Ngành bán lẻ muốn tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia

Lan Phương| 05/10/2021 09:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngành bán lẻ đang gặp phải những khó khăn, thách thức lớn trong đại dịch COVID-19 và việc ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) được xem là giải pháp để tăng sức đề kháng cho ngành cũng như các doanh nghiệp (DN) bán lẻ.

Những khó khăn, thách thức do COVID-19 đối với ngành bán lẻ

Theo kết quả khảo sát của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đối với các DN thuộc nhóm ngành bán lẻ, gần 42% DN chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, 50% DN đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% DN bị tác động ít, không đáng kể. Việc cắt giảm chi tiêu của số đông người lao động khi họ phải nghỉ việc do dịch bệnh bùng phát dẫn tới thu nhập bị giảm sút chính là nguyên nhân tác động và ảnh hưởng tới ngành bán lẻ.

Cộng với đó là những khó khăn nội tại của từng DN như thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng khi đa số nguồn hàng, nguồn nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất đều có xuất xứ từ Trung Quốc... khiến cho không ít DN ngành bán lẻ rơi vào tình trạng khó khăn.

Mới đây, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết COVID-19 đã gây nhiều hệ luỵ, khó khăn trong suốt thời gian qua. Bán lẻ là ngành phụ thuộc khách hàng, người tiêu dùng và do đại dịch COVID-19 nên tốc độ mua sắm giảm nhiều. Trong thời gian giãn cách, ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành bán lẻ gặp nhiều khó khăn về nhân sự, chuỗi bán lẻ bị đứt gãy, không đủ kinh phí vận hành, người tiêu dùng cắt giảm chi phí, dẫn tới lĩnh vực không có lợi nhuận, doanh số sụt giảm mạnh.

Đại diện cho nhóm hàng thời trang, ông Trần Bá Duy, Thành viên HĐQT Công ty Toàn Nhân, Giám đốc tài chính thương hiệu Biluxury cho biết đơn vị bán lẻ này cũng chịu sự tác động lớn về hoạt động kinh doanh do đại dịch. Hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm (showroom) Biluxary hiện diện ở 51/63 tỉnh bị đóng cửa.

Cũng theo chia sẻ của ông Duy, COVID-19 đã thay đổi hành vi mua sắm, tiêu dùng của khách hàng nên trải nghiệm thực tế tại các showroom phải chuyển lên trải nghiệm trên không gian số. "Chúng tôi đã gặp thách thức trong đáp ứng trải nghiệm số mới bởi có những thiếu sót trong hệ thống CNTT", ông Duy cho biết.

Trong khi đó, TS. Trần Viết Huân, Giám đốc công nghệ (CTO) của Tập đoàn Sơn Kim, đơn vị quản lý chuỗi cửa hàng tiện lợi GS 25 cho biết thách thức của lĩnh vực trong đại dịch trước tiên là ở cấp lãnh đạo, phải thay đổi tư duy không chỉ bán một số mặt hàng tiện lợi truyền thống. Theo đó, cửa hàng tiện lợi cần trở thành nền tảng phong cách (style platform) nơi người dân, có thể mua sắm, thực hiện các dịch vụ, thậm chí tận hưởng các hoạt động khác.

Ngành Bán lẻ muốn tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tập đoàn cũng đã phân tích tình hình dịch, hành vi khách hàng rất sớm. "Ngay 1 - 2 tuần trước dịp lễ 30/4/2021, chúng tôi đã chuyển sang cơ chế sẵn sàng đối phó với dịch COVID-19, thay đổi mô hình vận hành của chuỗi cửa hàng mà vẫn phải bảo đảm an toàn cho nhân viên. Sơn Kim cũng xác định rõ sẽ phải đồng hành cùng chính quyền chống dịch, đảm bảo cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân xung quanh cửa hàng một cách linh hoạt. Để thay đổi mô hình kinh doanh, hiểu hành vi khách hàng phải có dữ liệu. Từ dữ liệu để biết được mặt hàng nào bán chạy, mặt hàng nào không và tất cả dữ liệu đều phải ở thời gian thực để phân tích giá trị, tình hình kinh doanh của từng cửa hàng… từ đó đưa ra quyết định linh hoạt", ông Huân cho hay.

Một thách thức nữa, ông Huân cho biết sự thay đổi mô hình kinh doanh trong thời dịch bệnh đã tạo áp lực lớn lên bộ phận vận hành, đội ngũ hàng ngày tương tác với khách hàng khi phải kiêm nhiệm rất nhiều việc cùng lúc… thậm chí, có thời điểm đội ngũ nhân viên phải ăn, ngủ tại cửa hàng. Giải pháp lúc này chính là tự động hóa công việc tại cửa hàng.

"Tự động hóa quy trình, đảm bảo an toàn nhân viên, dự báo phân tích tình hình và biến đại dịch trở thành cơ hội là mục tiêu của GS 25 và do đó GS 25 đã tăng được doanh số bán hàng lành mạnh, đồng thời tận dụng cơ hội sẵn có để mở rộng hoạt động", ông Huân chia sẻ.

Cũng theo ông Huân, trước những khó khăn và thách thức do đại dịch, các DN bán lẻ nhận thấy phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh hoạt động lên môi trường số. Trong COVID, GS 25 cũng đã công bố trang bán hàng online. Đây là cơ hội cho DN khi hành vi khách hàng thay đổi.

Ngành Bán lẻ muốn tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 2.

Khi xoay chuyển như vậy, bà Vũ Thị Hậu cho rằng cũng cần phải có thời gian nhất định, trang thiết bị, con người bởi việc vận hành bán hàng đa kênh không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được ngay. Hiện các nhà bán lẻ đang phải chuyển mình, đầu tư, thích hợp với sự thay đổi của thị trường, người tiêu dùng.

Các giải pháp thúc đẩy hoạt động trên môi trường số giúp tăng đề kháng cho DN bán lẻ

Để DN bán lẻ xoay chuyển trong đại dịch, ông Đỗ Thành Công, FPT Software cho biết giải pháp nhanh chóng nhất là DN phải xác định công nghệ sẽ giúp cho DN tăng trưởng về năng suất, tiết kiệm chi phí. Vào thời điểm này, để mang lại kết quả ngay thì chỉ "go online" (lên môi trường số) nhanh nhất có thể.

Theo ông Công, có nhiều hình thức "go online" khác nhau. Nếu DN chưa có thời gian để phát triển một trang web riêng hay chưa đáp ứng nguồn cung trực tuyến thì có thể dựa vào đơn vị thứ ba. Trong thời gian đại dịch, đã có siêu thị đưa một tính năng đi siêu thị trên ứng dụng gọi xe Be hay tạo tính năng đi chợ theo combo. Khách hàng chỉ cần nhấn vào combo này, hàng sẽ được vận chuyển đến nhà, vừa tiết kiệm thời gian cho khách hàng trong việc lựa chọn hàng hoá, cũng như nhân công của siêu thị. Hay chuỗi cửa hàng thời trang có thể sử dụng tính năng "live stream" (phát trực tuyến) để bán hàng.

Ngành Bán lẻ muốn tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 3.

"Những cách làm này không mất quá nhiều thời gian so với việc tạo hệ thống mới mà vẫn có thể tiếp cận khách hàng nhanh nhất", ông Công cho hay.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Sơn Kim, ông Huân cho biết may mắn là cuối năm 2019, Sơn Kim đã xây dựng lộ trình CĐS của đơn vị này dựa trên một số trụ cột: môi trường làm việc số với nền tảng văn hóa kết nối toàn bộ nhân viên; bán hàng đa kênh, hiện diện trên môi trường trực tuyến. "Tháng 4/2020, các cửa hàng phải đóng cửa, chúng tôi đã có kênh online. Có thể nói, COVID-19 là chất xúc tác để công ty thu hút khách hàng lên kênh online".

Lúc Sơn Kim xây dựng lộ trình CĐS, đơn vị này cũng xác định thay đổi hệ thống hoạch định nguồn lực DN (ERP), vì khi doanh số bán hàng online tăng thì phải đảm bảo việc vận hành của DN ở thời gian thực, có nghĩa là đội ngũ của DN hay khách hàng đều phải biết sản phẩm còn hay hết. Để làm được điều đó phải có nền tảng số vững chắc và phải có ERP.

"Đây có thể nói là điều kiện sống còn nên phải đầu tư, triển khai. May mắn dự án ERP của Sơn Kim xong thì COVID-19 bùng phát và nền tảng hỗ trợ rất tốt công việc kinh doanh trong đại dịch. Hy vọng trải qua những đợt bùng phát dịch vừa rồi, các DN đều đã biết cần phải làm gì. Lên môi trường số và bán hàng đa kênh không chỉ đáp ứng trải nghiệm của khách hàng mà còn là một dự phòng của DN", ông Huân nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về giải pháp công nghệ hỗ trợ DN CĐS, ông Công cho biết FPT Software hiện đang phát triển giải pháp RPA (giải pháp tự động hóa quy trình bằng robot phần mềm), có thể tự động những thao tác lặp đi lặp lại của con người trên phần mềm máy tính. Chẳng hạn như DN bán lẻ muốn thu thập giá cả của các công ty cạnh tranh, giải pháp RPA là các bot của FPT có thể lên tất cả các trang web để thu thập thông tin và chuyển thành các bảng hay dashboard giúp DN so sánh các mức giá ở thời gian thực hỗ trợ DN đưa ra các quyết định. Việc thu thập này tự động hóa đến 90% thao tác nghiệp vụ, giúp giảm thời gian, nhân sự xử lý.

Ngành Bán lẻ muốn tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 4.

Hiện FPT có akaBot, Ubot đang được triển khai cho nhiều DN Việt Nam, trong đó có các DN bán lẻ. Trước đây, bộ phận tài chính một DN bán lẻ có thể xử lý 1 triệu hóa đơn/năm, và cần đến 50 kế toán, nay áp dụng giải pháp tự động hóa thì chỉ cần khoảng 15 - 20 kế toán viên, những người còn lại có thể chuyển sang làm những công việc mang lại giá trị cao hơn. Các bộ phận khác trong DN cũng có thể ứng dụng giải pháp tự động hóa để tăng năng suất lao động.

Cũng theo ông Huân, khi DN tăng trưởng thì đòi hỏi đội ngũ tăng theo. Tự động hoá, tối ưu hóa giúp tăng trưởng, phát triển nhanh mà không tăng chi phí nhiều cho DN. "Chúng tôi triển khai tự động hóa hóa đơn đã giúp bộ phận kế toán rất nhiều. Đây là cơ hội để thúc đẩy kinh doanh, giảm chi phí, tăng phúc lợi cho người lao động".

Lĩnh vực bán lẻ muốn tham gia vào Chương trình CĐS quốc gia

Chia sẻ tại tại tọa đàm Tek Talk do IDG tổ chức mới đây, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch VAR cho biết ngành Bán lẻ là một ngành rất cần CĐS và mong lĩnh vực nằm trong Chương trình CĐS quốc gia.

Bà Vũ Thị Hậu cho biết ngành bán lẻ hiện không nằm trong 8 lĩnh vực được ưu tiên CĐS trong Chương trình CĐS quốc gia giai đoạn 2021 - 20215 và hướng tới năm 2030. VAR đang có đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ xếp ngành Bán lẻ nằm trong nhóm các lĩnh vực được ưu tiên CĐS trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo bà Hậu, ngành Bán lẻ là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, phụ thuộc vào DN. Các DN bán lẻ cũng đã rất quan tâm, chú trọng CĐS. Dù không nằm trong Chương trình CĐS Quốc gia thì lĩnh vực cũng đã phải tự mình CĐS để thích ứng và phát triển trong bối cảnh đại dịch COVID-19. CĐS có thể nói đang được DN bán lẻ hướng tới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Ngành bán lẻ muốn tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO