Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai thành công dịch vụ mobile money, một giải pháp tài chính toàn diện, cho phép mọi người dân đều được tiếp cận với các công cụ thanh toán chính thống không dùng tiền mặt và đẩy nhanh việc chuyển đổi số quốc gia.
Phillipines là một trong những thị trường tiền di động tiên tiến nhất thế giới. Năm 2001, nhà mạng Smart Communication (gọi tắt là Smart) đã hợp tác với Ngân hàng Banco de Oro để triển khai Smart Money. Đó là dịch vụ sử dụng bộ SIM, cho phép khách hàng nạp tiền thanh toán dịch vụ di động, gửi và nhận tiền trong nước, quốc tế qua di động cũng như thanh toán khi sử dụng thẻ.
Năm 2004, nhà mạng Globe Telecom (gọi tắt là Globe) đã triển khai ứng dụng Gcash, đây là dịch vụ dựa trên SMS cung cấp một bộ chức năng tương tự (như Smart Money) dựa hoàn toàn vào ĐTDĐ.
Vùng phủ sóng di động rộng khắp và tin cậy
Dịch vụ tiền di động tại Phillipines không thể đạt được thành công nếu không có sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ di động. Mật độ thâm nhập ĐTDĐ của Phillipines đã tăng từ 3% vào năm 2000 tới nay là 58%.
Hai nhà mạng Smart và Globe đã nhanh chóng mở rộng vùng phủ sóng di động rộng khắp cả nước với độ tin cậy cao. Không có gì đáng ngạc nhiên khi có mối tương quan mạnh mẽ giữa sự phát triển di động và khả năng tiếp nhận tiền di động, có tới 75% người sử dụng tiền di động đánh giá mạng di động của họ “rất là đáng tin cậy”, và 61% người không sử dụng dịch vụ tiền di động cũng đánh giá chất lượng mạng di động như vậy.
Thủ đô nhắn tin của thế giới
Thách thức chính đối với các nhà mạng di động khi triển khai tiền di động là thuyết phục khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính trên ĐTDĐ. Tại Phillipines, thực tế sử dụng dịch vụ di động đã giải quyết thách thức này một cách dễ dàng. Phillipines được biết như là “thủ đô nhắn tin của thế giới”, người sử dụng dịch vụ di động Phillipines luôn giữ liên lạc qua tin nhắn (SMS).
Một báo cáo của CGAP-GSMA năm 2009 đã xác nhận rằng những người sử dụng tiền di động sớm nhất tại Phillipines là những người sử dụng SMS đặc biệt nhiều; so với những người không sử dụng tiền di động, mỗi ngày họ gửi SMS nhiều hơn tới 57%.
Sự thịnh hành của dòng tiền kiều hối
Quy mô cộng đồng lao động tại nước ngoài và thị trường kiều hối cũng góp phần vào sự thành công của tiền di động tại Phillipines. 8 triệu người Phillipines lao động tại nước ngoài mỗi năm gửi kiều hối xấp xỉ 18 tỷ USD cho gia đình tại Phillipines thông qua dịch vụ chuyển tiền di động.
Quy định tạo thuận lợi cho tiền di động
Trong nhiều năm, Ngân hàng Trung ương Phillipines đã làm việc với ngành thông tin di động nhằm tạo môi trường cho sự phát triển thành công của tiền điện tử và tiền di động nói chung.
Tháng 3/2009, Ngân hàng Trung ương Phillipines ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý việc phát hành tiền điện tử và hoạt động của tổ chức phát hành tiền điện tử tại Phillipines. Thông tư này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa sự thành công của ứng dụng tiền di động tại Phillipines. Thông tư đã tạo cho Smart và Globe khung pháp lý để hoạt động, giúp họ biết họ được quản lý như thế nào.
Ngân hàng Trung ương Phillipines cho phép hai nhà mạng thử nghiệm các mô hình kinh doanh khác nhau: Smart theo đuổi mô hình liên kết với ngân hàng, trong đó BDO là ngân hàng phát hành của Smart; Globe lại theo đuổi mô hình REMCO thông qua việc thành lập công ty con GXI do nhà mạng này sở hữu 100%, là định chế phi ngân hàng đầu tiên phát hành thẻ ATM nhằm giúp người Phillipines ở nước ngoài gửi tiền về nước dễ dàng. Việc cho phép thử nghiệm cả 2 mô hình này đã tạo ra môi trường canh tranh, về tổng thể đã và đang mang lại lợi ích cho tiền di động.
Định vị tiền di động như một dịch vụ mang theo khát vọng
Bên cạnh nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Phillipines trong việc ban hành quy định điều tiết một thị trường “màu mỡ”, thành công của dịch vụ tiền di động còn gắn liền với các nguyên tắc thiết kế dịch vụ của hai nhà mạng Smart và Globe nhằm tạo ra và thúc đẩy việc chào bán dịch vụ của mình.
5 ý tưởng quan trọng do hai nhà mạng thực hiện gồm: Khái quát hóa tiền di động như một dịch vụ gia tăng giá trị khác biệt; Định vị tiền di động như một dịch vụ mang theo khát vọng; Đáp ứng đa dạng phân khúc người dùng và nhu cầu; Tuyên truyền về dịch vụ, nâng cao hiểu biết và dùng thử thông qua marketing.
Hai nhà mạng không coi tiền di động là một dịch vụ GTGT theo cách truyền thống. Mặc dù khó chứng minh được rõ ràng, nhưng đây là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Các dịch vụ GTGT truyền thống thường được khai trương tưng bừng với các công cụ marketing hỗ trợ, thu hút một vài sự chú ý trên thị trường, rồi đến quý sau sẽ bị thay thế bằng một dịch vụ mới hơn, hấp dẫn khách hàng hơn.
Tại Phillipines, tiền di động được khai thác hoàn toàn khác. Dịch vụ tiền di động được hỗ trợ marketing một cách bền vững, bằng đội ngũ nhân sự tận tâm.
Dịch vụ Gcash và Smart Money được nhúng vào từng SIM mới của các nhà mạng. Điều này giúp loại bỏ yêu cầu đổi SIM, vốn dĩ thường tạo ra rào cản khi khách hàng muốn đón nhận dịch vụ. Nó cho phép hai nhà mạng chạy các chương trình bằng SMS, giúp khách hàng có thể trải nghiệm ngay ứng dụng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Gcash bởi vì mô hình của nhà mạng Globe Telecom cho phép khách hàng đăng ký trên thiết bị cầm tay từ bất kỳ vị trí nào.
Gcash và Smart Money đều được định vị là những dịch vụ mang theo khát vọng. Gcash là khát vọng - đặc biệt đối với phân khúc những người thuộc đáy kim tự tháp (khách hàng nghèo) - những người chưa bao giờ được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống.
Thông qua hợp tác với các ngân hàng nông thôn, Gcash có thể cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tài chính chính thống mà trước đây họ chưa bao giờ được hưởng - ví dụ như trả lương, trả nợ, gửi tiền, mua bán hàng hóa giá trị siêu nhỏ và thanh toán hóa đơn.
Gcash và Smart Money còn đưa ra các gói dịch vụ đa dạng, được thiết kế phù hợp với nhu cầu sử dụng riêng biệt của khách hàng, ví dụ đưa ra các dải hạn mức tương ứng với mức độ hiểu biết công nghệ từ thấp đến cao.
Đối với nhóm khách hàng có vốn kiến thức công nghệ không cao, nhà mạng Smart chào bán Smart Palada. Dịch vụ này được cung cấp tại các trung tâm dịch vụ di động của nhà mạng này, cho phép khách hàng cầm tiền đến một đại lý để gửi tới một thuê bao di động đã đăng ký sử dụng Smart Money. Đối với khách hàng hiểu biết cao về công nghệ, Smart cho phép khách hàng nạp tiền điện tử vào tài khoản của họ từ máy nạp tự động, giúp nạp tiền nhanh chóng mà không cần giao dịch viên.
Với Gcash, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ tại 3.000 điểm nạp và rút tiền khắp cả nước. Thuê bao Gcash có thể đến bất kỳ cửa hàng Gcash nào để nạp tiền vào ví Gcash của một khách hàng khác. Gcash cũng có đường dây nóng hoạt động 24/7 để hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi.
Phân chia lợi ích trong hệ sinh thái
Bên cạnh việc thiết kế dịch vụ nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của một thị trường màu mỡ đã được Ngân hàng Trung ương Phillipines điều tiết bằng các quy định pháp lý, hai nhà mạng Smart và Globe tiến hành một bước quyết định cuối cùng giúp đem đến thành công: Tập hợp và phân chia thích đáng lợi ích của các đối tác đa dạng bên ngoài đã tham gia vào hệ sinh thái.
Hệ sinh thái được định nghĩa là mạng lưới sẵn có các tổ chức và cá nhân giúp dịch vụ tiền di động tăng trưởng và đạt quy mô đặt ra. Tuy hệ sinh thái của hai nhà mạng rất khác nhau, nhưng cả hai đều được liên kết dựa trên hai yếu tố chính: định nghĩa và thiết kế hệ sinh thái tốt và kết quả đầu ra của nó.
Một hệ sinh thái hiệu quả là hệ sinh thái trong đó mỗi chủ thể tham gia đều có động lực tài chính rõ ràng khi tham gia và thúc đẩy phát triển dịch vụ một cách tích cực.