Người thầy có tầm nhìn vượt thời đại và bộ sách quý vượt thời gian
Với bộ sách "Cây cỏ Việt Nam" một công trình khoa học lớn mang tầm thế giới, cố GS. Phạm Hoàng Hộ đã để lại 1 cẩm nang nghiên cứu về cây thuốc cho nhiều thế hệ dược sĩ. Bộ tài liệu chưa bao giờ lạc hậu và luôn mang tính thời sự hơn 60 năm qua.
Người thầy đáng kính với tư duy đi trước thời đại
GS. Phạm Hoàng Hộ sinh năm 1929 tại An Bình, Cần Thơ. Thuở nhỏ, ông học ở tiểu học Basac, rồi College de Cần Thơ (sau đổi tên là trường Trung học Phan Thanh Giản và nay là trường THPT Châu Văn Liêm - Cần Thơ). Ông du học và lần lược lấy bằng Tú tài I và Tú tài II tại Pháp. Ông thi đậu Đại học Sorbone Paris - một trường rất danh giá, sau khi tốt nghiệp cử nhân Khoa học năm 1953 ông tiếp tục học Thạc sĩ về Khoa học Thiên nhiên với năm 1956 thì nhận bằng.
Trở về nước ông đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Hải học Viện Nha Trang từ năm 1957 - 1962, ông đã thực hiện công trình nghiên cứu về rong biển Việt Nam và một phần của công trình nghiên cứu này được dùng cho luận án Tiến sĩ Khoa học mà ông đệ trình vào năm 1961 cũng tại Đại học (ĐH) Sorbonne. Sau đó ông giảng dạy tại Đại học Sư phạm Sài Gòn và Viện Đại học Sài Gòn.
Với tư duy đi trước thời đại, ông cùng bạn hữu đã tích cực vận động và thành lập trường ĐH đầu tiên ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với tên gọi ban đầu là Viện ĐH Cần Thơ vào ngày 31/3/1966, GS. Phạm Hoàng Hộ trở thành Viện trưởng đầu tiên (nay là ĐH Cần Thơ). Viện ĐH Cần Thơ là đơn vị áp dụng quy chế tín chỉ đầu tiên và duy nhất ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Bắt đầu từ niên khóa 1970 - 1971 chế độ chứng chỉ (certificat) được thay bằng tín chỉ (credit), vốn tính theo số giờ học trong suốt học trình bốn năm. Mỗi 30 giờ giảng dạy về lý thuyết là một tín chỉ lý thuyết. Một tín chỉ thực tập gồm 2,5 giờ mỗi tuần trong phòng thí nghiệm trong niên khóa. Văn bằng cử nhân giáo khoa đòi hỏi trong 60 tín chỉ phải có 5/6 là tín chỉ bắt buộc, 1/6 còn lại thì được tùy ý lựa chọn.
Nhiều công trình và sách quý cho ngành dược
Tới năm 1970, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu giá trị về Thực vật học của Việt Nam, gồm: Cây cỏ miền Nam Việt Nam (1960), Sinh học Thực vật (1964, 1966), Tảo học (1967), Hiển hoa bí tử (1968), Rong biển Việt Nam (1969).
Năm 1970, GS. Phạm Hoàng Hộ về Sài Gòn và tiếp tục công trình giảng dạy và nghiên cứu thực vật đến năm 1984. Sau đó, GS. Phạm Hoàng Hộ sang Pháp và từ đó ông sang Canada sinh sống.
Tại đây ông hoàn tất công trình nghiên cứu Cây cỏ Việt Nam - tác phẩm tâm huyết nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học, là sự kế thừa bổ sung không ngừng nghỉ mọi nơi mọi lúc trong 50 năm nghiên cứu của ông. Từ cuốn “Cây cỏ Miền Nam Việt Nam” ấn hành năm 1960 mô tả 1.650 loài thông thường của Miền Nam. Đây là những thông tin về dược tính mà ông đã nghiên cứu và hệ thống được trong thời gian nghiên cứu ghi chép về cây cỏ Đông Dương trong Viện bảo tàng khi học ĐH ở Paris.
Tới khi tái bản lần hai bộ “Cây cỏ miền Nam Việt Nam” (1970), số loài thực vật được mô tả lên tới 5.328, và được ông coi là “Đây là giai đoạn mà tôi xem như vàng son của một nhà thực vật học Việt Nam chúng ta”.
Sau năm 1975, ông tiếp tục công việc nghiên cứu và đưa vào bộ sách “Cây cỏ miền Nam Việt Nam” thêm 2,500 loài và đã mở rộng phạm vi trên toàn bộ đất nước Việt Nam.
Ông đã tiếp tục dành 6 năm để nghiên cứu trong Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris, nơi có bộ sưu tập cây cỏ thuộc hàng phong phú nhất trên thế giới với khoảng 10 triệu mẫu vật cây cỏ. Và ông đã bổ sung được trên 3000 loài cây cỏ Việt Nam, nâng tổng số loài mô tả khoảng 10.500 loài, cùng đổi tên chính thức là “Cây cỏ Việt nam”.
Việc hệ thống trình bày theo tên gọi đặc trưng của Việt Nam với cách dùng từ kép độc đáo, ghi chú bằng tiếng Anh bên cạnh tên khoa học. Cùng với việc bổ sung hình ảnh cụ thể với độ chính xác cao, giúp dễ dàng cho việc nghiên cứu và học tập.
Cuốn "Cây cỏ Việt Nam" góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu về thực vật học và cây thuốc, tạo tiền đề cho các thế hệ tiếp sau nghiên cứu và phát triển. Đây là nguồn tài liệu quý để các dược sĩ, nhà nghiên cứu tiến hành những công trình chuyên sâu về thành phần hóa học, tác dụng sinh học, tiến tới tạo ra sản phẩm thuốc mới có nguồn gốc từ thiên nhiên phục vụ điều trị bệnh cho cộng đồng.
Đến năm 1999, Nhà Xuất bản Trẻ cho ấn hành lại tác phẩm này với lời nhận xét: “CÂY CỎ VIỆT NAM là một công trình khoa học mang tầm cỡ quốc gia và mang chứa nhiều tâm huyết của GS. TS. Phạm Hoàng Hộ. Nên biết hiện nay trên thế giới chưa dễ đã có mấy quốc gia, kể cả những quốc gia có nền khoa học tiên tiến có được một công trình sưu tầm biên khảo hoàn chỉnh về thảm thực vật trên đất nước mình. Để có được một công trình khoa học như "Cây cỏ Việt Nam", không biết phải tốn bao nhiêu chất xám, thời gian và tiền bạc? Điều may mắn là GS. Phạm Hoàng Hộ đã âm thầm dành hầu hết cuộc đời mình để đầu tư cho công trình này”.
Năm năm sau ngày mất của ông, những thế hệ thầy thuốc, dược sĩ Việt Nam đã thừa hưởng được những công trình tài liệu và sách tham khảo quý giá về chuyên ngành. Đây là công lao to lớn của một đời nghiên cứu nghiêm túc và lao động miệt mài của một giáo sư mang trong mình tình yêu cây cỏ và cống hiến hết mình cho chuyên môn ngành dược./.