Xã hội @

Nhận diện và cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua hoạt động bán hàng đa cấp

PV 20/11/2023 16:09

Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.

Bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh. Các nhà phân phối này được trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ.

Hay nói một cách đơn giản thì bán hàng đa cấp là hình thức bán hàng mà hàng hóa được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian. Người tiêu dùng trực tiếp giới thiệu và phân phối sản phẩm đến người khác như bạn bè, người thân. Ở đây, người tiêu dùng vừa là người bán hàng, vừa là người cung ứng, quảng cáo sản phẩm, vì vậy giúp tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất, số tiền đó được chia hoa hồng cho các cấp độ trong mạng lưới phân phối của người mua hàng và đầu tư để cải thiện sản phẩm.

tai-xuong-8-.jpg

Sự biến tướng của bán hàng đa cấp hiện nay
Hiện nay, thị trường bán hàng đa cấp phát triển mạnh mẽ với doanh thu lớn và tổng số lượng người tham gia ngày càng nhiều, trên thị trường đang xuất hiện hoạt động giao dịch đồng tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp. Trong hoạt động này, người đầu tư bỏ một khoản tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo, sau đó phải tuyển dụng người đầu tư mới đặt ở tuyến dưới của mình để được hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng. Một khi người đầu tư đã nộp tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo thì sẽ rất khó để rút tiền ra khỏi hệ thống (hoặc mỗi ngày chỉ được rút một lượng tiền rất nhỏ trên tổng số tiền đầu tư vào hệ thống). Các hoạt động mua bán tiền ảo thường được thực hiện và giao dịch trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài. Việc tham gia hoạt động kinh doanh này được đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro do cá nhân, tổ chức là chủ của hệ thống có thể dễ dàng sử dụng, chiếm đoạt các nguồn tài chính của nhà đầu tư mà không có bất cứ sự ràng buộc nào giữa hai bên. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức là chủ của hệ thống có thể đánh sập hệ thống, xóa các dữ liệu về người đầu tư và biến mất bất cứ lúc nào.
Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp biến tướng để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân gây ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội và đã bị các cơ quan pháp luật xử lý hình sự, hiện tượng đa cấp biến tướng vẫn còn tồn tại dẫn đến tổn thất không nhỏ cho nhiều người dân và doanh nghiệp. Lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua các hình thức đầu tư như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, thương mại điện tử, tiền ảo, ví điện tử…
Hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép vận hành trên sự lừa dối. Vì không có mục tiêu thúc đẩy hoạt động bán lẻ hàng hóa thực sự, nên để tạo lòng tin và đánh vào tính hám lợi nhằm lôi kéo người dân tham gia, doanh nghiệp đa cấp luôn cung cấp những thông tin sai sự thật về lợi ích của việc tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, đặc biệt là tuyên truyền sai về thu nhập, tiền thưởng, lợi nhuận, hoa hồng mà những người đang hoặc sẽ tham gia vào hệ thống được hưởng, hoặc “vẽ” ra viễn cảnh giàu sang, không cần làm gì cũng có thu nhập cao.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong “mô hình kim tự tháp” được ẩn chứa dưới dạng các hợp đồng dân sự như: Thỏa thuận hợp tác kinh doanh đa cấp, hợp đồng đặt cọc mua hàng hóa, các biên bản thỏa thuận đóng phí, lệ phí, phiếu thu tiền dự hội thảo, hóa đơn mua tài liệu... Người tham gia do tin vào lời quảng cáo, tuyên truyền của doanh nghiệp hay của nhân viên tuyến trên, tưởng giả là thật, nên tự nguyện giao kết các hợp đồng dân sự, tự nguyện đóng tiền, phí, hoặc mua hàng hóa, dịch vụ, mua gói đầu tư của doanh nghiệp.
Với đặc thù của hoạt động kinh doanh đa cấp này, mạng lưới người tham gia luôn vận động theo hướng mở rộng, phát triển thêm các tuyến, các nhánh, các tầng... cùng với nó là quá trình chiếm đoạt tài sản của người tham gia diễn ra liên tục, thông qua việc huy động tài chính trái phép, dồn hàng trái pháp luật, trao đổi hàng hóa không ngang giá, áp dụng chế độ trả thưởng nhị phân, chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn.

Dấu hiệu nhận biết đa cấp biến tướng
Theo Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, hiện nay tình trạng biến tướng mô hình bất chính, tiềm ẩn hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp. Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Bốn biểu hiện chính có thể xác định ở đa cấp biến tướng là: Không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; Sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; Không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; Nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.
Những doanh nghiệp này thường yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp.
Doanh nghiệp cũng không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán. Hơn nữa, hàng hóa đó thường có chất lượng kém hoặc không có giá trị sử dụng để bán cho người tiêu dùng.
Những dấu hiệu dưới đây giúp người dân dễ dàng nhận diện như yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia vào hệ thống. Chi phí này có thể được yêu cầu dưới nhiều hình thức khác nhau: Yêu cầu nộp tiền để làm thủ tục; Yêu cầu nộp tiền đặt cọc; Yêu cầu mua một lượng hàng nhất định (Thường là sản phẩm với giá đắt hơn giá thị trường hoặc gói sản phẩm theo mức giá cố định); Yêu cầu nộp tiền làm thẻ thành viên; Yêu cầu nộp tiền mua tài liệu đào tạo.
Việc thu được khoản tiền này từ người bị dụ dỗ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính sẽ đạt được 02 mục tiêu chính: Thu được một khoản tiền từ người bị dụ dỗ mà không mất chi phí gì. Nếu sau đó người này có không tiếp tục tham gia dụ dỗ người khác thì cũng khó có thể đòi lại được khoản tiền này. Khiến người mất tiền bị lệ thuộc vào công ty, dẫn đến tình thế buộc phải lôi kéo, dụ dỗ nhiều người khác tham gia để bản thân được hoàn lại tiền.
Cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng, giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp: Như đã nêu trên, mỗi người tham gia vào hệ thống đa cấp bất chính thường sẽ mất một khoản tiền chi phí ban đầu. Chi phí này sẽ được doanh nghiệp trích một phần để trả công cho người giới thiệu. Các doanh nghiệp đa cấp bất chính vẫn gọi đây là hoa hồng. Tuy nhiên, hoa hồng này không phải là thành quả của hoạt động bán hàng mà xuất phát từ tiền của người mới bị dụ dỗ tham gia. Do đó, nếu được giới thiệu tham gia hệ thống bán hàng đa cấp nào có chính sách trả hoa hồng cho việc tuyển dụng, cần đề phòng bởi đó là dấu hiệu của bán hàng đa cấp bất chính.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện và cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua hoạt động bán hàng đa cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO