Doanh nghiệp FDI quan tâm nguồn cung cấp thiết bị, sản phẩm phụ trợ của Việt Nam
Dịch bệnh dần được kiểm soát, với phương châm “thích ứng, linh hoạt”, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu các chính sách mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế, xã hội từ đầu năm 2022. Nhờ đó, nền kinh tế dần khởi sắc, các hoạt động giao thương, sản xuất trở lại bình thường. Những chính sách điều hành quyết liệt trong việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, đưa đất nước trở lại thời kỳ bình thường mới đã phát huy tác dụng.
Môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện. Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngành công nghiệp phụ trợ cũng là một trong những ngành đã có nhiều khởi sắc kể từ đầu năm nay. Điều kiện kinh doanh trong nước được cải thiện, cùng với đó những diễn biến trên thị trường quốc tế đã khiến các doanh nghiệp toàn cầu có xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất, chế biến về Việt Nam. Nhiều ông lớn trong ngành sản xuất, dịch vụ như Samsung, Panasonic, LG, Bosch, Marsk… đã và đang tiếp tục chiến lược đặt nhà máy, tìm kiếm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ tại Việt Nam.
Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh. Đáng chú ý, các doanh nghiệp FDI hiện nay đã chú ý hơn tới nguồn cung cấp thiết bị, sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là những thay đổi tích cực đối với ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã cho thấy sự thay đổi tích cực này. Năm 2020, có 41,1% doanh nghiệp FDI nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất tại các nhà máy, cơ sở tại Việt Nam. Tỷ lệ này đã có chiều hướng giảm so với mức 58,7% của năm 2016. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước thứ ba hơn so với 5 năm trước. Năm 2020, chỉ 26,8% doanh nghiệp FDI cho biết đã sử dụng nhà cung cấp bên thứ ba so với 39% năm 2016.
Nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ
Để ngành công nghiệp hỗ trợ có được những chuyển biến tích cực này, các chính sách của Nhà nước trong việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như các biện pháp khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ đã phát huy tác dụng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý, bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối, giúp tìm kiếm đối tác cho ngành công nghiệp phụ trợ. Thời gian qua, Bộ Công thương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước.
Sáng 4/11, UBND TP Đà Nẵng đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Kết nối công nghiệp hỗ trợ - Đà Nẵng 2022. Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện hợp tác, liên kết cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các đối tác, cũng như là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phát triển. Đặc biệt, Hội nghị nhằm mục tiêu thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp lớn. Từ đó, các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, giao thương với các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài để thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết các doanh nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Nghị quyết số 23-NQ/TW đã được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/03/2018, nhằm đưa ra những định hướng phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được xác định là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá. Nghị quyết số 23-NQ/TW đặt mục tiêu tỷ trọng công nghiệp trong GDP sẽ đạt trên 40% vào năm 2030; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%.
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, cần có các hoạt động nhằm tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị công nghiệp phụ trợ trong nước, bằng các thu hút đầu tư hiệu quả, đặc biệt là thúc đẩy kết nối kinh doanh, tạo mối dây liên kết giữa các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Trong những nỗ lực này, vai trò của địa phương đóng góp phần lớn hiệu quả, thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Một số ngành công nghiệp phụ trợ có mức tăng trưởng tốt
Trong buổi Tọa đàm với các doanh nghiệp tỉnh Niigata, Nhật Bản, hồi cuối tháng 10 vừa qua, bà Hoàng Thanh Tâm, Trưởng phòng xúc tiến đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết hiện nay Việt Nam đang nỗ lực thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực như thiết bị, linh kiện điện tử bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, logistics, dệt may, da giày, các dự án năng lượng sạch, các dự án về công nghiệp ô tô, xe điện….
Để thu hút các doanh nghiệp FDI cũng như để các doanh nghiệp FDI có thể sử dụng nguyên liệu, thiết bị phụ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam mà không cần phải mua, nhập về từ nước thứ ba, Việt Nam đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ công nghiệp hỗ trợ. Nhằm tạo hệ sinh thái hỗ trợ nhà đầu tư, các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực cũng được chú trọng.
Cùng với những cơ chế, chính sách thuận lợi hơn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, hiện nay năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trong nước của Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp trong nước ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp trong nước ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành chế biến chế tạo tiếp tục là ngành công nghiệp trọng điểm, tạo ra lực đẩy cho nền kinh tế Việt Nam với mức tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo cho thấy một số ngành công nghiệp hỗ trợ đã có mức tăng mạnh, như sản xuất trang phục tăng 19,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,7%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 17,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,8%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,8%;...
Ngoài ra, một số ngành công nghiệp khác cũng có mức tăng mạnh như: Sản xuất đồ uống tăng 31,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 11%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 10,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,7%;.../.