Hội nhập

Ngoại giao văn hóa: Cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước và hội nhập quốc tế

Trâm Anh 01/12/2024 15:17

Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, không chỉ quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong công cuộc hội nhập với thế giới mà còn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao uy tín quốc gia.

picture14.png
Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước bạn được diễn ra phong phú dưới nhiều hình thức. (Ảnh: Sưu tầm)

Việt Nam là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… Hiện nay, trong 7 cơ chế quan trọng nhất của UNESCO, Việt Nam đã được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí, trong đó có Ủy ban Di sản Thế giới (WHC).

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đây là cơ chế hợp tác liên kết, tạo điều kiện để Việt Nam phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy ngoại giao văn hóa.

Những “nhịp cầu” ngoại giao

Với số lượng đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), đây là nhân tố quan trọng có vai trò làm cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới.

Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cộng đồng NVNONN tiếp tục tăng về số lượng và mở rộng về thành phần: khoảng 6 triệu người ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài học tập, lao động, kết hôn, đầu tư… tiếp tục tăng.

Số liệu tính đến hết năm 2023, tại Hoa Kỳ có khoảng 2,2 triệu người Mỹ gốc Việt, chiếm cộng đồng người Việt lớn nhất ở nước ngoài; khoảng 565.000 người Việt tại Nhật Bản; 470.000 người Việt tại Đài Loan; 350.000 người Việt định cư tập trung tại Sydney và Melbourne nước Úc, và hơn 200.000 người Việt tại Hàn Quốc…

Trên cơ sở đó, chương trình "Những ngày Việt Nam ở nước ngoài" (tên tiếng Anh: Vietnam Days) là hoạt động ngoại giao văn hóa do Bộ Ngoại giao tổ chức, chủ trì, thông qua Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, phối hợp cùng các Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia, với sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng NVNONN nhân các ngày kỷ niệm năm chẵn quan hệ ngoại giao với các nước, hoặc nhân các chuyến thăm cấp nhà nước của nguyên thủ Việt Nam.

Chương trình đã được tổ chức thành công tại nhiều nước như: Thụy Sĩ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc,... không chỉ giúp nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN tại nước sở tại mà còn thúc đẩy gắn kết cộng đồng người Việt Nam trên thế giới hướng về Tổ quốc, khơi gợi lòng tự hào dân tộc, tình cảm gắn bó với quê hương.

Nhờ đó, cộng đồng NVNONN trở thành cầu nối hiệu quả, truyền tải hình ảnh và giá trị văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

picture15.png
Người Việt Nam ở Séc biểu diễn hát quan họ tại quảng trường Praha trong lễ hội quốc tế Praha - Trái tim của các dân tộc. (Ảnh: TTXVN)

Điểm mới là trong những năm gần đây, nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến để công chúng khắp nơi trên thế giới có thể theo dõi, tham gia tìm hiểu văn hóa Việt Nam thông qua các ứng dụng, website, kênh truyền hình được phát sóng qua vệ tinh và internet. Ví dụ như kênh truyền hình VTV4 - kênh truyền hình đối ngoại của Đài THVN.

Đây là kênh phát sóng 24/7 bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp, nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của khán giả quốc tế với các nội dung chính: cập nhật tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trong nước và quốc tế; giới thiệu di sản văn hóa, phong tục tập quán và đời sống của người Việt Nam; khám phá các danh lam thắng cảnh và điểm đến du lịch nổi bật tại Việt Nam; giao lưu với kiều bào, chuyên gia quốc tế, nhằm tăng cường sự hiểu biết và kết nối giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ngoài ra, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình triển lãm tranh sơn mài trực tuyến tại địa chỉ https//tranhsonmai.baotangso.com.

Trang web sử dụng 4 thứ tiếng: Anh, Đức, Hàn Quốc và Việt Nam với các tác phẩm được chia thành hai nội dung là Đất nước và Con người, qua đó thể hiện vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và tâm hồn người Việt.

Song song với việc sử dụng ngôn ngữ quốc tế, công tác tôn vinh giá trị truyền thống sâu sắc của tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam bên cạnh việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng đang được chú trọng đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đây là trọng tâm trong công tác ngoại giao văn hóa và hỗ trợ kiều bào. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực xây dựng các đề án, chiến lược cụ thể hóa bằng những kế hoạch hành động chi tiết như: Đề án "Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài" (Quyết định số 14/QĐ-TTg, ngày 6/01/2017); Kế hoạch "Ngày Tôn vinh tiếng Việt" vào ngày 8/9 hàng năm; Đề án xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, …

Thúc đẩy ngoại giao văn hoá: Cần sự tham gia của nhiều thành phần

Ngoài sự nỗ lực của Trung ương, các địa phương cũng rất tích cực trong việc góp phần xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua các lễ hội, sự kiện giao lưu văn hóa, cùng với việc bảo tồn và phát huy giá trị di vật, di sản, góp phần nâng cao hiểu biết và tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế.

Được biết đến là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em, bao gồm: Thái, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào, Hoa, Kháng, Mường, Cống, Xi Mun, Si La, Nùng, Phù Lá, Thổ, Tày, Sán Chay và một số dân tộc khác, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, đã tạo cho Điện Biên một bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa của tỉnh.

Lễ hội Hoa Ban Điện Biên đã được nâng tầm thành sự kiện văn hóa, du lịch cộng đồng quy mô lớn, trở thành biểu tượng văn hóa đặc sắc của tỉnh cũng như đất nước con người Việt Nam. Với chuỗi hoạt động văn hóa đa dạng, lễ hội mang đến cho du khách cơ hội khám phá, trải nghiệm sâu sắc đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, lễ hội còn góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng và phát triển những giá trị mới về văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

picture16.png
Du khách quốc tế tham gia giao lưu văn hóa trong khuôn khổ Lễ hội Hoa ban, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Sưu tầm

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy và quảng bá di sản văn hóa và nghệ thuật dân tộc, các di vật văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng như một cầu nối hiệu quả trong hoạt động ngoại giao văn hóa.

Trống đồng Đông Sơn - một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc của nền văn minh Việt Nam thời kỳ Đông Sơn, không chỉ là nhạc cụ mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tinh thần, chính trị, và văn hóa của người Việt cổ. Với ý nghĩa minh chứng sinh động cho sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn, góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam trong lịch sử khu vực Đông Nam Á

Dự án ”Trống đồng - Âm vang đất Tổ” được thực hiện bởi Hội Di sản Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các cá nhân, tổ chức xã hội hóa, với mục tiêu là đúc 37 chiếc trống tặng Đền Hùng (Phú Thọ), Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội), trong đó 18 chiếc dành riêng cho Bộ Ngoại giao để mang sang trưng bày tại Đại Sứ quán Việt Nam ở các nước là một hình thức mới nhằm đưa một biểu tượng văn hóa của Việt Nam đến gần hơn với các nước bạn.

picture17.png
Trống đồng Sông Đà là một trong những chiếc trống đồng tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn, được trưng bày tại Bảo tàng Guimet - Pháp. (Ảnh: Đặng Anh Tuấn)

Trống đồng được tôn vinh là bảo vật quốc gia, di vật độc đáo của dân tộc, cũng đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp nghiên cứu riêng, tổng hợp thành những bộ sách lớn và trở nên nổi tiếng ở phương Tây. Năm 1902, trống đồng Sông Đà đã được trân trọng công bố trong cuốn sách mang tên Alte Metal Stromeln aus Suedost Asien (Dịch sang tiếng Việt: Trống kim loại cổ ở Đông Nam Á) của tiến sĩ Frank Heger.

Có thể nói, ngoại giao văn hóa được xác định là một trụ cột, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, tạo nên nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại. Công tác ngoại giao văn hóa được triển khai ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, từ Trung ương tới địa phương góp phần gắn kết và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao uy tín quốc gia./.

Bài liên quan
  • Ngoại giao đưa Việt Nam hội nhập vào dòng chảy thời đại
    Theo dòng chảy thời gian, ngoại giao đã đóng góp những dấu ấn quan trọng trong những trang sử vẻ vang của dân tộc, khơi thông quan hệ với nhiều đối tác, mở ra cục diện mới phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngoại giao văn hóa: Cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước và hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO