Nhiều quốc gia trên thế giới siết thặt thu thuế từ các tập đoàn công nghệ

PV| 25/11/2020 09:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đưa ra những quy định khắt khe hơn để thực hiện thu thuế từ các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google...

Google và Facebook là hai công ty có thị phần quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới và hiện diện tại hàng chục quốc gia. Thông qua nhiều phương thức luồn lách tinh vi, hai tập đoàn công nghệ này đã né được những khoản thuế khổng lồ.

Theo phân tích của Công ty tư vấn tài chính Standard & Poor’s, trong giai đoạn từ 2007 - 2015, thuế suất thực tế (tỷ lệ thuế đóng trên lợi nhuận) chi trả tại Mỹ của 500 công ty có giá trị cao nhất là 27%. Tuy nhiên, Apple chỉ đóng thuế bằng 17% lợi nhuận, Alphabet (công ty mẹ của Google) trả 16%, Amazon trả 13%. Con số này ở Facebook thậm chí còn thấp hơn, chỉ vỏn vẹn 3,8%.

Chính vì vậy, từ năm 2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra đề xuất về mức thuế chung cho 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dựa trên đề xuất này, Facebook và Google sẽ chịu cùng một mức thuế tại nhiều nước phát triển.

Nhiều quốc gia trên thế giới siết thặt thu thuế từ Google, Facebook - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Trên thực tế, những ông lớn công nghệ này đặt chi nhánh tại nhiều nơi và lợi dụng sơ hở về luật thuế của các quốc gia nhằm tránh nhiều khoản thuế khổng lồ một cách hợp pháp. Chiến lược tránh thuế của họ là thực hiện những giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con nhằm chuyển thu nhập đến các quốc gia có mức thuế thấp và chuyển chi phí đến các quốc gia có mức thuế cao.

Đây là nguyên nhân hồi giữa năm ngoái, nhóm G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) nhất trí tiến tới xây dựng bộ quy tắc chung nhằm ngăn chặn những công ty, chủ yếu là tập đoàn công nghệ lớn, trốn thuế hoặc chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế để giảm nghĩa vụ tài chính, theo Reuters.

Mới đây, Chính phủ Pháp đã gửi thông báo tới các công ty Internet đa quốc gia của Mỹ, yêu cầu phải nộp thuế kỹ thuật số ngay trong tháng 12 này.

Pháp đã ban hành thuế kỹ thuật số từ năm 2019, theo đó áp mức thuế 3% lên doanh thu của các công ty cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến cho các nhà bán lẻ là bên thứ ba cũng như quảng cáo kỹ thuật số và bán dữ liệu cá nhân. Những công ty bị đánh thuế là công ty có doanh thu hơn 750 triệu Euro toàn cầu và 25 triệu Euro tại Pháp.

Không có gì ngạc nhiên khi Google, Facebook, Amazon là 3 cái tên đầu tiên được nhắc đến trong đợt thu thuế này ở Pháp.

Tại Đông Nam Á - khu vực có nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, các quốc gia cũng đang đẩy mạnh siết chặt quy định về thuế đối với những công ty công nghệ nước ngoài, đặc biệt là Facebook, Google hay Netflix.

Hồi tháng 7, Reuters đưa tin cơ quan thuế Indonesia cho biết đã cấp mã số thuế VAT cho Amazon Web Services, Netflix, Spotify và các công ty con của Google thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Google Ireland và Google LLC.

Với quy định mới của Indonesia, doanh nghiệp (DN) nước ngoài kinh doanh sản phẩm, dịch vụ tại Indonesia có doanh số trên 600 triệu rupiah (khoảng 41.630 USD) hoặc có ít nhất 12.000 người dùng truy cập mỗi năm đều phải đóng thuế giá trị gia tăng.

Nhiều quốc gia trên thế giới siết thặt thu thuế từ Google, Facebook - Ảnh 2.

Mới đây, Indonesia đã bổ sung thêm Microsoft vào danh sách đánh thuế của nước này.

Danh sách các DN bị đánh thuế của Indonesia đang ngày càng kéo dài. Facebook, Disney và TikTok là những cái tên mới được bổ sung vào tháng 8. Đến đầu tháng 10, danh sách này đã bổ sung thêm Microsoft và Alibaba Cloud, một công ty con của Alibaba, bên cạnh 6 công ty công nghệ khác như GitHub, UCWeb Singapore, Nexmo.

Campuchia cũng đang cân nhắc đánh thuế dịch vụ số với Facebook, Google, Amazon. Theo đó, thông cáo báo chí của Bộ Bưu chính - Viễn thông Campuchia ngày 4/11 cho biết Chính phủ nước này đang cân nhắc việc áp đặt thuế dịch vụ số đối với những công ty công nghệ của nước ngoài như các công ty Netflix, Amazon, Alibaba, Facebook và Google.

Trước đó, hồi trung tuần tháng 10, Bộ Thương mại Campuchia đã kêu gọi những người kinh doanh trên mạng Internet đăng ký giấy phép để hoạt động hợp pháp tại nước này.

Ngoài Indonesia, Campuchia, các nước khác tại khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan và Malaysia cũng đang cân nhắc nhiều loại thuế với ngành bán hàng trực tuyến. Thái Lan và Philippines áp thuế VAT 7 - 12% đối với những tập đoàn công nghệ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, trong đó có Google, Amazon, Netflix và Spotify.

Tổng cục Thuế Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam thu thuế VAT với các tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua thuế nhà thầu nước ngoài. Trong đó, Google, Facebook, Netflix… có thu nhập tại Việt Nam đều phải nộp cả thuế VAT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân.

Những chính sách và quy định mới này sẽ là những cơ sở để khiến các ông lớn kinh doanh xuyên biên giới như Facebook, Google, Amazon... phải có trách nhiệm ở những thị trường đang nuôi sống họ.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Nhiều quốc gia trên thế giới siết thặt thu thuế từ các tập đoàn công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO