Người lao động loay hoay trước làn sóng chuyển đổi nghề nghiệp sang CNTT hậu COVID-19

PV| 23/03/2022 09:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Xu hướng chuyển đổi số (CĐS), nhu cầu tuyển dụng và đãi ngộ hấp dẫn đang tạo nên một làn sóng người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 chuyển đổi nghề nghiệp sang CNTT.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, ước tính 15 triệu lao động Việt Nam bị giảm thu nhập, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, mất việc làm do COVID-19. Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam kéo theo 1,3 triệu người lao động bỏ về quê. Nhiều người trong số họ không trở lại làm việc khi hết giãn cách.

COVID-19 làm đảo lộn thị trường lao động Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) bấp bênh khi đối mặt với thách thức kép: vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất và phát triển kinh tế.

Trái với xu hướng chung của kinh tế, trong đại dịch, ngành CNTT vẫn tiếp tục phát triển và có nhu cầu lao động tăng dần qua từng năm. Tại Việt Nam, năm 2020, Chính phủ phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". 13.000 DN CNTT được thành lập chỉ sau 1 năm Chương trình được phê duyệt. Theo Báo cáo thị trường của TopDev, năm 2022, ngành CNTT cần thêm 150.000 lao động mới gia nhập ngành để đáp ứng nhu cầu từ các DN.

"Sóng" chuyển đổi nghề sang CNTT

Theo báo cáo của McKinsey & Company, 25% người lao động có thể phải chuyển đổi việc làm so với trước khi đại dịch xảy ra. Đồng thời, theo ông Till Alexander Leopold, Giám đốc Trung tâm Tầm nhìn tiên phong, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), 80% công ty phải đẩy mạnh CĐS do đại dịch. Hai yếu tố này biến CNTT trở thành lựa chọn hàng đầu cho các lao động bị ảnh hưởng do đại dịch.

Tại Việt Nam, TS. Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập Hệ sinh thái học trực tuyến FUNiX cho biết các công việc trong ngành CNTT tăng trưởng tới 47% trong những năm qua. Tuy nhiên, các đơn vị đào tạo chính thống về CNTT chỉ cung cấp được khoảng 40% nhu cầu thực tế.

Từ phía các đơn vị sử dụng lao động, nhiều DN đưa ra những mức lương hấp dẫn nhưng vẫn không tìm được ứng viên phù hợp. Điều này đến từ thực tế chỉ 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp hàng năm đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của DN cần.

Đây là thời điểm các đơn vị đào tạo và DN cần "bắt tay nhau" để gia tăng số nhân sự chất lượng cao trong ngành và hỗ trợ người lao động có mong muốn chuyển nghề trong đại dịch.

"Liều mình" đón sóng, cơ hội và thách thức của người lao động là gì?

Trong khi nhiều ngành bị ảnh hưởng nặng nề, ngành CNTT vẫn vươn mình phát triển, mỗi năm thiếu hụt hàng chục ngàn lao động cùng lời hứa về mức thu nhập tăng tiến, môi trường lao động tiến bộ, công bằng và bền vững.

Theo khảo sát thị trường lao động Việt Nam trong đợt dịch thứ 4 của Vietnamworks vào tháng 10/2021, 85% các đơn vị không cắt giảm nhân sự, giữ nguyên lương và phúc lợi hoạt động trong ngành CNTT; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; xuất - nhập khẩu. Phần lớn các DN có tăng hoạt động và nhu cầu tuyển dụng đều thuộc khối ngành CNTT.

Ngoài ra, 52% DN sẵn sàng trả cho người lao động lĩnh vực này từ 9 - 11 triệu đồng/tháng; 41% sẵn sàng trả từ 13 - 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, muốn chuyển đổi nghề sang CNTT, người lao động còn gặp nhiều thách thức khi bắt đầu trở lại từ con số 0. Khi tìm hiểu chuyển đổi ngành sang CNTT trên mạng xã hội và Google, các nhân sự tiềm năng dễ "lạc" vào mê cung thông tin. Từ đó, hình thành 6 nỗi sợ thường gặp của những người muốn chuyển ngành sang CNTT: sợ chi phí học đắt, sợ CNTT khó, sợ học chán và không hợp, sợ đã muộn để bắt đầu lại, sợ bằng cấp thua kém và sợ không đảm bảo công việc.

Không để thách thức làm chùn chân các nhân sự tiềm năng, hơn 6 năm thành lập, FUNiX đã đồng hành với 13,000 học viên chuyển đổi sang ngành CNTT. Mỗi học viên chuyển đổi này đều có những bối cảnh khác nhau như bộ đội, nhân viên Marketing, bồi bàn, mẹ bỉm sữa,...

Tháng 11/2021, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề trong xã hội, FUNiX phối hợp với 40 DN và các đơn vị đào tạo phi truyền thống khác thực hiện dự án CĐS công nhân.

Khóa học chuyển nghề CNTT tại FUNiX có lộ trình 6 tháng. Học viên cần cam kết học tập trực tuyến ít nhất 3 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Mỗi ngày, người học cần chủ động trao đổi học tập với giảng viên và cam kết làm việc cho DN ít nhất một năm sau khi học xong. Để đảm bảo cam kết này, học viên đặt cọc 50% chi phí khóa học (tương đương 15 triệu đồng) và sẽ nhận lại số tiền này sau khi hoàn thành khóa học và nhận việc tại DN./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Người lao động loay hoay trước làn sóng chuyển đổi nghề nghiệp sang CNTT hậu COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO