Truyền thông

Từ kinh nghiệm thế giới đến mô hình kinh tế báo chí tại Đài Truyền hình Vĩnh Long

Trần Thị Hoà, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng 05/10/2024 10:45

Báo chí ra đời từ nhu cầu của con người về thông tin trong các lĩnh vực chính trị, thương mại… Các nhà lý luận như Karl Marx, Lenin, Stuart Hall… và các nhà hoạt động báo chí cách mạng như Hồ Chí Minh, Sóng Hồng đã khẳng định vai trò quan trọng về mặt tư tưởng – chính trị của báo chí.

Tóm tắt:
* Vai trò của báo chí:
- Báo chí có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, và có giá trị kinh tế.
*Kinh nghiệm quốc tế về kinh tế báo chí:
- Truyền thông toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, các công ty truyền thông lớn thu lợi nhuận khổng lồ.
- Xu hướng thương mại hóa.
*Kinh nghiệm từ Đài Truyền hình Vĩnh Long:
- Phát triển mô hình kinh tế báo chí tự chủ tài chính.
- Thu hút khán giả thông qua các chương trình đa dạng và phục vụ nhu cầu thông tin giải trí của công chúng.
- Đầu tư phát triển các chuyên mục, khai thác văn hóa địa phương.
*Phương hướng phát triển mô hình kinh tế báo chí ở Việt Nam:
- Báo chí cần tuân thủ nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm theo pháp luật, đồng thời tự chủ về tài chính và tìm kiếm
sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền.
- Chú trọng phát triển các chương trình đặc sắc, tận dụng công nghệ truyền thông hiện đại.
- Thực hiện các thương vụ mua bán để nâng cao chất lượng và tầm ảnh hưởng của báo chí.
- Hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu cá nhân cho người làm báo, và cung cấp dịch vụ PR có đạo đức.
*Các khuyến nghị cụ thể cho báo chí Việt Nam:
- Cần hạn chế xu hướng thương mại hóa báo chí quá mức.
- Phải tận dụng và phát triển tiềm năng văn hóa dân tộc,
- Tiếp cận và làm chủ công nghệ mới.

Bên cạnh vai trò chính trị, báo chí còn là lĩnh vực có giá trị kinh tế, và làm báo cũng là một nghề có đóng góp kinh tế cho xã hội. Đặc biệt, ngày nay, trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, yêu cầu về phát triển kinh tế báo chí
ngày càng đặt ra bức thiết hơn. Thế giới đang phát triển nền kinh tế tri thức, sự phát triển bùng nổ của công nghệ truyền thông, đặc biệt là công nghệ số của thời đại công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện cho sự phát triển của xã hội thông tin, thông tin trở thành hàng hóa đặc biệt có giá trị.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển kinh tế báo chí. Báo chí không còn được bao cấp hoàn toàn như xưa mà hoạt động tự chủ về tài chính trong khi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng là tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, “là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội -nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp..., là diễn đàn của Nhân dân” [1].

Nước ta phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cũng hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong sự quản lý của Nhà nước. Như vậy, phát triển kinh tế báo chí ở Việt Nam hiện nay cần một mô hình phù hợp với yêu cầu và đặc thù riêng của nước ta. Bài viết này thảo luận một số nội dung mang tính chất tham khảo cho việc xây dựng một mô hình kinh tế báo chí ở Việt Nam hiện nay.

Một vài kinh nghiệm về hoạt động kinh tế báo chí trên thế giới

Trên thế giới hiện nay có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Tùy từng khu vực mà có những nền báo chí phù hợp với điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa của những khu vực đó. Tuy nhiên, toàn cầu hóa đang tác động lên các quốc gia, các khu vực trên nhiều phương diện, trong đó phương diện báo chí truyền thông. Đặc biệt, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực truyền thông nhờ hệ thống ngành công nghiệp truyền thông toàn cầu, tạo nên hiện tượng được gọi là toàn cầu hóa truyền thông [2] (media globalisation).

the-voice-nbc.png
Ảnh: NBC 24

Ví dụ, chương trình truyền hình The Voice (Giọng hát) được “nhân bản” trên các kênh truyền hình của nhiều nước từ châu Âu đến châu Mỹ, châu Á [3]. Hiện nay trên thế giới tồn tại những đế chế truyền thông - đó là những công ty, tập đoàn truyền thông lớn nằm trong tay các nhà tư bản ở những nước giàu như Mỹ, Anh... Những “người khổng lồ” này có khả năng gây tác động đến hoạt động báo chí và truyền thông trên thế giới.

Thực vậy, trên thực tế, một tỷ phú như ông trùm truyền thông Rupert Murdoch cùng gia đình nắm giữ nhiều kênh truyền hình, tờ báo lớn ở Mỹ, Anh và Úc thuộc hai công ty truyền thông lớn là Fox Corporation và News Corporation. Murdoch đã điều hành và thực hiện nhiều thương vụ mua bán các công ty truyền thông, các tờ báo lớn, các kênh tin tức, thu lợi nhuận lớn. Hoạt động kinh doanh của ông Murdoch không chỉ ở riêng mảng báo chí mà còn phủ cả các lĩnh vực khác của truyền thông như phim, xuất bản... Theo ước tính, hiện tổng tài sản của gia đình ông lên tới gần 17 tỉ USD [4].

Không chỉ thu lợi nhuận lớn từ kinh doanh báo chí truyền thông, ông Murdoch còn là một nhân vật quyền lực có sức ảnh hưởng về chính trị5. Một nhân vật truyền thông có sức ảnh hưởng lớn của Mỹ hiện cũng nổi tiếng trên thế giới trong làng báo chí truyền thông là Oprah Winfrey. Bà Winfrey hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực của báo chí truyền thông: vừa là người dẫn chương trình, vừa là nhà sản xuất, chủ sở hữu công ty sản xuất chương trình, xuất bản tạp chí, làm từ thiện... Bà đã xây dựng thành công thương hiệu cá nhân nổi tiếng, trở thành nhân vật quyền lực, một tỉ phú của Hollywood và sở hữu tài sản lên đến 3 tỉ USD [6].

Một đặc điểm nổi bật của báo chí ở các nước tư bản phương Tây nói trên là họ không ngại khai thác các đề tài mang tính “thị hiếu” để hút khách, thu lợi nhuận. Đặc điểm thứ hai là các nhà tỉ phú thực hiện nhiều thương vụ mua bán các công ty truyền thông, các tờ báo... qua đó thu lợi nhuận cao. Đặc điểm thứ ba là họ xây dựng các thương hiệu cá nhân của người làm báo chí truyền thông gắn với các sản phẩm báo chí truyền thông (ví dụ như show truyền hình), và thu được lợi ích lớn từ những thương hiệu này, mà trường hợp bà Oprah Winfrey là một ví dụ điển hình.

oprah.jpg
Oprah Winfrey (Ảnh: Getty Images)

Đặc điểm thứ tư là họ rất chú ý đến việc tận dụng các thành tựu công nghệ truyền thông tiên tiến để phát triển và mở rộng đế chế báo chí truyền thông của mình.

Chúng ta có thể phác thảo vài nét sơ bộ trong chiến lược phát triển kinh tế báo chí của các tỷ phú truyền thông phương Tây như sau:

- Khai thác các chủ đề hợp thị hiếu, được ưa chuộng để tranh thủ thu được sự chú ý, tạo được sự nổi tiếng, gây dựng được thương hiệu và thu được lợi nhuận

- Phát triển thương hiệu, khai thác giá trị thương hiệu

- Kịp thời cập nhật và tận dụng các thành tựu mới của công nghệ truyền thông để tiếp cận công chúng, chiếm lĩnh thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thông

- Thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập các công ty truyền thông, các tờ báo... để thu được lợi nhuận

- Thực hiện đa dạng hóa trong kinh doanh: không chỉ dừng lại ở kinh doanh trong lĩnh vực báo chí mà mở rộng ra các lĩnh vực khác của truyền thông như phim ảnh, xuất bản, streaming (phát trực tiếp trên mạng xã hội)...

- Sử dụng tiềm lực kinh tế và sức ảnh hưởng của mình để tác động đến xã hội

Tuy nhiên, mô hình này có một điểm cần lưu ý là xu hướng thương mại hóa. Theo trang Encyclopedia Britannica [7], ông Murdoch đã khởi đầu sự nghiệp thành công của ông bằng cách phát triển một số tờ báo mang xu hướng lá cải. Sau đó, ông đầu tư vào một số tờ báo và kênh truyền hình thiên về chính trị.

Năm 2011, tờ báo News of the World tại Anh thuộc công ty của ông đã vướng vào vụ scandal phóng viên tòa báo nghe lén nhiều người nổi tiếng và nhiều người khác, cuối cùng dẫn việc đến tờ báo gạo cội nổi tiếng phải đóng cửa. Trong tác phẩm của mình, học giả David McKnight cũng cho rằng Murdoch đã từng sử dụng báo chí như công cụ để gây tác động đến chính trị ở Úc, Anh và Mỹ. Từ đây cho thấy mô hình kinh tế báo chí tư bản tuy tạo lợi nhuận lớn nhưng cũng có những rủi ro nhất định.

Kinh nghiệm từ mô hình kinh tế báo chí ở Đài Truyền hình Vĩnh Long

Ngành truyền hình ở Việt Nam bắt đầu có những bước phát triển nhanh chóng từ thập niên 90 của thế kỉ XX. Một trong số những câu chuyện thành công của báo hình Việt Nam thời kỳ Đổi mới phải kể đến là Đài Truyền hình Vĩnh Long. Mặc dù là một đài địa phương song Đài Truyền hình Vĩnh Long được nhiều khán giả biết đến thông qua những chương trình nổi tiếng, và năm 2022, Đài đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới.

dai-truy-hinh-vinh-long.jpg
Ảnh: Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long

Trong công trình nghiên cứu hoàn thành năm 2015, tác giả Đào Thị Tuyết Vân [8] đã mô tả khá cụ thể về câu chuyện thành công trong việc thực hiện kinh tế báo chí của Đài Truyền hình Vĩnh Long. Thông qua tham khảo công trình của tác giả Đào Thị Tuyết Vân và tổng hợp các thông tin về sự phát triển của Đài Truyền hình Vĩnh Long cũng như một số nghiên cứu khác về báo chí truyền thông ở Việt Nam, tác giả bài viết này xin tóm tắt sơ bộ một vài nét trong chiến lược hoạt động phát triển kinh tế báo chí quy mô nhỏ có thể dành cho các cơ quan báo chí ở nước ta tham khảo:

- Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí, chức năng, trách nhiệm của báo chí theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện tự chủ tài chính.

- Tìm kiếm sự ủng hộ, quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý, sự ủng hộ, hợp tác của các đơn vị bạn.

- Đầu tư phát triển các chuyên mục, chương trình phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí, giáo dục của nhân dân.

- Lấy công chúng làm trung tâm [9], chú trọng nghiên cứu công chúng, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin và giải trí lành mạnh của công chúng đa dạng, có các nỗ lực hiệu quả để thu hút và giữ chân một lượng công chúng trung thành (có thể sử dụng các phương pháp của marketing và PR).

- Năng động, sáng tạo, khai thác vốn văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương, chú trọng các vấn đề, đề tài địa phương. Tự xây dựng các chương trình đậm bản sắc Việt, bản sắc địa phương, không dựa dẫm duy nhất vào nguồn chương trình mua từ nước ngoài.

- Đầu tư phát triển trang thiết bị tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng, đẩy mạnh chuyển đổi số.

- Hợp tác tốt với doanh nghiệp, xây dựng chính sách quảng cáo hợp lý.

- Tích cực xây dựng thương hiệu đẹp thông qua các chương trình hỗ trợ cộng đồng, chương trình thiện nguyện.

- Từng bước xây dựng tập đoàn truyền thông đa phương tiện, báo chí truyền thống kết hợp với các loại hình truyền thông khác như báo điện tử, xuất bản, điện ảnh, streaming...

Trong mô hình này, nên chú ý thêm một số yếu tố sau:

- Hợp tác quốc tế: Trên thực tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hợp tác quốc tế là xu hướng. Thực hiện tốt hợp tác quốc tế trong lĩnh vực mua bán bản quyền sẽ đem lại các lợi ích như: đa dạng hóa sản phẩm truyền thông, phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin giải trí của công chúng, tạo cơ hội để đội ngũ người làm báo chí trong nước tìm hiểu, học tập, nâng cao trình độ nghề nghiệp, mở mang tầm nhìn, luôn bắt kịp sự phát triển của báo chí thế giới.

Đặc biệt, nên chú ý hợp tác quốc tế không chỉ chú ý vấn đề mua sản phẩm của các hãng báo chí truyền thông nước ngoài, mà các cơ quan báo chí của Việt Nam cần có định hướng sản xuất các sản phẩm, chương trình báo chí truyền thông có thể cung cấp phục vụ nhu cầu quốc tế (ví dụ các chương trình tin tức thời sự, phim tài liệu, các chương trình du lịch, giới thiệu cảnh đẹp, bản dịch các tác phẩm văn học, báo chí xuất sắc của Việt Nam...)

- Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các chương trình, các kênh, các trang tin tức, thời sự: không chỉ các chương trình giải trí mới có sức thu hút công chúng, mà các bản tin thời sự chất lượng, các chương trình bình luận, phân tích sắc sảo cũng rất cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và có khả năng thu hút công chúng. Mảng tin tức cần được đầu tư phát triển nhiều hơn nữa.

- Xây dựng thương hiệu cá nhân người làm báo: Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu cơ quan báo chí, nên quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân của một số nhà báo, người dẫn chương trình truyền hình... Thương hiệu cá nhân cũng gắn với thương hiệu cơ quan báo chí, và có khả năng đem lại lợi ích cho cơ quan báo chí thông qua việc thu hút và giữ chân công chúng, thuyết phục công chúng.

- Cung cấp dịch vụ PR một cách có đạo đức: Các hoạt động hợp tác của báo chí với các doanh nghiệp, tổ chức trong việc quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chương trình tài trợ, tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung quảng bá có tài trợ... là một trong những nguồn thu cho báo chí.

Tuy nhiên, việc hợp tác này cần phải được cân nhắc và thực hiện mà không gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động báo chí, không phương hại đến những giá trị cốt lõi của báo chí. Cơ quan báo chí nên xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, đề ra các nguyên tắc trong hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức để bảo đảm đạo đức báo chí, tôn trọng lợi ích chính đáng của công chúng và xã hội.

- Tích cực ứng dụng thành tựu mới của công nghệ truyền thông trong hoạt động báo chí: AI có thể giúp tiết kiệm thời gian sản xuất, đa dạng hóa phương thức trình bày sản phẩm truyền thông, hỗ trợ kiểm tra và sàng lọc thông tin, hỗ trợ nghiên cứu, tìm hiểu thông tin để viết bài...Trong tương lai, khi AI ngày càng thông minh và càng hỗ trợ nhiều hơn trong vấn đề ngôn ngữ, biên tập nội dung, thì việc ứng dụng AI sẽ giúp cơ quan báo chí tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cho việc sản xuất tin bài, phóng viên và biên tập viên có điều kiện dành nhiều thời gian để đầu tư cho những sản phẩm truyền thông tổng hợp có chất lượng cao.

- Tái đầu tư: Sử dụng một phần lợi nhuận thu được từ các hoạt động kinh tế báo chí để đầu tư cho phát triển đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị nghề báo, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành báo chí nước nhà.

Thúc đẩy kinh tế báo chí phát triển ở nước ta là việc làm rất cần thiết để báo chí có thể tồn tại, đứng vững trong nền kinh tế thị trường đồng thời đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế, việc tìm hiểu, học tập những nét tích cực từ mô hình kinh tế báo chí của thế giới là cần thiết và bổ ích.

Tuy nhiên, cần tiếp thu có chọn lọc và có sự điều chỉnh khi áp dụng để phù hợp với điều kiện chính trị -kinh tế - xã hội - văn hóa nước ta. Báo chí làm kinh tế nhưng không thể lơ là nhiệm vụ tư tưởng, chính trị. Người làm báo Việt Nam cũng cần lưu ý hạn chế những xu hướng không tích cực như hiện tượng thương mại hóa báo chí, tâm lý sính ngoại làm phai mờ bản sắc dân tộc, báo chí chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng.

Người làm báo cần phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo, tận dụng và phát huy vốn văn hóa dân tộc, nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận và làm chủ công nghệ kĩ thuật truyền thông tiên tiến, không ngừng phấn đấu vươn lên tạo ra những sản phẩm báo chí truyền thông chất lượng cao không chỉ đáp ứng nhu cầu của công chúng trong nước mà còn được thị trường truyền thông quốc tế chấp nhận, mà còn đem hình ảnh, tiếng nói ViệtNam ra với nhiều bạn bè hơn thế giới, góp phần nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

1. Trích Điều 4, Luật Báo chí 2016.
2. Xem Tran Thi Hoa, 2017 và Steger, 2009.
3. Ở Việt Nam, chương trình này được biết đến với tên gọi là “Giọng hát Việt”

4. An Nguyên, 2023.
5. Xem Brian McKnight. 2012.
6. Xem VnExpress, 2024; Mỹ Linh 2018.
7. Bách khoa toàn thư online cung cấp thông tin về nước Anh

8. thực hiện luận văn thạc sĩ về hoạt động kinh tế báo chí của Đài Truyền hình Vĩnh Long (xem phần Tài liệu tham khảo)
9. Tương tự như cách tiếp cận “lấy người học làm trung tâm” trong giáo dục

Tài liệu tham khảo:
1. An Nguyên 2023, “Rupert Murdoch từ chức chủ tịch Fox Corp. và News Corp.”, Công lý, https://congly.vn/rupert-murdoch-
tu-chuc-chu-tich-fox-corp-va-news-corp-396605.html
Xem 8/6/2024
2.Britannica, The Editors of Encyclopaedia. “Rupert
Murdoch”. Encyclopedia Britannica, 2 Jun. 2024, https://
www.britannica.com/biography/Rupert-Murdoch. Accessed
8 June 2024.
3. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Luật số 103/2016/ QH13
của Quốc hội: Luật Báo chí, https://datafiles.chinhphu.vn/
cpp/files/vbpq/2016/05/103.signed.pdf
Xem ngày 10/6/2024.
4.Đào Thị Tuyết Vân 2015, Hoạt động kinh tế báo chí của Đài
Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long hiện nay, Luận văn
Thạc sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
5. Đinh Văn Tới 2021, “Kinh tế báo chí là động lực phát
triển cho báo chí”, Tạp chí văn hóa và phát triển, https://
vanhoavaphattrien.vn/kinh-te-bao-chi-la-dong-luc-phat-
trien-cho-bao-chi-a3624.html Xem 9/6/2024.
6. Hồng Diễm, Thùy Quyên, Thanh Phong 2023, “Áp lực tự chủ
tài chính đối với cơ quan báo chí”, HTV, https://www.htv.com.
vn/ap-luc-tu-chu-tai-chinh-doi-voi-co-quan-bao-chi
Xem 9/6/2024.
7. McKinght, D. 2012, Rupert Murdoch: an investigation of
political power, Allen & Unwin.
8. Nguyễn Thị Trường Giang 2022,”Một số mô hình kinh tế
báo chí trên thế giới và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo
chí ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, https://www.
tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-
/2018/825305/mot-so-mo-hinh-kinh-te-bao-chi-tren-the-
gioi-va-goi-mo-cho-hoat-dong-kinh-te-bao-chi-o-viet-nam-
hien-nay.aspx Xem 8/6/2024
9. Nguyễn Viết Thảo 2021, “Kinh tế học truyền thông: Bối
cảnh ra đời và vấn đề hiện nay”, Báo điện tử Đảng Cộng
sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/
kinh-te-hoc-truyen-thong-boi-canh-ra-doi-va-van-de-hien-
nay-583320.html
Xem 9/6/2024.
10. Mỹ Linh 2018, “Tuổi thơ đẫm nước mắt của Nữ hoàng truyền hình da mầu đầu tiên ở Mỹ”, Vietnamnet, https://vietnamnet.vn/tuoi-tho-dam-nuoc-mat-cua-nu-hoang-truyen-hinh-da-mau-dau-tien-o-my-490470.html
Xem ngày 10/6/2024.
11. Steger, MB 2009, Globalization: A very short introduction,
OUP.
12. Tran Thi Hoa 2017, “Education in the time of globalization:
the lecturers’ changing role in the media-dominated world”,
Proceedings of International Conference Teachers’ and
educational administrators’ competence in the context of
globalization, Vietnam National University Press, Hanoi.
13. Vietnam Business Forum 2022, “Đài Phát thanh và Truyền
hình Vĩnh Long:Không ngừng nỗ lực đổi mới và sáng tạo”,
Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam,
14. https://vccinews.vn/prode/43687/dai-phat-thanh-va-truyen-
hinh-vinh-long-khong-ngung-no-luc-doi-moi-va-sang-tao.
html Xem 9/6/2024.
15. VnExpress 2024, “Oprah Winfrey hối hận vì cổ xúy ăn kiêng
độc hại”, https://vnexpress.net/oprah-winfrey-hoi-han-vi-co-
xuy-an-kieng-doc-hai-4744825.html
Xem 8/6/2024.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
  • Tân Tổng thống Mỹ thu hồi Sắc lệnh về giảm thiểu rủi ro AI
    Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi sắc lệnh hành pháp năm 2023 do cựu Tổng thống Joe Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
Đừng bỏ lỡ
Từ kinh nghiệm thế giới đến mô hình kinh tế báo chí tại Đài Truyền hình Vĩnh Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO