Mặc dù giao dịch vĩ mô - GDVM (tức là các thanh toán liên quan đến số tiền nhỏ) đã được quan tâm nghiên cứu từ những năm 1990, nhưng các mô hình giao dịch vi mô truyền thống đòi hỏi thanh toán cần thực hiện thông qua trung gian với phí dịch vụ lớn đáng kể so với khối lượng thanh toán của các giao dịch vi mô. Bất cập này khiến cho GDVM không được phổ biến như kỳ vọng.
Với tính minh bạch cao, khả năng loại bỏ trung gian và xác nhận giao dịch cận thời gian thực, Blockchain đáp ứng được các yêu cầu của thanh toán vi mô mà các giải pháp hiện tại chưa thỏa mãn được. GDVM với Blockchain mở ra khả năng cho nhiều loại hình kinh tế chia sẻ, chẳng hạn như có thể cung cấp giải pháp bán ngược điện trở lại lưới cho các hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời hoặc máy phát điện gió hay khai thác dữ liệu từ sensor của người dân để phục vụ cho đô thị thông minh (camera an ninh, giao thông, cảm biến môi trường…).
Thanh toán vi mô Blockchain cho phép chuyển việc sử dụng các tài nguyên, nội dung và dịch vụ từ hình thức thuê bao theo truyền thống sang hình thức sử dụng theo yêu cầu (on demand/pay per use - thanh toán theo mức độ sử dụng), chẳng hạn như với nghe nhạc số, truy cập các bài báo độc quyền… Sự chuyển biến này không chỉ tạo thuận lợi cho các bên liên quan (người mua cũng như nhà cung cấp dịch vụ) mà còn là điều kiện triển khai khả thi cho nhiều loại hình kinh tế.
Việt Nam chúng ta đang tích cực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong đó chuyển đổi số và cụ thể là thanh toán online đang được thúc đẩy bằng những chính sách mạnh mẽ. Với miền ứng dụng rộng và đối tượng sử dụng bao trùm toàn xã hội, thanh toán vi mô sử dụng Blockchain có thể mang lại những lợi ích lớn cho phát triển kinh tế, xã hội nói chung và trong những lĩnh vực nhà nước nói riêng như thanh toán cho các dịch vụ công hay phát triển các giải pháp đô thị thông minh…phù hợp với các chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, cần xác định rõ tiềm năng ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực này cũng như các khó khăn hạn chế của công nghệ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam để có cơ sở xây dựng các chính sách phù hợp với công nghệ.
Nhằm làm rõ được khả năng ứng dụng thực tế của Blockchain trong thanh toán vi mô trong điều kiện thực tế của Việt Nam và đánh giá tiềm năng công nghệ này mang lạị, nhóm thực hiện đề tài do ThS. Hoàng Xuân Sơn, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông làm chủ nhiệm đã đề xuất và được chấp thuận thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tiềm năng ứng dụng Blockchain trong các bài toán giao dịch vi mô trong nền kinh tế số”.
Đề tài tập trung nghiên cứu bản chất công nghệ và xu hướng ứng dụng vào thực tế; đưa ra các phân tích, giải quyết phù hợp hiện nay về các vấn đề về giao dịch vi mô từ đó nâng cao sự tin tưởng của người sử dụng đối với thị trường.
Sau một thời gian triển khai, Đề tài đã hoàn thành các nội dung đã đăng ký trong đề cương, bao gồm việc phân tích tổng quan về thanh toán vi mô; Nghiên cứu sự phù hợp của Blockchain trong bài toán giao dịch vi mô; Tình hình ứng dụng Blockchain cho thanh toán vi mô trên thế giới; Nghiên cứu tiềm năng ứng dụng Blockchain trong giao dịch vi mô trong nền kinh tế số ở Việt Nam.
Dựa trên những kết quả đạt được, nhóm đề tài đưa ra kết luận, trong bối cảnh chuyển đổi số đang được thúc đẩy mạnh mẽ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai GDVM một cách hiệu quả có thể giúp lấp đầy khoảng trống hiện tại trong lĩnh vực thanh toán với các giao dịch giá trị nhỏ, qua đó cho phép triển khai nhiều loại hình dịch vụ mới và phổ biến rộng rãi thanh toán điện tử trong nhiều lĩnh vực đời sống.
GDVM trong nền KTS có tiềm năng lớn và đang hội tụ các yếu tố để hiện thực hóa. Việc nghiên cứu tiến tới chủ động công nghệ cung cấp các giải pháp GDVM cho nền KTS là rất cần thiết vào lúc này, tránh việc bị động và đánh mất cơ hội cạnh tranh.
Blockchain có thế mạnh đối với GDVM, khắc phục những tồn tại của các hệ thống thanh toán hiện có đối với GDVM. Việc nghiên cứu, thử nghiệm, triển khai Blockchain cho GDVM đang diễn ra rộng khắp với nhiều nền tảng, ứng dụng phong phú và sự tham gia của nhiều công ty công nghệ hàng đầu.
Thế mạnh của GDVM ứng dụng Blockchain là thanh toán theo mức độ sử dụng các giao dịch giá trị nhỏ, trong đó kinh doanh các sản phẩm số và IoT là những lĩnh vực có mức độ tác động lớn và nhiều tiềm năng. Nhóm cũng cho rằng đây là thời điểm phù hợp để triển khai thử nghiệm Blockchain cho GDVM. Để cẩn trọng, hạn chế các tác động không mong muốn có thể triển khai dưới dạng hình thức sandbox.
Để kiểm nghiệm khả năng ứng dụng của công nghệ Blockchain vào GDVM trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, đề tài khuyến nghị triển khai một “sandbox” thử nghiệm GDVM với IoT, cụ thể là hệ thống ghi nhận dữ liệu GDVM từ việc bán điện năng lượng mặt trời vào lưới điện sử dụng công nghệ Blockchain. Các nhà mạng viễn thông cũng có thể xem xét triển khai mô hình kinh tế chia sẻ hạ tầng viễn thông cho 5G.
Do công nghệ Blockchain nói chung và cho GDVM nói riêng vẫn đang được hoàn thiện với nhiều biến thể để khắc phục những hạn chế trong năng lực xử lý của hệ thống. Bên cạnh đó, gần đây còn xuất hiện những công nghệ thay thế “cận blockchain” khác (như DAG) nên cần liên tục theo dõi, đánh giá để có thể sớm khai thác những tiềm năng của công nghệ này và cần phát triển một private blockchain dùng chung cho thử nghiệm.