Trong 2 ngày 5 - 6/10/2017, Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về mạch tích hợp, thiết kế và kiểm chứng (The 2017 International Conference on Integrated Circuits, Design and Verification - ICDV 2017) đã được trường Đại học Công nghệ - Đại học quốc gia tổ chức tại Hà Nội.
Hội nghị tập trung nội dung về mạch tích hợp và thiết bị hướng tới mạng Internet kết nối vạn vật (IoT), thành phố thông minh và cách mạng công nghiệp 4.0. Hội nghị có ý nghĩa trong việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và chia sẻ thông tin khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, chế tạo thiết bị và phát triển ứng dụng liên quan đến IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), thành phố thông minh, bảo vệ môi trường và các công nghệ lõi liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
PGS. TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghệ phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghệ cho biết trong 7 năm qua, Hội thảo ICDV đã là một diễn đàn thường niên cho các nhà khoa học của cả giới học thuật và của ngành trao đổi các ý tưởng, thảo luận các kết quả nghiên cứu và giới thiệu các chip, các thiết kế và các ứng dụng mạch tích hợp trong các lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.
ICDV năm nay thu hút gần 100 đại biểu tham dự đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Đài Loan... và các công ty Renesas Electronics, NEC, Hitachi, NTT…
Các diễn giả tham luận các nghiên cứu mới tại Hội nghị
Hội nghị có 2 bài phát biểu chính, 8 bài báo cáo mời và 19 báo cáo toàn văn đến từ trường đại học, doanh nghiệp và trung tâm nghiên cứu trên thế giới. Tỷ lệ chấp nhận bài là 42%.
PGS. TS. Trần Xuân Tú, Đại học Công nghệ, thành viên Ban Tổ chức cho biết bên cạnh các kết quả nghiên cứu, nhiều kết quả triển khai ứng dụng thực tiễn cũng được trình bày tại Hội nghị. Một số kết quả đem lại những giá trị kinh tế xã hội cao như ứng dụng IoT trong lĩnh vực thành phố thông minh, IoT trong việc nâng cao hiệu quả dây chuyền công nghiệp, hay một số đề xuất mới trong việc thay đổi công nghệ nhằm tăng cường yếu tố trí tuệ nhân tạo cho thiết bị điện tử...Cũng theo PGS. Trần Xuân Tú, một trong những điểm thú vị, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành vi mạch đó là sự hợp tác, phối hợp giữa các nhóm nghiên cứu ở các trường đại học và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các giá trị mới cho sản phẩm của họ trong tương lai. Renesas Vietnam là một doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam trong vấn đề này với hơn 800 kỹ sư thiết kế vi mạch.
Hội nghị ICDV cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ điện tử, công nghệ thông tin - truyền thông tại Việt Nam nhằm phát triển hơn nữa ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông tại Việt Nam; tăng cường vị thế và phát triển quan hệ quốc tế giữa cộng đồng khoa học Việt Nam với các cộng đồng khoa học thế giới (đặc biệt là Nhật Bản) liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch và phát triển sản phẩm điện tử.
Hội nghị ICDV 2017 được sự hỗ trợ của IEEE SSCS Vietnam, IEICE Vietnam Section, IEEE SSCS Japan/Kansai Chapter và Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam.