Nở rộ giả mạo Fintech để chiếm đoạt tiền

Hữu Tuấn| 30/10/2021 15:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Tình trạng giả mạo các tổ chức tài chính công nghệ (Fintech) để lừa đảo khách hàng diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi.

Tình trạng giả mạo các tổ chức tài chính công nghệ (Fintech) để lừa đảo khách hàng diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi.

Hơn 100 khách hàng bị lừa đảo

Theo phản ánh của anh N.H (trú tại TP.HCM), đầu tháng 10/2021, anh nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên của Fiin Credit mời chào vay tiền online một cách nhanh chóng, thuận tiện, với lãi suất chỉ 0,5%. Do có nhu cầu vay vốn, anh đồng ý vay và được nhân viên này gửi đường dẫn link tới địa chỉ www.vz9.cc. Thấy trang web này có logo, hình ảnh, nhận diện giống của Fiin Credit, anh N.H đã tin tưởng làm theo. Sau đó, chúng hướng dẫn anh tải app, đăng ký tài khoản, đăng ký khoản vay, yêu cầu anh cung cấp giấy tờ tùy thân để “xác nhận nhân thân” có đủ điều kiện vay hay không.

Để tạo thêm niềm tin, đối tượng lừa đảo còn gửi thẻ nhân viên dán ảnh, đóng dấu đỏ gửi vào Zalo và hợp đồng được soạn cũng mang tên Công ty. Thực chất, toàn bộ giấy tờ, hồ sơ, thẻ, hợp đồng đều giả mạo.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, nhóm đối tượng đã yêu cầu anh N.H chuyển trước cho chúng một số tiền để “xác nhận khoản vay”, “chứng minh khả năng tài chính”…, với số tiền yêu cầu chuyển trước là 10% số tiền đăng ký vay. Nhóm này thông báo sau khi nhận được tiền chuyển trước để xác minh này, chúng sẽ chuyển tiền giải ngân khoản cho vay, bao gồm cả số tiền người vay đã chuyển để xác minh.

Sau khi chuyển 66 triệu đồng cho “nhân viên” này, anh bị chặn liên lạc, không thể liên hệ được.

Cũng với thủ đoạn tương tự, chị N.T.T.T (trú tai TP.HCM) bị đối tượng lừa đảo giới thiệu là nhân viên của Fiin Credit để hướng dẫn cách tải app và đăng ký hồ sơ thông qua website www.fq888.cc. Sau đó, chúng gửi thông báo phê duyệt khoản vay và yêu cầu chị chuyển trước 10% để xác minh.

Do cảnh giác, chị T. đã yêu cầu hẹn gặp trực tiếp làm việc tại địa chỉ văn phòng công ty ở TP.HCM. Đối tượng đã không xuất hiện tại điểm hẹn. Lúc này, chị T. liên hệ với Công ty Fiin Credit và mới biết mình đã bị các đối tượng lừa đảo giả mạo nhằm chiếm đoạt tiền.

Theo phản ánh của Fiin Credit, thời gian qua, Công ty đã ghi nhận phản ánh của hơn 100 khách hàng về hành vi giả mạo, làm giả giấy tờ, mạo danh Fiin Credit để lừa đảo khách hàng vay tiền online với thủ đoạn như đã nêu trên. Đến nay, sơ bộ có 21 nạn nhân chuyển tiền, người ít nhất là 4 triệu đồng, người nhiều nhất là 152 triệu đồng, với tổng số tiền 529 triệu đồng.

Fiin Credit đã báo vụ việc tới cơ quan công an, để lực lượng chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.

“Fiin Credit không bao giờ yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền hay nạp tiền vào trước để nhận khoản vay và Fiin Credit chỉ có duy nhất 1 website: https://fiin.vn”, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Công ty Fiin Credit cho biết.

Nở rộ giả mạo Fintech để chiếm đoạt tiền

Không chỉ Fiin Credit, mà các Fintech, tổ chức tài chính khác cũng đang trở thành nạn nhân với thủ đoạn, cách thức tương tự. Các nhóm đối tượng lập các app mang tên các công ty, web có đầy đủ thông tin, nhận diện, nhãn hiệu giống hệt Fintech. Sau đó, chúng tổ chức giăng bẫy nạn nhân.

Hàng loạt app như “Mirae Asset”, “Space”, “Easy Ledger”, “App Bảo Gia”, “Auto Cash”… và hàng chục trang web giả mạo đã được lập để được lừa đảo. Cơ quan công an TP.HCM, Tiền Giang, Thừa Thiên Huế… đã ghi nhận rất nhiều nạn nhân bị lừa từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Giám đốc một công ty Fintech cho biết, tình trạng giả mạo các Fintech, dịch vụ cho vay tài chính online nở rộ trong thời gian gần đây.

“Các nhóm lừa đảo theo kịch bản này rất tinh vi, xảo quyệt. Chúng được tổ chức chuyên nghiệp, quy mô, bài bản từ quảng cáo vay tiền đến tiếp cận khách hàng, làm giả hồ sơ giấy tờ cũng rất chuyên nghiệp. Khách hàng thiếu hiểu biết rất dễ bị sập bẫy”, vị giám đốc này cho biết.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành tại Công ty Luật ANVI, người dân nên cẩn trọng với những app trực tuyến cho vay quá dễ dàng.

“Không có Fintech hay ngân hàng nào cho vay qua mạng với những thủ tục đơn giản như vậy. Chưa kể, việc yêu cầu chuyển tiền để chứng minh tài chính lại càng sai. Đó chính là lừa đảo. Khi cần vay tiền, người dân nên đến trụ sở các ngân hàng, công ty tài chính làm hợp đồng, có chữ ký, xác minh rõ ràng. Khi phát hiện bị kẻ gian lừa đảo, cần báo ngay cơ quan chức năng để điều tra làm rõ vụ việc”, luật sư Đức khuyến nghị.

Mới đây, Công an TP.HCM đã kiến nghị các cơ quan, ban, ngành có thẩm quyền ngăn chặn, gỡ bỏ các website, ứng dụng có liên quan đến hoạt động cho vay trái phép, vi phạm pháp luật trên không gian mạng có công ty, văn phòng, cá nhân hoạt động tại địa bàn TP.HCM.

Công an TP.Hà Nội cảnh báo, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều người dân có nhu cầu vay tiền. Đánh vào tâm lý của khách hàng muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện, các đối tượng đã tạo lập các app vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Người dân không cài đặt các app vay tiền online hoặc vay tiền qua mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.

Các ngân hàng như VPBank, MB, OCB… mới đây cũng đã cảnh báo về tình trạng mạo danh là app vay tiền của ngân hàng hoặc app liên kết với ngân hàng, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, chữ ký, con dấu… để yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí mới được giải ngân tiền vay. Sau khi chuyển tiền, khách hàng bị chiếm đoạt và các đối tượng chặn liên lạc.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nở rộ giả mạo Fintech để chiếm đoạt tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO