Xuất thân từ Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi nổi tiếng là cái nôi của những sinh viên công nghệ ưu tú, Nguyễn Xuân Hải Nam đã có cơ hội làm việc tại Nhật Bản ngay khi vừa ra trường…
Mọi chuyện đến rất tình cờ khi một ngày, anh nhận được cuộc gọi hẹn phỏng vấn từ một công ty Nhật Bản. Chàng sinh viên khi ấy còn chưa vạch ra con đường rõ ràng, chỉ nghĩ đơn giản: "Có cơ hội thì chớp lấy thôi!". Song chính cuộc phỏng vấn đó đã giúp Hải Nam đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình "go global" của mình và gắn bó 4 năm tại "đất nước mặt trời mọc".
Tháng 2/2018, Hải Nam trở về Hà Nội và ứng tuyển FPT theo lời rủ rê của bạn bè với suy nghĩ: "Ra nước ngoài cũng chán rồi, vậy thì ở lại Hà Nội xem sao". Nam đã đến với FPT chỉ đơn giản như thế và bắt đầu công việc tại team automotive - lập trình ô tô với khách hàng tại thị trường Mỹ.
Thời gian 1 năm 4 tháng làm việc ở FPT Software chính là bước đệm hoàn hảo cho hành trình chinh phục những thử thách tiếp theo của Hải Nam. Anh tâm sự: "Hồi đó vào team, mình rất cố gắng, thức khuya dậy sớm, sản phẩm có lỗi gì thì nhất quyết phải ngồi khắc phục cho xong".
Không chỉ vậy, Nam còn luôn nỗ lực nghiên cứu qua các tài liệu và những người đi trước. Khi khách hàng Mỹ sang Việt Nam, thấy những đóng góp bền bỉ của Hải Nam cho dự án nên đã quyết định đề nghị để Hải Nam onsite tại Michigan.
Onsite ngắn hạn lần đầu tại Mỹ vào tháng 7/2019, đến tháng 11 cùng năm, Hải Nam chuyển sang onsite dài hạn ở vùng Bắc và Đông Bắc Hoa Kỳ, nơi tọa lạc của văn phòng FPT và nhiều "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp ô tô như: Ford, General Motors , BorgWarner… Với những cố gắng không ngừng nghỉ và tinh thần sẵn sàng đón nhận thử thách, Hải Nam đã có một chặng đường 7 năm đáng nhớ khi làm việc tại hai cường quốc công nghệ.
Đặc biệt với khách hàng của FPT, lần đầu tiên anh được trải nghiệm một quy trình làm việc tổng thể: "Hồi mình còn ở Việt Nam, lập trình nhúng (embedded) cho ô tô thường chỉ dừng lại ở một phần nhỏ là driver cấp thấp (low-level driver). Mình giống như thầy bói xem voi vậy, làm cái chân thì chỉ biết cái chân, không biết cả con voi tròn méo thế nào. Còn bây giờ, mình được tiếp cận tổng thể của sản phẩm và phát triển các sản phẩm phần mềm của khách hàng, tích hợp trực tiếp vào hệ thống trên ô tô của hãng".
Không chỉ được trải nghiệm cuộc sống ở những vùng đất "trong mơ", đi onsite còn giúp Hải Nam phát triển vượt bậc về kinh nghiệm và chuyên môn trong công việc. Để chấm điểm công việc hiện tại, Nam không chần chừ khi đặt điểm tuyệt đối 10/10 cho môi trường làm việc và những thử thách đầy mới lạ mà anh đang hướng đến.
Dự án đáng nhớ nhất trong gần 2 năm làm việc tại Mỹ của Hải Nam đến khá tình cờ. Thông thường, thay vì tự làm từ A đến Z, các công ty sản xuất ô tô sẽ mua nhiều sản phẩm từ các nhà cung ứng khác nhau, rồi tích hợp để tạo thành hệ thống của mình. Tuy nhiên ở thời điểm đó, một nhà cung ứng của dự án bị chậm tiến độ, dẫn đến tích hợp bị gián đoạn.
Tự tin vào khả năng của team, Hải Nam và một người bạn đã chủ động đề xuất tự phát triển sản phẩm tương tự, có thể "chữa cháy" trong lúc chờ nhà cung cấp. Đánh giá cao sự chủ động và khả năng linh hoạt, khách hàng đã nhanh chóng đồng ý để hai chàng trai trẻ tự đưa ra giải pháp.
Chỉ trong một tháng gấp gáp, Hải Nam và cộng sự vừa tìm hiểu, vừa ứng dụng công nghệ chip mới, rồi thức đêm để hoàn thành kịp tiến độ: "Bởi thời gian rất gấp, nên mình phải liên tục trao đổi, làm việc với nhiều bên. Nhưng cũng nhờ vậy mà mình cũng học được nhiều về cách quản lí thời gian, làm việc theo nhóm và giao tiếp".
Từ một ý tưởng ban đầu, dự án nhỏ của Nam đã "cứu" khách hàng khỏi hàng tháng trời chờ đợi. Với Hải Nam, "đó không phải một dự án quá khó, nhưng là một dấu mốc quan trọng, vì chúng ta đã chứng minh được với khách hàng: FPT có đủ khả năng để đảm nhận những công việc mới, có độ phức tạp cao hơn".
Cũng từ đó, khách hàng quyết định dùng nguồn lực nội bộ để phát triển những dự án tương tự, thay vì thuê ngoài như trước. Nam và các cộng sự của anh cũng được chọn để trở thành "core member" của một dự án mới quy mô hơn.
Thế nhưng, không có con đường nào là luôn bằng phẳng. Khi được hỏi, có bao giờ anh thấy "shock văn hóa", Hải Nam tâm sự: "Khoảng 6 tháng đầu, mọi thứ thường rất ổn, vì mình khá háo hức. Nhưng dần dần sau đó, mình nhận ra những khác biệt nhất định."
Đầu tiên là câu chuyện ngôn ngữ. Dù giỏi ngoại ngữ đến đâu, thì Hải Nam tin rằng bất cứ ai cũng sẽ có lúc bị "khớp" khi nói chuyện với người bản địa. Bạn sẽ phải rất cố gắng để bắt nhịp và giao tiếp với một ngôn ngữ khác, trong một bối cảnh xa lạ, nơi những "mẹo giao tiếp" bạn vẫn dùng có thể chẳng còn hiệu quả nữa.
Bên cạnh ngôn ngữ, nhiều onsiter còn mang nỗi trăn trở: "Liệu đây có phải là nơi mình thuộc về?" Mọi người thường chỉ nghĩ đến những việc to tát như phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, nhưng với Hải Nam, khó khăn thực sự đến từ bản thân mỗi người. Đôi lúc, anh đi giữa những đại lộ rực rỡ, những cao tốc hiện đại, nhưng lòng lại nhớ về con đường Việt Nam bụi bặm, nắng gió. Anh chợt nghĩ, "Có chăng, đó mới là nơi mình thuộc về?" Không chỉ Nam, mà hẳn ai đi nước ngoài lâu cũng từng có cảm giác ấy.
Bên cạnh đó, Covid-19 cũng là một thử thách với nhiều onsiter. Hải Nam may mắn thích nghi khá tốt với việc làm tại nhà (work from home) dài hạn. Tuy nhiên, với những người thích đến công ty, thích được giao lưu với đồng nghiệp thường xuyên thì đây có thể là khoảng thời gian "cách ly" đầy bức bối.
Vậy làm thế nào để vượt qua những khó khăn này? Ngoài công việc, Hải Nam chọn đi du lịch, tự nấu ăn và tụ tập với những anh em onsiter của FPT.
Trước khi dịch bùng phát, Team FPT ở khu vực Detroit (Michigan) thường gặp gỡ tại nhà Hải Nam, cùng nhau ăn uống và đi du lịch. FPT cũng thường tổ chức các buổi team building, trò chơi, tặng quà, sinh nhật. Nam còn nhớ, có cả những lần các sếp sang thăm, cùng anh em uống bia, tâm sự chuyện onsite và cuộc sống nơi đất khách quê người. Tâm trạng xa xứ cũng vơi bớt đi nhiều sau những lần hội họp cộng đồng người F.
Dù còn những khó khăn, nhưng "giấc mơ Mỹ" vẫn luôn là niềm khao khát, là hoài bão của nhiều người trẻ. Với Hải Nam, anh cho rằng, có hai chiếc "chìa khóa vàng" để mở ra cơ hội đó.
Đầu tiên, đó là tiếng Anh - phương tiện để làm việc trong môi trường quốc tế. Theo Hải Nam, chỉ học TOEIC là không đủ, IELTS với mức 6.0 trở lên là phù hợp cho những người mới bắt đầu theo đuổi giấc mơ onsite. Nhưng quan trọng nhất là phải thành thạo cả 4 kỹ năng để hòa nhập trong môi trường quốc tế.
Chiếc chìa khóa thứ hai chính là khả năng thích nghi, không chỉ trong cuộc sống, công việc, mà còn cả những giây phút… "dở khóc dở cười" do khác biệt văn hóa. Đây có lẽ là rào cản lớn nhất khi đi onsite, là thứ dễ khiến những người con xa xứ mủi lòng và muốn trở về. Bởi vậy, thích nghi cũng là một loại năng lực cần chuẩn bị và rèn luyện.
Onsite là một cơ hội hiếm có để bứt phá trong sự nghiệp, cũng là trải nghiệm đặc biệt của những tháng năm tuổi trẻ đầy hoài bão. Với Hoài Nam, đây vẫn là một hành trình đang rộng mở. Trên hành trình đó, không có chỗ cho những ai ngủ quên trên chiến thắng. Bởi mỗi onsiter ở FPT đều là những cánh chim, mang trong mình khát khao vô tận về những chân trời mới, vùng đất mới. Và FPT cũng chính là tán cây cổ thụ vững chãi, luôn vươn rộng để nâng đỡ cho những khát khao đó bay xa.