Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, tạm dừng, thu hẹp hoạt động…, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm. Thậm chí, một số doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đã phải tạm hoãn việc tuyển dụng mới hoặc tuyển rất ít.
Nhiều doanh nghiệp dù đã có những sự chuẩn bị và tính toán trước để ứng phó với tình hình dịch bệnh, song vẫn gặp khó khăn, từ đó nhu cầu tuyển dụng cũng giảm xuống đáng kể.
Theo kết quả thu thập thông tin việc làm trống của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội), trong tháng 8 nhu cầu tuyển dụng có xu hướng giảm ở các ngành: công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, dịch vụ lưu trú ăn uống và nhóm lao động giản đơn. Các doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng ở nhóm vị trí nhân viên văn phòng, nhóm các lao động đã qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, bên cạnh việc giảm hoặc không có nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành nghề thuộc lĩnh vực không thiết yếu, thì một số lĩnh vực khác như: công nghệ thông tin, ngân hàng…nhu cầu tuyển dụng vẫn có xu hướng tăng nhẹ, nhân sự trong các lĩnh vực này vẫn có nhiều cơ hội việc làm.
Thậm chí, nhu cầu nhân lực trong ngành công nghệ thông tin chưa bao giờ giảm nhiệt. Bởi lẽ doanh nghiệp cần nguồn lao động trình độ cao để có thể tiếp tục duy trì, triển khai những nền tảng công nghệ tiên tiến. Lĩnh vực công nghệ vẫn có xu hướng tuyển dụng lớn trong tháng 8, tuyển dụng thường xuyên ở một số vị trí kỹ sư, lập trình viên.
Mức lương doanh nghiệp sẵn sàng trả cho người lao động trong lĩnh vực này chủ yếu từ 9 – 11 triệu đồng/tháng, chiếm 50%; từ 13 – 15 triệu đồng/tháng, chiếm 40%. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn trong tháng 8 như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty Dịch vụ viễn thông.
Trong khi đó, ở lĩnh vực ngân hàng cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn trong tháng 8 cho các vị trí quan hệ khách hàng, các vị trí mảng công nghệ thông tin phục vụ cho việc phát triển hệ thống và chuyển đổi số. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao vẫn tiếp tục tăng, chủ yếu tập trung ở mảng công nghệ, dữ liệu. Các ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng lớn là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ vẫn có nhu cầu tuyển dụng do nhu cầu mua sắm những mặt hàng thiết yếu nhiều. Đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và bán lẻ điện tử, điện lạnh, viễn thông, công nghệ thông tin. Mức lương ngành này chủ yếu từ 9 -11 triệu đồng/tháng.
Nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin, hay ngân hàng vẫn được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới cũng được đề cập trong các báo cáo nghiên cứu thị trường lao động gần đây.
Dự báo xu hướng tuyển dụng 6 tháng cuối năm của công ty Navigos Group đưa ra mới đây cũng có cùng quan điểm. Đó là trái ngược với sự im ắng từ một số ngành nghề sản xuất, ngành ngân hàng, công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn, tuy nhiên tập trung vào nhân sự chất lượng cao với các công nghệ cập nhật nhật, nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ.
Quý 3/2021 được dự báo tiếp tục là cao điểm tuyển dụng trong các mảng này. Bên cạnh đó, vẫn xuất hiện nhu cầu tuyển dụng các ứng viên có kinh nghiệm tại các công ty lớn ở nước ngoài trong các ngành nghề mới như chuyển đổi số.
Trước đó, khi trao đổi với VnEconomy, TS Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) - đơn vị chuyên đào tạo thạc sĩ về công nghệ thông tin cũng cho biết trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin đã tăng lên gấp 4 lần, riêng hằng năm vẫn tiếp tục tăng lên khoảng 50%.
Hiện hầu hết các lĩnh vực đều có nhu cầu càng cao về công nghệ thông tin. Do đó, cơ hội việc làm cho ngành này hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực này đều đang rất “khát” nhân lực.