Truyền thông

Ngoại giao đưa Việt Nam hội nhập vào dòng chảy thời đại

Minh Nhật 08/12/2024 09:54

Theo dòng chảy thời gian, ngoại giao đã đóng góp những dấu ấn quan trọng trong những trang sử vẻ vang của dân tộc, khơi thông quan hệ với nhiều đối tác, mở ra cục diện mới phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.

doi-ngoai.jpg
Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác đối ngoại. (Ảnh minh họa)

Trong hành trình gần 40 năm đổi mới, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 tháng 12/2023, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, công tác đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam đã đạt được "những kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử", góp phần tạo dựng cục diện đối ngoại rộng mở, thành công của đất nước.

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế

Nhận thức về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, trong đó cần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nội lực là quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, Đảng ta đã luôn nhất quán chủ trương hội nhập quốc tế, và điều chỉnh, bổ sung, mở rộng cả về phạm vi, cấp độ và tâm thế hội nhập qua mỗi kỳ Đại hội, phù hợp với sự phát triển của đất nước và bối cảnh thế giới.

Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đã xác định “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.

Đến Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), yếu tố toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả trong hội nhập quốc tế đã được xác định rõ hơn là “tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Thực tế, việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt, quan trọng cùng các hoạt động đối ngoại cấp cao sôi động trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đã góp phần tạo nên tầm vóc chiến lược mới, đưa hợp tác đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và bền vững của các mối quan hệ.

Quan hệ ngoại giao của Việt Nam đã không ngừng được mở rộng, đi vào chiều sâu. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Hiện Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia là: Trung Quốc (tháng 5/2008), Liên bang Nga (tháng 7/2012), Ấn Độ (tháng 9/2016), Hàn Quốc (tháng 12/2022), Hoa Kỳ (tháng 9/2023), Nhật Bản (tháng 11/2023), Australia (tháng 3/2024), Pháp (tháng 10/2024) và gần đây nhất là Malaysia (tháng 11/2024).

Đáng chú ý, hiện Việt Nam đã có quan hệ từ cấp Đối tác chiến lược trở lên với toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Anh và Pháp). Việt Nam cũng là nước duy nhất xác lập và duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cùng lúc với cả ba cường quốc hàng đầu trên thế giới là Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ, qua đó tiếp tục tạo khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các đối tác quan trọng, góp phần củng cố thế đối ngoại vững chắc cho đất nước.

Đồng thời, với chủ trương đẩy mạnh hợp tác thương mại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, đến nay, Việt Nam đã ký 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó, có nhiều FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện, có cơ chế thực thi chặt chẽ như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU)-EVFTA…

Đại diện các nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết hiệp định ngày 8/3/2018 tại Santiago, Chile. (Ảnh: Reuters).

Việt Nam cũng là thành viên của hầu hết tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng, đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020 - 2021), Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020), Hội nghị cấp cao ASEM (2004), Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006, 2017), Diễn đàn Kinh tế giới về ASEAN (2018),…

Những thành tựu đối ngoại nói trên là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, là điểm sáng trong thành tựu chung của đất nước như Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, trong đó có đóng góp rất quan trọng của công tác hội nhập quốc tế.

Ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Đánh giá về công tác đối ngoại và ngoại giao trong tình hình mới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến chuyển lớn với những cơ hội đan xen cùng thách thức, mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất của ngoại giao là cần tranh thủ tối đa và tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, đưa đất nước vào dòng chảy của thời đại, tạo đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và năm 2045 mà Đại hội XIII đã đề ra.

“Bước vào ‘kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam’, trên cơ sở nghiêm túc tổng kết những bài học đối ngoại của 40 năm đổi mới và trước bối cảnh tình hình mới và các vấn đề lớn đặt ra đối với đất nước, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục đổi mới tư duy và hành động, tham mưu, xây dựng những giải pháp mới bổ sung cho đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu là "bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên’”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn viết trong bài viết nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao.

Người đứng đầu ngành Ngoại giao cũng khẳng định sẽ tiếp tục nâng tầm, nâng cấp và tranh thủ tối đa cơ hội từ các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; phát huy mạnh mẽ vai trò của các phương thức, các kênh đối ngoại như ngoại giao cấp cao, ngoại giao chuyên ngành, đối ngoại địa phương, các kênh học giả và doanh nghiệp…; tham gia chủ động, có trách nhiệm hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực; thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt của đối ngoại đa phương trong những vấn đề, cơ chế quan trọng có tầm chiến lược.

Có thể thấy, với việc kiên định đường lối đối ngoại đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu, hội nhập nhưng không hòa tan, kết hợp với nắm bắt xu thế phát triển của thế giới để tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng hội nhập quốc tế sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tiếp theo./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngoại giao đưa Việt Nam hội nhập vào dòng chảy thời đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO