Những điều quan trọng nhất khi sử dụng AI
Theo KPMG, việc trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng rộng rãi như thế nào liên quan lớn đến mức độ tin tưởng và khả năng bảo vệ, bảo mật an toàn dữ liệu.
Ngày 16/11, Hội thảo “Hạ tầng số - Dữ liệu số” với thông điệp “Khai phóng tiềm năng số” do Viettel Solutions tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Để có thể ứng dụng công nghệ, bắt buộc phải có nền tảng là hạ tầng số và dữ liệu số. Chính vì thế, năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (CĐS), xác định là “Năm Dữ liệu số quốc gia” để thúc đẩy phát triển dữ liệu, tận dụng hiệu quả sự bùng nổ dữ liệu trên các nền tảng số Việt Nam.
Tại sự kiện, các chuyên gia đến từ các tổ chức tư vấn quốc tế như BCG, KPMG, các công ty công nghệ Microsoft, NVIDIA, Moody’s Analytics, Viettel và các DN Pegatron, MBBank đã cùng nhau thảo luận và đưa ra giải pháp cho những vấn đề trăn trở nhất, khó khăn nhất hiện nay như làm thế nào để xây dựng và đặt nền móng cho CĐS, phá vỡ các ốc đảo (silos) để tích hợp, liên thông dữ liệu, nâng cao chất lượng dữ liệu phục vụ điều hành, quản trị, khai phá các giá trị mới từ dữ liệu một cách hiệu quả, trở thành một tổ chức ra quyết định dựa trên dữ liệu, áp dụng AI tạo sinh (Gen AI) trong DN…
Viettel đang đầu tư phát triển các lĩnh vực khó, mới
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel, cho biết cách đây gần 20 năm, khi Viettel tham gia thị trường viễn thông đã đặt mục tiêu phổ cập dịch vụ di động đến từng người dân và sau đó là phổ cập Internet đến từng hộ gia đình cùng với lời hứa sẽ luôn sáng tạo vì con người để cuộc sống của người dân Việt Nam ngày càng tốt hơn. Thực tế đã chứng minh chưa đầy 8 năm, Viettel đã hoàn thành giấc mơ phổ cập của mình.
Và giờ đây, cùng với xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, cùng với chiến lược CĐS quốc gia, Viettel xác định sứ mệnh của mình là tạo ra một đỉnh cao mới, tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, đồng hành cùng Chính phủ, các tổ chức, DN trên hành trình chuyển đổi và khai phóng các tiềm năng số. Đến nay, các sản phẩm dịch vụ số trong hệ sinh thái của Viettel đã và đang phục vụ gần 50%, tương đương khoảng 500.000 DN tại Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho biết với triết lý công nghệ xuất phát từ trái tim, Viettel đã đầu tư bài bản trong nghiên cứu, làm chủ và triển khai nhiều công nghệ cốt lõi.
Viettel cũng cam kết mang đến những nền tảng, công nghệ và giải pháp tốt nhất giúp các tổ chức, DN khai phóng tiềm năng số của mình thông qua xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu, nền tảng đám mây (cloud) tầm cỡ khu vực, cung cấp các nền tảng và giải pháp ứng dụng các công nghệ 4.0 tiên tiến cho nhiều lĩnh vực, hỗ trợ các DN xây dựng, phát triển các kỹ năng số, đặc biệt liên quan đến các lĩnh vực khó, mới như cloud, AI, dữ liệu lớn….
Chiến lược xây dựng hạ tầng số Quốc gia của Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là 80% DN Việt Nam, 100% cơ quan quản lý nhà nước sử dụng dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM). 70% thị phần dịch vụ ĐTĐM tại Việt Nam thuộc các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.
Trong những năm gần đây, Viettel Solution đã đầu tư nhiều nguồn lực vào hạ tầng, công nghệ và con người để thúc đẩy quá trình CĐS, không chỉ bên trong tổ chức mà còn hỗ trợ và đồng hành cùng Chính phủ, Bộ ngành và DN trong cuộc cách mạng số của quốc gia.
61% DN xem các quy định và biện pháp bảo vệ AI hiện hành “không đầy đủ”
Đại diện KPMG Việt Nam & Cambodia, bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng giám đốc, cho biết theo Báo cáo về xu hướng công nghệ toàn cầu của KPMG, các DN hiện nay đang ưu tiên lựa chọn những công nghệ như công nghệ đám mây và tất cả những công nghệ mang lại dịch vụ trải nghiệm tốt cho khách hàng (còn gọi là các công nghệ XaaS - Everything as a Service).
Ngoài ra, các DN cũng rất quan tâm đầu tư vào công nghệ đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật dữ liệu và thứ ba là các công nghệ liên quan đến dữ liệu và phân định dữ liệu.
Bà Đỗ Thị Thu Hà cho biết năm 2023 đã chứng kiến sự thay đổi về lợi ích của XaaS với khả năng quản lý dữ liệu tốt hơn, thúc đẩy đổi mới công nghệ và giảm lượng khí thải carbon. 63% DN được hỏi cho biết đã đạt được mức tăng lợi nhuận hoặc hiệu suất nhờ các công nghệ XaaS trong 24 tháng qua. Ngoài ra, cũng có 63% đồng ý rằng những rủi ro của công nghệ XaaS là xứng đáng với những cơ hội mà chúng tạo ra.
Báo cáo của KPMG đã khảo sát 2.100 DN trên thế giới, có doanh thu tối thiểu 100 triệu USD/năm và đến từ các lĩnh vực đang triển khai CĐS mạnh mẽ. Đối với công nghệ dữ liệu, KPMG cho biết phần lớn các DN đã kiếm được lợi nhuận từ đầu tư vào quản trị và phân tích dữ liệu.
Tuy vậy, các DN vẫn đang gặp khó khăn trong việc xử lý các silo dữ liệu, nhiều dữ liệu vẫn còn nằm rải rác và chưa được tích hợp đầy đủ. 66% số người được hỏi cho biết đã có những nỗ lực chuyển đổi, phân tích dữ liệu cũng như nhận thấy tác động tích cực đến lợi nhuận hoặc hiệu suất trong 12 tháng qua. Và trung bình, khoảng 15% số người được hỏi cho biết có thể thường xuyên tạo ra lợi nhuận từ các yếu tố quản lý dữ liệu được đo lường.
“Có thể thấy một tín hiệu đáng mừng là tất cả các DN CĐS không chỉ tập trung mang lại lợi ích cho DN mà con lại mang lại lợi ích nhiều hơn mong đợi ở tất cả các lĩnh khác nhau như tăng cường hiệu quả hoạt động, sự hài lòng của nhân viên và trải nghiệm khách hàng”, bà Đỗ Thị Thu Hà nói.
Đặc biệt, theo đại diện KPMG, việc AI được ứng dụng rộng rãi như thế nào liên quan lớn đến mức độ tin tưởng và khả năng bảo vệ, bảo mật an toàn dữ liệu. Theo đó, có 96% xem quyền riêng tư, bảo mật và quản trị dữ liệu là điều quan trọng nhất khi sử dụng công nghệ AI. Dù vậy, có 61% DN xem các quy định và biện pháp bảo vệ AI hiện hành là không đầy đủ.
Về mặt lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của AI, có 50% DN tin rằng lợi ích của AI lớn hơn rủi ro; 87% mong đợi AI sẽ giúp nâng cao hiệu quả; 84% đánh giá an ninh mạng là rủi ro hàng đầu trên toàn cầu; có 57% giám đốc điều hành DN cho rằng AI/ML sẽ là công nghệ hữu ích nhất để đạt được các mục tiêu ngắn hạn.
10 ngành công nghiệp hiện đang ứng dụng Gen AI nhiều nhất, theo Báo cáo của KPMG, bao gồm chăm sóc y tế, ngân hàng và tài chính, marketing, giải trí và truyền thông đa phương tiện, gaming, thương mại điện tử và bán lẻ, bảo hiểm, du lịch, giao thông và logistics, và cuối cùng là giáo dục./.