An toàn thông tin

Ngành ngân hàng tăng trưởng mạnh và dẫn đầu chi tiêu về ATTT tại Việt Nam năm 2022

TH 25/12/2022 09:17

Trong năm 2022, các ngân hàng tại Việt Nam tiếp tục chú trọng đầu tư cho an toàn thông tin (ATTT) và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống tấn công mạng.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn trước bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng tại Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng mạnh và phục hồi trở lại trong 9 tháng đầu năm 2022. Theo phân tích của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), lợi nhuận nhóm ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh trong quý III năm 2022 bất chấp lãi suất tăng gây áp lực lên tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).

Tính đến ngày 16/09/2022, tín dụng toàn nền kinh tế Việt Nam tăng 10,47% so với thời điểm cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến thời điểm 20/6/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,48%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 5,47%).

3-88-.jpeg

Tuy ghi nhận những kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm, nhưng giới chuyên gia đánh giá, triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng trong giai đoạn cuối năm và các năm tới sẽ gặp khó và có sự phân hóa khá cao. Trong báo cáo cập nhật về ngành mới phát hành, Bộ phận Phân tích Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 – 2021.

Động lực tăng trưởng của các ngân hàng bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng. Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng trong nước, tổng chi phí dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm đạt 61,625 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Top 10 ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất gồm BIDV, VietinBank, VPBank, Agribank, Vietcombank, MB, Sacombank, SHB, HDBank và TPBank. Tổng chi phí dự phòng rủi ro của 10 ngân hàng này đạt 57,215 tỷ đồng, chiếm 92,8% tổng chi phí của cả 28 ngân hàng.

Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro có xu hướng giảm, nhưng đầu tư cho ATTT vẫn được các ngân hàng chú trọng, nhờ sự thúc đẩy từ ngân hàng nhà nước (NHNN). NHNN đặc biệt quan tâm công tác ATTT và đã không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành khung pháp lý về ATTT. Trong các Chỉ thị được Thống đốc NHNN ban hành từ đầu năm 2022 đều có nhiệm vụ về đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin.

Cụ thể, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022, một trong những nhiệm vụ quan trong đối với các đơn vị thuộc NHNN là “Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ”. Trong đó, Thống đốc NHNN yêu cầu: Tăng cường và nâng cao công tác giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; công tác an ninh, an toàn, bảo mật trong các hoạt động thanh toán, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của NHNN.

Đồng thời thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn bảo mật các hệ thống thông tin quan trọng; kịp thời cảnh báo, khuyến nghị về các vấn đề rủi ro cũng như các giải pháp tăng cường an ninh, an toàn; đảm bảo hoạt động liên tục, an toàn của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Năm 2022, nhóm ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các dịch vụ giám sát ATTT, trung tâm điều hành ATTT (SOC). Ngoài ra, với các mối đe dọa mạng phổ biến trong ngành như tấn công lừa đảo, mã độc tống tiền, phần mềm độc hại, xâm nhập, gian lận, từ chối dịch vụ phân tán (DDoS), ngành ngân hàng đang chú trọng vào các dịch vụ như dịch vụ chống tấn công DDoS, dịch vụ Threat Intelligence để cập nhật sớm các nguy cơ về ATTT, dịch vụ kiểm tra, đánh giá ATTT mạng , dịch vụ tấn công kiểm thử theo yêu cầu (Red Teaming)…

Năm 2022, Viettel Threat Intelligence cũng nhận thấy sự gia tăng của các hành vi đánh cắp thông tin người dùng để lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản lên tới hàng tỉ đồng, tội phạm mạng sử dụng nhiều hình thức khác nhau, ngày càng tinh vi để đánh cắp các thông tin bảo mật (tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking, mã OTP, thông tin thẻ,…), thông qua nhiều hình thức như gọi điện, tin nhắn SMS, email, chat zalo, viber hoặc các link giả mạo….

Vì vậy, ngành ngân hàng cũng đang tìm kiếm những giải pháp liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, gia tăng nhận thức ATTT cho người dùng, nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng và gia tăng lợi thế cạnh tranh./.

Bài liên quan
  • Bảo mật hệ sinh thái ngân hàng số với giải pháp quản trị API
    Ngân hàng số mang đến nhiều cơ hội cải thiện trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính, tuy nhiên nó cũng làm tăng tính kết nối và bề mặt tấn công, gây ra những rủi ro về an toàn thông tin (ATTT) mạng. Do đó, cần phải có những giải pháp để đảm bảo an ninh mạng và tập trung vào phạm vi rộng hơn.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành ngân hàng tăng trưởng mạnh và dẫn đầu chi tiêu về ATTT tại Việt Nam năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO