Cần sự đồng hành của Nhà nước
Tại hội thảo “Phát triển thị trường thương mại cho doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số” ngày 17/11, một trong những chủ đề được các diễn giả tập trung phân tích là nguồn nhân lực dành cho thương mại điện tử (TMĐT).
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, một trong những rào cản mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã (HTX), kể các DN khoa học công nghệ không chuyên về công nghệ thông tin đều gặp đó là nhân lực. Kể cả người quản lý, vận hành kỹ thuật, bán hàng, quản trị nhân sự, nói chung tất cả các bộ phận ứng dụng chuyển đổi số đều phải có đào tạo và đào tạo lại.
"Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh chuyển đổi gấp giữa đại dịch COVID-19 hiện nay. Bản thân các DN, các sàn TMĐT đến các đơn vị cung cấp giải pháp cho các sàn cũng như các đơn vị đang chuyển đổi đều có những sáng kiến rất hay. Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, tôi nghĩ cần có sáng kiến để giải quyết bài toán nhân lực", ông Quất nêu.
Với đề xuất này, ông Quất lấy ví dụ từ Singapore. Trong COVID-19, Singapore đưa ra sáng kiến không lớn nhưng hiệu quả rất tốt. Chính phủ Singapore đi cùng với các DN lớn, các DN chuyên nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ.
Sáng kiến là một nền tảng đổi mới sáng tạo mở, trong đó có Chính phủ đứng cùng DN. Họ tổ chức các cuộc thi, trong đó đưa ra các bài toán mà hầu hết các DN đang mắc, đặc biệt về bài toán nguồn nhân lực không giải quyết được. DN nào có giải pháp phù hợp sẽ đưa ra, Chính phủ là người quyết định trao giải nhưng thực chất là sự công nhận về các giải pháp chuyên sâu, trọn gói về từng vấn đề như thanh toán, truy xuất nguồn gốc, logistics, thương hiệu. Tức là có rất nhiều bài toán thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Một số thuộc góc độ quản lý nhân sự chuyên sâu cụ thể của DN.
"Các DN giải quyết được những bài toán đó đưa lên nền tảng chung, từ đó rất nhiều DN khác có thể tiếp cận được. Đây chính là một cách phát triển thị trường cho những DN cung cấp nền tảng, công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việt Nam nếu làm được điều này thì rất tốt", ông Quất nhìn nhận.
Theo ông Quất, mới đây, Ngân hàng số của Singapore đã trao giải thưởng 30.000 USD cho nhóm giáo sư và sinh viên khởi nghiệp của Việt Nam về giải quyết bài toán blockchain cho ngân hàng tiền số của họ. Sau lễ vinh danh và trao giải thưởng đó, lập tức các DN Singapore đến đặt hàng để giải quyết đúng vấn đề của họ. Hàng loạt ngân hàng của Singapore cũng đặt hàng sau đó.
"Chỉ cần 1 người đặt hàng và 1 Chính phủ đứng bên cạnh bảo lãnh thì sản phẩm công nghệ, giải pháp công nghệ đó có thể mở rộng thị trường cho đại đa số các DN khác. Giải pháp đó ở chính Việt Nam mình lại chưa làm được. Phải mang đội đó sang Singapore dự thi để giải quyết bài toán của DN nơi khác. Có khi DN nhà mình lại sang đấy mua giải pháp của chính DN Việt tạo ra", ông Quất chia sẻ.
Theo nhìn nhận của ông Quất, cơ quan quản lý Nhà nước cần có sáng kiến trong khi Việt Nam có những hạt giống tốt về cung cấp giải pháp, nhiều đơn vị đang truy xuất nguồn gốc, có giải pháp quản trị sâu trong TMĐT.
"Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm và phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghiệp với Bộ Công thương để giải quyết bài toán rất quan trọng hiện nay về chuyển đổi số trong TMĐT", ông Quất kiến nghị.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, các công ty về giải pháp của Việt Nam khá có tiếng tăm trên thế giới. Các công ty của nước ta về blockchain cũng không hề "kém cạnh" nước ngoài.
"Vấn đề hiện nay làm thế nào để cơ quan quản lý Nhà nước đồng hành cùng DN để đẩy mạnh các hoạt động lên một bước tiến mới bởi hiện nay rất nhiều DN startup, DN đổi mới sáng tạo của Việt Nam có công nghệ mới họ nhưng phải sang Singapore và các nước khác để khởi nghiệp. Trong khi DN Việt Nam phải ra nước ngoài mua giải pháp. Như vậy rất lãng phí nguồn lực của Việt Nam. Tại sao chúng ta không tạo ra môi trường tốt để các DN đó phát triển?", ông Quang trăn trở.
Cần sự phối hợp giữa các DN
Cũng đề cập đến bài toán nhân lực nhưng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Bùi Quốc Anh – Phụ trách Sàn giao dịch TMĐT Postmart cho biết, chuyển đổi số hay tiếp cận TMĐT trong nông nghiệp vẫn đi sau rất nhiều ngành khác. Việt Nam có số lượng lớn bà con nông dân rải rác ở 63 tỉnh, thành nhưng câu chuyện nông nghiệp rất manh mún, cả về vùng nguyên liệu, cách thức làm việc cũng như đầu ra. Ở khía cạnh tiêu thụ nông sản, có nhiều lớp trung gian, ảnh hưởng nhiều đến giá trị mà bà con nhận lại được sau khi hoàn thành việc thu hoạch.
Ông Bùi Quốc Anh chỉ ra 3 bài toán mà Postmart mong muốn có thể cùng các DN khác có thể giải được. Trong đó, bài toán thứ nhất liên quan đến quy hoạch các vùng sản xuất, nguyên liệu và chuyên môn hóa. Theo Nghị định 1034, Postmart được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ kết hợp với các bộ, ban, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Văn phòng nông thôn mới, các HTX, liên minh HTX để có thể tiếp cận với bà con theo dạng tổ chức các buổi đào tạo, hội thảo online và offline. Hướng dẫn họ các hình thức tiếp cận với các công cụ kinh doanh online. Hướng dẫn bà con trình bày sản phẩm, thông tin, quy cách đóng gói.
"Bà con nông dân phải hiểu được giá trị sản phẩm của họ như thế nào để chuyển tải lên sàn TMĐT. Câu chuyện đó không có cách nào khác cần phải phối hợp với tất cả các bộ, ban, ngành cũng như các bưu điện ở từng tuyến huyện, xã phải trực tiếp làm", ông Bùi Quốc Anh nói.
Bài toán thứ 2 về giá cũng là điều mà Postmart trăn trở. Postmart cần các HTX, các liên minh HTX đứng ra bảo trợ về giá, đưa ra các mức giá quy chuẩn để bà con yên tâm cung cấp sản phẩm bán trên sàn.
Bài toán cuối cùng liên quan đến hậu cần và logistics. Ông Bùi Quốc Anh cho rằng cần phải có các DN đi cùng với Postmart để giải quyết bài toán hậu cần dành riêng cho nông nghiệp.
"Trong bài toán này, trong quá trình Postmart và Tổng Công ty Bưu điện làm cũng nhận thấy rất nhiều vấn đề, không chỉ là đóng gói hay giao hàng mà còn cả bài toán về sơ chế, hướng dẫn bà con như thế nào. Postmart sẽ tập trung giải quyết trong câu chuyện đường dài. Còn trong ngắn hạn cần tiếp cận bà con càng nhiều càng tốt và tiến hành đào tạo về kỹ năng số cho nông dân, ông Bùi Quốc Anh nêu./.