Vợ của Chen Wei cầu xin chồng mình ngừng đi giao hàng cho quán ăn bởi cô sợ anh sẽ nhiễm virus corona từ khách hàng.
Lee Mengba - một nhân viên giao hàng khác - tự hỏi rằng liệu người đang nhận túi thuốc từ anh có phải là bệnh nhân bị cách ly tại nhà.
Adolfo Garcia cố gắng giao pizza "chỉ trong 4 phút", thỉnh thoảng để lại túi đồ ở gần thang máy tầng 1 của tòa nhà để khách hàng tự lấy. Sau mỗi lần đi giao, anh đều khử khuẩn tay, nhiều đến mức da khô đi và nứt nẻ.
Khi người dân New York "cố thủ" trong nhà để thực hiện "cách ly xã hội", nghề shipper lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nghề "hot" nhưng lương vẫn ít, lại không đảm bảo sức khỏe
Với nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng, một bộ phận người nhập cư đã trở thành nhân lực chủ chốt, cung cấp đồ ăn, lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác cho những người không thể tiếp cận hoặc ngại ra ngoài.
Mạo hiểm cả tính mạng nhưng những người này chỉ nhận được đồng lương ít ỏi và còn chẳng có bảo hiểm sức khỏe hay bất kỳ biện pháp bảo hộ lao động nào. Tình trạng khó khăn này được phản ánh trong group chat của các shipper gốc Trung.
"Bạn có thể làm ra tiền bất cứ lúc nào, nhưng mọi thứ chẳng có nghĩa lý gì nếu không khỏe mạnh", một người viết.
"Ngoài ra, số tiền bạn kiếm cũng chẳng đi để chi trả hóa đơn y tế nếu bị ốm", anh bổ sung thêm.
"Tôi sợ đi giao hàng vì tôi sợ phải chết", một shipper nói. "Cuộc sống ở Mỹ chẳng dễ chút nào", người thứ ba trong nhóm cho biết.
Theo các nhà phân tích, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, các ứng dụng mua thực phẩm như Walmart G và Shipt đã ghi nhận lượng tải xuống đột biến. Tuần trước, Amazon đã tuyên bố sẽ tuyển thêm 100.000 shipper để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Người phát ngôn của tập đoàn này cho biết họ đang cố gắng lấp đầy 4.000 vị trí riêng tại bang New York.
Amazon cho biết họ sẽ thuê 100.000 shipper để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng. (Ảnh: Bryan Banducci/The New York Times)
Cách đây 1 tuần, khoảng 60 shipper đã tập trung trên đường tại khu vực West Village, đứng chờ nhận đơn từ các nhà hàng cứ 2 phút/lần. Theo Enrique Sanchez - chủ của một cửa hàng rượu trong khu Hell’s Kitchen cho biết, các đơn đặt hàng cho rượu cũng tăng.
"Mọi người không muốn ra ngoài", ông nói. "Bình thường chúng tôi vẫn bán được rất nhiều rượu, nhưng giờ mọi người muốn uống thứ gì đó mạnh hơn".
DoorDash và Uber Eats - hai công ty giao đồ ăn lớn - nói rằng họ sẽ hỗ trợ tài chính trong vòng 14 ngày cho bất cứ nhân viên nào bị nhiễm Covid-19 và phải tự cách ly. Ngoài ra, DoorDash còn cung cấp cả nước sát khuẩn và găng tay cho nhân viên của mình.
Instacart - một startup cung cấp thực phẩm - giới thiệu một tính năng mới có tên là "Leave at My Door Delivery" - cho phép khách hàng chọn vị trí để nhân viên đặt hàng hóa lại thay vì phải giao trực tiếp.
Một shipper đang giao hàng tại khu Williamsburg Bridge. (Ảnh: Bryan Banducci/The New York Times)
Đi làm thì dễ lây bệnh, bỏ thì không có tiền để sống
Tuy nhiên, nhiều shipper cho biết tất cả những gì họ nhận được từ các nhà hàng và công ty giao hàng là lời cảnh báo: Nếu bị ốm, hãy ở nhà.
"Chẳng có biện pháp phòng ngừa nào. Đây là một công việc đầy rủi ro", Alexis Dabire - một shipper tại Manhattan - cho biết. Anh thường xuyên phải trấn an người vợ đang ở Burkina Faso qua FaceTime rằng mình vẫn ổn. "Họ không cho chúng tôi thứ gì để bảo vệ bản thân ngoại trừ một lời dặn dò".
Jing Wang - người điều hành nhóm Biking Public Project, một tổ chức ủng hộ các shipper - cho biết đây là đối tượng lao động đặc biệt dễ bị tổn thương. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi làm, trong khi những người khác vẫn ở nhà.
"Họ phải tự lực cánh sinh", cô Wang nói. "Họ phải tự chuẩn bị đồ bảo hộ như găng tay và khẩu trang bởi sếp của họ không cung cấp những thứ này".
Chen Wei đã làm shipper cho Red House - một nhà hàng Trung Quốc ở Manhattan - khoảng 8 tháng trước khi dịch bệnh bùng phát.
Vợ Chen luôn nài nỉ chồng bỏ việc, do lo ngại anh có thể đem bệnh về cho hai đứa con ở nhà. Nỗi lo lớn nhất của người đàn ông này là thang máy - "một không gian nhỏ chật cứng người dù có hệ thống thông khí".
Tuần trước nữa, Chen đã chính thức nghỉ việc và nói với Lin Kai - chủ nhà hàng - rằng anh không thể tiếp tục công việc này được nữa. "Tôi rất thông cảm cho anh ấy", ông Lin nói. "Chúng ta đều đang lo lắng. Thời điểm này rất đáng quan ngại".
Ông chủ Lin Kai cố gắng đảm bảo các shipper của mình được trang bị đồ phòng hộ đầy đủ trước khi đi. (Ảnh: Bryan Banducci/The New York Times)
Khác với Chen, nhiều người như Ashikur Rahman vẫn tiếp tục mạo hiểm sức khỏe của mình để đi giao hàng, bởi nếu không họ sẽ chẳng còn nhà để ở.
"Nhiều người đang sợ hãi và tôi cũng thế. Nhưng tôi cần tiền", shipper này cho biết.
Tương tự Rahman, anh Lee - người gốc Thượng Hải (Trung Quốc) - cũng đang cân nhắc các lựa chọn của mình.
"Bạn không biết khách hàng đã đi những đâu. Họ có thể tới khắp mọi nơi". Dù lo lắng về nguy cơ lây nhiễm, anh cũng sợ hãi trước viễn cảnh tương lai không nghề nghiệp. "Nếu nhiễm bệnh, tôi sẽ phải ở nhà. Làm sao tôi có thể trả tiền thuê nhà đây? Tôi chẳng có bất kỳ thu nhập nào khác. Nếu bỏ việc, tôi sẽ không xu dính túi".
Người đàn ông 59 hiện đang sống một mình và làm việc cho Carvia - một ứng dụng giao đồ ăn. Gần đây, một vị khách nhờ Lee chuyển túi thuốc cho một người bạn sống cùng tòa nhà với giá 50 USD. Ông đã định từ chối, nhưng nhìn đôi găng tay dùng một lần đang đeo trên tay, ông tự nhủ rằng mình sẽ ổn.
Sau khi đảm bảo khách hàng đã nhặt đồ mình ở cửa lên, Lee quay đi và vứt ngay đôi găng tay vào sọt rác. Ông cho biết, đây sẽ là khách hàng cuối cùng của mình trong ngày.
"Thế là quá đủ rồi!", ông nghĩ thầm trong đầu.