Ngành TT&TT năm 2021: 7 sự kiện nổi bật do Tạp chí TT&TT lựa chọn

Nhóm PV| 21/12/2021 06:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Tạp chí Thông tin và Truyền thông lựa chọn và trân trọng giới thiệu 7 sự kiện tiêu biểu của ngành Thông tin và Truyền thông trong năm 2021.

7 sự kiện nổi bật ngành thông tin và truyền thông 2021Về đầu trang

Ngành thông tin và truyền thông 2021

7 sự kiện nổi bật

Do Tạp chí Thông tin và Truyền thông lựa chọn

Năm 2021 là một năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Bên cạnh đó, sự tái bùng phát của dịnh bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam đã làm cho năm 2021 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức với cả nước trong phòng chống dịch bệnh đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế, xã hội, đời sống của người dân.

Chung tay cùng Chính phủ, toàn ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền; triển khai ứng dụng công nghệ giúp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo tốt cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các hoạt động sinh hoạt, làm việc, học tập của xã hội trong tình hình mới.

Với nỗ lực hết mình, năm 2021, toàn Ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất ý nghĩa. Tạp chí TT&TT lựa chọn 7 sự kiện tiêu biểu của ngành TT&TT trong năm 2021.

Báo chí - truyền thông hoạt động hiệu quả, tạo ổn định xã hội

Ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó giao Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan liên quan định hướng công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu phù hợp với từng thời kỳ; chủ trì theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện Chỉ thị.

Từ ngày 20/01 - 01/02/2021, các cơ quan báo chí đã có gần 1 vạn tin/bài thông tin, tuyên truyền về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong ngày bầu cử 23/5, số tin bài về bầu cử được đăng tải trên báo chí chiếm 31% số lượng tin bài trong ngày. Nội dung thông tin tạo hiệu ứng lan tỏa tốt về Đại hội đảng, cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần tạo nên sự thành công của Đại hội và cuộc bầu cử.

 Báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Trong cuộc chiến với COVID, với phương châm “chống dịch” chứ không chỉ đưa tin về dịch, Bộ TT&TT chỉ đạo các quan báo chí tham gia vào việc phòng chống COVID-19, định hướng thông tin toàn xã hội bằng việc đưa tin chính xác, xử lý các tin sai trái. Bộ TT&TT cũng đã vào cuộc cùng UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” trong giai đoạn TP. HCM thực hiện giãn cách nghiêm ngặt từ 23/8 đến 15/9/2021. Đây là lần đầu tiên chính quyền đối thoại trực tiếp với người dân trên nền tảng mạng xã hội, chia sẻ và kết nối thông tin giữa chính quyền và người dân, giải đáp những khúc mắc về cơ chế, chính sách, trong công tác phòng, chống dịch. Chương trình đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong công chúng, tạo ổn định, góp phần khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Năm 2021, báo chí - truyền thông đã tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh phản ánh trung thực dòng chảy xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội.

Tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chúng ta tự hào và khẳng định báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

 Báo chí Việt Nam đã có một năm 2021 đồng hành, tiên phong trong phòng chống, đại dịch COVID-19, tuyên truyền chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, tạo sự ổn định, đồng thuận xã hội và phát triển kinh tế.

Bưu chính Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế

Ngày 26/8/2021, tại cuộc bầu cử diễn ra trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 27 của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính của UPU nhiệm kỳ 2022 - 2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào vị trí này. Việc các nước tín nhiệm bầu Việt Nam vào Hội đồng Khai thác Bưu chính UPU khẳng định vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế của Việt Nam.

 Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính của UPU nhiệm kỳ 2022 - 2025 (Nguồn: Báo Quốc tế)

Thành công này cũng thể hiện nỗ lực to lớn của ngành Bưu chính Việt Nam khi đã đóng góp tích cực vào các hoạt động của UPU từ nhiều năm qua, tạo được uy tín và sự tin cậy cao đối với các nước thành viên. Đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Khai thác Bưu chính UPU là dịp để Việt Nam đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung của Hội đồng, đó là hỗ trợ Bưu chính các nước hiện đại hóa và nâng cấp các dịch vụ và sản phẩm bưu chính. Đây còn là cơ hội tốt để Bưu chính Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác song phương với các nước thành viên UPU, qua đó thúc đẩy các dự án hợp tác để cải tiến tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng mạng lưới và dịch vụ bưu chính trong nước.

Trong năm 2021 cũng ghi nhận lĩnh vực bưu chính tăng hạng về phát triển. Theo Chỉ số phát triển Bưu chính thế giới (2IDP) năm 2021, Bưu chính Việt Nam tăng 2 bậc. Cụ thể, trong bảng xếp hạng 2IDP, Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm 2020 và là một trong 04 nước trong khu vực ASEAN lọt vào top 50. Đây là thông tin được UPU công bố chính thức trong khuôn khổ buổi lễ kỷ niệm ngày Bưu chính Thế giới 2021 vào ngày 8/10/2021.

 Lĩnh vực bưu chính đã thể hiện được rõ vai trò của mình trong đại dịch. Tốc độ tăng trưởng bưu chính vẫn được duy trì. Các doanh nghiệp bưu chính chủ lực đã thể hiện vai trò là chuỗi logistics cuối cùng không bị đứt gãy. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn

Đánh giá về phát triển của lĩnh vực bưu chính trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh lĩnh vực bưu chính đã thể hiện được rõ vai trò của mình trong đại dịch. Tốc độ tăng trưởng bưu chính vẫn được duy trì. Các doanh nghiệp (DN) bưu chính chủ lực như Bưu điện Việt Nam (BĐVN), Viettel Post, Giao hàng Tiết kiệm… đã thể hiện vai trò là chuỗi logistics cuối cùng không bị đứt gãy. Các DN bưu chính đã có những cách làm mới để ứng phó với thảm hoạ như đại dịch COVID-19.

Tổng doanh thu lĩnh vực bưu chính năm 2021 đạt 37.000 tỷ đồng, tăng từ 33.192 tỷ đồng năm 2020. Số doanh nghiệp (DN) bưu chính là 656, tăng 106 DN so với năm 2020. 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ.

Hiện tại, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, bưu chính được coi là một hạ tầng thiết yếu của kinh tế số.

Mobile Money được cấp phép thí điểm

Cuối tháng 11/2021 và đầu tháng 12/2021, cả 3 nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel đều đã chính thức được phép triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money trên phạm vi toàn quốc.

Theo thống kê, hiện vẫn có khoảng 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Tính đến 10/2021, Việt Nam có hơn 123 triệu thuê bao di động đang hoạt động có phát sinh lưu lượng, trong đó có gần 71 triệu thuê bao Internet di động. Chưa kể đến, các nhà mạng đã phủ sóng đến 99% diện tích Việt Nam, cung cấp dịch vụ tại 11.000 phường/xã trong cả nước, bao gồm các xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo gồm cả vùng mặt biển cách đất liền tới 100 km.

Do đó, Mobile Money được kỳ vọng sẽ như một “cú hích” đủ mạnh để tạo ra sự bùng nổ cho thanh toán không dùng tiền mặt, vì nó giống như một tiện ích thêm vào dịch vụ viễn thông vốn đã rất quen thuộc với mọi người. Điều này được đánh giá là sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, phổ cập tài chính số, thanh toán số từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, biển đảo - kể cả những nơi hệ thống tài chính ngân hàng còn khó tiếp cận. Trước Việt Nam, đã có hơn 95 quốc gia cho phép sử dụng Mobile Money và đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%

Mặc dù có lợi thế về vùng phủ dịch vụ, nhưng Mobile Money cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Đó là bài toán thay đổi hành vi, thói quen mua bán và thanh toán của khách hàng, khi mà làm sao để người sử dụng từ hiểu đến tin tưởng sử dụng Mobile Money trong cuộc sống không tiền mặt và hưởng lợi trực tiếp từ hệ sinh thái tài chính số. Đó là là sự bùng nổ của các ví điện tử có sẵn lượng người dùng lớn, tiềm lực tài chính mạnh, cũng như sự tích cực chuyển đổi số của ngân hàng thông qua việc ứng dụng eKYC. Nhiều ý kiến cho rằng, Mobile Money với hạn mức thanh toán khá thấp (10 triệu/tháng) sẽ chỉ giúp tạo thêm một kênh thanh toán, giao dịch trong hệ sinh thái không dùng tiền mặt tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Mặc dù vậy, với việc Mobile Money được các nhà mạng triển khai, tương lai thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, và cái ngày “quên dùng tiền mặt” sẽ giống như câu chuyện của viết thư tay với thư điện tử (email) hiện nay.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” - dừng đến trường nhưng không dừng việc học

Trong bối cảnh cả nước căng sức chống đại dịch COVID-19 và hàng triệu học sinh, sinh viên đã không thể tới trường học tập một cách bình thường nhất. Nhằm thích ứng với tình hình, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, do những khó khăn về kinh tế, nhiều gia đình đã không thể và không đủ điều kiện mua sắm các phương tiện và thiết bị học tập trực tuyến; nhiều nơi sóng viễn thông chập chờn hoặc không được kết nối. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” ra đời có một ý nghĩa nhân văn, giúp các em học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn, tiếp tục theo đuổi học tập.

Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các địa phương tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy triển khai hạ tầng viễn thông, xóa bỏ vùng “lõm sóng”, vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương giúp thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền.

Với tính chiến lược và ý nghĩa nhân văn to lớn, sau một thời gian ngắn triển khai, chương trình đã truyền đi năng lượng tích cực, nhận được sự ủng hộ của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân.

Các tổ chức, đơn vị thuộc ngành Ngân hàng, ngành GD&ĐT, ngành TT&TT, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN, UBND tỉnh, thành phố… đã cam kết hỗ trợ hơn 1 triệu máy tính bảng để hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến (trong đó có 400.000 máy từ Quỹ Viễn thông công ích (VTCI) theo Chương trình VTCI đang trình Thủ tướng phê duyệt, 100.000 máy từ các DN ngành TT&TT).

Về phủ sóng, ngay trong tháng 9/2021, các nhà mạng đã hoàn thành ứng cứu cho 283 điểm “lõm sóng” tồn tại từ nhiều năm nay trên địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Phước, Đồng Tháp, Khánh Hòa. Đến tháng 11/2021 nâng tổng số trạm lắp đặt ứng cứu là gần 1.000 trạm trên toàn quốc và trong thời gian tới sẽ tiếp tục phủ nốt các điểm trạm tại các khu vực lõm sóng theo chương trình VTCI đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, các nhà mạng đã nâng cao chất lượng sóng nhằm thực hiện mục tiêu ứng dụng, phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, số hóa việc học tập, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số.

Qua Chương trình, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận máy tính, thiết bị công nghệ và có sóng phục vụ cho việc học tập theo đúng tinh thần “dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, thúc đẩy phát triển bình đẳng và CĐS mạnh mẽ toàn xã hội.

 Thiếu tá Lê Anh Tuấn - Đội tổng hợp Công an huyện Cư M’gar hướng dẫn học sinh có hoàn cảnh khó khăn sử dụng laptop do anh trao tặng. (Ảnh: Daklak.gov.vn)

Chiến lược CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 - tạo đà cho CĐS quốc gia

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên, sau 20 năm triển khai CPĐT, Việt Nam đã chính thức ban hành một văn bản Chiến lược ở tầm quốc gia với các định hướng lớn về phát triển CPĐT. Chiến lược đã xác định được tầm nhìn, mục tiêu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo một lộ trình, bảo đảm việc triển khai được đồng bộ, kế thừa, kết nối, phát triển cả chiều sâu, chiều rộng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế lớn trong phát triển CPĐT như tỷ lệ dữ liệu quốc gia, hệ thống nền tảng CPĐT chậm được triển khai; an toàn, an ninh mạng còn nhiều thách thức; việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, các hệ thống thông tin phân mảnh, trùng lặp, cát cứ dữ liệu.

Trong giai đoạn 2014-2020, Việt Nam đã duy trì việc tăng hạng CPĐT của Liên Hợp Quốc liên tục, từ vị trí 99 lên vị trí 86; lọt vào nhóm các nước phát triển có CPĐT ở mức cao, thậm chí cao hơn chỉ số trung bình thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 trên cả nước đạt 68,07%; trong đó tỷ lệ DVCTT mức độ 4 là 50% (tính đến ngày 20/11/2021).

Hệ thống các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã được hình thành trên quy mô quốc gia theo Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam; bao gồm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của mỗi bộ, tỉnh (LGSP) và các nền tảng này được kết nối với nhau thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Tính đến ngày 24/11/2021, tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong tháng 11/2021 là 33.538.067, tăng gấp gần 1,5 lần so với tháng 10/2021; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2021 là 102.298.870. Cùng với đó, các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia đã từng bước được xây dựng, tạo nền tảng phát triển CPĐT, điển hình như CSDL quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đã được Bộ Công an chính thức đưa vào vận hành. Đây là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại.

Với vai trò chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược, để hỗ trợ các địa phương CĐS, Bộ TT&TT đã đẩy mạnh công tác điều chuyển, biệt phái cán bộ chủ chốt về địa phương, cơ sở để tham gia lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Sở TT&TT, phụ trách CNTT nhằm giúp địa phương, cơ sở triển khai công tác CĐS, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tới nay đã có 06 lãnh đạo cấp Cục và tương đương, 01 lãnh đạo cấp phòng được điều chuyển, biệt phái.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban CĐS quốc gia chủ trì phiên họp thứ nhất ngày 30/11/2021.

Cũng trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 24/9/2021 về việc Kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về CĐS, nhằm tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt về CĐS quốc gia trong giai đoạn mới. Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban đã cho thấy rõ sự quyết tâm, lãnh đạo chỉ đạo của Người đứng đầu Chính phủ đối với công cuộc CĐS ở nước ta, nhằm thực hiện nhiệm vụ CĐS trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thành lập Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia

Ngày 4/6/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-BTTTT về việc thiết lập lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 với tên gọi Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm được thành lập với một sứ mệnh quan trọng chuyển từ phòng ngừa sang tấn công COVID-19 bằng công nghệ.

 Chúng ta từng bước hoàn thiện quy trình phòng, chống dịch COVID-19, từ 5K, vaccine, thuốc, đến công nghệ,... mục đích cuối cùng là cứu người bệnh, đẩy lùi dịch bệnh. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Teleheath) tới 100% tuyến huyện và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia do Bộ TT&TT và Bộ Y tế phối hợp tổ chức. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta từng bước hoàn thiện quy trình phòng, chống dịch COVID-19, từ 5K, vaccine, thuốc, đến công nghệ, cộng với các biện pháp khác, có thể là đông tây y kết hợp, mục đích cuối cùng là cứu người bệnh, đẩy lùi dịch bệnh”.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Tại Hội nghị triển khai nền tảng tiêm chủng phòng COVID-19, ngày 16/10/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định “Trung tâm ra đời với sự chung tay đóng góp của hơn 20 DN công nghệ số Việt Nam, một hệ thống phần cứng giá trị hàng ngàn tỷ đồng do các DN hỗ trợ, hàng trăm lập trình viên làm việc ngày đêm, hàng ngàn người triển khai và vận hành hệ thống, mọi người cũng đi vào tâm dịch và ở tại đó 4 tháng. Có lẽ cũng chỉ có người Việt Nam chúng ta là có tinh thần này, nhất là những lúc nguy nan”.

Theo thống kê của Cục Tin học hoá - Bộ TT&TT đến đầu tháng 12/2021, có hơn 30 triệu người đang sử dụng các nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30/9/2021, Bộ TT&TT đã hoàn tất việc phát triển một ứng dụng duy nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Quốc gia lấy tên là PC-Covid. Ứng dụng PC-Covid đã được đưa lên kho ứng dụng Apple và Google vào ngày 30/9/2021 và chính thức được giới thiệu vào ngày 01/10/2021. Đến ngày 25/11/2021, toàn quốc có 30.557.359 điện thoại thông minh (smartphone) cài PC-Covid, chiếm 31,85% dân số, 45,82% số smartphone.

Việt Nam tăng 25 bậc về Chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu

Cuối tháng 6/2021, Liên minh Viễn thông quốc (ITU) đã công bố Báo cáo xếp hạng chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (ATANM) toàn cầu (Global Cybersecurity Index - GCI) năm 2020. Trong đó Việt Nam đã tăng 25 bậc so với năm 2018, vươn lên vị trí thứ 25 trong tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo đánh giá, Việt Nam đạt tổng điểm 94,59/100, với sự cải thiện điểm ở cả 5 trụ cột: Pháp lý, Kỹ thuật, Tổ chức, Phát triển năng lực và Hợp tác. Đáng chú ý, Việt Nam đạt điểm tuyệt đối (20/20) ở trụ cột Pháp lý và Hợp tác.

Đạt được kết quả này là nỗ lực lớn của Việt Nam trong một chặng đường dài với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề đảm bảo ATANM; nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm ATTT theo mô hình 4 lớp; vai trò Bộ Công an và Bộ TT&TT để Việt Nam có một hành lang pháp lý về ATANM cơ bản đầy đủ; sự phát triển của các DN ATANM Việt Nam, vai trò tích cực của các DN viễn thông, Internet, CNTT.

Cùng với đó, việc Việt Nam sớm có chương trình, đề án để phát triển bài bản, dài hạn cho nguồn nhân lực ATANM và xây dựng Hệ sinh thái sản phẩm ATANM “Make in Viet Nam” cũng góp phần nâng cao năng lực ATANM của Việt Nam, được ITU ghi nhận và đánh giá cao. Thực tế, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm ATANM nội địa, cho phép Việt Nam có thể tự chủ về công nghệ và giải pháp ATANM.

Mặc dù vậy, để giữ vững kết quả đã đạt được và trở thành cường quốc an ninh mạng, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, Việt Nam cần phải luôn duy trì, đẩy mạnh, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực ATANM quốc gia. Trong đó, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về ATANM; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái sản phẩm ATTT "Make in Viet Nam" và phát triển đội ngũ chuyên gia xuất sắc, nâng cao năng lực ATANM Việt Nam.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói chuyện với sinh viên Học viện công nghệ BCVT: Để có những bứt phá trong lĩnh vực ATANM, Việt Nam đã sớm có chương trình, đề án phát triển bài bản, dài hạn nguồn nhân lực ATANM.

Cùng với việc duy trì quyết tâm chính trị của Việt Nam, sự vào cuộc dài hạn và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ các bộ, ngành, địa phương cùng với sự nỗ lực của các tổ chức, DN, cá nhân, chúng ta tin rằng tương lại không xa Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về ATANM.

Thực hiện: Nhóm PV

Xuất bản: Tháng 12/2021


Chia sẻ bài viết này

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện Việt Nam - Khẳng định thương hiệu quốc gia
    Trên hành trình dài của mình, thương hiệu Bưu điện Việt Nam (BĐVN) khẳng định vai trò là một doanh nghiệp (DN) phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bưu chính, trở thành biểu tượng tin cậy của khách hàng, người dân và xã hội và được sự công nhận của Chính phủ và chính quyền các cấp.
  • Những người làm báo từ rừng về phố
    Ngày 30/4/1975, trong những cánh Giải phóng quân từ khắp nẻo tiến về Sài Gòn, có cả một đội quân nhà báo xuất phát từ các chiến khu hoặc hành quân theo các binh chủng, đã kịp thời có mặt, chứng kiến giây phút trọng đại: Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
  • Oracle đầu tư mạnh vào AI tạo sinh, đáp ứng xu hướng "chủ quyền dữ liệu"
    Nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây của Hoa Kỳ Oracle đang tăng cường các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của mình khi cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây (ĐTĐM) ngày càng khốc liệt và ngày càng có nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực AI.
  • Mỹ lập hội đồng khuyến nghị ứng dụng AI an toàn cho hạ tầng trọng yếu
    Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra khuyến nghị cách sử dụng công nghệ AI để bảo vệ các hãng hàng không, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng trọng yếu khác, đặc biệt là chống các cuộc tấn công sử dụng AI.
  • Làm gì để phát triển tài năng chuyển đổi?
    Partha Srinivasa, Giám đốc CNTT (CIO) của nhà cung cấp bảo hiểm tài sản và tai nạn Erie có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ đã chia sẻ về cách tiếp cận của ông trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên có tinh thần chuyển đổi.
Đừng bỏ lỡ
Ngành TT&TT năm 2021: 7 sự kiện nổi bật do Tạp chí TT&TT lựa chọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO