Nghị quyết 57-NQ/TW: Đột phá, “đi tắt đón đầu” trong phát triển công nghệ
Phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia, đồng thời là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để Việt Nam phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
TS. Cù Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã có những chia sẻ về chiến lược “đi tắt đón đầu” trong phát triển công nghệ của Việt Nam.
PV: Ông có bình luận gì về chiến lược phát triển KHCN và ĐMST của Việt Nam? Việt Nam nên làm gì để có thể "đi tắt đón đầu"?
Như chúng ta đã biết, Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022. Theo đó, phát triển KHCN và ĐMST không chỉ là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, mà còn là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả. Nó cũng được xem là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, là nền tảng cốt lõi để thực hiện CĐS quốc gia.

Đặc biệt, ngày 22/12/2024 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng phát triển KHCN, ĐMST và CĐS đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; đồng thời là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để Việt Nam phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong bối cảnh đó, theo tôi, để có thể tiếp cận theo cách “đi tắt đón đầu” về phát triển công nghệ, Việt Nam nên tập trung tối đa kinh phí đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (đặc biệt nhân tài thuộc bốn lĩnh vực công nghệ được ưu tiên); tăng cường năng lực tự nghiên cứu, tự thiết kế và tự sản xuất các sản phẩm dựa trên các công nghệ tiên tiến (state-of-the-art technologies), công nghệ lõi (core technologies) có tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tối đa những thế mạnh của Việt Nam, đồng thời góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Một số công nghệ tiên tiến đáng kể nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI- Artificial intelligence), công nghệ bán dẫn (semiconductors), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data analytics), công nghệ kết nối vạn vật (Internet of things), công nghệ tính toán mây (cloud computing), công nghệ mạng di động thế hệ mới...
Chẳng hạn, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, Chiến lược đã đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức: C = SET + 1 (trong đó, C: Chip (Chip bán dẫn); S: Specialized (Chuyên dụng, Chip chuyên dụng); E: Electronics (Điện tử, Công nghiệp điện tử); T: Talent (Nhân tài, Nhân lực); + 1: Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn).
Trước đó, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 đã được ban hành tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, có thể thấy rằng chúng ta đã tiếp cận “đi tắt đón đầu” trong phát triển công nghệ về mặt nhận thức, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi.
Tuy nhiên, nhận thức lớn cần phải song hành với hành động cụ thể và có tính kịp thời, liên tục (Think big + Do small + Go fast) trong cả chu kỳ phát triển làn sóng công nghệ số (thông thường khoảng 15 năm), phù hợp với tinh thần hành động “vừa chạy, vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa các sản phẩm công nghệ “Make in Viet Nam” đi vào thực tiễn cuộc sống trong kỷ nguyên mới.
PV: Ông có thể giải thích khái niệm "đi tắt đón đầu" trong phát triển công nghệ là gì? Việt Nam có lợi thế và thách thức gì khi áp dụng chiến lược này?
Trước hết, về khái niệm “đi tắt đón đầu” chúng ta có thể tạm hiểu nôm na là không đi theo lối thông thường, lối quen, lối cũ, lối mà nhiều người đang đi, mà phải tìm con đường khác, quen gọi là đường tắt, ngắn hơn, mất ít thời gian hơn, mà lại đạt được mục tiêu cuối cùng nhanh hơn, kết quả tốt hơn, hiệu quả cao hơn. “Đi tắt đón đầu” ở đây chúng ta nên tư duy theo “quan điểm toàn diện” để tránh phiến diện, ngụy biện.
Nghĩa là chúng ta cần xem xét tổng hòa các mối quan hệ của vấn đề, phải thấy được vị trí, vai trò của các mối quan hệ để tìm ra cho được “cái cơ bản”, “cái bản chất”. Trong thực tế, khi gặp bài toán hóc búa, chúng ta nên tập trung phát hiện và giải quyết bằng được “cái bản chất” của bài toán. Sau khi cái bản chất đã được giải quyết thì toàn bộ bài toán được xem như đã xử lý xong.

Điều này sẽ cải thiện hiệu suất về thời gian xử lý, thậm chí tiết kiệm cả công sức và tiền bạc. Do đó, nó cũng có thể được xem là cách tiếp cận “đi tắt đón đầu”. Như vậy, “đi tắt đón đầu” trong phát triển công nghệ là cần xem xét các mối quan hệ của công nghệ, chẳng hạn công nghệ với chính trị, công nghệ với kinh tế, công nghệ với xã hội...
Rõ ràng để phát triển công nghệ (đặc biệt công nghệ tiên tiến, hiện đại) thì tiềm lực kinh tế đầu tư phát triển công nghệ là rất quan trọng, phải được đảm bảo liên tục một cách hiệu quả. Ngược lại, khi công nghệ đã phát triển ở trình độ cao thì sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế nhanh hơn. Điều này được gọi là mối quan hệ biện chứng giữa hai trụ cột “công nghệ” và “kinh tế”.
Một ví dụ, để “đi tắt đón đầu” trong phát triển công nghệ AI theo quan điểm toàn diện, Việt Nam rất cần hình thành các mô hình hợp tác "đa nhà", gồm Nhà nước (định hướng, ban hành văn bản chính sách, hướng dẫn nghiên cứu, triển khai và ứng dụng AI); Nhà doanh nghiệp số (sản xuất sản phẩm/ giải pháp dựa trên công nghệ AI); Nhà trường (đào tạo nhân lực AI); Nhà nghiên cứu (phát triển mô hình/ thuật toán AI tiên tiến, hiện đại); Nhà đầu tư (đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm AI); Nhà phân phối (đưa sản phẩm, giải pháp AI ra thị trường); Nhà ứng dụng (sử dụng các sản phẩm AI).
Trong đó, mối quan hệ giữa ba nhà gồm nhà trường - nhà nghiên cứu - nhà ứng dụng cần phải đi trước để phát hiện, sử dụng nhân tài hiệu quả (đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu có thành tích trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm AI vượt trội, đây chính là cái bản chất) góp phần hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia về lĩnh vực AI. Từ đó sẽ tạo nền tảng vững chắc về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia phục vụ sản xuất các sản phẩm AI do người Việt Nam tự nghiên cứu, tự thiết kế, tự sản xuất, tự triển khai, tự vận hành, tự cải tiến (sản phẩm AI - Make in Viet Nam).
Như đã phân tích ở trên, Việt Nam tiếp cận theo cách “đi tắt đón đầu” trong phát triển công nghệ sẽ có những lợi thế rất lớn. Thứ nhất, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Trong thời gian vừa qua, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, thể chế trong lĩnh vực KH&CN đã được xây dựng với quyết tâm “cởi trói” các điểm nghẽn, nhằm đột phá phát triển công nghệ. Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW là một trong những văn bản cực kỳ quan trọng, thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước trong việc đột phá phát triển công nghệ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Thứ hai, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, ĐMST, CĐS quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Đây là điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy phát triển mối quan hệ giữa hai trụ cột “công nghệ” và “kinh tế”.
Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao khi áp dụng chiến lược "đi tắt đón đầu" trong phát triển công nghệ. Theo World Bank, nguồn cung nhân lực chuyên môn cao còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngành công nghệ cao – lĩnh vực đòi hỏi tỷ lệ lao động STEM gấp đôi so với ngành khác. Năm 2022, chỉ 13% lao động Việt Nam được đào tạo nghề hoặc có trình độ đại học, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
PV: Trong kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 15/2, vừa qua, Quốc hội thảo luận về dự thảo thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN và ĐMST, Tổng Bí thư Tô Lâm có nói "Lựa chọn công nghệ phải chọn công nghệ hiện đại, tiên tiến, phải đi tắt đón đầu, nếu không sẽ tụt hậu so với thế giới. Nếu chỉ lựa chọn công nghệ, máy móc giá rẻ (theo quy định của Luật Đấu thầu) chúng ta sẽ trở thành bãi rác công nghệ”. Ông có bình luận gì về điều này?
Có thể nhận thấy rằng, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã rất tích cực xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới nhằm tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động KH&CN và ĐMST, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 9 Quốc hội khóa XV (ngày 12/02/2025) tập trung đề xuất thí điểm một số chính sách như về cơ chế tự chủ, cơ chế khoán chi, các quỹ phát triển KH&CN, phát triển công nghệ chiến lược, nhân lực là người nước ngoài, tài sản hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, quy định về đấu thầu....
Bộ KH&CN cũng đã đăng tải dự thảo Nghị quyết để lấy ý kiến rộng rãi, đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp. Như vậy, nội dung quy định về đấu thầu trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xem là một trong những “điểm nghẽn” cần được cởi trói để phù hợp với theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Vấn đề Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 15/2: "Lựa chọn công nghệ phải chọn công nghệ hiện đại, tiên tiến, phải đi tắt đón đầu, nếu không sẽ tụt hậu so với thế giới. Nếu chỉ lựa chọn công nghệ, máy móc giá rẻ (theo quy định của Luật Đấu thầu) chúng ta sẽ trở thành bãi rác công nghệ”. Điều này là hoàn toàn chính xác!
Chẳng hạn, trong lĩnh vực AI, cần áp dụng cơ chế đấu thầu “tách biệt” so với truyền thống do các sản phẩm AI hiện đại thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức cụ thể. Hơn nữa, theo Luật Đấu thầu, công nghệ tiên tiến thường có giá cao hơn công nghệ truyền thống. Vì vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách mới là cần thiết để tháo gỡ vướng mắc trong KH&CN và ĐMST.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn sử dụng công nghệ lạc hậu, máy móc giá rẻ (dù đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong ngắn hạn), Việt Nam cũng sẽ trở thành bãi rác công nghệ. Bài học từ thực tiễn của một số quốc gia trên thế giới (Ghana, Nigeria, Somalia, Pakistan, Bangladesh, v.v.) là những minh chứng quan trọng để chúng ta phải suy ngẫm. Đặc biệt, việc sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu trong lĩnh vực sản xuất dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và thâm dụng tài nguyên.

Chúng ta cần nỗ lực nghiên cứu giải pháp ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu, bao gồm: nâng cao năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ tiên tiến; chuẩn hóa tiêu chuẩn kỹ thuật ngang tầm các nước phát triển; siết chặt tiêu chí về hiệu suất, tiêu hao năng lượng, tuổi thiết bị; ứng dụng AI, blockchain trong giám định công nghệ nhập khẩu; rà soát, cập nhật kịp thời các quy định hiện hành….
TS. Cù Kim Long, Phó Giám đốc, Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Khoa học và Công nghệ
PV: Câu chuyện "bẫy bãi rác công nghệ" và Việt Nam có thể học hỏi bài học gì từ đó?
Như đã đề cập ở trên, việc sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu trong lĩnh vực sản xuất dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, thậm chí làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Câu chuyện về “bẫy bãi rác công nghệ” tại một số quốc gia:
Ở châu Phi: Ghana là một trong những quốc gia ở châu Phi, nơi chất thải điện tử từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Agbogbloshie, từng là vùng đất ngập nước trước đây, nhưng hiện nay được biết đến là một trong những bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới. Ngoài ra, một số quốc gia khác ở châu Phi cũng chịu tác động nặng nề của rác công nghệ như Nigeria, Somalia, Bờ biển Ngà, Kenya, Guinea, v.v..
Ở châu Á: Pakistan một quốc gia ở khu vực Nam Á. Chất thải điện tử đã tìm đường tới Pakistan từ các nước phát triển như Singapore, Mỹ và một số quốc gia châu Âu bất chấp thực tế vi phạm luật pháp quốc tế. Một ví dụ, mỗi năm Pakistan nhập khẩu hơn 500.000 máy tính đã qua sử dụng từ các nước phát triển, chỉ có khoảng 15-40% máy tính trong tình trạng có thể sử dụng, số còn lại được phụ nữ và trẻ em tái chế trong điều kiện làm việc rất nguy hiểm đến sức khỏe. Một số quốc gia khác ở châu Á cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ rác công nghệ như Bangladesh, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, v.v.
Tại Việt Nam: Chúng ta cũng đã từng chứng kiến những câu chuyện “đau lòng” liên quan đến rác công nghệ. Đây là những bài học kinh nghiệm “xương máu” để giúp Việt Nam tham khảo, đánh giá, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp tốt nhất ngay từ quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế đến quá trình thực thi chính sách liên quan đến hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
PV: Vậy Việt Nam cần làm gì để tránh nhập khẩu công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển, thưa ông?
Như đã đề cập ở trên về câu chuyện “bẫy bãi rác công nghệ” ở một số quốc gia trên thế giới (đặc biệt là Ghana, Pakistan), cũng như một số doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu, rẻ tiền đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đối với sức khỏe của con người, mà còn gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu thiết bị, công nghệ lạc hậu, rẻ tiền, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng và Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg ngày 20/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019. Quy định này đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư thuộc một số lĩnh vực trong nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng và bảo đảm các biện pháp quản lý để ngăn chặn thiết bị cũ có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường nhập khẩu vào Việt Nam.
Vì thế, chúng ta cần nỗ lực nghiên cứu giải pháp ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu, bao gồm: nâng cao năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ tiên tiến; chuẩn hóa tiêu chuẩn kỹ thuật ngang tầm các nước phát triển; siết chặt tiêu chí về hiệu suất, tiêu hao năng lượng, tuổi thiết bị; ứng dụng AI, blockchain trong giám định công nghệ nhập khẩu; rà soát, cập nhật kịp thời các quy định hiện hành….
PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ quý báu của ông!
TS. Cù Kim Long là Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng thời là thành viên Nhóm NCM, Lab AI 4.0, AIRC - Đại học Quốc gia Hà Nội; Thành viên sáng lập Nhóm AI chuyên sâu về Đồ thị tri thức mờ (FKG-Group)