Những điểm quan trọng của chuyển đổi số xuất bản

Hiền Anh| 20/04/2022 08:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Làm thế nào để chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực xuất bản? CĐS xuất bản sẽ gồm những giai đoạn nào, đâu là những khó khăn và thách thức? Những yếu tố nào để khai thác hiệu quả "mảnh đất màu mỡ" trong lĩnh vực xuất bản điện tử?...

Đây là những vấn đề về CĐS trong lĩnh vực xuất bản đã được bàn thảo tại tọa đàm "Xuất bản số trong phát triển văn hóa đọc" đã được Alpha Books tổ chức trực tuyến sáng 19/4/2022. Tọa đàm là một trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất do Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ TT&TT phối hợp với Công ty CP sách Alpha tổ chức.

Chuyển đối số trong phát triển văn hóa đọc - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến CĐS trong phát triển văn hóa đọc

Tại toạ đàm, các chuyên gia nhận định: CĐS hiện là xu thế phát triển của mọi ngành nghề, trong đó có ngành Xuất bản. Đẩy mạnh quá trình CĐS, xuất bản điện tử, phát triển công nghệ trong lĩnh vực sách là vấn đề mũi nhọn được quan tâm của các đơn vị xuất bản, phát hành.

Trong điều kiện bùng nổ của thiết bị thông minh như hiện nay, việc sử dụng ebook, audio book… sẽ ngày càng phổ biến. CĐS trở thành điều kiện bắt buộc trong ngành xuất bản. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, CĐS đã trở thành "cú hích", là cơ hội lớn mở ra giai đoạn mới cho hoạt động xuất bản.

Văn hóa đọc sách được coi là một hoạt động cực kỳ quan trọng để xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN) đặc trưng. Do đó, CĐS ngành xuất bản có vai trò đóng góp to lớn trong việc phát triển văn hóa đọc trong DN.

CĐS sẽ là một cuộc cách mạng lớn làm thay đổi toàn ngành Xuất bản, từ khâu sản xuất (biên tập, thiết kế, xuất bản) cho tới khâu tổ chức lưu thông, phân phối qua các nền tảng, hệ thống cung cấp sách điện tử.

CĐS là yêu cầu cấp thiết đối với hoạt động xuất bản

Chuyển đối số trong phát triển văn hóa đọc - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Nguyên: CĐS là một yêu cầu cấp thiết, là "mệnh lệnh" cho sự phát triển của hoạt động xuất bản

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, CĐS là xu thế chung của tất cả các lĩnh vực, trong đó có xuất bản. Đây là một yêu cầu cấp thiết, là "mệnh lệnh" cho sự phát triển của hoạt động xuất bản. Vậy, CĐS nói chung và CĐS trong xuất bản bao gồm chuyển đổi những gì? Đó là câu hỏi chúng ta cần tìm để trả lời, từ đó chúng ta mới hiểu được là chúng ta cần phải làm gì để CĐS.

Ông Nguyễn Nguyên cũng chỉ ra rằng khi CĐS có 4 giai đoạn: Số hóa dữ liệu; triển khai các ứng dụng các nền tảng vào một số hoạt động đơn giản lặp đi lặp lại nhiều như hoạt động hành chính, kế toán…; ứng dụng nền tảng số vào các quy trình từ các quản lý đến các khâu sản xuất như biên tập, xuất bản, phát hành, truyền thông…; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động của quy trình này.

Đồng thời, ông Nguyễn Nguyên cũng cho thấy CĐS sẽ tạo ra 3 sản phẩm: đa dạng hóa hình thức sản phẩm xuất bản; đa dạng hóa mô thức hoạt động xuất bản; tạo ra thị trường xuất bản mở.

"Từ đó, chúng ta thấy nên làm gì và cần làm gì cho CĐS. Trong CĐS xuất bản thì có những vấn đề chung nhất: vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức, tiếp nữa là vấn đề hành lang chính sách pháp luật, rồi vấn đề nguồn lực tài chính, tài lực và vấn đề công nghệ và vấn đề đặc biệt quan trọng là nguồn nhân lực cho CĐS"- ông Nguyễn Nguyên nhận định.

Chuyển đối số trong phát triển văn hóa đọc - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Cảnh Bình: xuất bản còn khó chuyển đổi lớn do là một thị trường khó

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Công ty CP sách Alpha nhận định: chúng ta đã bắt đầu số hóa từ rất lâu rồi như sử dụng các phần mềm, các công cụ, phương tiện từ khi có máy tính. Xuất bản số có 2 phần: thứ nhất là phương pháp, cách thức sản xuất là sử dụng máy tính để làm ra sản phẩm; Thứ hai là lưu thông sản phẩm qua những phần mềm nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho những bước chuyển đổi lớn nên còn nhiều khó khăn và thách thức do thị trường xuất bản là thị trường khó, doanh thu thấp.

Là đơn vị đầu tiên thành công trong hoạt động xuất bản số, ông Đinh Quang Hoàng Giám đốc Waka chia sẻ: mỗi đơn vị xuất bản khác nhau sẽ có mục tiêu CĐS khác nhau. Kho dữ liệu về sách, tác giả, khách hàng cũng cần phải số hóa đồng bộ.

Ngoài ra, nhu cầu đọc nói chung và đọc sách nói riêng luôn luôn tồn tại và có xu hướng ngày càng phát triển hơn với sự giúp sức của công nghệ, chỉ thay đổi về phương thức tiếp cận, cách thức tương tác với người dùng, do đó, các nền tảng xuất bản điện tử là những yếu tố không thể thiếu trong một ngành xuất bản phát triển và năng động. Ngành Xuất bản ở Việt Nam chắc chắn sẽ không đứng ngoài xu thế này.

Chuyển đối số trong phát triển văn hóa đọc - Ảnh 4.

Ông Đinh Quang Hoàng: Waka sẽ kéo gần hơn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực ứng dụng và triển khai sách điện tử

Ông Hoàng cũng cho biết: "Waka vẫn giữ nguyên định hướng cũng như cam kết phát triển lâu dài cùng sách điện tử ở Việt Nam. Lấy việc nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ, thay đổi cách thức tương tác cũ và tăng mạnh số lượng đầu sách ebook cung cấp cho người dùng cuối làm mục tiêu phát triển. Đồng thời chúng tôi cũng theo sát các xu thế phát triển mới nhất của ebook tại các quốc gia phát triển, kéo gần hơn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực ứng dụng và triển khai sách điện tử".

Văn hóa đọc như bệ đỡ cho xuất bản phát triển

Hiện nay, xu hướng văn hóa đọc không chỉ có sách giấy mà độc giả còn có những cách thức hưởng thụ khác như điện thoại thông minh, iPad… nên CĐS là nhu cầu tất yếu để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người đọc.

"CĐS ngành xuất bản có vai trò đóng góp to lớn trong việc phát triển văn hóa đọc và ngược lại văn hóa đọc như bệ đỡ cho xuất bản phát triển", ông Nguyễn Nguyên nhận định khi diễn giải về văn hóa đọc trong CĐS.

Ông Nguyên cũng khẳng định CĐS gắn với văn hóa đọc là rất quan trọng và cần thiết. Từ khi xây dựng Ngày sách và văn hóa đọc Bộ TT&TT đã chú trọng tới vấn đề này, đồng thời với luật Thư viện hiện nay cũng tạo đà cho văn hóa đọc phát triển sâu rộng trong cộng đồng.

Chuyển đối số trong phát triển văn hóa đọc - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Minh Huệ: muốn phát triển văn hóa đọc thì cần phát triển đồng bộ 3 yếu tố

Bà Nguyễn Minh Huệ, Giám đốc NXB Công Thương cho rằng, muốn phát triển văn hóa đọc thì cần phát triển đồng bộ 3 yếu tố: nhà quản lý là những người định hình lên hành lang pháp lý, chính sách đường lối; cộng đồng xã hội là các tổ chức tạo nên những giải thưởng sách, ngày sách và tôn vinh sách; các cá nhân là trọng tâm và mục đích cuối cùng cho việc phát triển văn hóa đọc. 

Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông quảng bá sách hơn nữa để khuyến khích văn hóa đọc trong cộng đồng và tạo thói quen đọc sách từ trong nhà trường, DN, xã hội…

Ông Nguyễn Cảnh Bình cho biết: theo quy định của Luật Giáo dục thì mỗi trường học có một thư viện, nhưng hoạt động thì chưa hẳn trường nào cũng hiệu quả. Bởi vậy, cần phát huy hết hiệu quả vai trò của thư viện trường học.

"Có người đã kêu gọi xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong khu dân cư phải trở thành một thư viện. Nhưng theo tôi, nếu chúng ta có những biện pháp chính sách cụ thể hơn kể cả về tiền bạc hoặc quy định thì nó sẽ mạnh mẽ và có hiệu quả hơn nhiều so với quy định chung là kêu gọi về văn hóa đọc. Tôi cho rằng tất cả mọi người, hay các DN ở Việt Nam đều tôn trọng văn hóa đọc, nhưng nếu không dành thời gian và tiền bạc cho việc đó thì sẽ không biến thành hiện thực", ông Bình chia sẻ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những điểm quan trọng của chuyển đổi số xuất bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO