Nghiên cứu, đề xuất giải pháp ứng dụng thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm Ocop tại Lai Châu
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tóm tắt
Thực trạng: Việc ứng dụng TMĐT để tiêu thụ sản phẩm OCOP tại Lai Châu còn nhiều hạn chế, đặc biệt về nhân lực, cơ sở vật chất, và hiệu quả kinh doanh.
- Giải pháp đề xuất
+ Phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao kỹ năng TMĐT cho cán bộ và người lao động
+ Xây dựng hạ tầng TMĐT: Nâng cấp hệ thống mạng và thiết bị để hỗ trợ TMĐT
+ Liên kết và tài chính: Cải thiện năng lực tài chính và phát triển quan hệ hợp tác cho các đơn vị kinh doanh
+ Truy xuất nguồn gốc: Thiết lập cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm tăng độ tin cậy và khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết tháng 10/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao đã được Bộ NN&PTNT công nhận. [12].
Lai Châu là tỉnh có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, phù hợp để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có tính bản địa như sản phẩm OCOP [6, 9]. Vì vậy, từ 2020 đến nay UBND tỉnh đã triển khai nhiều văn bản triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng.
Đến hết 30/8/2024, toàn tỉnh Lai Châu có 215 sản phẩm OCOP của 89 chủ thể và 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh [13]. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của các địa phương, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, mở rộng phát triển thị trường không chỉ trong khu vực, trong nước mà nhiều sản phẩm còn vươn ra được thị trường quốc tế [1]
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình OCOP còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt là vấn đề quảng bá, tiêu thụ trên thị trường (hầu hết sản phẩm OCOP hiện nay là OCOP 3 sao, mức độ nhận diện thương hiệu chưa phổ biến, chưa được nhiều người biết đến) chưa có phương án, chiến lược marketing phù hợp, hiệu quả; một số sản phẩm có chất lượng tốt nhưng bao bì, mẫu mã chưa đẹp, chưa bắt mắt nên sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao.. ,|3, 10, 11]. Do đó số lượng và hạng sản phẩm chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp 4.0, để giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm OCOP, bên cạnh phát triển về số lượng và chất lượng, tỉnh Lai Châu đang hướng đến thực hiện giải pháp quan trọng là ứng dụng TMĐT để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương. Do đó việc đánh giá thực trạng ứng dụng TMĐT trong tiêu thụ sản phẩm OCOP Lai Châu để làm cơ sở đề xuất giải pháp phù hợp thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) sản phẩm OCOP nói riêng và chương trình OCOP của tỉnh nói chung điều là cần thiết.
Kết quả nghiên cứu
Thực trạng phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2022
Ngay sau khi ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019-2020, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT là đơn vị chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương và đơn vị chức năng cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP đến các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân [4, 5].
Tỉnh xác định, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng quy mô phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương theo mô hình “mỗi xã một sản phẩm” là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đã được cụ thể trong Nghị quyết số 39/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của HĐND tỉnh Lai Châu. Tiếp đó, ngày 21/3/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND về quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, khẳng định việc phát triển các sản phẩm OCOP là một trong 13 nội dung hỗ trợ trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, ngày 15/4/2021, Kế hoạch số 968/KH-UBND về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2021 cũng được ban hành [2].
Từ đó đến nay số lượng sản phẩm OCOP liên tục tăng, cụ thể: năm 2020, toàn tỉnh thực hiện phân hạng sản phẩm OCOP gồm 2 đợt với 47 sản phẩm. Trong đó, đợt 1 có 23 sản phẩm OCOP với 14 sản phẩm đạt 3 sao, 9 sản phẩm đạt 4 sao; đợt 2 có 24 sản phẩm OCOP đạt 3 sao [7, 3, 4]. Năm 2021, công nhận thêm được 59 sản phẩm OCOP và nâng tổng sản phẩm OCOP của tỉnh lên con số 106 sản phẩm. Tính đến cuối năm 2022, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu đạt 158 sản phẩm và tăng 49,1% so với năm 2021. Năm 2023, tổng số sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao: 52 sản phẩm (đợt 1 có 18 sản phẩm; đợt 2 có 34 sản phẩm), trong đó: Có 01 sản phẩm đạt hạng 3 sao (đợt 1 có 01 sản phẩm); Có 51 sản phẩm đạt hạng 3 sao (đợt 1 có 17 sản phẩm; đợt 2 có 34 sản phẩm); Lũy kế đến tháng 8/2024, toàn tỉnh hiện có 215 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao của 89 chủ thể (trong đó có 13 sản phẩm 4 sao, 202 sản phẩm 3 sao) [8, 5].
Thực trạng ứng dụng TMĐT tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2023
Đặc điểm chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Trong số 48 DN/HTX, hộ kinh doanh sản xuất và kinh doanh thuộc mẫu khảo sát, có 29 là HTX, 11 là DN và 8 hộ kinh doanh. Theo địa bàn, có 11 chủ thể tại TP. Lai Châu, 8 chủ thể từ Than Uyên, 7 chủ thể từ huyện Tam Đường, 3 huyện khảo sát chủ thể/huyện là từ Mường Tè, Phong Thổ và Tân Uyên (Bảng 1).
Hầu hết các chủ thể kinh doanh lĩnh vực thực phẩm (chiếm 60,4%), tiếp đó là đồ uống và dược liệu (chiếm 25% và 12,5% tương ứng). Trong đó số chủ thể OCOP tại TP. Lai Châu chiếm 22,9% lớn nhất trong mẫu khảo sát, 66,7% tổng mẫu khảo sát là người dân tộc Kinh khi trả lời phỏng vấn.
Thực trạng ứng dụng TMĐT trong tiêu thụ sản phẩm OCOP
Thiết bị ứng dụng TMĐT của chủ thể sản xuất OCOP
Bảng 2 cho thấy, phần lớn các chủ thể trong mẫu khảo sát đều chưa có máy tính, chưa có website và chưa có mạng Internet, chỉ có 1 chủ thể có sử dụng trên 10 máy vi tính cho hoạt động của mình. Đó là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước, đồng thời DN này cũng có website TMĐT. Mặc dù số chủ thể có mạng Internet chiếm chủ đạo (trên 72,9%) nhưng lại chủ yếu kết nối trên điện thoại của đội ngũ cán bộ quản lý, chưa có các phòng máy tính riêng biệt để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh ứng dụng công cụ TMĐT.
Nghiên cứu thực hiện khảo sát sâu trong số các chủ thể có sử dụng máy vi tính trong công việc, thì chủ yếu với số lượng là 1-5 máy vi tính, và các máy này chủ yếu phục vụ cho công tác kế toán của chủ thể kinh doanh, hoặc là máy tính (laptop) do cá nhân trang bị, chưa có (hoặc rất ít) các chủ thể kinh doanh chủ động đầu tư máy vi tính để ứng dụng TMĐT trong đơn vị mình.
Đặc điểm về nguồn nhân lực TMĐT trong mẫu khảo sát
Về nguồn nhân lực đã có kinh nghiệm hoặc được đào tạo về chuyên môn TMĐT trong các đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu hầu như chưa có, ngay cả DN có ứng dụng TMĐT (như DN ở Tân Phong, Lai Châu) thì số người hiểu và ứng dụng tốt các công cụ TMĐT không quá 3 người.
Về phía chủ thể người đại diện được phỏng vấn trong mẫu khảo sát cũng cho rằng họ chủ yếu biết TMĐT ở mức độ rất cơ bản, thậm chí có tới 7,23% chủ thể cho biết chưa biết gì về TMĐT (mặc dù họ có thể sử dụng điện thoại, Internet để giao dịch bán sản phẩm), và chỉ có 2 cán bộ tự tin cho rằng họ hiểu và có thể giải thích được các công cụ TMĐT hiện có tại Việt Nam.
Kiểm chứng về mức độ hiểu biết của người quản lý (là đại diện tham gia phỏng vấn), nghiên cứu sử dụng các thang đo (likert) 5 mức độ để đánh giá, kết quả cho thấy phổ biến kiến thức về TMĐT của họ ở mức rất ít hoặc các thông tin cơ bản. Cụ thể, chỉ có 8,4% người cho rằng TMĐT giúp họ dễ dàng (ở mức tốt và rất tốt) mở rộng thị trường kinh doanh, và 10,4% việc ứng dụng TMĐT có thể cải tiến được hệ thống phân phối của chủ thể (ở mức tốt và rất tốt); và trên 56,3% chủ thể cho rằng họ không tự tin (hiểu rất ít) về việc công cụ TMĐT làm thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa (hoặc cung ứng dịch vụ) nhanh, hiệu quả. Đặc biệt, phần lớn đại diện chủ thể trong mẫu khảo sát, chưa nghĩ (hoặc nghĩ không chắc chắn) về việc ứng dụng TMĐT có thể làm giảm chi phí kinh doanh của HTX hay việc sử dụng TMĐT trong kinh doanh nông sản có thể giúp họ tiết kiệm được thời gian, hay khoảng cách địa lý, thời gian giữa các quốc gia.
Thực trạng ứng dụng TMĐT trong kinh doanh sản phẩm OCOP
Mặc dù, kết quả khảo sát trên mẫu điều tra mục 1, 2 cho thấy các yếu tố về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực TMĐT của chủ thể còn nhiều hạn chế, tuy nhiên không phải là không có các chủ thể đã và đang ứng dụng các công cụ TMĐT trong kinh doanh của mình.
Số liệu trên Hình 1 đã phản ánh xu hướng ứng dụng các công cụ TMĐT là đáng kể và có ý nghĩa trong thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trên 88% chủ thể được khảo sát thường xuyên sử dụng điện thoại trong đặt hàng, mặc dù phần lớn các khách hàng của họ tự chủ động nhận hàng, nhưng khi thanh toán thì chủ yếu thông qua cách chuyển khoản (giao dịch điện tử trong lĩnh vực thanh toán). Phỏng vấn sâu, nghiên cứu còn nhận được xu hướng sử dụng các thiết bị công nghệ hoặc dịch vụ tiện ích trong thanh toán của chủ thể ngày càng tăng. Số chủ thể sử dụng tư vấn cho khách hàng 24/7 cũng phổ biến trên các phương tiện công cụ điện tử như mạng xã hội, công cụ chat,.. và họ đang hài lòng (thậm chí rất hài lòng) với cách ứng dụng này trong hoạt động kinh doanh của mình.
Mặc dù số chủ hộ sử dụng các công cụ phần mềm trong quản lý, trong kinh doanh của mình chưa nhiều, nhưng số liệu trên Bảng 6 cho thấy các chủ thể cũng bắt đầu quan tâm đến việc ứng dụng các phần mềm công nghệ để thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt là có sự kết hợp giữa các phương thức truyền thống và hiện đại để đạt được hiệu quả và phù hợp với đặc điểm của chủ thể.
Bảng 6 phản ánh xu hướng chủ đạo trong hiện tại khi triển khai thực hiện các hợp đồng kinh doanh thương mại, từ khi ký kết đến khi thanh toán, của hầu hết các chủ thể trong mẫu khảo sát là truyền thống, có một số nhỏ (dưới 15%) các chủ thể có ứng dụng TMĐT như một công cụ chủ đạo trong kinh doanh của mình.
Thực trạng ứng dụng TMĐT công bố thông tin sản phẩm
Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các sản phẩm OCOP tại các địa bàn là các sản phẩm đặc trưng của địa bàn và sử dụng hầu như nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Các sản phẩm đều có bao bì, nhãn mác khá bắt mắt và khá đầy đủ thông tin.
Theo số liệu khảo sát thì chỉ có khoảng 1% số đơn vị được khảo sát cho rằng sản phẩm của họ chưa có thông tin trên bào bì, còn lại là đã có thông tin ở các mức độ khác nhau. Có 29% chủ thể được khảo sát cho rằng sản phẩm của họ đã có thông tin trên bao bì, có 23% cho rằng có thông tin sản phẩm trên nhãn mác. Đặc biệt số đơn vị có đầy đủ thông tin của sản phẩm về truy xuất nguồn gốc là 24%. Ngoài ra, trong
thời gian gần đây, việc ứng dụng công nghệ truyền thông với các phương tiện phổ biến như Website, Facebook, Zalo để giới thiệu thông tin sản phẩm cũng được các đơn vị áp dụng nhiều. Trong quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm, tham gia các hội chợ triển lãm và sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo cũng đang là hình thức phổ biến áp dụng của các chủ thể.
Giải pháp ứng dụng TMĐT nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP Lai Châu
Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù vẫn còn những điểm hạn chế trong khuôn khổ của công nghệ thông tin nói chung và TMĐT nói riêng, nhưng phần lớn chủ thể kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã biết đến TMĐT với nhiều ưu điểm trong thúc đẩy tiêu thụ nói riêng và kinh doanh nói chung để tăng cường ứng dụng TMĐT trong thời gian tới đối với chủ thể kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, cần tiếp tục sự phối hợp của các bên liên quan nhưng từ phía chủ thể cần chủ động ưu tiên các giải pháp sau:
Thứ nhất: Phát triển nguồn nhân lực TMĐT
Nếu không nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng TMĐT trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, gay gắt hiện nay thì việc quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm của chủ thể nhất là các sản phẩm nông nghiệp là rất hạn chế. Do đó, cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng về xây dựng, quản trị và phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm cho các đối tượng liên quan gắn với học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế về trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các trung tâm thương mại, hệ thống các siêu thị, các chợ truyền thống nhằm giúp các chủ thể OCOP chủ động trong việc nâng cao chất lượng, cải tiến nhãn hiệu, bao bì để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, định hướng xuất khẩu và mở rộng thị trường.
Thứ hai: Phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống mạng phù hợp để khai thác và ứng dụng TMĐT
Xu hướng ứng dụng TMĐT kinh doanh của chủ thể kinh doanh ngày càng tăng nhưng vẫn ở tỷ lệ rất nhỏ so với kỳ vọng. Trong đó, các phương thức khai thác và ứng dụng TMĐT chủ yếu là trực tiếp hoặc qua điện thoại di động và ứng dụng nền tảng mạng xã hội (như Viber, Zalo, Facebook...), rất ít các đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP có phương thức đặt hàng qua thư điện tử, mạng xã hội, website TMĐT.
Hệ thống máy vi tính, và sử dụng cơ sở thiết bị truyền tin đồng bộ còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Do vậy, để đồng bộ hóa và thúc đẩy TMĐT trong kinh doanh, các chủ thể kinh doanh sản phẩm OCOP cần thiết phải nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng truyền thông và thông tin cũng như các thiết bị ứng dụng hiện có. Đây cũng là cơ sở nền tảng để tăng niềm tin của khách hàng đối với các sản phẩm của chủ thể, đặc biệt với các sản phẩm có quét mã QR (HTX đã đăng ký nhãn hiệu) hoặc có khả năng truy xuất nguồn gốc theo các thông tin mà các đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP truyền thông trên website chính thống của mình, đảm bảo an toàn về an ninh mạng, thông tin cá nhân của khách hàng...
Thứ ba: Phát triển liên kết và cải thiện năng lực tài chính của các đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP
Liên kết và cải thiện năng lực tài chính là giải pháp có tính quyết định và là cơ sở thực hiện hai giải pháp nêu trên. Vì để nâng cao năng lực của đội ngũ nhận sự và hệ thống cơ sở mạng đồng bộ cho ứng dụng TMĐT đều cần tới nguồn quỹ chi trả. Trong khi, hầu hết các các đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP nông sản đang ở quy mô nhỏ, vốn ít (dưới 5 tỷ), các các đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP đang không thể tự nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện hệ thống mạng ứng dụng TMĐT thì việc tìm kiếm các đối tác liên kết để tăng năng lực về tài chính là điều cần thiết và phải được giải quyết ngay. Hơn nữa, liên kết với các đơn vị, cá nhân khác sẽ giúp khả năng thông tin và truyền thông của các đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP được nhanh, thuận lợi và hiệu quả hơn.
Thứ tư: Xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa
Các sản phẩm cần có mã vạch để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm - thiết kế QR code cho từng sản phẩm, hình thành cơ sở dữ liệu hệ thống phân phối trên các sàn TMĐT uy tín để các nhà sản xuất, đối tác kết nối, đặt hàng, giúp cho việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh được thuận tiện hơn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới cho các doanh nghiệp, chủ thể; phát huy thế mạnh của sàn giao dịch TMĐT. Ngoài ra cần hỗ trợ các đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP làm video về sản phẩm kinh doanh của mình trên hệ thống phương tiện đại chúng hoặc hướng dẫn các chủ thể OCOP thực hành kỹ năng livestream bán hàng trực tuyến.
Kết luận
Mặc dù giai đoạn 2020-2022 chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả tích cực như tăng mạnh về số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP, tăng về chủ thể tham gia SXKD và thăng hạng sản phẩm. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn nhiều hạn chế như thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, khó khăn về nguồn lực tài chính, con người và cơ sở vật chất, mức độ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị chưa cao.
Để ứng dụng TMĐT nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP Lai Châu nghiên cứu chỉ ra 4 giải pháp quan trọng: Phát triển nguồn nhân lực TMĐT, phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống mạng phù hợp để khai thác và ứng dụng TMĐT, phát triển liên kết và cải thiện năng lực tài chính của các đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP và xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa (các sản phẩm cần có mã vạch để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm - thiết kế QR code cho từng sản phẩm).
Tài liệu tham khảo:
1.Đinh Lan (2023). Lai Châu: Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. https://tuoitre.vn/lai-chau-
thuc-day-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-quy-mo- lon-20231207102845929.htm
2. Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu (2021). Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu về việc Quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025.
3. Quỳnh Nga (2022), Lai Châu: Xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP. https://vietnamnet.vn/ lai-chau-xay-dung-va-phat-trien-cac-chuoi-cung-ung-san- pham-ocop-2052422.html
4. Sở NN & PTNT (2022). Báo cáo số 387/BC-SNN ngày 04/03/2022 của Sở NN & PTNT tỉnh Lai Châu về Kết quả thực
hiện chương trình OCOP tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2021
5. Sở NN & PTNT (2023). Báo cáo số 14/BC-SNN ngày 04/01/2022 của Sở NN & PTNT tỉnh Lai Châu về Kết quả thực hiện chương trình OCOP tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2021
6. Thanh Hoa (2019), Lai Châu: Xây dựng mỗi xã một sản phẩm, Truy cập tại http://laichau.gov.vn/cong-dan-doanh-nghiep/
cac-san-pham-ocop-tinh-lai-chau/lai-chauxay-dung-moi-xa- mot-san-pham-ocop-.html.
7. Thu Hoài (2021), Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2021, Truy cập tại: https://laichau.gov.vn/tin-tuc-su-kien/thong-tin-chi-dao-
dieuhanh/thuc-hien-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham- tren-dia-ban-tinh.html.
8. ThuHuyền (2022), OCOP là “cơ hội vàng” cho nông sản vươn xa, Truy cập tại https://baolaichau.vn/ocop-lai-ch%C3%A2u/
ocop-c%C6%A1-h%E1%BB%99iv%C3%A0ng-cho- n%C3%B4ng-s%E1%BA%A3n-v%C6%B0%C6%A1n-xa.
9. Thanh Sơn (2019). Nông nghiệp Lai Châu từng bước phát triển bền vững. Truy cập tại: http://laichau.dcs.vn/kinh-te/
nong-nghiep-lai-chau-tung-buoc-phat-trien-ben-vung3824. html.
10. Thuý Hồng (2022). Còn nhiều hạn chế trong phát triển các sản phẩm OCOP. https://baodantoc.vn/con-nhieu-han-che-
trong-phat-trien-cac-san-pham-ocop1647681157522.htm
11. Thuý Hà (2023). Nhiều thách thức trong phát triển sản phẩm OCOP. https://cand.com.vn/Thi-truong/nhieu-thach-
thuc-trong-phat-trien-san-phamocop-i709811/
12. Tuệ Minh (2023). Nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức quảng bá sản phẩm OCOP. https://moit.gov.vn/tin-tuc/xuc-
tien-thuong-mai/san-pham-ocop-ngay-cang-nang-cao-so- luong-va-chat-luong.html
13. UBND(2024). Báo cáo số 421/BC-UBND về Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024.
14. https://thanhpho.laichau.gov.vn/upload/103883/20240930/1_BC_KTXH_9_thang__trinh_ban_hanh__3432d.pdf
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2024)