Học tập tích hợp và CĐS trong giáo dục: Cần “cách mạng về nhận thức”
Sự xuất hiện của công nghệ dù thô sơ như máy tính cầm tay, hay điện toán đám mây (ĐTĐM), trí tuệ nhân tạo (AI) đều yêu cầu sự điều chỉnh, thích ứng của tất cả các đối tượng liên quan. Và thay đổi đầu tiên, lớn nhất chính là thay đổi về nhận thức…
Công nghệ xuất hiện thực sự làm nên những thay đổi trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)
Tại Diễn đàn và Triển lãm Giáo dục 4.0 năm 2023 (EDU4.0 2023) tổ chức ngày 25/11, TS. Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cho biết ngành giáo dục đang triển khai chuyển đổi số (CĐS) quyết liệt, tận dụng tiến bộ công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả việc dạy, học, mở ra cơ hội học tập cho mọi người.
EDU4.0 2023 do BHub Group phối hợp với Trường Đại học (ĐH) Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội và Hiệp hội Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP. Hà Nội tổ chức. Đây là sự kiện chuyên ngành tiên phong tại Việt Nam về công nghệ giáo dục do BHub Group khởi xướng và tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2020.
Bà Trang Bùi - Giám đốc BHub Group, sáng lập EDU4.0, cho biết: “EDU4.0 là mô hình sự kiện truyền thông, kết nối hiệu quả giúp nâng cao nhận thức về CĐS giáo dục tại Việt Nam, từ đó tăng cường ứng dụng công nghệ giáo dục nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong dạy và học, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Tập trung vào chủ đề “Học tập tích hợp: Tương lai của giáo dục”, Diễn đàn EDU4.0 2023 đã nhấn mạnh đến những thay đổi của giáo dục, đào tạo trước sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới. PGS. TS. Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, cho rằng sự xuất hiện của các công nghệ hiện đại đã mang lại nhiều hình thức học tập mới.
Để minh họa rõ hơn xu hướng này, PGS. TS. Nguyễn Chí Thành đã đề cập đến việc khi máy tính cầm tay ra đời đã có nhiều người phản đối vì lo ngại sẽ làm thui chột khả năng tính toán. Hay hiện nay với công nghệ AI tổng hợp (Generative AI), công cụ ChatGPT cũng đã gây nhiều tranh cãi, một số trường cấm sử dụng ChatGPT, một số lại cho phép và khuyến khích.
“Điều đó cho thấy công nghệ xuất hiện thực sự làm nên những thay đổi trong GD&ĐT. Hiện nay, hình thức học tập tích hợp (hybrid learning) đang thu hút sự chú ý, nhờ các đặc tính như linh hoạt, thuận tiện, mang lại cơ hội lớn cho người học tiếp cận nguồn học liệu lớn”, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục cho hay.
Chủ đề về học tập tích hợp đã thu hút sự chú ý và ý kiến thảo luận của các chuyên gia. Theo TS. Tô Hồng Nam, học tập tích hợp là một phương pháp học kết hợp giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp.
“Chúng ta nên tăng cường kết hợp giữa học trực tuyến và học trực tiếp để phát huy mọi lợi ích, điểm mạnh của công nghệ, từ đó tăng chất lượng giáo dục. Điểm mạnh của công nghệ học trực tuyến là người học có thể học mọi lúc mọi nơi. Học tập tích hợp cũng sẽ góp phần giúp ngành giáo dục CĐS”, TS. Tô Hồng Nam nói.
Học tập tích hợp - cần một cuộc “cách mạng về nhận thức”
Học tập tích hợp là mô hình kết hợp và đồng bộ giữa học trực tiếp tại lớp và học trực tuyến, với sự hỗ trợ của các công nghệ mới và nguồn học liệu đa định dạng. Giáo viên và học viên có thể tự do lựa chọn cách thức tham gia lớp học phù hợp nhất mà vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức cũng như chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay chính các chuyên gia và nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục đào tạo vẫn đang tranh luận quanh các khái niệm, đặc điểm, cấp độ… cũng như sự ưu việt và giá trị của mô hình này.
Ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) có các sản phẩm về công nghệ giáo dục, ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc CĐS, Công ty CP MISA, cho biết hiện nay phương pháp học tập tích hợp đã có lộ trình áp dụng trong các hệ thống học chính quy, công lập và bán công, ở cả hệ đào tạo phổ thông lẫn ĐH. Không chỉ vậy, học tập tích hợp sẽ mở rộng hơn, áp dụng với các đối tượng người học đã đi làm, trong các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng của các tổ chức, DN.
Đồng ý với các nhận định về việc học tập tích hợp sẽ mở rộng và trở thành xu hướng học tập tương lai, TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục đã đặt ra những vấn đề thách thức của phương pháp học tập mới.
“Một mô hình học tập mới xuất hiện sẽ đòi hỏi phải có những thay đổi tương ứng để thích nghi và phù hợp, chẳng hạn học tập tích hợp sẽ yêu cầu phải thay đổi về phương pháp tiếp cận giáo dục, nội dung giáo án và rất nhiều yếu tố xung quanh câu chuyện học tập”.
Theo PGS. TS. Nguyễn Chí Thành, sự xuất hiện của công nghệ dù là thô sơ như máy tính cầm tay, hay ĐTĐM, AI đều yêu cầu các đối tượng dạy và học phải điều chỉnh chính mình để thích ứng. Với học tập tích hợp, kỹ năng tự học là một trong những yêu cầu quan trọng cần phải có. Ngoài ra, người dạy và người học đều cần đến nền tảng sử dụng công nghệ, phương pháp học khi ứng dụng công nghệ, cũng như nâng cao tính kỷ luật về giờ giấc, kế hoạch học tập….
Các chuyên gia đều cho rằng phương pháp học tích hợp sẽ yêu cầu những vấn đề như cơ sở hạ tầng công nghệ lõi (bao gồm máy tính, Internet…), phần mềm học tập, kỹ năng số của giáo viên và học sinh, nhận thức về bảo mật, an toàn thông tin, phương pháp sư phạm và đặc biệt là các nguồn lực, cơ chế chính sách để thúc đẩy và định hướng.
Đặc biệt, thay đổi đầu tiên và lớn nhất chính là thay đổi về nhận thức. Việc tiếp nhận một cách cởi mở mô hình đào tạo mới là không dễ dàng, nhất là khi học tập tích hợp sẽ kéo theo hàng loạt thay đổi trên bình diện rộng của ngành giáo dục, như thay đổi về phương pháp học tập và sát hạch; thay đổi về hình thức tương tác và phản biện; thay đổi về việc ứng dụng công nghệ sao cho hiệu quả, hỗ trợ tối đa tính ưu việt của mô hình này…
Khẳng định học tập tích hợp không chỉ đơn thuần là về công nghệ, mà đó là chiến lược, tư duy, tầm nhìn của cả tổ chức, đất nước, góp phần CĐS ngành giáo dục, bà Phạm Quỳnh Dương, CEO Hệ thống Giáo dục UniSchool, đã đưa ra quan điểm về “đối tượng người học” trong học tập tích hợp. Theo đó, với học tập tích hợp nói riêng và sự xuất hiện của các công nghệ mới nói chung, không chỉ hiện tại mà cả trong tương lai, người học sẽ không chỉ là học sinh, mà bản thân thầy cô cũng trở thành người học trong mô hình mới này.
Vì vậy, một trong những thách thức của các mô hình học tập mới như học tập tích hợp chính là sự chuyển đổi tư duy, tư duy của học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Tại Việt Nam, việc học tập tích hợp đã bước đầu được triển khai tại nhiều cơ sở giáo dục như Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Viện Quản trị và Công nghệ FSB - ĐH FPT,... Qua đó, phần nào minh chứng cho sự ưu việt của mô hình mới, mang lại sự tiện lợi và những hiệu quả không nhỏ với người dạy và người học.
TS. Tô Hồng Nam cho biết Bộ GD&ĐT sẽ có những định hướng chỉ đạo về học tập tích hợp, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, ông Tô Hồng Nam nhấn mạnh tương lai của học tập là học tập tích hợp, nhưng dù là trực tuyến, trực tiếp hay tích hợp, thì vai trò của người thầy luôn quan trọng và không thể mất đi.
Trong xu thế đó, nhằm tối ưu hoá quá trình học tập tích hợp, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục đã và đang không ngừng nỗ lực, cho ra đời những nền tảng, sản phẩm tiên tiến, hiện đại. Thông tin về các giải pháp - dịch vụ công nghệ giáo dục mới đã được đưa ra trong phần trình bày đến từ các doanh nghiệp EdTech tại Diễn đàn.
Trong đó, có thể kể đến bài thuyết trình của ông Min Kim - Nhà sáng lập và CEO Hoodoolabs, hiện là đối tác về EduTech của VTC online; hay Mô hình hợp tác phát triển thị trường công nghệ giáo dục của Liên minh Công nghệ Giáo dục Việt - Úc…
Trong khuôn khổ Diễn đàn EDU4.0 2023, Lễ công bố và trao giải Giải thưởng Công nghệ Giáo dục (Edutech Awards) đã diễn ra trang trọng. Theo đó, có 06 giải pháp - dịch vụ Giáo dục đã được vinh danh và trao giải./.