Nông dân “bén duyên” với thương mại điện tử

Nghi Lộc| 15/02/2022 14:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân đang nỗ lực vào cuộc mạnh mẽ để đưa nông sản đặc trưng ở từng địa phương lên các sàn thương mại điện tử.

Nông sản ồ ạt... lên sàn

Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang khiến chuỗi sản xuất - cung ứng hàng hóa, đặc biệt là nông sản bị ứ đọng ở nhiều địa phương. Trong hoàn cảnh đó, việc tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả mà các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang triển khai. Tuy nhiên, để người nông dân thực sự “bén duyên” với thương mại điện tử, thì còn nhiều việc phải làm...

Đại dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ sản phẩm qua kênh bán hàng trực tiếp gián đoạn. Cái khó ló cái khôn, “bão dịch” cũng là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ nông dân mạnh dạn đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến. Trong đó, lên sàn thương mại điện tử là phương án tối ưu để đưa nông sản đến với người tiêu dùng cả trong lẫn ngoài nước.

Tại Đắk Lắk - một trong những địa phương có thế mạnh về sản xuất nông sản ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, khi đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung - cầu, tiêu thụ nông sản của bà con nông dân, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên hai sàn thương mại điện tử là sendo.vn và voso.vn. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã làm việc với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại toàn quốc (hệ thống siêu thị Lotte, Big C, Vincom, Mega Market, Co.opmart…) các đơn vị thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Với nhiều nỗ lực, việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của Đắk Lắk đã có những kết quả khả quan ngay giữa đại dịch. Đơn cử, nhờ chủ động chuyển hướng bán hàng theo kênh thương mại điện tử mà khá nhiều doanh nghiệp cà phê đã vượt được “bão” Covid-19, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, góp phần đưa sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2020 - 2021 của Đắk Lắk tăng hơn niên vụ trước. Cụ thể, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 201.393 tấn, tăng 6.146 tấn; kim ngạch xuất khẩu hơn 366 triệu USD, tăng hơn 34 triệu USD.

Tương tự, ở địa phương lân cận là Gia Lai, việc đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử cũng đang được đẩy mạnh. Thời gian qua, các ngành chức năng Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trong đó, tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp đại diện cho mỗi ngành hàng, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản thế mạnh của địa phương. Đến nay, Gia Lai đã xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm OCOP Gia Lai với tên miền http://ocopgialai.vn... Tỉnh cũng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, chanh dây, mật ong, mắc ca… Qua đó, tạo sự tin tưởng ổn định đối với khách hàng truyền thống, đồng thời phát triển khách hàng tiềm năng.

Bà con cần được hỗ trợ nhiều hơn

Có thể nói, không riêng gì Đắk Lắk hay Gia Lai, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên câu chuyện đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử được cơ quan chức năng, doanh nghiệp và từng hộ sản xuất đặc biệt quan tâm. Nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân đang nỗ lực vào cuộc mạnh mẽ để đưa nông sản đặc trưng ở từng địa phương lên các sàn thương mại điện tử. Một điểm thuận lợi, hiện Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng khá nhanh về thị phần bán lẻ trực tuyến, thuộc top ba của khu vực Đông Nam Á...

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc tham gia các sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp, đặc biệt các hộ nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, đây là phương thức tiêu thụ khá mới mẻ với bà con nông dân, nhất là đối với đồng bào ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi bà con nông dân vẫn duy trì hoạt động sản xuất, tiêu thụ theo tập quán cũ, sản phẩm thu hoạch xong để ngoài đồng chờ thương lái đến thu mua; và do nhiều nguyên nhân họ vẫn khá thụ động trong việc tiếp cận các kênh phân phối hiện đại. Chưa kể khi người sản xuất tiếp cận được các phương thức giao dịch hiện đại nhưng số lượng sản phẩm ít, chất lượng chưa đồng đều; đóng gói, bảo quản còn hạn chế cũng khó để lên sàn... Bà Nguyễn Thị Thảo - chủ cơ sở rang xay cà phê nguyên chất Thảo Hiên ở Gia Lai cho biết, hiện các sản phẩm nông sản của địa phương đã được lên các sàn postmart, voso.vn, sendo… Tuy nhiên, các hộ nông dân vẫn còn nhiều khó khăn khi tiếp cận các sàn thương mại điện tử. Rất mong có thêm nhiều lớp tập huấn để chúng tôi có cơ hội tiếp cận các sàn thương mại điện tử nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn...

Theo nhiều chuyên gia, để các hộ nông dân thích ứng được với việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng cần hướng dẫn những kỹ năng quảng bá sản phẩm, giới thiệu và bán hàng qua các kênh mạng xã hội, nền tảng livestream. Ông Võ Văn Khanh - đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản còn thiếu cán bộ thông thạo về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing... Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như từng nông hộ cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp. Cùng với đó họ cũng phải biết cách chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm…

Ngoài ra, để bà con nông dân thực sự “bén duyên” với thương mại điện tử cơ quan chức năng và đại diện các sàn thương mại điện tử cần trực tiếp hướng dẫn các hộ sản xuất những quy định về hàng hóa theo cam kết, bảo đảm nông sản an toàn chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Các hộ nông dân được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử… Qua đó, giúp bà con có thể chủ động hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở thêm đầu ra mới bền vững cho các mặt hàng nông sản, thông qua các sàn thương mại điện tử.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nông dân “bén duyên” với thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO