Dù bình đẳng giới ngày càng phát triển, nhưng tỉ lệ nữ giới trong ngành các ngành Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học (STEM) vẫn còn hạn chế.
Theo thống kê năm 2018 của UNESCO, phụ nữ tiếp tục là nhóm thiểu số trong khoa học khi chỉ chiếm gần 29% tổng nhân lực nghiên cứu toàn cầu. Trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới như Microsoft, Google, Apple, Facebook,… chỉ khoảng 20% các vị trí việc làm hiện có là do nữ giới đảm nhiệm.
Tồn tại khoảng cách lớn về giới trong các lĩnh vực khoa học
Cụ thể là trong STEM, nữ giới vẫn bị lép vế so với nam và tình thế khó đảo ngược. Chưa đến 30% các nhà nghiên cứu trên thế giới là phụ nữ. Số liệu của Viện Thống kê (UIS) của UNESCO cho thấy một bức tranh toàn cầu về khoảng cách giới.
Số lượng các nhà nghiên cứu nữ ở châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương
(Nguồn: UNESCO)
Phụ nữ chỉ chiếm gần một nửa các nhà nghiên cứu ở Trung Á. Chỉ tại một vài quốc gia là khác biệt, ví dụ biểu đồ trên cho thấy hơn 80% các nhà nghiên cứu ở Myanmar là nữ giới và có nhiều nhà nghiên cứu là nữ giới hơn nam giới ở các quốc gia như Azerbaijan, Thái Lan và Georgia.
Con số này giảm xuống trung bình còn 18,5% ở Nam và Tây Á, trong đó tại Ấn Độ, phụ nữ chiếm dưới 15% số các nhà nghiên cứu tại quốc gia này.
Sự tham gia của nữ giới trung bình chiếm khoảng 40% số các nhà nghiên cứu ở Mỹ Latinh và Caribbean, các quốc gia Trung Đông cũng như các quốc gia ở Trung và Đông Âu.
Tỷ lệ trung bình đối với Bắc Mỹ, Tây Âu và châu Phi cận Sahara dao động khoảng 30%. Nhưng phụ nữ chỉ chiếm 5% các nhà nghiên cứu ở quốc gia châu Phi, tỷ lệ thấp nhất trong số những quốc gia được khảo sát.
Chỉ một phần nhỏ học sinh, sinh viên nữ lựa chọn các lĩnh vực liên quan đến STEM trong giáo dục đại học
Sự tham gia của nữ sinh viên trong các ngành nghề STEM khá thấp, đặc biệt là trong một số lĩnh vực nhất định.Chỉ 3% sinh viên tham gia các khóa học về công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trên toàn cầu là nữ giới.Con số này được cải thiện một chút lên đến 5% đối với các khóa học về toán và thống kê, và tăng lên 8% đối với khóa học kỹ thuật, sản xuất và xây dựng.
Mặc dù, nữ giới bị thu hút bởi các khóa học STEM ở một số khu vực trên thế giới hơn nhưng nhìn chung tình hình toàn cầu vẫn được đặc trưng bởi sự mất cân bằng giới tính. Ví dụ, dữ liệu từ các cơ quan giáo dục UCAS và HESA cho thấy nữ giới chỉ chiếm 35% số sinh viên STEM trong giáo dục đại học ở Anh.
Tỷ lệ nữ giới tham gia các khóa học STEM trong giáo dục đại học ở Anh
Cụ thể, nữ giới ở Anh chiếm khoảng 1/3 số người đăng ký các khóa học khoa học vật lý (như vật lý, hóa học và thiên văn học) và một tỷ lệ tương tự với các khóa học khoa học toán học. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của các môn khoa học máy tính, kỹ thuật và công nghệ lại thấp hơn đáng kể, với chỉ khoảng 1/5 số sinh viên nữ tham gia các khóa học này.
Để giải quyết vấn đề này, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã bắt đầu đánh giá khoảng cách giới từ năm 2006 trong “Báo cáo đánh giá khoảng cách giới tính toàn cầu hằng năm”. Báo cáo nhằm theo dõi tiến trình thu hẹp khoảng cách giới ở cấp quốc gia.
Các trường học, trường đại học và các tổ chức đang nỗ lực để khuyến khích nhiều phụ nữ không chỉ theo đuổi chuyên ngành và nghề nghiệp STEM, mà còn giúp họ tự tin theo đuổi đam mê của mình trong những ngành mà nam giới có xu hướng thống trị. Một trong những nỗ lực cân bằng giới trong lĩnh vực STEM là cấp học bổng cho phụ nữ, đồng thời cho họ cơ hội theo đuổi sự nghiệp mà không phải chịu gánh nặng tài chính nào.
Để biến thành hành động cụ thể và tiến bộ quốc gia, WEF đã phát triển mô hình thu hẹp khoảng cách giới tính (Closing the Gender Gap Accelerators) thông qua hợp tác công tư. Mô hình này đã được thực hiện tại Argentina, Chile, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominican, Panama và Peru với sự hợp tác của Ngân hàng Phát triển liên châu Phi (InterAmerican).
Năm 2019, Ai Cập đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Trung Đông và châu Phi triển khai mô hình này. Trong khi số lượng nữ giới hiện đang theo học tại các trường đại học nhiều hơn nam giới, nhưng nữ giới chỉ chiếm hơn 1/3 số chuyên gia và lao động kỹ thuật ở Ai Cập. Nữ giới trong lực lượng lao động cũng không được trả mức lương giống như các đồng nghiệp nam của họ trong cùng một công việc tương đương hoặc được đề đạt đối với các vị trí quản lý cấp cao.
Trong khi đó, tại các quốc gia G20, các CEO và các bộ trưởng đang cùng nhau làm việc để đưa ra các chính sách nhằm giúp thu hẹp hơn nữa khoảng cách giới tính ở nước họ. Điều này bao gồm nghỉ phép kéo dài cho cha mẹ, trợ cấp chăm sóc trẻ em và loại bỏ các thiên vị vô lý trong tuyển dụng và thăng tiến sự nghiệp.
Xu hướng và định kiến giới có thể cản trở nữ giới theo đuổi nghề nghiệp STEM
Định kiến về giới đang khiến các phụ nữ và trẻ em gái tránh xa các công việc trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học.
Sự bất bình đẳng giới tính trong ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ được công bố trong nghiên cứu “Xu hướng giới tính không giới hạn” và định kiến giới cũng được thể hiện qua các bộ phim. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy ít hơn 1/3 số các vai diễn nói trên màn hình lớn là nữ giới. Trong lĩnh vực điện ảnh, các vai diễn là các kỹ sư, nhà khoa học và nhà toán học phần lớn do nam giới đóng, với số nam giới trong các công việc STEM cao gấp 7 lần so với vai nữ. Trên thực tế, chỉ có 12% vai diễn do nữ giới đảm nhận có công việc liên quan tới STEM xuất hiện trên các bộ phim.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho biết: nữ giới lựa chọn cách vượt qua thử thách và theo đuổi nghề nghiệp STEM sau đó phải đối mặt với thực tế trả lương không công bằng và thăng tiến nghề nghiệp bị hạn chế. Ngoài ra, sự chênh lệch giới tính ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
UIS đang phát triển các chỉ số mới để đánh giá rõ hơn về động lực hình thành quyết định của phụ nữ trong việc tìm kiếm nghề nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến STEM. Kết quả cho thấy các quyết định gia đình, cân nhắc tài chính, văn hóa nơi làm việc và phân biệt đối xử có thể định hình sự lựa chọn và thăng tiến nghề nghiệp của phụ nữ trong các lĩnh vực này.