Một đất nước muốn hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc thì phải có một giấc mơ lớn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tháng 1/2021 đã nói đến giấc mơ đó. Đó là khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu: Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.
Tóm tắt:
- Quản lý nhà nước về báo chí là để phát triển báo chí bền vững.
- Để chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực báo chí, đầu tiên phải CĐS cơ quan quản lý báo chí.
-CĐS cơ quan báo chí là tất cả mọi người trong cơ quan đó phải cótư duy số, có kỹ năng số, có cách làm số.
- Thay đổi nhận thức về công tác truyền thông chính sách của chính quyền các cấp.
- Cùng với đào tạo báo chí phải tập trung đào tạo công tác truyền thông cho các Bộ, ngành, địa phương.
Báo chí cách mạng Việt Nam phải góp phần khơi dậy khát vọng đó. Đó cũng là sứ mệnh mới của báo chí cách mạng. Khát vọng lớn, giấc mơ lớn thì tạo thành sức mạnh tinh thần. Sức mạnh tinh thần thì nhân lên sức mạnh vật chất. Chưa từng có quốc gia nào, dân tộc nào “hoá rồng, hoá hổ” mà không có sức mạnh tinh thần.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm góp phần làm cho báo chí khơi dậy được và thổi bùng lên khát vọng Việt Nam phát triển phồn vinh và hạnh phúc.
Quản lý nhà nước về báo chí thì quản lý là để phát triển báo chí bền vững. Phát triển thì cũng sinh ra vấn đề mới nhưng phát triển thì mới có thêm nguồn lực để xử lý những vấn đề mới. Phát triển thì mới không bị tụt hậu, không bị thôn tính. Mục tiêu của quản lý là để báo chí cách mạng làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình trong tình hình mới.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm góp phần làm cho báo chí khơi dậy được và thổi bùng lên khát vọng Việt Nam phát triển phồn vinh và hạnh phúc.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Phát triển là mục tiêu, ổn định là tiền đề, đổi mới là động lực phát triển. Nắm vững cái này để quản lý nhà nước là nắm vững sợi chỉ đỏ.
Quản lý nhà nước thì đầu tiên là thể chế. Thể chế thì phải rõ ràng, tường minh. Quản lý thì tối thiểu, để khả thi cả trong tuân thủ và thực thi, nhưng xử phạt thì phải thật nghiêm minh, đủ sức răn đe.
Quản lý thì phải có công cụ. Muốn quản lý được lĩnh vực của mình thì phải có công cụ giám sát toàn diện, nhìn thấy online các đối tượng quản lý của mình. Phát hiện được sớm vấn đề, vỗ vai, nhắc nhở anh em, cứu được cán bộ.
Khi thực thi pháp luật thì phải thật thường xuyên, phải thật nghiêm minh, phải thật rộng khắp. Rộng khắp, thường xuyên thì phải trao cho địa phương.
Công nghệ số, truyền thông xã hội, rồi dịch COVID-19 đã làm bộc lộ rõ hơn, có khi đến khắc nghiệt, các vấn đề sinh tồn của báo chí. Nhưng lộ ra thì mới nhìn thấy, nhìn thấy thì mới sửa được, sửa được thì mới không còn “nói rồi, nói mãi”. Sửa được thì mới có phát triển mới. Vậy, lộ ra là tốt. Không nên sợ lộ ra. Càng không nên giấu.
Nhiều vấn đề có thể rất khó nhưng thay đổi cách tiếp cận thì sẽ dễ đi. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo không chỉ mở ra các cách tiếp cận mới trong sản xuất kinh doanh, mà cả trong quản lý, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực xã hội.
Quản lý nhà nước vừa qua của chúng ta nặng về quản lý mà nhẹ phần phát triển. Phát triển cũng là cách để quản lý tốt hơn. Có phát triển thì mới sống được để tử tế. Có phát triển thì mới có thêm nguồn lực để quản lý. Nếu chúng ta không làm tốt phần phát triển thì báo chí sẽ bị thị trường hoá, tư nhân hoá, tự diễn biến, tự chuyển hoá.
Quản lý nhà nước về báo chí cách mạng là làm cho báo chí cách mạng phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước. Đảm bảo cho những người làm báo chí cách mạng có thể sống được lành mạnh. Các cơ quan báo chí phải được đầu tư về cơ sở vật chất, về công nghệ để không tụt hậu so với các doanh nghiệp làm truyền thông trên thị trường. Đây là việc, là trách nhiệm của Cục Báo chí. Qui hoạch báo chí đã cơ bản xong phần sắp xếp, tiếp theo là báo ra báo, tạp chí ra tạp chí, rồi phải tập trung vào phần phát triển, là phần trọng tâm của Quy hoạch.
Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là tới lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nhưng báo chí của chúng ta lại đang tụt hậu về công nghệ. Thậm chí tụt xa. Bộ chúng ta là Bộ về công nghệ số thì sự tụt hậu này là rất đáng trách. Chúng ta đã nói đến, đã có những cố gắng ban đầu về chuyển đổi số (CĐS) báo chí, đã ban hành Chiến lược CĐS báo chí. Từ nay đến 2025, phải tập trung hiện đại hoá nền tảng công nghệ số cho báo chí, mỗi cơ quan báo chí phải trở thành một nền tảng số làm báo.
Nhưng để CĐS lĩnh vực báo chí, đầu tiên chúng ta phải CĐS cơ quan quản lý báo chí là Cục Báo chí, đưa cơ bản toàn bộ hoạt động của Cục lên môi trường số, kết nối online với các cơ quan báo chí để quản lý không tiếp xúc. Tự mình không CĐS thì sẽ không hiểu thế nào là CĐS và càng không thể nói người khác CĐS. Đồng chí Cục trưởng phải trực tiếp lãnh đạo chuyển đổi hoạt động của Cục mình lên môi trường số.
Việc xây dựng Trung tâm lưu chiểu số có các công phụ phân tích, đánh giá tin bài của các cơ quan báo chí, biết ai đang hoạt động theo tôn chỉ mục đích, ai không, rồi đánh giá xu thế chính trị của từng cơ quan báo chí. Đây là công cụ quan trọng nhất để quản lý báo chí trên môi trường số, phải đặc biệt quan tâm dùng công nghệ nhiều hơn, nhiều hơn nữa, dùng công nghệ hiện đại nhất để quản lý nhà nước về báo chí.
CĐS là chuyển sang một không gian mới, không gian sống, làm việc, học tập và giải trí. Không gian mới thì cần thể chế mới. Không gian số thì cần thể chế số. Thể chế số đang theo sau sự phát triển số. Cũng chính vì vậy mà nhiều bất cập đã và đang xảy ra, gây bức xúc xã hội. Cục Báo chí phải tập trung hoàn thiện thể chế số. Cái gì chưa ra văn bản pháp luật được thì thông qua kênh Đảng để làm, vì Đảng quản lý lĩnh vực báo chí.
CĐS một cơ quan báo chí là tất cả mọi người trong cơ quan đó phải có tư duy số, có kỹ năng số, có cách làm số. Bởi vậy, việc đào tạo, trang bị kỹ năng số cho phóng viên, cho những người làm báo là rất quan trọng. Cục Báo chí phải đảm nhận trách nhiệm đào tạo kỹ năng số cho tất cả phóng viên, người làm báo, tức là trên 50 ngàn người.
Quản lý báo chí cách mạng thì phải đi từ sự quản lý của cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí. Chúng ta đã buông lỏng sự quản lý này trong một thời gian dài. Các qui định về quản lý của cơ quan chủ quản báo chí với cơ quan báo chí đã được qui định trong Luật Báo chí, đó là: Trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí; đảm bảo điều kiện cần thiết cho hoạt động; bổ nhiệm và quản lý người đứng đầu cơ quan báo chí; thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiếu nại, tố cáo; chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ và phương hướng hoạt động. Các cơ quan quản lý nhà nước phải yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí thực hiện các nhiệm vụ quản lý báo chí của mình và giám sát, kiểm tra việc thực hiện này.
Cục Báo chí có trách nhiệm để chính quyền các cấp có nhận thức đúng về công tác truyền thông chính sách. Truyền thông phải là một chức năng, một nhiệm vụ của chính quyền các cấp, có bộ máy, có ngân sách cho việc này. Còn báo chí chỉ là một trong các phương tiện truyền thông.
Lâu nay, chúng ta vẫn coi truyền thông là việc của báo chí mà chưa coi truyền thông là việc của chính quyền các cấp.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Lâu nay, chúng ta vẫn coi truyền thông là việc của báo chí mà chưa coi truyền thông là việc của chính quyền các cấp. Các tai nạn, khủng hoảng truyền thông gần đây có nguyên nhân gốc là chính quyền các cấp chưa có sự chuẩn bị tốt cho kế hoạch truyền thông. Chưa lường trước các vấn đề của truyền thông, chưa sử dụng đúng các công cụ, phương tiện truyền thông.
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn tập trung đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn cho các cơ quan báo chí, phóng viên. Từ nay chúng ta phải tập trung đào tạo công tác truyền thông cho các Bộ ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về công tác truyền thông chính sách, trong đó yêu cầu chính quyền các cấp phải tổ chức bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông. Cục Báo chí phải có kế hoạch đào tạo thường xuyên về nghiệp vụ, chuyên môn cho lực lượng này.
Anh em báo chí thì cần nhất, mong nhất ở Bộ chúng ta là phần quản lý nhà nước, là quản lý tốt để tạo ra môi trường lành mạnh, là tạo ra cơ chế, chính sách mới phù hợp để giúp đỡ, hỗ trợ báo chí theo kịp sự phát triển, làm nghề được, phụng sự được và sống được.
Kế thừa quá khứ và mở ra tương lai, kể được câu chuyện của thế hệ mình. Để quản lý nhà nước về báo chí là một dòng chảy liên tục, như dòng sông vẫn chảy nhưng vẫn có cội nguồn.
Kế thừa quá khứ và mở ra tương lai, kể được câu chuyện của thế hệ mình. Để quản lý nhà nước về báo chí là một dòng chảy liên tục, như dòng sông vẫn chảy nhưng vẫn có cội nguồn.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Báo chí trước đây là cây bút, trang giấy, thì nay thêm công nghệ số, nền tảng số. Nhưng cái bất biến thì vẫn là những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, vẫn là cái tâm của người làm báo. Quản lý nhà nước về báo chí là tạo ra môi trường thuận lợi để báo chí cách mạng phát triển, vừa ngang tầm nhiệm vụ vừa ngang tầm thời đại: chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.
* Tiêu đề do Tạp chí Thông tin và Truyền thông đặt.
(Trích bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Cục Báo chí 16/7/2003 – 16/7/2023)