Những nhà báo Thuỵ Điển hết lòng vì nền báo chí Việt Nam hiện đại
Bộ TT&TT đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp TT&TT cho 10 nhà báo Thuỵ Điển và tri ân các cán bộ tham dự Dự án “Đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam” giai đoạn 1997 - 2014.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thuỵ Điển, chiều ngày 27/10/2024, tại trụ sở Bộ TT&TT, Bộ TT&TT đã tổ chức buổi gặp mặt giảng viên Dự án “Đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam” giai đoạn 1997 - 2014.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm và Tham tán, Trưởng ban Xúc tiến thương mại, Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam, bà Marie-Louise Thaning tham dự buổi gặp mặt.
Tham dự buổi gặp mặt còn có nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Tạ Ngọc Tấn; nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Trần Bình Minh; nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Nguyễn Thế Kỷ; nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Phan Khắc Hải; các nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn, Hoàng Vĩnh Bảo; Phó Tổng Giám đốc Ngô Minh Hiển; lãnh đạo Cục Báo chí, Vụ Tổ chức Cán bộ, Báo VietnamNet, Tạp chí TT&TT và một số các đơn vị báo chí lớn của Việt Nam.
Câu chuyện về tình bạn, sự tôn trọng, lòng biết ơn và cơ hội được học hỏi lẫn nhau
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ vinh dự được đón tiếp, cảm ơn các cựu chuyên gia, giảng viên, nhà báo Thuỵ Điển tham gia Dự án, đặc biệt là 10 nhà báo ưu tú - những người thầy, người bạn của nhiều thế hệ nhà báo Việt Nam và các đại biểu là lãnh đạo Dự án qua các thời kỳ, các cơ quan báo chí Việt Nam.
Thứ trưởng khẳng định: “Đây là dịp tiếp nối một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, đó là truyền thống tôn sư trọng đạo, đạo lý uống nước nhớ nguồn và câu chuyện về lòng biết ơn”.
Thứ trưởng cũng chia sẻ lời cảm ơn đầu tiên dành nhân dân Thuỵ Điển và cho biết Chính phủ Thuỵ Điển thông qua Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế (SIDA) đã tặng cho Việt Nam những nguồn lực tài chính quý báu để thực hiện một dự án chưa từng có. “Đây là một Dự án kéo dài 16 năm nâng cao năng lực của các nhà báo, các cơ quan báo chí của Việt Nam”.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Các bạn Thuỵ Điển thực sự là những người đã đặt niềm tin vào nền báo chí truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại và đã cống hiến trái tim, khối óc để đào tạo, nâng cao trình độ cho hàng ngàn phóng viên, nhà báo của Việt Nam qua các thời kỳ”.
Nhiều người trong số những cựu học viên, trợ giảng của Dự án này hiện nay đang giữ những vị trí lãnh đạo cao nhất của các cơ quan báo chí lớn của Việt Nam như ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc VTV...
Là người thuộc thế hệ đi sau, được hưởng lợi từ Dự án, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các nguyên lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ TT&TT, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các nguyên lãnh đạo, cán bộ Dự án.
Theo Thứ trưởng, những cán bộ tham gia Dự án là những tấm gương vượt qua mọi khó khăn, một số định kiến ban đầu vì sự khác biệt của nền báo chí giữa hai quốc gia để mang đến cho báo chí - truyền thông Việt Nam cơ hội được tiếp cận tri thức, kỹ năng làm báo hiện đại, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước Việt Nam, cũng như vào tiến trình dân chủ hoá đời sống, xã hội Việt Nam trong suốt gần 2 thập kỷ.
Thứ trưởng khẳng định 55 năm đã trôi qua kể từ khi hai nước Việt Nam - Thuỵ Điển thiết lập quan hệ ngoại giao và cũng hơn 10 năm trôi qua kể từ khi Dự án kết thúc thành công tốt đẹp, những gì còn đọng lại hôm nay là một nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại và cuối cùng cũng không kém phần quan trọng là tình người.
“Câu chuyện của Dự án với sự hỗ trợ của SIDA, Viện đào tạo nâng cao báo chí Thuỵ Điển (Fojo) là câu chuyện về tình bạn, về sự tôn trọng, lòng biết ơn và cơ hội được học hỏi lẫn nhau. Hãy cùng nhau viết tiếp những chương tiếp theo của mối quan hệ hợp tác đặc biệt tốt đẹp này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cam kết của Thuỵ Điển trong việc phát triển cộng đồng truyền thông mạnh mẽ
Bày tỏ vui mừng tham dự buổi gặp mặt, bà Marie-Louise Thaning, Tham tán, Trưởng ban Xúc tiến thương mại, Kinh tế và Chính trị - Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam cho biết Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam và cũng là nhà tài trợ đầu tiên và lớn nhất hỗ trợ cũng như tham gia vào lĩnh vực truyền thông Việt Nam trong thời kỳ khó khăn nhất.
Nhớ lại thời gian làm việc tại Đại sứ quán ở Hà Nội vào những năm 2000, bà Marie-Louise Thaning cho biết sự hợp tác của hai nước đạt đỉnh điểm với việc đào tạo 8.000 nhà báo địa phương qua các khóa học tại Việt Nam và Thụy Điển, chiếm khoảng 50% số nhà báo đang làm việc vào thời điểm đó. Đây là minh chứng cho cam kết của Thuỵ Điển trong việc phát triển cộng đồng truyền thông mạnh mẽ.
Bà Marie-Louise Thaning cũng cảm ơn đặc biệt đến 11 chuyên gia truyền thông Thụy Điển khi những đóng góp của các chuyên gia cho lĩnh vực truyền thông Việt Nam đã được ghi nhận và có tác động đáng kể.
“Tôi cũng muốn cảm ơn Bộ TT&TT vì sự hợp tác xuất sắc và sự cộng tác liên tục. Cùng nhau, chúng ta đang xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho truyền thông tại Việt Nam”, bà Marie-Louise Thaning chia sẻ.
Dự án giúp cho báo chí Việt Nam nâng cao chất lượng
Dự án được thực hiện theo Chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Thuỵ Điển, dựa trên kinh nghiệm và mô hình đào tạo nâng cao về báo chí của Viện đào tạo nâng cao báo chí Thuỵ Điển (Fojo) với sự tài trợ của Chính phủ Thuỵ Điển thông qua Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thuỵ Điển (SIDA).
Từ năm 1997 - 2013, Chính phủ Thuỵ Điển đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ báo chí. Bộ Văn hoá Thông tin nay là Bộ TT&TT là cơ quan trực tiếp quản lý Dự án. Sau hơn 15 năm thực hiện các giai đoạn của Dự án, khoảng 10.000 nhà báo Việt Nam đã được tham gia các chương trình đào tạo khác nhau.
Các khoá đào tạo đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, quy chuẩn đạo đức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, năng lực quản lý, nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên Việt Nam.
Dự án cũng giúp tăng cường sự tương tác báo chí với công chúng, đổi mới hình thức báo chí theo hướng hiện đại, tiếp cận sâu vấn đề trong xã hội, giúp minh bạch các hoạt động hành chính nhà nước.
Tính riêng từ năm 2004 - 2013, Việt Nam đã thực hiện bồi dưỡng cho gần 7000 lượt nhà báo; 64 khoá đào tạo ngắn hạn về kỹ năng làm báo hiện đại cho khoảng 4.000 phóng viên, biên tập viên, phóng viên ảnh, hoạ sỹ trình bày; 24 chương trình đào tạo tại chỗ cơ bản và nâng cao cho 15 cơ quan báo chí ở các loại hình báo in, báo điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình với sự tham gia của gần 1000 nhà báo, phóng viên; 16 khoá quản lý báo chí, trong đó có 9 khoá quản lý đào tạo báo chí cơ bản, 7 khoá đào tạo nâng cao cho 500 lãnh đạo các cơ quan báo chí trên cả nước; 12 khoá đào tạo giảng viên cho 200 nhà báo, giảng viên; 17 hội thảo tư vấn với sự tham gia của 1200 lãnh đạo cơ quan báo chí và lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí…
Là người trực tiếp chỉ đạo Dự án, ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT bày tỏ xúc động được dự cuộc gặp mặt đông đủ các các cán bộ, giảng viên của Dự án. “Đây là vinh dự và giúp tôi nhớ lại chặng đường cũng đầy gian khổ nhưng vô cùng vinh quang của nền báo chí Việt Nam khi thực hiện Dự án quan trọng này”.
Nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhớ năm 1996, khi về nhận công tác ở Bộ Văn hoá Thông tin và đến năm 1997 là chuyến đi đầu tiên đi khảo sát các đơn vị có thể làm được Dự án này và điểm cuối cùng là Quỹ SIDA và Viện đào tạo báo chí nâng cao Fojo.
Nguyên Thứ trưởng bày tỏ tri ân cả những người đã hết sức, hết lòng vì Dự án để Dự án đi đến kết quả. “Nếu không có những cán bộ dự án nhiệt tình, say mê, và hết lòng thì chắc cũng khó hoàn thiện các thủ tục, bước đi của Dự án”.
Đồng thời, nguyên Thứ trưởng cũng hết sức cảm ơn các giảng viên của Dự án trong 17 năm gắn bó đã có nhiều niềm vui để vượt qua khó khăn. “Đây là Dự án đào tạo kỹ năng làm báo hiện đại lớn nhất cho báo chí Việt Nam. Trong thời gian 17 năm, với 7.000 lượt nhà báo ở các cơ quan báo chí được đào tạo báo chí qua Dự án đã giúp cho báo chí Việt Nam thay đổi về chất lượng, đặc biệt là kỹ năng báo hiện đại”.
Nhà báo Thuỵ Điển Clas Thor, một giảng viên của Dự án chia sẻ tình bạn giữa các phóng viên trong các khoá đào tạo là vô cùng bền chặt, giúp họ tự tin hơn nhiều. Điều này rất quan trọng khi một phóng viên làm việc trong một tập thể cần phải có tư duy độc lập. Các khoá đào tạo đã trang bị công cụ này cho họ.
Cũng theo nhà báo Clas Thor, sự xuất hiện của AI, làm thế nào để tận dụng được AI, câu chuyện phóng viên đường phố hay tin giả… là những thách thức. “Khoá đào tạo báo chí của chúng tôi và các khoá đào tạo phát triển từ đó là để trang bị cho các nhà báo thích ứng các thách thức mới”./.