Nhiều mối lo khi ứng dụng 5G vào ngành công nghiệp thông minh
Quá trình ứng dụng 5G vào ngành công nghiệp thông minh đang vấp phải không ít khó khăn. Doanh nghiệp sản xuất cần sự đồng hành của cả nhà mạng và các chuyên gia chuyển đổi số để “giải bài toán khó”.
Hai mối lo lớn của doanh nghiệp ứng dụng 5G vào sản xuất công nghiệp
Nhu cầu ứng dụng 5G vào nhà máy, khu công nghiệp thông minh hiện nay rất lớn, song quá trình triển khai cũng xuất hiện không ít thách thức.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh” do Câu lạc bộ nhà báo ICT (ICT Press Club) tổ chức sáng 26/12 tại Hà Nội, ông Hồ Anh Thắng, Giám đốc Giải pháp Tự động hóa Công ty Cổ phần TNtech nhấn mạnh 2 vấn đề lớn nhất khi triển khai giải pháp liên quan băng thông rộng, 5G, đó là: Chi phí và bảo mật.
“Một khu công nghiệp của chúng tôi đã cũ, cần cải tạo, nhưng việc làm lại hệ thống cáp quang cho hệ thống camera rất khó, mất thời gian. Một số điểm, chúng tôi sử dụng 4G để truyền dữ liệu về trung tâm điều hành, áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), nhưng phí thuê bao hàng tháng lớn, một năm có thể bằng chi phí đầu tư cáp quang. Giờ nếu việc triển khai hạ tầng 5G chi phí lớn sẽ đội chi phí sản xuất lên cao hơn nữa. Nhà mạng nên cân nhắc gói thuê bao 5G hợp lý. Tôi cho rằng các nhà mạng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu”, ông Thắng kể.
Về vấn đề bảo mật, Giám đốc của TNTech cho biết, các giải pháp mà công ty triển khai đều áp dụng tiêu chuẩn bảo mật của hệ thống nhưng vẫn lo ngại tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) hoặc tấn công vào thiết bị IoT. Khi kết nối các hệ thống vận hành thực tế sẽ nhiều rủi ro.
Cũng theo ông Thắng, các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam cũng như trên thế giới đều đang có nhu cầu rất lớn về sản xuất thông minh để phát triển bền vững.
Các DN FDI từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc có yêu cầu lớn về các giải pháp liên quan tự động hóa, kết nối, chẳng hạn như lắp đặt các cảm biến không dây trong một nhà máy xử lý nước thải. Những DN sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử muốn tìm kiếm giải pháp tự động hóa ứng dụng 5G. Những DN logistics cũng có nhu cầu lớn với các giải pháp ứng dụng 5G để tăng hiệu quả hoạt động của robot chở hàng, xe tự hành…
“Chúng tôi mong muốn dựa trên nền tảng công nghệ 5G, trung tâm R&D của các nhà mạng có thể nghiên cứu giải pháp tích hợp đi kèm như cảm biến IoT đi kèm ứng dụng 5G, module AI xây dựng sẵn để khách hàng sử dụng ngay khi có nhu cầu... Điều này sẽ mang lại giá trị lớn cho DN, xã hội”, ông Thắng bày tỏ.
Nhà mạng tìm “đỏ mắt” chuyên gia chuyển đổi số ngành dọc
Liên quan câu chuyện giá cước, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng Ban Chuyển đổi số (CĐS) MobiFone trấn an DN có nhu cầu ứng dụng 5G vào ngành công nghiệp thông minh: 99% các nhà mạng trên thế giới không tăng cước khi triển khai 5G, chỉ tạo gói và dung lượng lớn hơn cho người tiêu dùng. Các nhà mạng Việt Nam cũng vậy.
Hiện tại, MobiFone đang có khoảng 20 giải pháp cung cấp cho các DN nhỏ và vừa trên nền tảng 5G, triệt để ứng dụng AI, trợ lý ảo, các AI Agents để hỗ trợ DN.
Tuy nhiên, ông Huy đề cập một vấn đề lớn khác: “Chúng tôi đi triển khai CĐS cho các ngành dọc, thấy Việt Nam thiếu chuyên gia về CĐS quá. Chẳng hạn, tìm “đỏ mắt” không thấy ai dám tự xưng là chuyên gia về CĐS cảng biển, cảng thông minh. Việt Nam có rất nhiều chuyên gia về công nghệ thông tin (CNTT) nhưng chưa chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ cảng biển”.
Ông Huy đề xuất giải pháp hợp tác nước ngoài, với Trung Quốc chẳng hạn, họ rất mạnh môn này. Cảng Thiên Tân của Trung Quốc hiện là 1 trong 10 cảng lớn nhất thế giới, họ mạnh về cảng thông minh (smartport).
Hoặc cũng có thể tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Singapore và một số nước khác (cảng Singapore dùng cả drone để giám sát các vết nứt trên container).
“MobiFone đang trên hành trình chuyển từ nhà mạng truyền thống sang công ty công nghệ. Chúng tôi đang có nhiều cơ hội để phát triển ứng dụng 5G. Nhưng phải cần đến các chuyên gia về ngành dọc. Phải có các chuyên gia đó thì nhà mạng và các DN mới kết nối được với nhau để xây dựng cảng thông minh, sân bay thông minh, nhà máy thông minh”.
Ông Lê Bá Tân, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel cũng đánh giá cao sự cần thiết phải đồng hành giữa nhà mạng và DN, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Ông Tân nêu vấn đề cần lưu ý: Nếu chỉ làm nhiều giải pháp nhỏ lẻ thì không tạo ra hiệu ứng chung; còn nếu tạo ra những nền tảng chung, có tính chất lan tỏa thì lại đòi hỏi nguồn lực con người và tri thức rất chuyên sâu.
“Đất nước ta có nhiều cảng biển, muốn sinh ra một nền tảng cung cấp dịch vụ cảng vụ thông minh để cung cấp cho tất cả các cảng biển trên toàn quốc, thì đòi hỏi chúng ta phải hiểu tri thức ngành, toàn bộ quy trình thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh; trên cơ sở đó sẽ chuẩn hóa, đưa ra tiêu chuẩn và làm nền tảng. Phải thúc đẩy các cảng biển cùng đầu tư với các nhà mạng thì mới làm được điều này”, ông Tân dẫn ví dụ.
Nhà mạng hãy nhắm đến thị trường ngách khi cung cấp ứng dụng 5G
Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông gợi mở một số nội dung cho các DN tìm hiểu cơ hội kinh doanh trong ngành công nghiệp thông minh.
Các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone, Viettel… đều đang dựa trên hạ tầng mình đã đầu tư để tìm cơ hội tiếp cận, triển khai dịch vụ mới; đã nhắm đến thị trường ngách, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài để đưa về triển khai tại Việt Nam.
Tuy nhiên, “các nhà mạng từ trước đến nay chủ yếu cung cấp dịch vụ kết nối, truy cập cho thị trường toàn quốc, công cộng. Nhưng khi triển khai ứng dụng mạng 5G, đặt ra yêu cầu cao về cá thể hóa dịch vụ cho từng đối tượng trong các thành phần kinh tế, thì nhà mạng không chỉ cần đẩy mạnh mối quan hệ với các cơ quan quản lý viễn thông mà còn với tất cả các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực khác để nắm được các chính sách liên quan đến những lĩnh vực ngành nghề khác. Khi biết được chính sách, biết được nhu cầu thị trường, thì DN sẽ có giải pháp tốt hơn cho các dịch vụ của mình”, ông Nhã phân tích.
Ví dụ, với khu công nghiệp, nhà mạng phải tìm hiểu rõ nhu cầu không dây thế nào, cần thay đổi/mở rộng các dây chuyền sản xuất ra sao… Bắt buộc phải hợp tác giữa các DN cung cấp dịch vụ kết nối (nhà mạng) với các DN giải pháp công nghệ, phần mềm, thì mới phát triển tốt trên các thị trường ngách.
Trước đây, các chính sách thúc đẩy thị trường MVNO (nhà cung cấp mạng di động ảo) chính là những chính sách thúc đẩy các thị trường ngách. Hiện số lượng thuê bao MVNO của Việt Nam còn rất nhỏ, nhà mạng vẫn không có thị trường ngách của mình.
“Với 5G, với việc đã đấu giá, đã triển khai, đã có những đầu tư nhất định, chúng tôi cũng mong rằng các DN viễn thông tăng cường tìm hiểu chính sách của các ngành nghề, tìm hiểu nhu cầu thực tế, chẳng hạn các hầm lò có cần đến mạng 5G không? Tiếp đó, khi đưa tự động hóa vào, có giải quyết tận cùng vấn đề lao động dôi dư hay không? Nếu chúng ta đào tạo nghề mới có lương cao hơn cho người lao động thì cũng chính là chúng ta góp phần vào việc giải quyết bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam.
Còn nếu như chúng ta chỉ nhìn từ góc độ cung cấp một giải pháp tốt hơn mà không nhìn đến tận cùng vấn đề là lao động dư thừa, thì chắc chắn một số doanh nghiệp sẽ ngại ngùng trong việc ứng dụng công nghệ mới”, ông Nhã chia sẻ./.