Nhà văn Ma Văn Kháng và ký ức một thời thiếu sinh quân

Thu Hiền| 06/06/2019 15:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Đọc tác phẩm, độc giả sẽ hiểu hơn về “một thời niên thiếu tươi đẹp hào hùng trong gian khổ”, quê hương, gia đình, những nền tảng văn hóa tạo nên một nhà văn Ma Văn Kháng của tương lai.

“Bộ óc con người là một tổ chức vô cùng tuyệt diệu. Nó ghi nhớ được bao nhiêu điều mà có lẽ không một máy móc nào thay thế được. Hoặc máy móc thì có thể ghi nhớ hàng triệu hàng tỷ sự kiện hơn cả bộ óc người! Nhưng còn hương sắc, mùi vị, tâm trạng, cảm xúc, ảnh hình? May mắn, khi tuổi đã cao, sự sa sút trí tuệ đã xuất hiện, tôi vẫn còn chút minh mẫn để nhớ lại các chuyện đã xảy ra cách đây 70 năm, với nhiều hương vị sắc màu xúc cảm riêng”.

Đó là những lời bộc bạch của nhà văn Ma Văn Kháng khi cuốn sách “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân” của ông vừa được ra mắt bạn đọc. Đây là cuốn ký sự tiểu thuyết mới nhất - những trang viết xúc cảm sâu nặng gửi tặng bạn bè và tuổi thơ của nhà văn Ma Văn Kháng.

Nhà văn Ma Văn Kháng

Cuốn ký sự tiểu thuyết viết về giai đoạn các em thiếu niên sau thời gian góp sức cùng lớp đàn anh trên các mặt trận kháng chiến, được sự quan tâm săn sóc của Bác Hồ, Tổng Quân ủy Trung ương trở về mái trường thiếu sinh quân để học tập, rèn luyện, để sau này trở thành lớp người kế cận có trình độ quân sự và văn hóa, phục vụ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Trường Thiếu sinh quân Trung ương được thành lập năm 1949 tại An Toàn Khu, nằm trong Liên Khu Việt Bắc. Đây là nơi học tập của các thiếu niên theo tiếng gọi yêu nước đang có mặt tại các đơn vị bộ đội, các cơ sở quốc phòng trong các nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, văn thư, văn công…

Tác phẩm khắc họa sinh động những chân dung thiếu niên ở trường Thiếu sinh quân một thời: Ở đó có tổ tam tam A trưởng Toàn nghiêm ngắn chỉn chu, Đoan văn hay chữ tốt giàu tình cảm, Khánh công tử đẹp trai láu lỉnh và cũng có bộ ba tướng-sĩ-tượng Thiết Đen, Kim Diểu, Lục hạt mít nghịch ngợm; có Sáng cậu bé Tây lai cùng chú chó Jack ngộ nghĩnh…

Tác phẩm cuốn độc giả qua nhiều cung bậc cảm xúc. Những phút giây xúc động sẻ chia cùng nhau nỗi nhớ nhà, san sẻ nâng đỡ nhau trong lúc yếu đau mệt mỏi, những giờ phút gay cấn khi trường bị địch tấn công, hay những khoảnh khắc căng thẳng rồi cười ra nước mắt trước những trò nghịch ngợm của bộ ba tướng-sĩ-tượng và phút giây vỡ òa hạnh phúc của những Thiếu sinh quân nhỏ tuổi khi được gặp Bác Hồ.

Trong cuốn sách, hình ảnh người cha tháo vát, người mẹ tảo tần - “những công dân lương thiện và quả cảm, biết hi sinh chịu đựng, giàu lòng yêu nước” cũng được tác giả khắc họa với tất cả tình yêu thương, lòng thành kính, biết ơn.

Với “niềm mong mỏi có được những trang viết lưu lại ảnh hình của một thời đã qua”, nhà văn Ma Văn Kháng đã “gạn lấy chút sức lực còn lại vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, rờ rẫm nhớ lại những gì đã trải qua… trong tâm niệm có phần bảo thủ và bất di bất dịch, rằng tiểu thuyết, chính là nơi lưu giữ hình bóng cuộc sống”.

Bìa cuốn sách

Nói về quá trình viết tác phẩm, nhà văn Ma Văn Kháng tâm sự: “Tôi được vinh dự là một thiếu sinh của trường từ đầu năm 1949. Cho đến khi trường chuyển sang nước ngoài, đổi tên thành Trường Thiếu nhi Việt Nam. Ba năm tồn tại. Thời gian không dài. Nhưng kỷ niệm một thời niên thiếu tươi đẹp hào hùng trong gian khổ làm sao có thể quên! Ngặt cái đã hơn 70 năm qua. Hàng trăm con người một thời thiếu sinh đã tan vào các môi trường sống khác nhau. Kẻ mất người còn. Đôi hồi khi gặp nhau cũng chỉ còn thấp thoáng những mảnh ký ức đã bắt đầu mờ nhòa. Ngoảnh đi ngoảnh lại, niềm mong mỏi có được những trang viết lưu lại ảnh hình của một thời đã qua thấy quạnh vắng quá.

Chẳng ai nghĩ đến viết lại câu chuyện ở một thời kỳ xa lắc ấy. Tôi cũng thế. Thậm chí nghe nói trong trong biên niên lịch sử chính trị của Bộ Quốc phòng cũng không còn thấy một trang ghi chép một sự kiện đã từng có ấy. Nó có quan trọng gì lắm đâu, thật vậy!"

Vậy mà một hôm, cô biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng bỗng chia sẻ với tôi rằng: Chúng cháu đang rất cần một cuốn truyện viết về lớp thiếu sinh trong Kháng chiến Chống Pháp. Các bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay rất cần biết hồi ấy, các bạn thiếu niên sống, sinh hoạt, học tập, rèn luyện thế nào. Các bác khác đều bận và yếu đau cả. Bác viết giúp chúng cháu nhé!

Trước đòi hỏi thiết tha mong mỏi ấy của các biên tập viên và bạn đọc có cách nào được bây giờ khi tôi tuổi đã cao? Thì bác cứ túc tắc viết đi ạ. Biên tập viên khích lệ tôi.

Và tôi chỉ còn cách là dồn hết chút sức lực còn lại vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, nhớ lại những gì đã trải qua, và đã vào cuộc là túc tắc sao được nữa, nên với tinh thần mỗi ngày một gắng sức thêm, trong quan niệm có phần bảo thủ và bất di bất dịch, rằng tiểu thuyết, chính là nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống. Lưu giữ một cách trung thành và đầy đủ nhất!

Cuốn sách khởi thảo ngày 23/4/2018 và hoàn thành cơ bản ngày 18/5/2018. Nghĩa là chỉ trong vòng 28 ngày. Chưa đầy một tháng với gần 300 trang in khổ 13,5 x 20,5 cm. Một tốc độ phi mã bất ngờ với chính tôi! Vì sao vậy? Vì sự thúc ép của tuổi tác. Vì sự trỗi dậy giục giã của ký ức.

Và cuốn sách “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân” ra đời bằng những cảm xúc trong trẻo của tuổi thơ, dành tặng cho chính bản thân nhà văn, những người thầy và bạn đồng môn một thuở.

Đọc tác phẩm, độc giả sẽ hiểu hơn về “một thời niên thiếu tươi đẹp hào hùng trong gian khổ”, quê hương, gia đình, những nền tảng văn hóa tạo nên một nhà văn Ma Văn Kháng của tương lai.

Bài liên quan
  • Các nhà văn dân tộc thiểu số trong bức tranh văn học Việt Nam sau 50 năm
    Sau 1975, văn học dân tộc thiểu số có những phát triển lớn mạnh về đội ngũ, chất lượng tác phẩm; các vấn đề khác nhau trong đời sống hiện thực được soi rọi bằng một cái nhìn mới, và đáng kể nhất là sự ý thức ngày một sâu sắc về tinh thần dân tộc, bản lĩnh và vị thế dân tộc.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Ma Văn Kháng và ký ức một thời thiếu sinh quân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO