Nguy cơ “ốc đảo” trên Internet nếu không ứng dụng IPv6

Lan Phương| 07/03/2019 10:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Nếu không tăng tốc chuyển đổi sang ứng dụng IPv6, các doanh nghiệp (DN) nội dung và mạng cơ quan nhà nước (CQNN) có thể thành “ốc đảo” trên Internet.

Theo Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam hiện đã vượt hơn 25,58% (với hơn 14 triệu người sử dụng IPv6 (trong đó: 5,2 triệu khách hàng FTTH và 2,7 triệu khách hàng di động), tuy nhiên, mức độ ứng dụng triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các DN nội dung, khối cơ quan Đảng, Nhà nước còn thấp, dưới 2%.

Chuyển đổi IPv6 đáp ứng nhu cầu của Internet giai đoạn mới và nâng cao chất lượng dịch vụ

Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), thường trực Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, ngày 28/02/2019, Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) thông báo khu vực bước vào giai đoạn cạn kiệt IPv4 nghiêm trọng; hạn chế cấp địa chỉ IPv4 cho các đơn vị, DN.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc VNNIC

Sự phát triển của Internet vạn vật (IoT), 5G làm tăng nhu cầu về địa chỉ kết nối, nhu cầu băng thông lớn và yêu cầu về bảo mật,… cũng khiến cho việc  chuyển đổi IPv6 càng trở nên cấp thiết. Bởi IPv6 là giao thức mặc định trong mạng 4G/5G và là công nghệ duy nhất có thể đáp ứng cơ sở hạ tầng đám mây (cloud), IoT.

Trên thực tế, giao thức IPv6 đã chứng minh được sự ưu việt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ tới người sử dụng. Các doanh nghiệp nội dung số lớn như Google, Facebook, Youtube, Microsoft, Instagram, CNN… triển khai IPv6 từ sớm và đã lên kế hoạch tắt dần IPv4.

Akamai, Facebook và LinkedIn đã tiến hành nghiên cứu so sánh hiệu năng giữa IPv6 và IPv4 đối với người sử dụng di động tại Mỹ và một số nước trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu năng được cải thiện đáng kể trong mạng thuần IPv6 và thời gian tải trang Web cũng tăng đến 10%. Riêng với Facebook, thời gian tải trang web cải thiện từ 20-40%.

Về vấn đề an toàn thông tin (ATTT), IPv6 đảm bảo an toàn, an ninh khi công nghệ IPSec được mặc định. IPSec gồm tập hợp các giao thức mã hóa các kết nối đầu cuối (end-to-end), nhằm tăng tính bảo mật cho dữ liệu.

Ông Nguyễn Hồng Thắng nhấn mạnh việc triển khai IPv6 là cơ hội để cơ quan nhà nước (CQNN) cấu trúc lại hạ tầng mạng phức tạp, đảm bảo ATTT.

Tỉ lệ triển khai IPv6 trong khối CQNNDN nội dung số tại Việt Nam còn thấp

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã ban hành chính sách yêu cầu triển khai IPv6 cho website của CQNN. Các nước có kết quả tiêu biểu như: Trung Quốc có trên 67% Website cơ quan nhà nước chạy IPv6; Malaysia đã có 500 Website cơ quan nhà nước chạy IPv6...

Trong khi đó, ở Việt Nam, theo Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, khối CQNN, hiện mới chỉ có Bộ TTTT đã kích hoạt hỗ trợ IPv6 trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Các Bộ, Ngành khác chưa xây dựng kế hoạch, phân bổ kinh phí hợp lý trong công tác chuyển đổi IPv6.

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC cho biết Kế hoạch hành động triển khai IPv6 của Việt Nam được xây dựng hợp với lộ trình thế giới. Mục tiêu của kế hoạch hành động đã xác định hoàn thiện, nâng cấp mạng, cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia, hoàn thiện việc chuyển đổi mạng lưới dịch vụ, phần mềm, thiết bị trên toàn bộ mạng Internet Việt Nam đảm bảo cho mạng Internet Việt Nam an toàn, tin cậy và mạng lưới của tổ chức DN, CQNN chính thức sử dụng, cung cấp dịch vụ IPv6.

Với tình hình triển khai IPv6 của CQNN hiện nay, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia và Bộ TTTT xem xét có kế hoạch tăng cường triển khai IPv6 tại cơ quan Đảng, Nhà nước nếu không chuyển đổi số, CPĐT sẽ gặp khó khăn. Theo hoạch hành động IPv6 quốc, mạng CQNN phải được chuyển đổi trước. Trên thực tế, ngoài một số mạng cục Bưu điện Trung ương thực hiện cho các hệ thống Cục phụ trách, còn lại đa phần các hệ thống của các CQNN chưa triển khai chuyển đổi IPv6. Một số Bộ ban ngành mới rục rịch.

Đối với mảng nội dung, ngoài FPT Online đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Báo điện tử VnExpress (năm 2017), hiện chưa có thêm DN nội dung số nào chuyển đổi IPv6 cho các trang tin điện tử có lượng truy cập lớn.

Báo điện tử VnExpress hoàn thành chuyển đổi IPv6 trong năm 2017

Theo thống kê của VNNIC, tính đến hết năm 2018, khối CQNN có tổng 48 website hoạt động với IPv6 (chiếm 1,63% trên tổng số website của CQNN; chiếm 0,77% trên tổng số website .vn đã hoạt động với IPv6).

Chính sách thúc đẩy ứng dụng IPv6 trên mảng dịch vụ nội dung và trong mạng CQNN

Để thúc đẩy ứng dụng IPv6 trên mảng dịch vụ nội dung và trong mạng CQNN, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã phối hợp với các đơn vị xây dựng chính sách và triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về chuyển đổi IPv6. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 15, Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ TTTT về quy định cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của CQNN: “Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phải hỗ trợ địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6, DNSSEC phù hợp với lộ trình ứng dụng IPv6 theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và Đề án triển khai tiêu chuẩn DNSSEC cho hệ thống máy chủ tên miền (DNS) “.VN”.

Đồng thời, Chính phủ đã ban hành quy định CQNN khi đầu tư, mua các các thiết bị mới có kết nối Internet phải đảm bảo các thiết bị có hỗ trợ công nghệ IPv6 theo quy định của Bộ TTTT; tất cả các thiết bị, phần mềm viễn thông và CNTT kết nối Internet được sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam phải ứng dụng IPv6, hướng tới ngừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu thiết bị, phần mềm không hỗ trợ công nghệ IPv6.

Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cho biết trong năm 2019, hoạt động của Ban cũng sẽ tập trung vào các hoạt động tập huấn, tư vấn trực tiếp cho các DN nội dung, cơ quan Đảng, Nhà nước. Các hoạt động dự kiến bao gồm Hội nghị tập huấn về IPv6 tại TP. Đà Nẵng cho các đơn vị miền Trung (tháng 3/2019), Hội nghị tập huấn về IPv6 tại TP. Hồ Chí Minh cho các đơn vị phía Nam (tháng 3/2019), Hội nghị tập huấn về IPv6 tại Hà Nội cho các đơn vị phía Bắc (tháng 4/2019) và Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam tại Hà Nội (06/5/2019).

Ngoài ra, để hỗ trợ các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6, VNNIC đã biên soạn tài liệu hướng dẫn triển khai IPv6 cho khối cơ quan Đảng, Nhà nước. Theo đó, chi tiết của kế hoạch có thể tham khảo tại: https://www.vnnic.vn/ipv6/thamkhao/tài-liệu-hướng-dẫn-triển-khai-ipv6-dành-cho-các-cơ-quan-đảng-nhà-nước-24-10-2017.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ “ốc đảo” trên Internet nếu không ứng dụng IPv6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO