Diễn đàn

Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới 17/5: Khát vọng về giáo dục số

Ngọc Diệp 17/05/2024 06:15

Chủ đề của ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới (WTISD) năm nay là “Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững”, nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp số trong việc giúp giải quyết các thách thức cấp bách của thế giới và đẩy nhanh tiến bộ trong các lĩnh vực then chốt. Một trong những lĩnh vực đó là giáo dục.

Hướng đến nền giáo dục số toàn diện, hiện đại

191bfb6f-if-dan-brown-can-write-so-can-robots.jpeg

Tháng 9/2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030, đặt ra 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG), thể hiện nỗ lực của cộng đồng toàn cầu trong việc thiết lập một kế hoạch hành động toàn cầu và đầy tham vọng để phát triển bền vững trong 15 năm tới, trong đó đảm bảo chất lượng giáo dục là Mục tiêu 4. Mục tiêu này đòi hỏi một nền giáo dục toàn diện và công bằng cũng như thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 là đảm bảo rằng tất cả trẻ em gái và trẻ em trai hoàn thành giáo dục tiểu học và trung học cơ sở miễn phí, công bằng và có chất lượng để đạt được kết quả học tập hiệu quả và phù hợp; Xóa bỏ sự chênh lệch về giới trong giáo dục và tạo sự tiếp cận công bằng giáo dục chất lượng, tăng cường kỹ năng cần thiết bao gồm cả tay nghề kỹ thuật và dạy nghề để tham gia lực lượng lao động, kinh doanh và có việc làm phù hợp…; Mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Giáo dục số được coi là động lực chính trong việc hiện đại hóa hệ thống giáo dục, hứa hẹn đảm bảo cơ hội học tập công bằng cho tất cả mọi người và trang bị cho người học cũng sinh viên tại các trường những kỹ năng cần thiết để phát triển trong thế giới nghề nghiệp. Một ví dụ điển hình là các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC) được triển khai với thông điệp ban đầu là cung cấp các khoá học miễn phí cho tất cả mọi người, ở mọi nơi. MOOC hứa hẹn sẽ dân chủ hóa giáo dục - giúp mọi người có thể tiếp cận giáo dục bất kể vị trí địa lý, tình trạng kinh tế xã hội hoặc những hạn chế về tài chính của họ.

Với nhiều ưu điểm, MOOC được coi như một giải pháp thay thế linh hoạt, có chi phí phù hợp cho các mô hình giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu và lịch trình đa dạng của người học.

Tuy nhiên, bất chấp sự hấp dẫn của MOOC, nền tảng này đã không đáp ứng được những kỳ vọng đã đặt ra. Giáo dục theo hình thức MOOC không có ràng buộc về thời gian, tài chính và không ai giám sát khiến cho người học không có ý thức chủ động hoàn thành việc học của họ. Điều này dẫn đến những hoài nghi về tính hiệu quả của trải nghiệm học tập.

Hơn nữa, các nhà cung cấp MOOC cũng phải đối mặt với thách thức đảm bảo nguồn doanh thu bền vững. Theo thời gian, định nghĩa về MOOC đã thay đổi, từ miễn phí sang miễn phí đánh giá (free-to-audit). Trong các khóa học phổ biến, chứng chỉ và bài tập chất lượng được tính phí. Nhiều khóa học của các nhà cung cấp MOOC hàng đầu đã không miễn phí ngay từ khi mới ra mắt. Những thay đổi này đã xóa bỏ một trong những lợi điểm của MOOC thời kỳ đầu: xây dựng cộng đồng học tập toàn cầu.

Cùng với những vấn đề này là thiếu sự tín nhiệm và sự công nhận rộng rãi đối với các bằng cấp MOOC từ các nhà tuyển dụng và các tổ chức học thuật truyền thống.

Bên cạnh đó, quy mô lớn của MOOC còn khiến cho việc cung cấp hỗ trợ và phản hồi được cá nhân hóa cho sinh viên là không thể.

Mặt khác, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của các nền tảng MOOC, khi các cơ sở giáo dục phải đối mặt với sự chuyển đổi đột ngột sang học trực tuyến. Những trường học và cơ sở giáo dục có nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng công nghệ đã chuyển đổi thành công từ đào tạo trực tiếp thông thường sang trực tuyến, đào tạo từ xa.

Tuy nhiên, một số các cơ sở giáo dục đã gặp phải những thách thức liên quan đến khoảng cách số giữa người học và sinh viên. Nhiều học sinh từ các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc khu vực nông thôn thiếu khả năng tiếp cận và các thiết bị kỹ thuật số phù hợp cho việc học tập. Những thách thức khác bao gồm khả năng hỗ trợ người khuyết tật và các nhu cầu đặc biệt cũng như rào cản ngôn ngữ đã tạo ra thêm nhiều trở ngại.

Cùng với sự phát triển của các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong giáo dục đã mở ra những cơ hội học tập thuận tiện hơn cho mọi người, đồng thời thay đổi cách chúng ta dạy và học.

Việc tích hợp AI vào giáo dục có thể mở ra một kỷ nguyên mới của xu hướng học tập cá nhân hóa, đồng thời, có thể chủ động theo dõi và điều chỉnh tiến độ giảng dạy.

giao-duc-so-3.jpeg
Ảnh: OECD

Hệ thống dạy kèm thông minh (ITS- Intelligent tutoring systems) là ứng dụng phổ biến nhất trong số các công nghệ AI trong giáo dục. Khi học sinh tham gia vào các hoạt động học tập, hệ thống sẽ sử dụng phương pháp truy tìm kiến thức để tự động điều chỉnh mức độ khó và đưa ra gợi ý hoặc hướng dẫn tùy theo điểm mạnh và điểm yếu của từng học sinh, tất cả đều nhằm mục đích đảm bảo học sinh có thể học chủ đề một cách hiệu quả.

Ngoài ra, các mô hình ngôn ngữ lớn AI và AI tạo sinh (GenAI) có thể giúp phát triển nội dung bài giảng phù hợp, sáng tạo và hấp dẫn, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận và giảm chi phí liên quan.

Ứng dụng AI vào giáo dục: Những vấn đề cần xem xét

Từ những thách thức và hạn chế của các sáng kiến giáo dục trước đây, chẳng hạn như MOOC và sự chuyển đổi nhanh chóng sang học trực tuyến trong đại dịch COVID-19, một câu hỏi đặt ra: Liệu ứng dụng AI trong giáo dục có thực sự mang lại hiệu quả, tạo ra trải nghiệm học tập công bằng và chất lượng cho tất cả học sinh hay chỉ làm gia tăng chênh lệch về trình độ học vấn hiện có?

Không thể phủ nhận sự hấp dẫn của các công nghệ giáo dục dựa trên AI. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Market Research Future, thị trường AI trong lĩnh vực giáo dục toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 38%, từ mức 2,5 tỷ USD vào năm 2022 lên 23,8 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, để đánh giá được tiềm năng thực sự của chúng trong việc dân chủ hóa và nâng cao các cơ hội giáo dục thì vẫn cần thời gian.

screen-shot-2024-05-16-at-15.34.36.png
Ứng dụng AI trong giáo dục tại Hàn Quốc

Tại Nam Phi, vẫn còn nhiều việc phải làm để thu hẹp khoảng cách số. Chỉ với cơ sở hạ tầng bền vững, phù hợp; những sinh viên và giảng viên có kiến thức, hiểu biết về kỹ thuật số cũng như các phương pháp thực tiễn phù hợp về mặt sư phạm mới có thể được khám phá sâu hơn về tác động của AI trong giáo dục.

Đã có những khuyến nghị rộng rãi về việc ứng dụng AI cho mục đích giáo dục, chẳng hạn như xem xét các khuôn khổ đạo đức; các sáng kiến hỗ trợ và đào tạo giảng viên cũng như phát triển các phương pháp đánh giá hiệu quả.

Tuy nhiên, để khai thác sức mạnh của AI trong giáo dục còn nhiều việc cần phải làm hơn nữa, bao gồm nỗ lực giảm thiểu thành kiến bằng cách đảm bảo rằng các thuật toán và hệ thống AI được phát triển với trọng tâm là tính đa dạng, công bằng và hòa nhập.

Mặt khác, để nâng cao kiến thức và hiểu biết, cần ưu tiên hợp tác liên ngành trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, ưu tiên khuyến khích sự hợp tác giữa các chuyên gia AI, các học giả giảng dạy, nhà khoa học xã hội và các nhà hoạch định chính sách không chỉ dựa trên công nghệ mà còn dựa trên các nguyên tắc sư phạm hợp lý và cân nhắc tác động xã hội.

Để thúc đẩy học tập suốt đời, các tài nguyên giáo dục mở là cần thiết nhằm giúp giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận, đặc biệt đối với các cơ sở và cộng đồng có nguồn lực hạn chế.

Bên cạnh đó cần ưu tiên đổi mới và thử nghiệm giáo dục trong đó các dự án thí điểm, sandbox hoặc không gian ươm tạo được khuyến khích khám phá các ứng dụng mới bằng cách thúc đẩy môi trường đổi mới có trách nhiệm và cải tiến liên tục.

Học sinh là đối tượng liên quan và đóng vai trò quan trọng. Bằng cách khuyến khích sinh viên tự tổ chức và đồng sáng tạo, sinh viên có thể tham gia vào việc thiết kế và phát triển các giải pháp và sáng kiến giáo dục dựa trên AI.

Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ số, đặc biệt là AI tạo sinh, đã mở ra một thế giới đầy tiềm năng cho lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện, phù hợp với bối cảnh cụ thể nhằm khai thác sức mạnh của AI để tạo ra trải nghiệm học tập công bằng và khả năng tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người để đảm bảo rằng không có người học hoặc học sinh nào bị bỏ lại phía sau./.

Theo reuters, mg.co.za
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới 17/5: Khát vọng về giáo dục số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO