Truyền thông

Những nghiên cứu ban đầu về yếu tố tính dục trong một chương trình truyền hình giải trí hiện nay

Đỗ Anh Đức* Lê Thị Như Hương**, Nguyễn Phương Anh**, Nguyễn Ngọc Ánh** 08/12/2024 16:35

Thời gian gần đây các phương tiện truyền thông đề cập đến chủ đề tính dục có phần cởi mở và thoải mái hơn, đặc biệt là truyền hình giải trí. Nghiên cứu này khảo sát hai chương trình là “Bạn muốn hẹn hò” và “Vợ chồng son” nhằm tìm hiểu và khám phá nội dung và các hành vi diễn ngôn có liên quan đến yếu tố tính dục được thể hiện giữa những người tham gia trong chương trình.

Tóm tắt:
- Tính dục là một chủ đề nhạy cảm trong văn hóa xưa, nhưng hiện tại đã được truyền thông khai thác một cách cởi mở hơn do sự thay đổi của xã hội và nhu cầu giải trí.
- Chương trình truyền hình: Nhiều chương trình như “Bạn muốn hẹn hò” và “Vợ chồng son” trực diện đề cập đến tình
yêu, hôn nhân và tính dục, phần lớn chịu ảnh hưởng từ các chương trình nước ngoài.
- Phân tích diễn ngôn phê phán (CDA): Phương pháp này giúp phân tích nội dung truyền thông, tập trung vào cách thức tạo nghĩa và các quan hệ quyền lực trong xã hội.
- Biểu hiện tính dục: Bao gồm việc thảo luận về dục tính, miêu tả cơ thể, bản dạng giới tính, và hành vi tình dục trong các chương trình truyền hình.
- Giao tiếp của MC: MC thường chủ động khai thác và tạo hiệu ứng hài hước liên quan đến các vấn đề tính dục, như
qua hành động và lời nói hài hước.
- Tương tác của khách mời: Khách mời thường chủ động chia sẻ về tính dục hơn, thể hiện sự thoải mái và cởi mở khi nói về các vấn đề nhạy cảm.
- Vai trò khán giả: Khán giả tương tác qua hành động vỗ tay, cười và ủng hộ những câu chuyện về tính dục, góp phần làm chủ đề này trở nên bình thường hóa.
- Kết luận: Truyền thông giải trí đang góp phần bình thường hóa vấn đề tính dục, khiến chủ đề này trở nên dễ tiếp cận và tạo lợi nhuận cho nhà sản xuất trong quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa.

Đặt vấn đề

Trong quan niệm xưa, tính dục vốn là một vấn đề nhạy cảm, vì vậy, chủ đề này thường ít được khai thác trên các phương tiện truyền thông trong một thời gian dài. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của xã hội, nhu cầu giải trí của công chúng ngày càng phong phú, các chương trình truyền hình gần đây cũng đã cởi mở hơn nhiều. Nhiều chương trình giải trí truyền hình tập trung khai thác chủ đề tình yêu, hôn nhân, trong đó đề cập khá trực diện vấn đề ‘tính dục’ và ‘quan hệ tính dục’, nổi bật là hai chương trình Bạn muốn hẹn hò và Vợ chồng son. Ngoài việc sáng tạo nội dung để đáp ứng nhu cầu của khán giả, và đạt mục đích thương mại, việc mua bản quyền nước ngoài cũng là một yếu tố quan trọng du nhập những tư tưởng, góc nhìn, cách làm mới đối với các chủ đề vốn dĩ nhạy cảm như ‘tính dục’.

tinh-duc-1.png

Phương pháp phân tích diễn ngôn phê phán (CDA)

Phân tích diễn ngôn phê phán được các học giả nhìn nhận vừa là lý thuyết vừa là phương pháp. Với tư cách là phương pháp nghiên cứu, CDA cung cấp công cụ để phân tích vào các phương diện nội dung và thực hành văn bản truyền thông. Với tư cách là lý thuyết, CDA giúp giải thích cơ chế tạo nghĩa và bản chất của hành động truyền thông, đặt để trong một bối cảnh nhất định.

Theo Fairclough (2001), CDA là mô hình phân tích diễn ngôn phê phán cụ thể, rõ ràng để đi tìm những nguyên nhân, quy định giữa thực tế, sự kiện và văn bản với các cấu trúc xã hội và văn hóa, các mối liên hệ và quá trình rộng hơn. Nó cũng xem xét các sự kiện, thực hành và văn bản như thế được phát sinh hay định hình bởi các mối quan hệ quyền lực.

Trong cuốn Ngôn ngữ và quyền lực, Fairclough đề xuất mô hình phân tích diễn ngôn 3 tầng lớp: (1) phân tích văn bản truyền thông hay miêu tả văn bản truyền thông; (2) phân tích thực hành diễn ngôn và quá trình diễn dịch thông điệp diễn ngôn; và (3) phân tích bối cảnh văn hóa xã hội hay giải thích diễn ngôn.

Biểu hiện từ khóa “tính dục” trong các chương trình

Đầu tiên biểu hiện tính dục, trước hết là bàn luận về vấn đề dục tính được thể hiện qua chương trình Vợ chồng son. Ở tập 455, trong thời gian đi chơi cùng nhóm bạn, người nữ đã chủ động mời người nam lên ngủ cùng và không thể ngăn được “chuyện đó”. Điều này phản ánh sự ham muốn và sự chủ động đáp ứng nhu cầu của nữ giới.

Vấn đề dục tính còn gắn với sự miêu tả của bộ phận cơ thể, trong chương trình Bạn muốn hẹn hò, người nam đề cập hình mẫu lý tưởng là người phụ nữ có thân hình “ngực tấn công, mông phòng thủ” và ấn tượng nhất khi người nữ có “cặp ngực to”.

Phương diện khác của biểu đạt “tính dục” là biểu hiện bản dạng giới tính. Trong Vợ chồng son, lần đầu gặp người vợ nghĩ chồng là LGBT vì phong cách hơi “tím”. Khi MC đề cập đến việc nếu người ấy “tím” nhưng một ngày đến nắm tay, “nhìn sâu” vào mắt và “cướp răng” thì nữ khách mời nhấn mạnh “con không hết hồn”; “chồng cũng linh hoạt nên không sao”. Câu trả lời biểu hiện khách mời nữ là người có nhu cầu tình cảm không chỉ giới tính nam mà còn thu hút bởi song tính.

Trong quan hệ tính dục, đầu tiên là hành vi tính dục, va chạm cơ thể thể hiện trong chương trình Bạn muốn hẹn hò, khách mời nữ có chuẩn bị tiết mục “sexy dance” để dạy khách mời nam nhảy cùng. Từ đó, có những động tác va chạm cơ thể cùng lời nói như “sờ chuột”, “vuốt ve”, “âu yếm” của khách mời nam. Thứ hai, quan hệ hôn nhân trong chương trình Bạn muốn hẹn hò, khách mời tham gia thường đề cập tới bao lâu thì tiến tới kết hôn? Muốn đẻ bao nhiêu người con? Vấn đề quan hệ hôn nhân chưa thể hiện rõ nét vì chương trình Bạn muốn hẹn hò, chủ yếu là tìm kiếm tình yêu giữa nam và nữ.

Trong chương trình Vợ chồng son thì vấn đề quan hệ hôn nhân rõ nét hơn, nhưng qua lời chia sẻ các cặp vợ chồng còn tiết lộ quan hệ trước hôn nhân, quan hệ ngoài giá thú như trong tập phát sóng ngày 08/11/2022, người vợ chia sẻ hai người sống thử gia đình không biết, câu hỏi tương tác của MC: “Ngày đầu tiên sống thử là đêm đó là tới luôn đúng không?”, sau đó người vợ chia sẻ “có sự cố; chồng đòi” và có khi hai người kết hôn thì thai đã ba tháng sau một năm quen nhau.

Đặc biệt vấn đề giao cấu, làm tình, sinh hoạt vợ chồng là phần không thể thiếu trong câu chuyện bàn luận của các cặp đôi. Trong tập phát sóng đạt hơn 3 triệu lượt xem, vợ chồng cặp đôi 'Hot Face Thanh Trần' chia sẻ: “Trong một đêm, mẹ chồng bảo em ngủ lại nhà và ngủ với con trai cô luôn”. Vì cặp đôi còn trẻ, câu chuyện sinh hoạt vợ chồng của họ được MC nhiệt tình khai thác như: “Có khi nào quan hệ mà mẹ biết không?”, người vợ cười và chỉ về chồng: “Đây, trong lần đòi “phang nhau” và quên khóa cửa và mẹ lên mở cửa; “Ở với chồng em thì ngày nào cũng là ngày an toàn hết”. Người vợ không ngại chia sẻ khi làm mẹ khi là sinh viên “đang đi học thì có em bé” và trong quá trình mang thai, em cho nhịn để giữ bé an toàn.

Trách nhiệm duy trì nòi giống, sinh con đẻ cái gắn liền vấn đề tính dục. Trong chương trình Bạn muốn hẹn hò, người nữ chia sẻ việc ly hôn là do ở sáu năm không có con với chồng. Và đặc biệt chia sẻ lý do chồng là con một, con trưởng, sau khi chủ động chia tay với chồng, chồng cô cũng có gia đình và có con. Còn cô thì sống độc thân và không quen ai. Chính vì điều đó, người nữ thẳng thắn là “Em không muốn có con” với đối tượng người nam trên sóng truyền hình. Điều này thể hiện tư tưởng giải phóng khi nữ giới có quyền được nói lên quan điểm của mình trong hôn nhân; chủ động bày tỏ ý kiến để khẳng định giá trị của bản thân.

Trong cảm xúc, trước hết về cử chỉ yêu thương, tập phát sóng chương trình Vợ chồng son, MC hỏi về lần đầu gặp sau khi nhận lời yêu qua mạng của cặp đôi. Người nữ chia sẻ về ấn tượng lần đầu gặp cùng những hành động cặp đôi dành cho nhau như “nắm tay”; “hôn nhẹ” và “lúc đó cảm xúc vỡ òa hơn rất nhiều”. Bên cạnh đó cảm xúc còn thể hiện qua lời nói tình cảm như trong chương trình “Bạn muốn hẹn hò”, khi vén màn khách mời nam nói: “Em xinh quá, anh rất thích em”, người nữ diễn tả trạng thái cảm giác “rất ưng ý, rất hài lòng”. Lời nói tình cảm được thể hiện để bày tỏ nhu cầu, mong muốn với đối phương.

tinh-duc-2.png

Vấn đề tính dục thường bắt đầu khi bàn luận về thời điểm diễn ra quan hệ. Trong chương trình Vợ chồng son phát sóng ngày 07/12/2022, ngay phần mở đầu của tập là trích dẫn đoạn người vợ chia sẻ “Đêm đó, tụi em cũng đi khách sạn, đi từ tối tới trưa ngày hôm sau”, MC nam liền hỏi: “Số tập?”, người vợ đáp lại “16 tập”, MC nam té ghế và nói rằng “phá kỷ lục”; MC nữ nhấn mạnh và nhắc hai lần “mới 2 ngày thôi đấy”.

Thực hành diễn ngôn có yếu tố “tính dục” của người dẫn chương trình (MC)

Thứ nhất, trên phương diện nội dung chương trình, MC chủ động đề cập và nhấn mạnh các câu đối thoại với khách mời liên quan tới tính dục. Ví dụ trong tập 455 phát sóng ngày 15/05/2022, của chương trình Vợ chồng son, ngay sau giới thiệu thông tin của cặp vợ chồng khách mời tham gia chương trình, MC nam dẫn dắt vào câu chuyện lần hẹn hò đầu tiên với câu hỏi: “Sau Ghép đôi thần tốc, bao lâu thì hai đứa có lần hẹn hò đầu tiên và lần đó đi đâu, làm gì?”. Khi biết người vợ kể có một ngày ở nhà một mình, MC nữ quay sang nói với MC nam: “Ở một mình thì qua chơi là đúng rồi ra đường làm gì cho tốn tiền”; MC nam đáp: “Không biết cái đêm đó uống rượu thì có gì xảy ra không?”. Ngay sau đó khách mời nam trả lời “Việc đó mấy ngày sau mới xảy ra”.

Thứ hai, trên phương diện cách thức, cử chỉ và hành động tương tác của MC về vấn đề tính dục. Trong chương trình Vợ chồng son, khi các cặp vợ chồng chia sẻ về vấn đề tính dục, MC nam có hành động té ghế, thêm hiệu ứng lặp lại việc té ghế. Ví dụ trong tập phát sóng ngày 25/09/2020, MC nam “té ghế liên tục” sau những chia sẻ của cặp vợ chồng. Người vợ cho biết: “Hồi yêu nhau, chồng mua áo quần này không thể thử được mà phải vô khách sạn thử”; MC té ghế và hỏi: “Mua gì phải vào khách sạn thử?”, người vợ nói: “Mua đồ ngủ và đồ lót”, MC té ngã kèm theo ngất dưới sàn quay. Tiếp tục, người vợ nói người chồng “đòi cái đó”, MC nam té ghế lần hai. Hành động té ghế của MC nam làm cho vấn đề tính dục trở nên hài hước và ấn tượng đối với khách mời và khán giả.

Tương tác của khách mời tham gia chương trình

Thứ nhất, khách mời nữ có xu hướng chủ động chia sẻ câu chuyện về tính dục nhiều hơn khách mời nam. Ví dụ ngày 27/2/2020, tập 228 của chương trình Vợ chồng son, Pông Chuẩn (người vợ) chủ động chia sẻ: “Trong suốt 6 tháng đầu tiên là yêu đơn phương” nên cô có suy nghĩ “làm single mom”, “muốn xin giống” chồng. Đa số trong các tập của chương trình, người vợ (nữ giới) có xu hướng chủ động trả lời MC.

Thứ hai, vấn đề tính dục được khách mời đề cập gắn liền nhu cầu tìm kiếm hạnh phúc với những tiêu chuẩn của cá nhân. Tham gia chương trình Bạn muốn hẹn hò, khách mời sẽ được chia sẻ những tiêu chuẩn (hình mẫu lý tưởng) đan xen vào đó là vấn đề tính dục. Đối với chương trình Vợ chồng son, nội dung tính dục là những câu chuyện không thể thiếu trong cuộc sống vợ chồng. Họ chủ yếu là các cặp đôi còn son (mới kết hôn), bởi vậy vấn đề tính trực diện và rõ ràng hơn.

Thứ ba, khách mời tham gia chương trình tỏ ra thoải mái, cởi mở khi chia sẻ về vấn đề tính dục. Trong nhiều chương trình gần đây, khách mời tham gia đều thể hiện sự tương tác, chia sẻ về vấn đề tính dục một cách thoải mái, và không ngại tung hứng với MC tại trường quay, trước sự theo dõi của đông đảo khán giả.

Cũng cần nói thêm về vai trò của khán giả. Trong văn hóa Việt Nam việc mai mối cho cặp đôi nam nữ thường do người thân (cha mẹ, anh chị em, họ hàng) kết nối và quyết định có cho con/cháu mình gặp mặt đối phương hay không. Nhưng trong chương trình Bạn muốn hẹn hò, ý kiến người thân chỉ mang tính chất tham khảo. Quyết định phụ thuộc hoàn toàn vào người nam và người nữ tham gia chương trình.

Ngoài ra, khán giả tương tác qua các qua hành động vỗ tay, cười, tỏ ra thích thú, nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng, ủng hộ đối với câu chuyện tính dục của cặp đôi.

tinh-duc-3.png

Kết luận

Sự phát triển của xã hội theo hướng hiện đại hóa, và ảnh hưởng của toàn cầu hóa đã mang lại nhiều thay đổi to lớn. Vấn đề tình yêu, tính dục, quan hệ hôn nhân, gia đình ngày càng trở nên thoải mái và cởi mở trong tư tưởng của người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Truyền thông cũng góp phần tác động khi thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân, trên các chương trình giải trí truyền hình cá nhân được chủ động, thoải mái, cởi mở bày tỏ những vấn đề nhạy cảm như tính dục. Cách thức khai thác khá dày đặc của truyền thông giải trí cho thấy chủ đề tính dục đang tạo ra lợi nhuận cho nhà sản xuất và thông qua truyền thông, câu chuyện tính dục được “bình thường hóa” trên quy mô đại chúng.

---

* TS. Giảng viên, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV **Sinh viên ngành Báo chí, Viện Đào tạo Báo chí và và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hòa (2008). Phân tích Diễn ngôn và Phê phán: Lý
luận & Phương pháp. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia
Hà Nội, tr.23-24.
2. Nguyễn Hòa (2005). Phân tích Diễn ngôn Phê phán là gì?
(Critical Discourse Analysis-CDA). Tạp chí Ngôn ngữ, (2),
tr.13-26.
3. Fairclough, N. (2001). Language and Power (2nd edn).
Harlow. UK: Pearson Education.
4. Foucault, M. (1978). The history of sexuality, vol. 3: The Care
of the Self. New York: Pantheon Books.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những nghiên cứu ban đầu về yếu tố tính dục trong một chương trình truyền hình giải trí hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO