Đời sống xã hội

Những tháng cuối năm 2023, cần giải pháp thiết thực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Hà Linh 18/12/2023 08:12

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội mỗi khi thiên tai xảy ra. Bởi vậy cần cảnh giác, chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là những tháng cuối năm.

Công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ"

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết: Những tháng còn lại trong năm 2023, trạng thái khí quyển và đại dương đã ở trong điều kiện El Nino. Dự báo El Nino tiếp tục duy trì tới hết năm 2023 với xác suất khoảng 85-95% và có thể duy trì cho tới nửa đầu năm 2024. Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

433-202312160902281.jpg

Cũng theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, thông thường từ tháng 10-12, bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới khu vực từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.

Trong các tháng 10-12, khu vực Trung Bộ được dự báo lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm và chưa có dấu hiệu mưa nhiều, mưa lớn cực đoan.

Trên cơ sở dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn trên phạm vi toàn quốc nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tăng cường đôn đốc, chỉ đạo công tác an toàn hồ đập; chuẩn bị lực lượng, phương tiện phòng, chống thiên tai. Công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Tháng 12 có thể xuất hiện bão trên biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, dự báo xu thế thời tiết đặc biệt trong tháng 12/2023, miền Bắc lạnh nhưng bão có thể vẫn xuất hiện ở biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh phía Nam.

Cụ thể, trong tháng 12/2023, vẫn có khả năng xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Trước đó, trong tháng 11 năm 2023, trên Biển Đông không xuất hiện bão hay áp thấp nhiệt đới.

Không khí lạnh trong tháng 12 năm 2023 tiếp tục gia tăng về tần suất. Tuy nhiên, cường độ các đợt không khí lạnh có xu hướng hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Cơ quan khí tượng cảnh báo hoạt động kết hợp của bão/áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn, gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân.

Thời kỳ này cũng là thời điểm cuối của mùa mưa tại khu vực Trung Bộ, tuy nhiên các đợt mưa lớn do ảnh hưởng của các hình thế thời tiết như không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao sẽ vẫn còn xảy ra trên khu vực, cần đề phòng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đá trên khu vực.

Ngoài ra, trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn đưa ra các dự báo, cảnh báo các hiện tượng từ rất sớm, đặc biệt là việc cảnh báo hiện tượng El Nino ảnh hưởng tới Việt Nam.

Thời gian tới, Luật Phòng thủ dân sự được triển khai sẽ bổ sung nhân sự hỗ trợ cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát các nguy cơ, kịp thời phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa thiên tai. Thông tin về hệ thống cảnh báo lượng mưa hiện nay, Thứ trưởng cho biết, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã tổ chức thực hiện với độ chi tiết tới từng ô lưới 1 x 1km, có trang thiết bị quan trắc tự động và cảnh báo kịp thời.

Muốn công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả, một trong những vấn đề lưu tâm là bổ sung các trang thiết bị cứu hộ cứu nạn hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời tăng cường độ che phủ rừng để hạn chế hậu quả của lũ quét, sạt lở đất.

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong 8 tháng đầu năm 2023, trên cả nước xảy ra 1.753 sự cố thiên tai (1 áp thấp nhiệt đới, 2 cơn bão, 47 trận mưa lớn, ngập lụt, sụt lún, sạt lở đất, đá; 208 trận giông lốc và mưa đá; 27 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; 151 trận động đất và 321 vụ sạt lở bờ sông) làm chết 267 người; mất tích 78 người; bị thương 291 người; chìm, cháy, hỏng 302 phương tiện; cháy 628 nhà xưởng và 1.176 ha rừng; sập đổ, tốc mái 9.075 nhà; hư hại 45.536 ha lúa và hoa màu...

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo ban hành 52 công điện về công tác ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai bất thường, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của các bộ, ngành, địa phương duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24 giờ, chủ động nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống.

Toàn quốc đã huy động 53.490 lượt người, 3.633 lượt phương tiện các loại để ứng phó, khắc phục với 1.753 vụ, cứu được 1.595 người, 178 phương tiện; hướng dẫn, di dời 747 hộ dân với 3.011 người tới nơi an toàn; thông báo hướng dẫn cho 103.898 phương tiện, 754.909 người biết thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời phòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Trước tình hình đó, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội mỗi khi thiên tai xảy ra; cần cảnh giác, chủ động ứng phó với thiên tai.

Các bộ, ngành, địa phương rà soát lại những nhiệm vụ cụ thể, các kịch bản ứng phó, khắc phục hậu quả trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với thực tế. Công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cần kịp thời và chính xác hơn. Cùng đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Các nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, là đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các nền tảng công nghệ, đặc biệt là qua hệ thống tin nhắn điện thoại để chính quyền, người dân biết, chủ động trong công tác chỉ đạo, ứng phó, phòng, tránh thiên tai hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp; tăng cường sự quản lý nhà nước, hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền; đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng của người dân, doanh nghiệp trong phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là nguồn lực cho công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đầu tư phương tiện kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cho phòng cháy chữa cháy với tinh thần huy động sức mạnh của xã hội, người dân, hợp tác công tư hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khi sự cố xảy ra.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định, quy trình, quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi; tăng cường xử lý kỷ luật nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương, các lực lượng chức năng, cơ quan, đoàn thể, địa phương. Nâng cao năng lực thực thi của cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những tháng cuối năm 2023, cần giải pháp thiết thực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO