Nhà mạng Việt Nam triển khai mạnh IPv6 cho mạng 4G LTE/5G

Lan Phương| 06/03/2019 15:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự phát triển của dịch vụ mạng viễn thông trên nền tảng 4G LTE hiện đang là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ tới sự “khởi sắc” trong triển khai IPv6 toàn cầu, bởi IPv6 là giao thức mặc định trong mạng 4G.

Tại Việt Nam, Tập đoàn VNPT và Viettel là hai doanh nghiệp tiêu biểu trong triển khai IPv6 cho dịch vụ di động 4G LTE, chiếm phần lớn số lượng thuê bao di động sử dụng IPv6.

VNPT tiên phong chuyển đổi IPv6 cho thuê bao di động tại Việt Nam

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) đến cuối năm 2018, VNPT dẫn đầu về kết quả triển khai IPv6 tại Việt Nam với tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt hơn 35%, đóng góp khoảng 56% cho kết quả triển khai IPv6 Việt Nam.

Theo Ban công tác thúc đẩy IPv6 tại Việt Nam, kết quả này có được là do VNPT đã tiên phong triển khai IPv6 cho dịch vụ di động 4G LTE tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai IPv6 cho thuê bao FTTH. Tính đến cuối năm 2018, VNPT đã chuyển đổi IPv6 cho hơn 800.000 thuê bao Vinaphone. Theo đó, chỉ riêng trong tháng 12/2018, số lượng thuê bao di động được triển khai IPv6 của VNPT đã tăng lên gần gấp đôi.

Viettel “chiếm” thị phần thuê bao di động hỗ trợ IPv6 lớn nhất Việt Nam

Là đơn vị xếp thứ 2 với kết quả tăng trưởng IPv6 đột phá trong năm 2018, Tập đoàn Viettel đóng góp hơn 22% vào tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam. Cũng theo APNIC, Viettel đạt tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt 25% (tăng hơn 1195 lần so với cùng kỳ năm trước). Tới thời điểm hiện tại, Viettel đã triển khai IPv6 cho 2.300.000 thuê bao di động, trở thành nhà mạng có thị phần thuê bao di động hỗ trợ IPv6 lớn nhất Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TTTT cho Tập đoàn Viettel, Ban Công nghệ - Tập đoàn VNPT và Tổng công ty Hạ tầng Mạng thuộc VNPT đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác triển khai IPv6 năm 2018

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE/5G trong năm 2019

IPv6 hiện là giao thức mặc định trong mạng 4G. Theo đó, sự phát triển mạnh mẽ của 4G/5G hứa hẹn sẽ tạo “cú hích” trong triển khai IPv6 trên thế giới. Hiện các nhà mạng lớn của Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ đều đang tiến hành triển khai mạng 4G chỉ chạy trên IPv6 (IPv6-only).

Theo các chuyên gia, IPv6 được chứng minh là mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn trên mạng di động 4G thực tế. 4 nhà mạng di động hàng đầu của Mỹ là AT&T, Sprint, T-Mobile và Verizon) đã thực hiện các nghiên cứu đo đạc so sánh hiệu suất tương đối giữa IPv6 và IPv4 đối với các thiết bị dual-stack (cách thức thực thi đồng thời cả hai giao thức IPv4 và IPv6), kết quả cho thấy thời gian tải trang khi sử dụng IPv6 giảm hơn 10%.

Tại Việt Nam, theo báo cáo từ VNPT, Tập đoàn này sẽ tiếp tục mở rộng triển khai IPv6 cho khách hàng FTTH, với mục tiêu đạt 4 triệu thuê bao IPv6 đến hết năm 2019. Đồng thời, Tập đoàn sẽ tiến hành thử nghiệm mô hình mạng thuần IPv6 trên mạng băng rộng cố định và mạng di động.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc VNNIC

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Thường trực Ban công tác tại Hội nghị triển khai công tác của Ban năm 2019, cho biết nhiều nơi trên thế giới đã triển khai IPv6 only như ở Mỹ. Mạng di động đã đảm bảo đạt 95% lưu lượng IPv6 trên mạng 4G. Mạng Internet sẽ đạt 90% lưu lượng IPv6 vào năm 2023, IPv4 chỉ còn 10%.

APNIC cũng vừa thông báo năm 2019 cơ bản thế giới sẽ chính thức cạn kiệt IPv4, châu Á – Thái Bình Dương chậm hơn một chút là vào năm 2021 sẽ cạn kiệt hẳn IPv4. Hiện nay, APNIC cấp IPv4 cũng chỉ để phục vụ chuyển đổi IPv6, và cấp mỗi lần chỉ 1 lần là 512 địa chỉ, giảm một nửa so với trước đây.

Năm 2019, Ban công tác sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có yêu cầu các nhà mạng chuyển đổi IPv6 đối với mạng 4G và tiến tới 5G. Tuy nhiên, có 2 điểm chính cần quan tâm là cấu trúc mạng 5G rất phức tạp so với 4G. Trên các diễn đàn di động và Internet thế giới đã bàn thảo sâu về kỹ thuật định tuyến phân đoạn IPv6 (IPv6 Segment Routing) sẽ giúp giảm độ phức tạp của mạng 5G. Theo đó, các nhà mạng cần lưu ý là triển khai mạng 5G không chỉ là việc cấp phép băng tần, triển khai trạm phát sóng mà còn dùng các kỹ thuật IPv6.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban công tác cũng yêu cầu: “Từ giờ trở đi, các nhà mạng phải hỗ trợ cho các đối tượng kết nối vào nhà mạng trên tinh thần sẵn sàng cho IPv6 để hướng tới tiếp cận các công nghệ mới…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ban công tác kỳ vọng với sự tăng trưởng chuyển đổi IPv6 trong dịch vụ di động 4G LTE nói riêng, cũng như việc duy trì các dịch vụ khác trên nền tảng IPv6 sẽ thúc đẩy ứng dụng IPv6 tại Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trên môi trường Internet toàn cầu.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng Việt Nam triển khai mạnh IPv6 cho mạng 4G LTE/5G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO