Tính đến sáng ngày 31/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam là 204. Ca bệnh số 204 là bé trai 10 tuổi, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh ngày 15/3/2020.
Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19: tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Ngoài ra, dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo. Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí,…
Chỉ những cơ sở kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu: lương thực, thực phẩm, cơ sở khám chữa bệnh,… còn tiếp tục được mở cửa. Theo đó, các chợ dân sinh với vai trò cung cấp thực phẩm, lương thực cho người dân trên cả nước vẫn chưa bị liệt vào "danh sách đen".
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều tiểu thương tự đóng cửa các quầy hàng. Nắm bắt tâm lí người dân hạn chế ra đường để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, các quầy hàng không buôn bán nhu yếu phẩm cần thiết đều tự động nghỉ bán.
Ngay tại các quầy hàng lương thực, thực phẩm cũng cho thấy sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người dân. Nếu như các sản phẩm tươi sống như: thịt, cá được người dân thu mua nhiều hơn, dồn cho nhiều ngày thì sức mua mặt hàng rau, củ, quả không biến động đáng kể. Người mua kẻ bán đa số đều chấp hành nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Cô Tạ Thị Thuận, người dân sống gần chợ Tân Sơn – đầu mối thương mại nhộn nhịp tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam chia sẻ: "Từ khi có dịch bệnh, tôi cũng có tâm lí ngại ra đường hơn. Tôi mua thịt, cá để trong ngăn đông của tủ lạnh, dùng trong vài ngày. Còn rau, củ, quả tươi thì chợ có nguồn cung mỗi ngày nên tôi không dự trữ quá nhiều. Nhờ nhà gần chợ nên mua gì cũng tiện. Bản thân tôi tự ý thức đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, nếu cần thiết ra ngoài thì xong việc sẽ về ngay".
Bác Thùy Dung, một tiểu thương quầy thịt heo cho hay: "Đợt này, sức mua của người dân tăng đáng kể nên tôi cũng bận rộn hơn. Kinh doanh ở thời điểm nhạy cảm này cần tuyệt đối tuân theo quy định. An toàn cho bản thân cũng là an tâm cho mọi người. Ở quầy của tôi, nếu khách không đeo khẩu trang thì tôi cũng từ chối bán".
15 ngày tới là "giờ vàng quan trọng," là thời điểm quyết định thành công của việc ngăn chặn dịch bệnh. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng, mỗi người cần nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng chống dịch: không tụ tập đông người, đeo khẩu trang khi có việc cần thiết ra ngoài, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.