI Search, trình duyệt Cốc Cốc TV, và các tính năng tìm kiếm theo chuyên đề như “Tìm việc làm”...

Trong thời gian tới, Cốc Cốc sẽ tiếp tục tối ưu, cập nhật các tính năng của nền tảng để đảm bảo đáp ứng năng lực phục vụ người dùng cũng như tập trung nguồn lực để tiếp tục nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trên nền tảng.

Cốc Cốc cũng sẽ mở rộng hợp tác, triển khai thêm nhiều các chương trình ưu đãi, gia tăng lợi ích dành cho người dùng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính phủ trong các hoạt động hướng đến nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả, an toàn các nền tảng số quốc gia”, Phó Tổng giám đốc Mai Thị Thanh Oanh cho biết thêm.

VỀ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI NỀN TẢNG SỐ CỦA CỐC CỐC:

  1. Cốc Cốc tham gia phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn CĐS cho Tổ CNSCĐ trên toàn quốc: (1) 56/63 tỉnh thành tham gia tập huấn; (2) 255.545 thành viên Tổ CNSCĐ tham gia tập huấn; (3) 250.394 lượt truy cập tài liệu CĐS trên OneTouch.
  2. Bộ giải pháp CĐS nhân ngày CĐS quốc gia 10/10: Trong thời gian cao điểm hưởng ứng tháng CĐS quốc gia, Cốc Cốc đã đạt được khoảng 40.000.000 lượt hiển thị thông tin về bộ giải pháp CĐS và hơn 500.000 lượt truy cập website dx.coccoc.com
  3. Phát triển tính năng Chính phủ điện tử (CPĐT) trên 2 phiên bản điện thoại và máy tính: Cốc Cốc nỗ lực hành động cùng mục tiêu CĐS quốc gia, với tính năng CPĐT, người dân có thể tiếp cận các thông tin về dịch vụ công (DVC) dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng hơn. Để rồi, đã có khoảng 10.000.000 lượt tìm kiếm từ khóa liên quan đến DVC trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, hơn 350.000 lượt sử dụng tính năng CPĐT trên Cốc Cốc để tìm kiếm các thông tin về dịch vụ công, hơn 30.000 lượt dẫn về trang dichvucong.gov từ tính năng CPĐT trên Cốc Cốc.

Thách thức đến từ việc vừa bảo vệ vừa giúp người dân khai thác tối đa tiềm năng số

Chia sẻ về lý do quyết định tham gia và trở thành nền tảng số phục vụ người dân, theo bà Mai Thị Thanh Oanh, Cốc Cốc là trình duyệt và công cụ tìm kiếm “Make in Viet Nam” duy nhất. Trên thế giới chỉ có khoảng 10 nước phát triển trình duyệt và công cụ tìm kiếm nội địa, trong đó có Việt Nam. Do đó, việc phát triển các nền tảng số quốc gia sẽ giúp nâng cao tiếng nói của Việt Nam trên thị trường quốc tế, tự chủ và độc lập, không cần phụ thuộc vào bên thứ 3.

Đồng thời, đến thời điểm hiện tại, Cốc Cốc cũng là trình duyệt và công cụ tìm kiếm duy nhất tập trung phát triển các tính năng dành riêng và phù hợp nhất cho người Việt. Việc thúc đẩy người dân sử dụng các nền tảng số quốc gia sẽ giúp người dùng Việt có thêm nhiều lựa chọn phù hợp hơn bên cạnh những công cụ tìm kiếm nước ngoài.

Bên cạnh đó, trong thời đại của dữ liệu lớn (big data) hiện nay, dữ liệu cũng chính là “vàng đen” của bất kỳ quốc gia, doanh nghiệp hay tổ chức nào. Theo đó, dữ liệu của người Việt cần được lưu trữ tại Việt Nam để phục sự chính người dân Việt Nam và giúp công nghệ Việt Nam phát triển.

Với việc trở thành Nền tảng số đáp ứng các tiêu chí phục vụ người dân, trong năm 2022, Cốc Cốc đã phối hợp cùng Cục CĐS Quốc gia, Bộ TT&TT và một số nền tảng Make in Viet Nam “tới từng ngõ, gõ từng nhà”, tham gia tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn CĐS cho Tổ CNSCĐ trên toàn quốc.

coc-coc-2.png
Cốc Cốc mong muốn được đồng hành giải quyết những vấn đề mà các đơn vị còn gặp phải trong quá trình CĐS, từ đó đưa ra giải pháp trên nền tảng.

Theo đó, trong quá trình triển khai nền tảng số phục vụ người dân, Cốc Cốc đã gặp không ít thách thức. Đầu tiên, nhận thức và năng lực tiếp cận công nghệ của người dân đang không đồng đều giữa các vùng miền. Khoảng cách về CĐS giữa các khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn khá lớn.

Chưa kể, nhóm người lớn tuổi tại vẫn còn giữ nhiều thói quen và tư duy cũ cùng tâm lý ngại thay đổi, tiếp nhận công nghệ mới, điều này khiến việc phổ biến nền tảng số tốn nhiều thời gian hơn, cũng như đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ đội ngũ triển khai.

Tiếp theo, vấn đề đảm bảo ATTT trên không gian số ngày càng trở nên phức tạp. Các thủ đoạn lừa đảo, đánh cắp thông tin trực tuyến diễn ra ngày một tinh vi. Theo thống kê của Cục ATTT, chỉ trong 6 tháng đầu năm, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Chủ yếu tin tặc sẽ nhắm vào các nhóm đối tượng: người cao tuổi, trẻ em, công nhân, người lao động,... đây đều là những nhóm người dân dễ lừa gạt, nhẹ dạ cả tin cũng như hạn chế hiểu biết về công nghệ.

“Từ góc nhìn của Cốc Cốc, thách thức lớn nhất trong việc phát triển nền tảng số phục vụ người dân là làm sao để vừa bảo vệ được người dân trước những cạm bẫy biến hóa khôn lường, vừa tạo sự thuận tiện, giúp người dân khai thác tối đa tài nguyên, tiềm năng trong thế giới số”, Phó Tổng Giám đốc Cốc Cốc nhận định.

Bên cạnh đó, Cốc Cốc cũng đã có được những thuận lợi nhất định, trong 10 năm kể từ khi thành lập, công ty vẫn luôn hành động với sức mệnh giúp người dùng Việt tận hưởng tối đa tiềm năng thế giới số.

Vì vậy, khi trở thành nền tảng số phục vụ người dân, Cốc Cốc có thêm sự ủng hộ và công nhận uy tín từ chính phủ, từ đó thuận lợi hơn khi tiếp cận với người dân và các cơ quan quản lý tại các địa phương để hướng dẫn sử dụng trình duyệt và công cụ tìm kiếm an toàn, hiệu quả.

Thuận lợi thứ hai đến từ việc đây cũng là thời điểm nhận được sự cộng hưởng mạnh mẽ từ các hoạt động CĐS quốc gia. 2022 là năm của CĐS, trên mọi phương diện, từ các đơn vị hành chính công cho đến các nền tảng số phục vụ người dân.

“Người dân được tiếp xúc nhiều hơn, từ đó trở nên cởi mở hơn với các hình thức số hóa. Công cụ tìm kiếm và trình duyệt là cũng chính là cánh cửa giúp người dân mở kết nối tới thế giới số”, bà Oanh nhận định.

Cần có hành lang pháp lý hỗ trợ việc phát triển, phổ biến nền tảng Make in Viet Nam

Cũng theo bà Oanh, trong vai trò là nền tảng số phục vụ người dân, Cốc Cốc hiểu rõ trách nhiệm của mình là tìm cách phát triển nền tảng với mục tiêu thúc đẩy CĐS quốc gia, trong đó bao gồm hỗ trợ người dân và các đơn vị cơ quan quản lý nhà nước.

coc-coc.png
Hiện trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc đang phục vụ hơn 29 triệu người dùng, tương đương 1/3 dân số Việt Nam với hơn 600 triệu lượt truy vấn/tháng.

Một trong những mục tiêu của CĐS là triển khai và phổ biến các nền tảng số quốc gia. Tuy nhiên, có một thực tế là đến nay, số lượng nền tảng số quốc gia được triển khai rộng rãi trong các cơ quan thuộc quản lý nhà nước (QLNN) chưa nhiều. Với trường hợp của Cốc Cốc cũng tương tự.

Từ góc nhìn của một đơn vị phát triển nền tảng số Make in Viet Nam, Cốc Cốc mong muốn Bộ TT&TT cùng với các đơn vị cơ quan QLNN tạo điều kiện tối đa hỗ trợ các nền tảng số quốc gia.

Theo đó, Cốc Cốc mong muốn được đồng hành giải quyết những vấn đề mà các đơn vị còn gặp phải trong quá trình CĐS, từ đó đưa ra giải pháp trên nền tảng. Điều này không chỉ giúp bản thân nền tảng số tự nâng cấp, phát triển và mở rộng mà còn giúp các cơ quan quản lý tăng tốc, nhanh chóng CĐS phù hợp với bối cảnh đơn vị.

Để ngày càng có nhiều hơn nữa các nền tảng tham gia vào việc phục vụ người dân, từ góc nhìn của một đơn vị phát triển nền tảng số, Cốc Cốc đề xuất các cơ quan QLNN có thể trở thành cầu nối giữa các đơn vị phát triển nền tảng số từ người dân, doanh nghiệp (DN) cho đến các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Cụ thể, với người dân, cần tạo ra các điểm chạm gần gũi, tổ chức các chương trình, hoạt động để người dân làm quen, hiểu và dễ dàng dùng thử các nền tảng số. Từ đó nâng cao nhận thức, kỹ năng và xây dựng thói quen tương tác trong thế giới số cho người dân.

Hay các đơn vị phát triển nền tảng số tham gia xây dựng các giải pháp để hỗ trợ CĐS cho DN. Đồng thời, các DN cùng nhau cộng hưởng năng lực, nguồn lực phổ biến nền tảng số đến khách hàng, từ đó chung tay tạo thêm nhiều giá trị cho xã hội và người dân.

Cuối cùng, đối với các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, cần có chính sách hỗ trợ đơn vị phát triển nền tảng số kết nối và tiếp cận với các nguồn lực đầu tư về công nghệ, tài chính và con người nhằm cập nhật ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cấp năng lực của nền tảng số.

“Bên cạnh đó, tôi cho rằng rất cần có hành lang pháp lý phù hợp nhằm hỗ trợ việc phát triển và phổ biến hơn nữa các nền tảng số Make in Viet Nam, tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh giữa nền tảng số nội địa với sản phẩm từ các ông lớn công nghệ “nhập khẩu” với mục tiêu “dữ liệu của ngưCời Việt phải được lưu trữ tại Việt Nam””, Phó Tổng giám đốc Mai Thị Thanh Oanh kiến nghị.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT - Chuyên đề Kinh tế số - Xã hội số tháng 10/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngăn dòng dữ liệu của người dùng Việt chảy ra nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO