Truyền thông

PCCC ở khu phố cổ, từ điển hình phường Hàng Gai

Hà Linh 04/12/2023 10:35

Khu vực phố cổ Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì khó chữa cháy. Phố nhỏ, ngõ hẹp và sâu hun hút, nhà nhỏ, dân cư đông khiến xe chữa cháy rất khó tiếp cận đám cháy.

Đền thờ Hỏa thần cũng ở sâu trong ngõ

Ngôi đền thờ Hỏa thần hiếm hoi trong cả nước tọa lạc ở ngõ 30 phố Hàng Điếu - một phố cổ Hà Nội, tại phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm. Đền Hỏa thần được xây dựng từ thế kỉ XIX.

Theo sử sách, năm Đinh Dậu (1837), Thăng Long - Hà Nội xảy ra một vụ cháy khủng khiếp bùng phát, thiêu đốt hơn 1.400 ngôi nhà, làm nhiều người dân thiệt mạng và bị thương, hàng nghìn gia đình mất sạch cơ nghiệp. Cùng với việc tăng cường tính chủ động phòng cháy chữa cháy, năm Mậu Tuất Minh Mệnh thứ 19 (1838), người dân đã lập ngôi đền thờ Hỏa Thần ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội (lúc bấy giờ, đền địa phận thôn Yên Nội, Đông Thành, tổng Thuận Mỹ (tổng Tiền Túc cũ), huyện Thọ Xương).

Trên diện tích gần 500 m2, so với các di tích khác trong khu vực phố cổ, đền Hoả Thần có quy mô kiến trúc khá lớn, kiểu chữ “công” gồm tiền tế, phương đình và cung cấm, trong đó, kiến trúc phương đình được chạm khắc trang trí đậm đặc nhất.

Tổ liên gia cùng nhau chữa cháy -1
Đền thờ Hỏa thần nằm trong ngõ sâu trên phố Hàng Điếu.

Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng nhìn chung nơi đây vẫn còn giữ được đặc trung của phong cách kiến trúc, mỹ thuật đời Nguyễn ở nửa cuối thế kỷ XIX, đầu XX, có sự kế thừa của các thế kỷ trước. Trong đền còn đúc quả chuông để nếu có đám cháy thì đánh chuông lên báo động, cũng là để khấn gọi thần phù trợ dập lửa.

Ngôi đền vẫn tồn tại từ đó đến nay như một nơi xin cầu, mong mỏi của người dân có được đời sống an toàn.

Tuy nhiên, chính ngôi đền Hỏa thần cũng nằm sâu trong con ngõ hẹp chằng chịt dây điện chỉ đủ một người đi. Người dân phố Hàng Điếu thường nói vui rằng, đến cả đền thờ thần Hỏa cũng nằm sâu trong ngõ hẹp thì chẳng may có cháy xảy ra... cũng bó tay.

Tổ tuần tra xuyên đêm phường Hàng Gai

Theo thống kê, trên địa bàn phố cổ của quận Hoàn Kiếm có khoảng 1.700 ngõ, ngách nhỏ và 30 tuyến phố xe chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng không thể tiếp cận nếu xảy ra sự cố cháy, nổ.

Với những người dân sinh sống trong phố cổ, cháy nổ còn đáng sợ hơn vì hàng hóa xếp san sát trong ngõ nhỏ, di chuyển hàng ngày đã khó, xe chữa cháy càng thiếu không gian để hoạt động khi có sự cố.

Trước nguy cơ đó, giữa năm 2023, chính quyền phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã quyết định thành lập tổ tuần tra xuyên đêm để phòng nguy cơ cháy nổ ở những tuyến phố bé, ngõ nhỏ hẹp.

Đây cũng là lần đầu tiên, trên địa bàn Hà Nội thành lập các tổ kiểm tra PCCC vào khung giờ này.

Đều đặn mỗi ngày, vào 11 giờ đêm, khi những hàng quán dọn dẹp chuẩn bị đóng cửa, thì cũng là lúc tổ tuần tra đêm, tăng cường PCCC của UBND phường Hàng Gai bắt đầu làm việc. Tập trung chủ yếu vào những ngõ sâu, nơi nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng hóa chất như sơn, dầu... nên nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.

Sau vài tháng đi vào hoạt động, các tổ công tác đã khoanh vùng nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy nổ, lập báo cáo và đề xuất các phương án phòng cháy chữa cháy như đình Nguyên Phi Ỷ Lan, đình Hà Vỹ... được yêu cầu phải tắt tất cả các cầu dao điện và kiểm tra khu vực thắp hương thờ cúng; trao lại chìa khóa cửa cho lực lượng ứng trực tại chỗ và bố trí các phương tiện phòng cháy tại điểm dễ quan sát, dễ tiếp cận khi có sự cố, vì khi có sự cố, phương án cứu hộ cho người ở mỗi địa hình nhà ở sẽ dân rất khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch phường Hàng Gai cho biết: “Cùng với tuần tra thì mỗi hộ gia đình kinh doanh hóa chất phải lên cụ thể phương án.

Phương án đó phải rõ về đặc điểm tình hình, số người ở trong gia đình, ban ngày thế nào, ban đêm thế nào, người già hay trẻ nhỏ thì chúng tôi phải xây dựng rất cụ thể, từ đó sẽ đưa ra giải pháp an toàn PCCC. Chúng tôi cũng sẽ có tham mưu để xây dựng phương án cụ thể với từng điểm, từ đó đưa ra cái giải pháp đối với từng điểm, từng số nhà kinh doanh hóa chất”.

Một trong những khu vực luôn được Đoàn kiểm tra rà soát chặt chẽ đó là các hộ kinh doanh loại hình "homestay" nằm sâu trong ngõ nhỏ. Khu vực này, ngoài khách du lịch trong nước còn có nhiều khách du lịch nước ngoài lưu trú.

Bên cạnh việc lắp đặt điểm chữa cháy công cộng, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các hộ kinh doanh bổ sung bóng đèn chiếu sáng ban đêm, thắp sáng đèn đường, vận động người dân trang bị thêm các phương tiện phá dỡ cửa cuốn, cửa sắt, xà beng và mặt nạ phòng độc…

Đánh giá về mô hình kiểm tra PCCC đêm của phường Hàng Gai, Thiếu tá Trần Quốc Oai, Phó đội trưởng Đội CS PCCC và CNCH, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: “UBND phường Hàng Gai đã kết hợp trong quá trình tuần tra về ANTT cũng dùng loa nhắc nhở đến các hộ dân về đảm bảo an toàn PCCC. Việc làm của phường đã được người dân rất đồng tình và ủng hộ”.

Trước đó, UBND Hà Nội đã chỉ đạo quận Hoàn Kiếm chọn phường Hàng Gai là địa bàn đầu tiên của thành phố để triển khai mô hình lắp đặt thiết bị PCCC cho cụm gia đình - hay còn gọi là “Tổ liên gia an toàn PCCC”; trong đó mỗi hộ gia đình được trang bị 1 bình chữa cháy xách tay và 1 dụng cụ phá dỡ như xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu.... Các phương tiện này được lực lượng chức năng tư vấn cho người dân để ở nơi dễ thấy, dễ lấy.

Bên cạnh việc thường xuyên được tập huấn về kỹ năng phòng cháy và cứu nạn, mỗi hộ gia đình của phường Hàng Gai cũng được lắp đặt 1 chuông báo cháy tại tầng 1 tòa nhà; lắp đặt 2 nút ấn báo cháy (1 nút ẩn ở trong nhà, 1 nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình. Qua việc triển khai khẩn trương, đồng bộ, tích cực, mô hình này đã được nhân rộng toàn thành phố, mang lại sự an tâm cho người dân.

Các nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau để bảo đảm khi ấn bất kể nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình đều phát tín hiệu, và người dân cảm thấy điều này mới nhưng tiện ích.

Người dân cũng được hướng dẫn và cài đặt, sử dụng thành thạo ứng dụng trên điện thoại thông minh - đó là App báo cháy 114. Trong đó, danh sách thành viên trong tổ liên gia được cập nhật để sử dụng tính năng “Tôi an toàn”, thông báo an toàn khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố. Qua vận động của phường, các hộ dân có thể lắp thêm các phương tiện chữa cháy khác như bình chữa cháy đặt dọc theo đường ngõ; vòi, đầu nổ, thiết bị mở khóa… tùy theo điều kiện kinh tế

Theo ông Trần Ngọc Tấn, Tổ trưởng "Tổ liên gia an toàn PCCC" Tổ dân phố số 4 phường Hàng Gai, quan trọng nhất là khi xảy ra sự cố cháy, việc chữa cháy với lực lượng tại chỗ là điều kiện quan trọng giúp khống chế nhanh nhất ngọn lửa. "Chúng tôi thấy mô hình này rất tiến bộ ở chỗ hệ thống PCCC của tổ liên gia được liên kết với nhau, chắc chắn giúp các gia đình phát hiện sự cố cháy nhanh hơn và các hộ sẽ đỡ rủi ro hơn khi có cháy"- ông Tấn khẳng định.

Theo chân đội tuần tra phòng cháy chữa cháy xuyên đêm tại phố cổ Hà Nội - Ảnh 3.

Để giúp nhân dân cảnh giác sớm với nguy cơ cháy nổ, trên cơ sở kế thừa thành công khi triển khai Tổ liên gia an toàn PCCC, UBND phường Hàng Gai đã thành lập Đoàn kiểm tra PCCC và mô hình điểm Tuần tra đêm, tăng cường phòng cháy khu vực phố cổ đang phát huy hiệu quả tích cực.

Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp trong đó có: Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ như lực lượng dân phòng; lực lượng ở cơ sở; chuyên ngành; các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động PCCC./.

Bài liên quan
  • Nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy
    Đến nay, 7/7 khu phố của phường Tân Hưng Thuận đã triển khai mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng". Đây cũng là phường đầu tiên của TP.HCM cũng như của cả nước triển khai thực hiện mô hình này tại tất cả các khu phố trên địa bàn phường.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
PCCC ở khu phố cổ, từ điển hình phường Hàng Gai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO