Truyền thông

Những quy định mới về PCCC cho nhà và công trình có hiệu lực từ 1/12

Ngọc Hà 01/12/2023 10:47

Từ ngày 1/12/2023, một số quy định mới về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho nhà và công trình, nhất là chung cư sẽ chính thức được áp dụng.

Từ 1/12, không được để xe máy tại tầng có lối thoát nạn.

Thông tư 09/2023/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, theo đánh giá của các chuyên gia, đem đến nhiều thay đổi đáng kể giúp công tác quản lý PCCC được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình đối với đối tượng là nhà ở. Khác với trước đây đặt ra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình quy định với đối tượng “chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao PCCC đến 150m và không quá 3 tầng hầm”. Thông tư số 09 sửa đổi thành “chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao PCCC không quá 150m và không quá 3 tầng hầm”.

Điều này làm rõ và xác định giới hạn tối đa một cách cụ thể hơn để dễ thực hiện và bắt buộc các chủ đầu tư của các chung cư, nhà ở tập thể không được phép xây quá 150m, đồng thời hạn chế tình trạng nhiều công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy.

Bên cạnh đó, Thông tư 09 đã tách biệt chung cư, nhà ở tập thể và nhà ở riêng lẻ thành hai điểm khác nhau trong cùng một điều khoản để đảm bảo sự phân định cụ thể các loại hình.

Theo đó, đối với nhà ở riêng lẻ, nội dung quy định được trình bày một cách chặt chẽ hơn và rộng hơn, không chỉ đơn thuần là “nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30% tổng diện tích sàn” mà mở rộng ra là “nhà ở riêng lẻ có kết hợp mục đích sử dụng khác và nhà ở riêng lẻ được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác”.

Thông tư 09 cũng đã bổ sung thêm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi, bổ sung cho các địa phương. Cụ thể tại điểm 1.1.11 Thông tư 09 quy định như sau: “Các địa phương được ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương để thay thế, sửa đổi hoặc bổ sung một số quy định tại các phần 3, 4, 5, 6 và các phụ lục của quy chuẩn này cho phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về phòng cháy chữa cháy”.

Thông tư 09 cũng đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phân loại kỹ thuật cháy. Trước đây, các chủ đầu tư nhà, công trình xây dựng và các doanh nghiệp, tổ chức đã có nhiều lần kiến nghị về việc quy định quá chặt chẽ về các thông số kỹ thuật và chất liệu chịu lửa gây khó khăn cho người thực hiện khi phải loay hoay tìm kiếm bộ phận, vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn về giới hạn chịu lửa.

Đến nay, Thông tư 09 đã tháo gỡ vướng mắc đó bằng việc giảm bớt giới hạn chịu lửa và không quy định cụ thể giới hạn chịu lửa đối với một số bộ phận, đồng thời cũng bổ sung thêm các điều kiện để chủ đầu tư nắm bắt được điều kiện tối thiểu cần đáp ứng của những bộ phận không bị áp quy định giới hạn chịu lửa.

Thông tư 09 đã sửa đổi bổ sung một số nội dung về quy định đảm bảo an toàn cho người. Theo đó, tại điểm 3.2.1 của Thông tư 06 quy định về các lối ra được coi là lối thoát nạn bao gồm: “Ra ngoài trực tiếp; qua hành lang; qua tiền sảnh (hay phòng chờ); qua buồng thang bộ; qua hành lang và tiền sảnh (hay phòng chờ); qua hành lang và buồng thang bộ”.

Thông tư 09 đã có sự điều chỉnh từ quy định về “lối ra được coi là lối thoát nạn” thành “lối ra không được coi là lối thoát nạn", cụ thể "các lối ra không được coi là lối ra thoát nạn nếu trên lối ra này có đặt cửa cuốn hoặc cửa quay”.

Cùng với đó, Thông tư 09 cũng quy định rõ "Không được để xe cơ giới, không được bố trí kho hạng A, B, C tại tầng có lối thoát nạn ra ngoài nhà, trừ khi các khu vực này được ngăn cách theo các quy định của quy chuẩn này".

Thông tư 09 đã quy định rõ hơn là việc trang bị cấp nước chữa cháy thì chủ đầu tư phải thực hiện khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và các khu có đặc điểm tương tự.

Mặt khác, đối với các tòa nhà khi nằm trong phạm vi phục vụ của các nguồn cấp nước chữa cháy ngoài nhà (bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo và các nguồn nước tương tự khác) thì không yêu cầu bắt buộc phải trang bị cấp nước chữa cháy ngoài nhà.

Thông tư mới đã chỉ rõ cho các chủ đầu tư thấy được thời điểm phải trang bị cấp nước chữa cháy mà không viện dẫn đến quy định tại TCVN 3890, tránh gây khó cho chủ đầu tư vì không biết quy định nằm ở đâu để tìm kiếm.

Thông tư 09 cũng đã có những thay đổi trong việc quy định về vị trí, khoảng cách đặt các bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo. Đối với cả hai trường hợp "khi có máy bơm của xe chữa cháy" và "khi có máy bơm di động", khoảng cách đặt bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo đều được tăng lên gấp đôi, lần lượt là 400m và 300m.

Thông tư 09 đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án về khoảng cách đặt các công cụ chứa nước phù hợp với công năng sử dụng của nhà ở, công trình xây dựng nhưng vẫn đảm bảo phục vụ tốt cho công tác phòng cháy chữa cháy nếu như có hỏa hoạn xảy ra.

Ngoài ra, Thông tư 09 của Bộ Xây dựng cũng có những quy định cụ thể về an toàn PCCC như sau:

Yêu cầu sử dụng vách ngăn loại 1 để ngăn khói

Theo quy định mới, tại tất cả các sàn tầng hầm, ít nhất phải có một lối vào buồng thang bộ thoát nạn đi qua sảnh ngăn khói được ngăn cách với không gian xung quanh bằng vách ngăn cháy loại 1 hoặc giải pháp tương đương khác (hiện nay chỉ yêu cầu sử dụng tường ngăn cháy loại 2).

Các nhà nhóm F1.2, F1.3, F2, F3, F4 có chiều cao PCCC dưới 28m nếu không thể bố trí được lối đi riêng ra bên ngoài mà phải đi qua sảnh chung thì lối vào buồng thang bộ chung từ các tầng hầm phải đi qua khoang đệm với giải pháp bao che giống như khoang đệm ngăn cháy loại 1, và phải có vách ngăn cháy loại 1 ngăn cách với phần còn lại của buồng thang bộ.

Điều này sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho con người khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Đối với nhà từ 3 tầng trở xuống hoặc có chiều cao PCCC từ 9m trở xuống

Được sử dụng cầu thang bộ loại 2 để thoát nạn khi bảo đảm điều kiện người trong nhà có thể thoát ra lối thoát nạn khẩn cấp (ra ban công, lô gia thoáng, qua cửa sổ hoặc lối thoát nạn khẩn cấp tương tự) hoặc lên được sân thượng thoáng khi có cháy.

Thang bộ loại 2 phải được ngăn cách với khu vực tầng hầm (nếu có) bằng vách ngăn cháy loại 2...

Nhà có chiều cao PCCC từ trên 15m đến 21m

Diện tích mỗi tầng đang xét không được lớn hơn 200m2;

Số người lớn nhất trên mỗi tầng không vượt quá 20 người;

Không được để xe cơ giới, không được bố trí kho hạng A, B, C tại tầng có lối thoát nạn ra ngoài nhà, trừ khi các khu vực này được ngăn cách theo các quy định của quy chuẩn này;

Các khu vực có công năng đang xét được bảo vệ bằng chữa cháy tự động. Trường hợp không thể trang bị chữa cháy tự động thì thay thế bằng hệ thống báo cháy tự động cho toàn bộ nhà (ưu tiên sử dụng đầu báo cháy khói);

Người trong nhà có thể thoát ra ngoài nhà qua lối thoát nạn khẩn cấp (ra ban công, lô gia thoáng, qua cửa sổ hoặc lối thoát nạn khẩn cấp tương tự) với các thiết bị hỗ trợ thoát nạn (ví dụ thang P1, P2, thang ngoài nhà, thang dây, ống tụt và các thiết bị hỗ trợ thoát nạn khác); hoặc lên được sân thượng thoáng khi có cháy;

Các lối ra thoát nạn của các gian phòng và từ mỗi tầng phải tuân thủ yêu cầu của quy chuẩn này.

Nhà có chiều cao PCCC từ trên 21m đến 25m

Diện tích mỗi tầng đang xét không được lớn hơn 150m2;

Số người lớn nhất trên mỗi tầng không vượt quá 15 người;

Không được để xe cơ giới, không được bố trí kho hạng A, B, C tại tầng có lối thoát nạn ra ngoài nhà, trừ khi các khu vực này được ngăn cách theo các quy định của quy chuẩn này;

Nhà được bảo vệ bằng hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động;

Người trong nhà có thể thoát ra ngoài nhà qua lối thoát nạn khẩn cấp (ra ban công, lô gia thoáng, qua cửa sổ và các lối thoát nạn khẩn cấp tương tự) với các thiết bị hỗ trợ thoát nạn (ví dụ thang P1, P2, thang ngoài nhà, thang dây, ống tụt và các thiết bị hỗ trợ thoát nạn khác); hoặc lên được sân thượng thoáng khi có cháy;

Các lối ra thoát nạn của các gian phòng và từ mỗi tầng phải tuân thủ yêu cầu của quy chuẩn này.

Quy định chiều rộng bản thang bộ dùng để thoát nạn khi có cháy

Khoảng cách thoát nạn giới hạn cho phép trên mỗi tầng được đo dọc theo tâm đường thoát nạn, bắt đầu từ tâm của cửa các gian phòng hoặc từ chỗ xa nhất có thể có người trong phòng đến tâm của lối ra thoát nạn gần nhất của mỗi tầng.

Chiều rộng bản thang bộ dùng để thoát người không được nhỏ hơn chiều rộng tính toán hoặc chiều rộng của bất kỳ lối ra thoát nạn nào trên nó và không nhỏ hơn:

1,2m: Với nhà nhóm F1.1 có tổng số người thoát nạn qua thang này lớn hơn 15 người từ mỗi tầng; 1m: với nhà nhóm F1.1 có tổng số người thoát nạn qua thang này từ 15 người trở xuống từ mỗi tầng;

1,2m: với nhà có số người trên tầng bất kỳ, trừ tầng một, lớn hơn 200 người;

0,7m: với nhà có chiều cao phòng cháy chữa cháy không quá 15m và tổng số người thoát nạn qua thang này từ mỗi tầng không quá 15 người;

0,9m: Đối với tất cả các trường hợp còn lại.

Theo thông tư, nếu không thể bảo đảm kích thước trên, có thể sử dụng tài liệu chuẩn để tính toán thoát nạn cho người và xác định kích thước cần thiết của bản thang, lối thoát nạn, đường thoát nạn căn cứ điều kiện cụ thể của công trình./.

Bài liên quan
  • Nan giải an toàn PCCC ở các khu tập thể cũ
    Các khu tập thể cũ, quy mô lớn với hàng ngàn hộ dân sinh sống như: Nghĩa Tân (cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (Ba Đình), Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng), Kim Liên, Trung Tự (Đống Đa)... đang tồn tại những bất cập trong PCCC.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những quy định mới về PCCC cho nhà và công trình có hiệu lực từ 1/12
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO