Nguy cơ xung đột kỹ thuật số toàn cầu

Hạnh Tâm | 19/05/2022 06:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Các chuyên gia an ninh mạng nổi tiếng của Israel lo rằng chiến dịch tấn công mạng ở Ukraine và Nga có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát và điều đó có thể gây ra những hậu quả kinh tế khó khắc phục.

Nguy cơ tấn công mạng trên thế giới

Đại dịch đã thúc đẩy con người nhanh chóng chuyển dịch sang thế giới số, tạo ra nhiều thay đổi trong hành vi người dùng. Một trong những tác động mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng số là cách nó đã cào bằng sân chơi toàn cầu, cho phép những quốc gia như Việt Nam cạnh tranh với các nền kinh tế tiên tiến hơn.

Nguy cơ xung đột kỹ thuật số toàn cầu - Ảnh 1.

Ngày nay, công nghệ đang trở thành nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của một quốc gia, và mức độ phát triển công nghệ sẽ xác định vị thế của quốc gia đó trong hệ thống chính trị quốc tế.

Các rủi ro chính trị và kinh tế liên quan đến sự chênh lệch kỹ thuật số ngày càng nghiêm trọng khi sự phụ thuộc của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội vào công nghệ thông tin ngày càng nhiều và khối lượng dữ liệu tăng theo cấp số nhân.

Đặc biệt, thời gian qua, Ukraine liên tục bị tấn công mạng khiến giới chuyên gia lo ngại nguy cơ bùng lên một cuộc xung đột kỹ thuật số khắp thế giới. Khi đó, nhiều cuộc tấn công mạng sẽ nhắm vào Nga từ nhiều địa điểm khác trên toàn cầu và ngược lại.

Các chuyên gia an ninh mạng nổi tiếng của Israel lo rằng chiến dịch tấn công mạng ở Ukraine và Nga có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát và điều đó có thể gây ra những hậu quả kinh tế khó khắc phục.

Theo báo cáo tổng kết của Liên Hợp Quốc về an ninh thông tin quốc tế, quốc gia không đủ năng lực kỹ thuật số sẽ không thể phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi thù địch sử dụng công nghệ thông tin và điều này khiến họ dễ bị tổn thương hơn. Ngoài ra, các nước kém phát triển hơn có thể là đối tượng bị ảnh hưởng và thao túng thông tin.

Hiện nay, sự xung đột giữa Nga và Ukraine cũng là một trong những yếu tố dẫn đến xung đột không gian mạng. Do vậy mà các quốc gia trên thế giới đang có xu thế thành lập những đơn vị tác chiến để phòng thủ tấn công. Các tập đoàn đa quốc gia cũng bắt đầu sẵn sàng đối phó với tình hình xấu nhất trên không gian mạng.

Nguy cơ tấn công mạng vào Việt Mam

Trao đổi tại buổi tọa đàm về "Nguy cơ xung đột kỹ thuật số toàn cầu - Giải pháp đảm bảo an ninh mạng cho Việt Nam", ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), Phó chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav, thiệt hại do người dùng bị tấn công mạng của Việt Nam thời gian qua là khoảng hơn 1 tỷ USD. Tấn công mạng không phải nguy cơ mà là vấn đề đang hiện hữu đối với mọi cơ quan tổ chức và người dùng cá nhân. Trung bình 30 - 50 website bị tấn công trong 1 ngày, trong đó có cả website của chính phủ và các đơn vị tài chính ngân hàng.

Theo TS. Trịnh Ngọc Minh - Ủy viên Ban chấp hành Chi hội ATTT VNISA phía Nam, tấn công mạng có hai mức độ khác nhau, bao gồm tấn công nhỏ lẻ mang tính vì tiền bạc của tổ chức, cá nhân. Do Việt Nam là một nước nhỏ nên loại tấn công này Việt Nam chỉ có nguy cơ ở một mức độ nào đó. Trong khi đó, loại tấn công có chủ đích vì mục tiêu chính trị, quân sự thường đi cùng với những mâu thuẫn chiến tranh trên thực địa. Tuy nhiên, Việt Nam là một nước khá ổn định, không có sự xung khắc về chính trị với nước khác nên nguy cơ này cũng không ở mức cao.

Còn theo ông Trịnh Đức Lượng, Chủ tịch Công ty CP An ninh Mạng Việt Nam - VSEC, chiến tranh mạng không có biên giới cụ thể. Tấn công mạng trên toàn cầu có ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Trong thực tế, có rất nhiều hệ thống của Việt Nam đã bị tấn công một cách vô tình hoặc có chủ đích, từ hệ thống thuộc cơ sở hạ tầng quốc gia đến hệ thống của người dân bình thường. Những cuộc tấn công ở nước ngoài cũng có thể tạo ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới nước ta.

Giải thích về điều này, ông cho rằng, thực tế hiện nay, Việt Nam và các nước có những hệ thống đang được dùng chung, ví dụ như một số hệ thống mà Ukraine đang dùng cũng chính là những hệ thống mà Việt Nam đang sử dụng. Vậy nên khi khi bị tấn công trên diện rộng thì Việt Nam hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng.

Giải pháp cho Việt Nam

Theo ý kiến của các diễn giả, để giải quyết những vấn đề này chúng ta phải có thế mạnh riêng mới làm cho những đối tượng muốn tấn công chúng ta phải dè chừng, một nước yếu đuối về quốc phòng, an ninh mạng sẽ là miếng mồi ngon cho những kẻ muốn ức hiếp. Do vậy, muốn duy trì hòa bình thì mình phải mạnh lên, sức mạnh của Internet thể hiện ở chỗ khi bị cô lập thì Internet của mình có còn tồn tại được không.

Về kỹ thuật có một số vấn đề chúng ta cần phải giải quyết là phải có những biện pháp kỹ thuật liên quan đến phân giải tên miền… phải có những số ứng dụng cốt lõi thay thế được những ứng dụng của nước ngoài.  Những ứng dụng này của Việt Nam phải thu hút được lượng người dùng lớn để tạo thói quen cho họ, phòng khi có sự cố xảy ra họ không bị bỡ ngỡ khi đột ngột phải chuyển sang một ứng dụng mà họ chưa bao giờ biết đến. 

Trong thực tế, nhìn chung lĩnh vực an ninh mạng của Việt Nam đã được chú trọng đầu tư hơn rất nhiều so với trước đây. Không chỉ nhận thức về đảm bảo an toàn thông tin của khối doanh nghiệp trong nước được nâng cao mà ngay cả những cơ quan nhà nước cũng nhìn nhận rõ ràng hơn về vấn đề này./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ xung đột kỹ thuật số toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO