Nhận diện đa cấp bất chính: Cần có cái nhìn thấu đáo

PV| 24/12/2020 14:03
Theo dõi ICTVietnam trên

"Nhằm làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến đa cấp bất chính, đồng thời đưa ra một số kiến nghị đến các cơ quan quản lý cũng như người dân để đẩy lùi nạn kinh doanh đa cấp bất chính trong thời gian tới".

Đó là nội dung, mục tiêu chính của buổi tọa đàm "Nhận diện đa cấp bất chính" do Báo Thanh Niên phối hợp với Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam tổ chức thời gian vừa qua.

4 dấu hiệu nhận biết đa cấp bất chính

Theo bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp (HHBHĐC) Việt Nam, hiện nay tình trạng kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp, có dấu hiệu biến tướng, tiềm ẩn các hành vi có tính chất lừa đảo. Một số tổ chức đa cấp giả mạo trang bị nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người để lôi kéo, kêu gọi các thành viên tham gia mạng lưới đa cấp phi pháp.

"Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới", bà Nhi nhấn mạnh.

Nhận diện đa cấp bất chính: Cần có cái nhìn thấu đáo - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch HHBHĐC Việt Nam cho rằng đa cấp bất chính gây mất an toàn trật tự xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp Việt Nam

Tuy nhiên, theo bà Nhi, không phải cứ nhắc đến "đa cấp" đều là xấu, vẫn có hình thức "đa cấp" chính thống, chúng ta cần có cái nhìn thấu đáo để nhận diện rõ bản chất của loại hình đa cấp bất chính.

Dẫn ví dụ trong quan điểm này, bà Nhi cho biết, nhiều nước trên thế giới đã công nhận "đa cấp" gần 100 năm nay và khi du nhập vào Việt Nam nó được điều chỉnh chặt chẽ bởi pháp luật, cụ thể là Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý kinh doanh theo phương thức đa cấp và các văn bản liên quan.

"Phương thức đa cấp là một ngành kinh doanh mua bán hàng hóa bình thường như bao ngành nghề kinh doanh khác, nhưng với những gì đang xảy ra, người dân đang có cái nhìn rất sai lệch về ngành kinh doanh đa cấp. Chính những nhận định này đã ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp đa cấp chân chính", Chủ tịch HHBHĐC nêu quan điểm.

Để nhận diện đa cấp bất chính, bà Nhi cho rằng có 4 dấu hiệu như: Không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.

Chủ tịch HHBHĐC Việt Nam cũng cho biết, phương thức kinh doanh đa cấp bất chính hoàn toàn trái ngược với đa cấp chính thống là khi doanh nghiệp đã có đầy đủ các giấy chứng nhận kinh doanh và được phép phải đảm bảo những hành vi cấm như: yêu cầu mua hàng, đặt cọc, nộp tiền để tham gia; trả hoa hồng cho việc tuyển dụng; thông tin gian dối về hoa hồng tiền thưởng, sản phẩm, doanh nghiệp…

Bán hàng đa cấp cần tuân thủ các quy định pháp luật

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu (CT&BVNTD), bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam. Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống.

"Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động", ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử…

Trên quan điểm phân tích những nguyên nhân cho tình trạng xuất hiện những hình thức đa cấp bất chính, Luật sư Võ Đan Mạch – Tổng thư ký HHBHĐC Việt Nam cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, kiểm tra, đối chứng và ham muốn làm giàu nhanh chóng của tham gia.

Để ngăn chặn, triệt xóa nạn đa cấp bất chính, Luật sư Mạch đề xuất: Các cơ quan, đơn vị giáo dục và truyền thông cần tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo cho giới trẻ biết về những hành vi lừa đảo. Gia đình, nhà trường cần có những phương án quản lý, giáo dục chặt chẽ hơn nhằm phát huy kỹ năng phân tích, xử lý vấn đề của giới trẻ khi gặp những tình huống tương tự.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng cần lập ra một kênh truyền thông đặc thù và tạo các đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh khi phát hiện ra các cá nhân, tổ chức lừa đảo theo hình thức núp bóng đa cấp.

Các cơ quan quản lý địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp bất chính, lợi dụng đa cấp nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, huy động tài chính trái phép, kinh doanh trái phép... trên phạm vi địa phương mình quản lý.

HHBHĐC Việt Nam, với vai trò là đại diện tiếng nói của những doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, trong thời gian tới, sẽ tích cực phối hợp với Cục CT&BVNTD, Sở Công thương các tỉnh thành và các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát, cảnh báo và báo cáo xử lý các những đối tượng đa cấp bất chính.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện đa cấp bất chính: Cần có cái nhìn thấu đáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO