Diễn đàn

Ngành TT&TT: Tiếp bước cội nguồn - Khởi tạo tương lai

Bình Minh 25/08/2023 05:15

Là một Bộ quản lý 10 lĩnh vực, trải qua 78 năm hình thành và phát triển, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) luôn duy trì giá trị cốt lỗi của Ngành với 10 chữ vàng "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình".

Đồng thời, Bộ nối tiếp truyền thống, khởi tạo tương lai với các sứ mệnh: Tạo ra niềm tin, đồng thuận xã hội và khát vọng dân tộc, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội...

Những chặng đường hình thành, phát triển các lĩnh vực của Bộ TT&TT

Ngày 28/8/1945 là ngày Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo ra tuyên cáo trước quốc dân đồng bào cũng như toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia gồm các Bộ, ngành để đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc.

Trong số trên 10 Bộ, ngành được thành lập ngày 28/8/1945, cùng với ngành Công tác văn phòng hành chính, ngành Tổ chức Nhà nước, có hai Bộ Thông tin - Tuyên truyền và Bộ Giao thông công chính (trong đó có Sở Bưu điện Trung ương, Sở Vô tuyến điện Trung ương) là nội hàm của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ngành TT&TT ngày nay.

t1.png

Trải qua các thời kỳ, giai đoạn chính, có thể khái quát trên các lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) chính của Bộ gồm lĩnh vực Bưu điện và lĩnh vực Thông tin tuyên truyền như sau:

Giai đoạn 1945 - 1954:

Lĩnh vực Bưu điện trải qua các mốc chính:

Ngày 14 - 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương ra Nghị quyết thành lập “Ban Giao thông chuyên môn”. Đây chính là tiền thân của ngành Bưu điện Việt Nam. Từ đó ngày 15/8 được lấy làm ngày truyền thống của ngành Bưu điện.
Ngày 28/6/1947, Bộ Giao thông công chính đã ban hành Nghị định số 335/NĐ tổ chức lại ngành Bưu điện thành 3 Nha Bưu điện trong cả nước.

Ngày 02/4/1948, Bộ Giao thông công chính ban hành Nghị định số 33/NĐ về tổ chức bộ máy Bưu điện Việt Nam (BĐVN) trong thời kỳ kháng chiến. Ngày 162/6/1951, Chính phủ quyết định sáp nhập ngành Vô tuyến điện (VTĐ) hành chính vào ngành Bưu điện. Nha Bưu điện đổi thành Nha Bưu điện - VTĐ Việt Nam.

Lĩnh vực Thông tin tuyên truyền trải qua các mốc chính:

Ngày 28/8/1945, Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam DCCH có Bộ Thông tin - Tuyên truyền (Việt Nam Dân quốc Công báo số 1 ngày 29/9/1945).

Ngày 01/01/1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam DCCH thành lập Bộ Tuyên truyền và Cổ động (Việt Nam Dân quốc Công báo số 1 ngày 5/01/1946).

Ngày 13/5/1946, Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ấn định hệ thống tổ chức, thông tin, tuyên truyền trong cả nước có Nha Tổng giám đốc thông tin, tuyên truyền, dưới quyền chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Bộ Nội vụ (Việt Nam Dân quốc Công báo số ngày 25/5/1946).

Ngày 27/11/1946, Sắc lệnh số 224/SL của Chủ tịch nước Việt Nam DCCH đổi thành Nha Thông tin (Tổng mục lục luật lệ của nước thời Việt Nam DCCH năm 1945 - 1961, trang 152). Ngày 22/02/1947, Nghị định số 265/NĐ của Bộ Nội vụ, tổ chức Nha Thông tin (Việt Nam Dân quốc Công báo số 8-47, trang 50).

Ngày 10/7/1951, Sắc lệnh của số 36/SL của Chủ tịch nước Việt Nam DCCH sáp nhập Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ vào Thủ tướng phủ (Công báo nước Việt Nam DCCH số 7 ngày 15/8/1951, trang 108).

Ngày 24/02/1952, Sắc lệnh của số 83/SL của Chủ tịch nước Việt Nam DCCH, hợp nhất Nha Thông tin thuộc Thủ tướng phủ và Vụ Văn hóa, nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ (Công báo nước Việt Nam DCCH số 2/52, trang 10).

Tháng 8/1954, Thông cáo của Hội đồng Chính phủ kỳ trung tuần tháng 8/1954, quyết định lập Bộ Tuyên truyền (Công báo số 9/1954, trang 88).

Giai đoạn 1954 -1975:

Lĩnh vực Bưu điện trải qua các mốc chính gồm:

Tại miền Bắc: Ngày 8/3/1955, Nha Bưu đện - VTĐ Việt Nam được đổi tên thành Tổng cục Bưu điện Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Bưu điện. Ngày 13/5/1961, Hội đồng chính phủ ra Quyết định số 63/CP tách Tổng cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông và Bưu điện, đặt thành cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Ngày 09/02/1962, Hội đồng chính phủ ra Quyết định số 12/CP giao thêm nhiệm vụ quản lý các cơ sở kỹ thuật truyền thanh, phát thanh và sự nghiệp phát triển truyền thanh, phát thanh sang cho Tổng cục Bưu điện.

Ngày 18/02/1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra thông báo về việc đổi tên Tổng cục Bưu điện Việt Nam thành Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh Việt Nam.

Ngày 17/6/1967, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 101/CP thành lập cục Bưu điện Trung ương thuộc Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh.

Ngày 21/12/1967, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 219/TTg tách phát thanh và truyền thanh ra khỏi Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh.

Ngày 21/01/1968, Hội đồng Chính phủ quyết định đổi tên Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh thành Tổng cục Bưu điện.

Tại miền Nam

Bưu điện Nam Trung Bộ: Năm 1965 -1968 là thời kỳ mạng thông tin VTĐ phát triển đều khắp cả nước. Đầu năm 1975, Khu ủy khu V chủ trương thành lập Ban Bưu điện khu V để thống nhất hai lực lượng giao bưu và thông tin trong toàn khu.

Bưu điện Nam Bộ: Do nét đặc thù của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Nam Bộ, Bưu điện Nam Bộ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương cục miền Nam, được phân ra hai ngành có quan hệ mật thiết với nhau là: “Giao bưu” và “Thông tin vô tuyến” để dễ chỉ đạo và hoạt động.

Tháng 7/1975, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập theo Quyết định số 024/QĐ-75 của Thường vụ Trung ương cục. Ngày 19/8/1975, Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện chính thức đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cho phép ngành Bưu điện được thống nhất quản lý toàn diện theo ngành dọc trong phạm vi cả nước.

anh-1-78-nam-nganh-tt-tt.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng Bộ TT&TT, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ hưu trí qua các thời kỳ nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành TT&TT và ngày truyền thống ngành Bưu điện

Lĩnh vực Thông tin tuyên truyền trải qua các mốc chính:

Ngày 20/9/1955, Quốc hội nước Việt Nam DCCH khóa thứ V đã thông qua việc đổi tên Bộ tuyên truyền thành Bộ Văn hóa (Công báo số 14/44, trang 192). Sau đó, cấp có thẩm quyền quyết định phê chuẩn thành lập một cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ lấy tên là Tổng cục Thông tin (Công báo số 14/65, trang 205).

Ngày 06/6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thành lập Bộ Thông tin - Văn hóa.

Giai đoạn 1976 đến tháng 8/2007

Lĩnh vực Bưu điện trải qua các mốc chính:

Năm 1976, Tổng cục Bưu điện chính thức đã tham gia Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).

Ngày 02/11/1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 390/CP xác định: “Ngành Bưu điện là cơ quan thông tin liên lạc của Đảng và chính quyền các cấp, đồng thời là một ngành kinh tế - kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, hoạt động theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa và chế độ hạch toán kinh tế”.

Ngày 15/8/1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 121-HĐBT ban hành Điều lệ Bưu chính và Viễn thông. Ngày 31/3/1990, Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam ra Quyết định số 224/QĐ-HĐNN giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện đảm nhận chức năng QLNN đối với ngành Bưu điện.

Ngày 7/4/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 115/HĐBT chuyển Tổng cục Bưu điện thành Công ty Bưu chính - Viễn thông (BCVT) Việt Nam, nằm trong Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện.

Ngày 26/10/1992, Chính phủ ra Nghị định số 03/CP về việc thành lập Tổng cục Bưu điện là cơ quan trực thuộc Chính phủ, có chức năng quản lý nhà nước về BCVT, kỹ thuật truyền dẫn tín hiệu Phát thanh Truyền hình và công nghiệp Bưu điện trong cả nước.

Ngày 7/5/1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 91/TTg chuyển Tổng công ty BCVT thành tập đoàn kinh doanh của Nhà nước.

Năm 1993-2000, thực hiện thành công chiến lược tăng tốc và chuyển sang Chiến lược Hội nhập và phát triển.

Ngày 29/4/1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 249/TTg về việc thành lập Tổng công ty BCVT Việt Nam trực thuộc Chính phủ.

Ngày 11/11/2002, Chính phủ ra Nghị định số 90/2002/NĐ-VP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ BCVT.

Lĩnh vực Thông tin tuyên truyền trải qua các mốc chính gồm:

Ngày 13/7/1977, Quyết định số 96/NQ-QHK6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI phê chuẩn việc hợp nhất Tổng cục Thông tin và Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin (Công báo số 13/1977, trang 393). Ngày 04/7/1981 đổi tên Bộ Văn hóa và Thông tin thành Bộ Văn hóa, ngày 16/02/1987, Quyết định thành lập Bộ Thông tin được ban hành (Phụ lục Công báo số 2/87, trang 18).

Ngày 31/3/1990, Quyết định số 244 NQ/NN thành lập Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch. Ngày 27/7/1991, Bộ đổi thành Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao. Đến Ngày 30/9/1992, Bộ được đổi thành Bộ Văn hóa - Thông tin.

Giai đoạn từ 2007 đến nay

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ BCVT và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ QLNN về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin, tháng 8/2007, Bộ TT&TT được thành lập. Lịch sử ngành TT&TT Việt Nam bước sang một trang mới.

Ngày 19/02/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 28 tháng 8 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam”.

Ngành TT&TT và sự chuyển mình cùng đất nước đổi mới, phát triển

Giai đoạn đất nước đổi mới và phát triển, ngành TT&TT Việt Nam đã có được tốc độ tăng trưởng cao cả về quy mô, doanh số, thị trường và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia vào thị trường ngày càng tăng, nhất là khi Luật Viễn thông, Luật Tần số VTĐ đã mở rộng theo hướng cho tất cả cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ và thiết lập hạ tầng mạng viễn thông.

Mạng lưới và dịch vụ BCVT, Internet trong nước, quốc tế, thông tin hàng hải và truyền báo luôn đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) trong hoàn cảnh khó khăn do lũ, lụt, thiên tai. Thông tin liên lạc từ Trung ương đến địa phương luôn được thông suốt, phục vụ tốt các hoạt động, sự kiện lớn của đất nước cũng như công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm kiếm cứu nạn. Lĩnh vực CNTT tiếp tục phát triển với năng suất và hiệu quả cao. Lĩnh vực báo chí tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng, hình thức và nội dung.

Nhìn chung, ngành TT&TT đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và CNTT; có tốc độ phát triển cao cả về quy mô, doanh thu và thị trường. Sự phát triển mạnh mẽ của Ngành đã có tác động trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước và hội nhập quốc tế.

Với vai trò là người dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xây dựng xã hội số, ngành TT&TT đã có chiến lược và định hướng chính sách phát triển với tầm nhìn: Ngành TT&TT trong giai đoạn mới với hai sứ mạng: Tạo ra niềm tin, đồng thuận xã hội và khát vọng dân tộc; Thúc đẩy CĐS, công nghệ số vào mọi lĩnh vực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra sự tăng trưởng, tăng năng suất lao động, đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, thành nước phát triển.

huan-chuong-hang-nhat-bo-tt-tt-2022.jpeg
Năm 2022, Bộ TT&TT đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích xuất sắc, đột xuất trong xây dựng, triển khai thực hiện chính phủ số, kinh tế số và xã hội số góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo bảo vệ Tổ quốc.

Chia sẻ về hai sứ mạng trên, nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá đã từng chia sẻ việc khởi động CĐS quốc gia mà Ngành dẫn dắt là một chủ trương đúng và cả nước đang cùng thực hiện, thúc đẩy kinh tế số mạnh mẽ, sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Hy vọng Bộ TT&TT sẽ tiến xa hơn nữa và phát triển. Thế hệ cán bộ đi sau kế tiếp thế hệ trước, tạo động lực phát triển của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, đánh giá cao những việc Bộ TT&TT đã làm rất trân trọng và đáng quý. “Qua theo dõi, mừng cho những tiến bộ của Ngành. Bộ TT&TT cố gắng tham mưu cho Đảng và Nhà nước làm những việc mà cuộc sống đang rất cần để đi nhanh, đi tắt đón đầu mà Ngành vẫn luôn thực hiện trong suốt chiều dài phát triển của Ngành”.

Nguyên Thứ trưởng Mai Liêm Trực cũng bày tỏ ấn tượng: “Ngành đang bước vào giai đoạn phát triển thứ 3 là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, của CĐS, lĩnh vực mà Bộ có vai trò tham mưu lớn cho của Đảng, Nhà nước. Giờ đây, toàn dân nói về CĐS. Việc này không dễ dàng và có sự đóng góp của Bộ cả về kỹ thuật và truyền thông. Nhiều địa phương đã đạt kết quả ấn tượng trong CĐS”.

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Phan Khắc Hải chia sẻ sự phát triển mạnh mẽ của báo chí và những người làm báo nhờ sự phát triển của CNTT. Đội ngũ báo chí tâm huyết, theo cùng với sự thật. Nhân dân tin tưởng báo chí, theo đó, Ngành cần cần nâng cao nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức người làm báo nhất là quan tâm đến thế hệ trẻ. Đây cũng chính là sứ mệnh về tạo ra niềm tin, đồng thuận xã hội và khát vọng dân tộc mà Bộ TT&TT thể hiện được quyết tâm và hành động rõ nét trong thời gian qua.

Khởi tạo tương lai

Trải qua các chặng đường lịch sử và các giai đoạn hình thành và phát triển, các thế hệ ngành TT&TT đã liên tục kế thừa quá khứ và mở ra tương lai để trở thành một dòng chảy liên tục như lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh: "Bất kỳ một tổ chức nào nếu không giữ được cội nguồn thì khó đi xa. Ngành TT&TT luôn giữ gốc truyền thống và từ đó đi tiếp, đi xa".

Theo người đứng đầu ngành TT&TT, trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, các thế hệ những người làm báo chí, xuất bản, bưu điện đã đi cùng với đất nước trong các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc xây dựng đất nước, trong sự nghiệp đổi mới, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, hàng vạn cán bộ chiến sỹ, giao bưu thông tin, hàng ngàn nhà báo, phóng viên đã hy sinh, để lại một phần cơ thể mình trên các chiến trường.

"Truyền thống, văn hóa của Ngành như bộ gen được di truyền, để từ đó mỗi thế hệ đều viết nên câu chuyện của mình, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp của Ngành, của cách mạng".

Ngày nay, với vai trò và vị trí quan trọng trong sự phát triển đất nước khi các lĩnh vực do Ngành quản lý đều có định hướng, chiến lược phát triển mới.

Về lĩnh vực Bưu chính, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chiến lược quốc gia về phát triển bưu chính quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 và trở thành hạ tầng vững chắc, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Lĩnh vực bưu chính phát triển lớn hơn viễn thông, tăng trưởng 30 - 35% và chuyển sang TMĐT.

Lĩnh vực Viễn thông chuyển thành hạ tầng số, phục vụ phát triển nền kinh tế. Lĩnh vực ứng dụng CNTT chuyển thành CĐS, dẫn dắt tiến trình CĐS quốc gia.

Về lĩnh vực ATTT, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành cường quốc về ATTT mạng.

Về kinh tế số, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử 2023 mở rộng hầu hết các lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược về phát triển kinh tế số - xã hội số.

Lĩnh vực công nghiệp CNTT - truyền thông sẽ phấn đấu trở thành ngành công nghiệp lớn nhất của đất nước.

Trong khi đó, báo chí có chiến lược CĐS, có sứ mệnh mới là khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, biến thành sức mạnh tinh thần để Việt Nam bay lên. Lĩnh vực xuất bản có chiến lược xuất bản sách điện tử.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định mới về chức năng nhiệm vụ của Bộ TT&TT, theo đó, có nhiều đơn vị mới như: Cục CĐS quốc gia, phụ trách lĩnh vực CĐS quốc gia; Vụ Kinh tế số và Xã hội số quản lý lĩnh vực mới hoàn toàn của Bộ TT&TT. Kinh tế số đặt mục tiêu chiếm khoảng 60 - 65% về tăng trưởng GDP, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế; Cục Công nghiệp CNTT-TT phụ trách ngành công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Nếu thuận lợi, lĩnh vực này sẽ đạt 152 tỷ USD/năm.

Nối tiếp truyền thống của Ngành, 10 chữ vàng của Ngành "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình" là những giá trị cốt lõi để góp phần dần hiện thực hóa mục tiêu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21. “Đây là khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, khát vọng sánh vai cường quốc 5 châu của dân tộc ta. Ngành TT&TT một bên là sách, là báo, thổi lên khát vọng hùng cường Việt Nam, để trở thành sức mạnh tinh thần cho dân tộc và một bên là công nghệ số, hạ tầng số, tạo thành cơ sở vật chất để CĐS Việt Nam, góp phần quan trọng cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

anh-3-78-nam.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gặp mặt các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của ngành qua các thời kỳ dịp 78 năm ngày truyền thống ngành TT&TT

Phát biểu tại lễ gặp mặt các cán bộ hưu trí ngày 17/8/2023 nhân dịp 78 năm ngày truyền thống ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng xúc động, mỗi dịp tháng 8, cùng với nhiều sự kiện kỷ niệm của ngành TT&TT, chúng ta có chung tâm trạng bồi hồi, xúc động, và đều mong muốn đến ngày được gặp mặt nhau, gặp các thế hệ trẻ, các bác, các cô, các chú, các anh, các chị đã từng lao động, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự phát triển của ngành TT&TT.

Đây cũng là dịp để ôn lại những câu chuyện cả Ngành trong quá khứ, có thêm động lực cho hiện tại và vững tin viết tiếp câu chuyện tương lai. Năm nay, tiếp truyền thống đó, tổ chức ở cả 3 miền. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm nay cũng là năm đầu Bộ tổ chức gặp cán bộ hưu trí toàn ngành, bao gồm cả bưu chính, viễn thông, CNTT, công nghệ số, báo chí, xuất bản, thông tin truyền thông, thông tin cơ sở, với sự tham gia của đại diện các cụ, các bác, các cô, các chú, các anh, các chị từng công tác tại hầu hết các cơ quan, đơn vị trong ngành.

Tinh thần này cũng được lan tỏa tới 63 Sở TT&TT trên cả nước. Năm nay, cũng sẽ làm năm đầu tiên mà các Sở TT&TT tại 63 tỉnh, thành phố gặp mặt cán bộ hưu trí trong ngành TT&TT trên địa bàn. Trước đây cũng chưa từng có.

Tưởng nhớ, tri ân, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các đồng chí có đóng cho ngành qua các thời kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng vừa chia sẻ những mất mát của ngành đồng thời vừa nhấn mạnh những việc làm được, đặc biệt, sau 70 năm, Bộ và TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức trao bằng Liệt sĩ cho gia đình đồng chí Trang Hồng Vinh. Đây cũng là chuyện nghĩa tình, làm lay động lòng người. Hành trình bền bỉ của những người sống với người đã hy sinh. Chúng ta biết ơn Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, biết ơn Chính phủ đã ký quyết định trao bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sĩ Trang Hồng Vinh. Đó cũng là cái rất đặc biệt với ngành chúng ta.

"Ngành TT&TT bây giờ được coi như đôi cánh cho Việt Nam bay lên. Một dân tộc, một quốc gia muốn bay lên, muốn hùng cường thịnh vượng thì phải có sức mạnh tinh thần. Báo chí, truyền thông, xuất bản sẽ khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường và biến nó thành sức mạnh tinh thần. Còn bên kia là sức mạnh vật chất. Sức mạnh vật chất hiện nay chủ yếu là công nghệ số, đang xác định công nghệ số là động lực chính để Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Bộ TT&TT đặt mục tiêu đến năm 2025, chỉ hơn 2 năm nữa, các lĩnh vực của ngành đều sẽ trong top 50 thế giới. Nếu như kinh tế của chúng ta vào năm 2025, GDP trên đầu người vẫn loanh quanh 120, 110 mà ngành của chúng ta trong Top 50 thì đó chính là cố gắng rất lớn của ngành TT&TT./.

(Tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành TT&TT: Tiếp bước cội nguồn - Khởi tạo tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO