Truyền thông

Phân loại và gắn nhãn nội dung cho các chương trình truyền hình tại Việt Nam

TS. Lê Minh Toàn - Công ty Luật Lê Minh 31/03/2023 10:00

Nếu như từ 1/1/2017, các phim chiếu trên hệ thống rạp tại Việt Nam được gán nhãn nội dung và phân biệt theo độ tuổi người xem thì việc gắn nhãn và xếp hạng nội dung các chương trình truyền hình (TV Ratings) cho mọi đối tượng, nhất là các chương trình dành cho trẻ em lại chưa có bất cứ quy định pháp lý nào từ phía Nhà nước cũng như không có sự tuân thủ nào từ các Đài truyền hình về vấn đề này.

Bài viết khảo sát thực trạng vấn đề này tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục “khoảng trống” pháp lý này.

Tóm tắt

- Bảo vệ người xem truyền hình và nâng cao tính văn hóa trong các chương trình truyền hình đang là vấn đề cần giải quyết trước tình trạng bùng nổ số lượng các kênh truyền hình, các loại gameshow mua bản quyền nước ngoài... Đồng thời, việc kiểm soát trẻ em không xem những chương trình truyền hình không phù hợp độ tuổi cũng hết sức khó khăn.

- Từ việc quy định phân loại phim chiếu rạp theo theo Thông tư 12/2015/TT-BVHTTDL và các công cụ sẵn có (Vietnam-TAM) trong việc phân loại và gắn nhãn nội dung cho các chương trình truyền hình (TV Ratings), nhóm tác giả đề xuất Việt Nam cần thực hiện TV Ratings cho các dịch vụ truyền hình đang cung cấp trong nước.

- Bài viết cũng trình bày kinh nghiệm quản lý các chương trình truyền hình tại Mỹ và một số quốc gia khác cũng như cách phân loại, xếp hạng nội dung chương trình truyền hình theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm cung cấp chương trình có nội dung phù hợp đến đúng lứa tuổi và đối tượng người xem.

- Việc thực hiện TV Ratings đối với các chương trình truyền hình đang phát sóng tại Việt Nam cũng giúp hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực phát thanh truyền hình nước ta.

Hiện trạng kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT)

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) (Bộ TT&TT), dự kiến doanh thu cung cấp dịch vụ tTHTT cả năm 2022 đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 9.200 tỷ đồng của năm 2021. Trong khi đó, doanh thu dự kiến của OTT TV trong nước trong năm 2022 dự báo đạt 740 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với khoảng 200 tỷ đồng của năm 2021.

Việt Nam hiện có 16,9 triệu thuê bao THTT trong kế hoạch đạt được con số 17 triệu thuê bao trong năm 2022. Trong khi đó, doanh thu cung cấp dịch vụ THTT trên mạng Internet đạt khoảng 350 tỷ đồng trong nửa đầu năm và có thể đạt mức 700 tỷ đồng trong cả năm 2022, tăng nhẹ so với con số 634 tỷ đồng năm 2021.

Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền của các doanh nghiệp (DN) trong nước tăng không đáng kể khi tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những nền tảng xuyên biên giới như Netflix, YouTube, Iflix, Apple, WeTV, IQIYI... Các nền tảng xuyên biên giới thu hút người dùng Việt Nam với nhiều nội dung phong phú, chất lượng cao, cập nhật... Nhờ tiềm lực tài chính mạnh, các nền tảng ngoại sẵn sàng trả kinh phí lớn để mua bản quyền những nội dung bản địa hay và cung cấp độc quyền với mức phí hợp lý. Trong khi đó, họ gần như chưa phải chịu quy định, kiểm duyệt nào như các DN cung cấp dịch vụ nội địa. Điều này khiến THTT trong nước “thua” trên sân nhà và thực trạng về tình trạng “bảo hộ ngược” khiến thị phần rơi vào tay doanh nghiệp ngoại.

Hiện có 38 DN cung cấp dịch vụ THTT trong nước (tăng 1 so với năm 2021), thị trường truyền hình trả tiền trong nước đang có sự tham gia của một số DN nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới, như Netflix, AppleTV, WeTV, IQIYI... Hiện nay, OTT TV chiếm 20% thị trường, đạt xấp xỉ 3,6 triệu thuê bao, với doanh thu gần 190 tỷ đồng và đang tăng trưởng mạnh. OTT TV, ngoài các kênh chương trình, còn cung cấp tới 20.000 giờ nội dung truyền hình theo yêu cầu (VOD), trong đó, phim các loại chiếm đến 60% thời lượng.

Sự dịch chuyển thói quen xem truyền hình trả tiền truyền thống sang truyền hình trên Internet (IPTV, OTT) và sự góp mặt của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang làm tăng mức độ cạnh tranh của truyền hình trả tiền. Báo cáo từ Akamai cho thấy, Việt Nam có tới 36 triệu người dùng OTT TV trong số 180 triệu người dùng của toàn bộ Đông Nam Á. Thị trường OTT TV Đông Nam Á sẽ đạt trị giá 54 tỷ USD vào năm 2026 - một con số rất đáng để các doanh nghiệp truyền hình trả tiền quan tâm.

hinh-1_gan-nhan-truyen-hinh.png
Hình 1: Quy trình tiêu chuẩn đo lường khán giả truyền hình gồm 09 bước của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen.

Thực trạng phân loại và gắn nhãn nội dung cho các chương trình truyền hình tại Việt Nam

Từ ngày 1/1/2017, theo Thông tư 12/2015/ TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ban hành kèm theo quyết định số 49/2008/QĐ- BVHTTDL ngày 9 - 7 - 2008 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phân loại phim theo 4 mức gồm: P (dành cho mọi độ tuổi), C13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi), C16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi) và C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi).

Sau khi quy định dán nhãn phim theo lứa tuổi có hiệu lực, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch - VHTTDL) đã có văn bản yêu cầu các cơ sở phát hành, phổ biến phim phải thông báo công khai đến khán giả tại các rạp chiếu phim thông tin về phân loại phim cũng như cách thức kiểm soát, kiểm tra tuổi đối với khán giả. Tiêu chí để Cục Điện ảnh đưa ra phân loại lứa tuổi mới cho các tác phẩm điện ảnh bao gồm chủ đề, ngôn ngữ, nội dung phim, mức độ cảnh bạo lực, mức độ cảnh khỏa thân hoặc quan hệ tình dục, mức độ cảnh sử dụng ma túy, chất kích thích... Khi Cục Điện ảnh đưa ra bảng tiêu chí phân loại phim mới từ 1/1/2017, không ít khán giả tỏ ra vui mừng khi nhãn C16 và C18 có thể giúp các tác phẩm máu me, bạo lực hoặc nhạy cảm về mặt tình dục vẫn vẹn nguyên khi ra rạp.

Song, những trường đoạn, chi tiết, ngôn ngữ... không phù hợp với văn hóa Việt Nam vẫn cần phải bị lược bớt. Nếu số lượng cảnh nóng, cảnh bạo lực trong phim vượt mức quy định cho phép, phim có thể cần bị cắt trước rồi mới được phân loại. Một số thành viên của Hội đồng duyệt phim Quốc gia phát biểu rằng quy định mới sẽ giúp nhiều bộ phim không bị cấm chiếu, bởi đã có khoảng 30 tác phẩm không lọt vòng kiểm duyệt trong năm 2016.

Hiện Dự án đo lường, định lượng khán giả truyền hình,Vietnam-TAM (Vietnam Television Audience Measurement) chính thức ra mắt 20/3/2016, được khẳng định là một dự án chủ chốt, trọng tâm của Cục PTTH&TTĐTnăm 2016. Hiện, Việt Nam có trên gần 200 kênh truyền hình với hàng ngàn chương trình truyền hình. Chính vì số lượng chương trình lớn và phong phú như vậy, cơ quan quản lý nhà nước có nhu cầu xây dựng một hệ thống đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ việc nghiên cứu, đánh giá chất lượng các kênh chương trình trên truyền hình, đánh giá nội dung thông tin.

Kết quả của hệ thống rating sẽ giúp cho cơ quan quản lý nắm được độ lan tỏa của nội dung truyền hình, cũng như “định lượng” được hiệu quả của từng chương trình truyền hình. Đồng thời, họ cũng giám sát được thời lượng các chương trình truyền hình, các chương trình quảng cáo, từ đó phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành một cách hiệu quả.

Hệ thống Vietnam-TAM sử dụng công nghệ do Nielsen TAM cung cấp đã đưa vào hoạt động với một quy trình chặt chẽ, tiêu chuẩn quốc tế. Toàn bộ dữ liệu hàng ngày được tổng hợp bởi một công cụ báo cáo và phân tích. Dựa trên đó, người ta có thể phân tích hành vi người xem; Phân tích quảng cáo; Dự báo và Hỗ trợ lên kế hoạch và tối ưu hóa kế hoạch quảng cáo. Các báo cáo chỉ số Rating sẽ được Vietnam-TAM chuyển cho các kênh/chương trình vào lúc 12h hàng ngày. Hiện hệ thống đang cung cấp dữ liệu cho 100 kênh truyền hình có chỉ số chi tiết từng phút; 50 kênh có chỉ số chi tiết đến các chương trình và 30 kênh có chỉ số chi tiết cho từng quảng cáo.

Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh: Vietnam-TAM sử dụng công nghệ tiên tiến, phương pháp nghiên cứu khoa học, quy trình xử lý dữ liệu minh bạch. Hệ thống này sẽ giúp thị trường có thêm có thêm công cụ đo lường và đánh giá, bảo vệ lợi ích và uy tín, thương hiệu của các kênh truyền hình có chất lượng tốt.

Nghiên cứu trên cho thấy một thực trạng ở Việt Nam hiện nay đó là việc xếp hạng và gắn/dán nhãn nội dung các chương trình truyền hình tại Việt Nam (TV Contents Ratings hay TV Ratings) đang bị thả lỏng bởi không có các quy định pháp lý dành buộc đối với các đơn vị sản xuất và phát sóng các chương trình này. Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này đã lý giải hiện tượng bất cập này là hiện nay, mỗi tác phẩm sân khấu muốn ra mắt công chúng đều phải qua sự kiểm duyệt nội dung, nghệ thuật gắt gao của Sở văn hóa các tỉnh hoặc Cục nghệ thuật biểu diễn. Vậy tại sao những chương trình THTT phát sóng cho cả nước xem lại không được kiểm duyệt nội dung kỹ càng.

Hơn nữa, hầu hết các gameshow đều không phải trực tiếp (tức là có hoàn toàn có thể biên tập, kiểm tra kỹ về nội dung trước khi phát sóng). Vậy lý do gì một chương trình thực hiện vài tiếng đồng hồ khi được biên tập thành vài chục phút vẫn lọt sạn? Việc nhà sản xuất tìm mọi cách, kể cả việc lợi dụng những chiêu trò, yếu tố nhảm, nhạt để nâng cao hiệu suất khán giả theo dõi, hút nhiều quảng cáo nhằm bảo đảm bài toán lợi nhuận cũng là điều không khó lý giải.

Tuy nhiên, nếu công tác kiểm duyệt, giám sát nội dung, chất lượng chương trình trước khi phát sóng được thực hiện nghiêm túc, có lẽ đã không có những câu chuyện đáng tiếc xảy ra. Do đó, bên cạnh ý thức của nhà sản xuất và người chơi, cần khẳng định trách nhiệm hàng đầu thuộc về đơn vị phát sóng - người làm nhiệm vụ gác cổng. Các gameshow ở nước ta hiện nay phần lớn được mua bản quyền từ những gameshow đình đám đã được kiểm nghiệm độ thành công từ nước ngoài. Tuy nhiên, cần thấy rằng truyền hình nước ngoài chủ yếu do tư nhân sở hữu. Người dân phải trả tiền và hưởng thụ từng sản phẩm truyền hình theo nhu cầu của họ.

Còn ở Việt Nam, truyền hình được phát để phục vụ số đông công chúng ở nhiều tầng lớp, độ tuổi. Vì thế, nội dung phát sóng, nhất là ở những chương trình văn hóa giải trí thì yếu tố giáo dục và giá trị nhân văn càng phải đặt lên hàng đầu. Việc liên kết với các nhà sản xuất để tổ chức chương trình là xu hướng chung của truyền hình thế giới nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu suất chương trình. Song điều đó không có nghĩa thả nổi để nhà sản xuất tự quyết định nội dung, chất lượng sản phẩm. Cách làm kiểu “bán tháo” này chính là kẽ hở để các nhà sản xuất tìm mọi cách “câu” khán giả bất chấp chiêu trò và đạo đức nghề nghiệp.

Kinh nghiệm quốc tế về phân loại và gắn nhãn nội dung các chương trình truyền hình

Với sự gia tăng của các kênh truyền hình và sự phát triển của công nghệ truyền hình (truyền hình phát sóng quảng bá, THC, KTS, Vệ tinh, Internet, TH di động) cũng như các chương trình truyền hình (nhất là các chương trình truyền hình thực tế, gameshow) hiện nay đến với mỗi hộ gia đình, thật khó để cho các vị phụ huynh giám sát được nội dung các chương trình và kênh truyền hình mà con trẻ gia đình họ xem. Nhiều phụ huynh còn lo ngại về việc ngày càng nhiều con em họ (nhất là trẻ em) dành thời gian xem các chương trình truyền hình với các nội dung chỉ phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên và người lớn hơn là độ tuổi của trẻ.

gan-nhan-truyen-hinh.png

Điều này đặt ra yêu cầu đối với mỗi quốc gia là cần phải có hệ thống đánh giá, phân loại và gắn nhãn các chương trình, kênh truyền hình, nội dung các chương trình ti vi (TV) (TV Ratings) phù hợp với từng đối tượng khán giả xem TV. Ngành công nghiệp truyền hình đã thiết kế ra hệ thống phân loại, đánh giá và gắn nhãn các chương trình truyền hình, kênh truyền hình (TV ratings) cho phép hoặc chỉ dẫn cho phụ huynh các thông tin đầy đủ và cụ thể về nội dung và độ tuổi phù hợp để xem các chương trình TV.

Hệ thống đánh giá này gọi là Hệ thống chỉ dẫn/hướng dẫn cho Cha mẹ/phụ huynh về các Chương trình TV (TV Parental Guidelines) mà có cách thức hoạt động/ phân loại giống như hệ thống phân loại và xếp hạng Phim chiếu rạp mà nhiều Phụ huynh và gia đình đã từng biết và quen thuộc từ nhiều thập kỷ qua. Hệ thống này được thiết kế/xây dựng để dễ dàng có thể nhận biết hoặc dễ sử dụng.

Hệ thống chỉ dẫn này áp dụng với hầu hết các chương trình hoặc kênh TV (ngoại trừ kênh/chương trình TV có liên quan đến tin tức, thể thao) có liên quan trực tiếp đến đối tượng khán giả nhỏ tuổi. Hệ thống chỉ dẫn này thường xuất hiện ở góc trên cùng phía trái của màn hình TV và thường xuất hiện ngay khi bắt đầu chương trình TV và thường xuất hiện lại sau mỗi lần phát quảng cáo thương mại.

Hệ thống chỉ dẫn phụ huynh về các chương trình TV này còn có thể sử dụng cùng với V-chip (một nút bấm thiết bị được thiết kế trên hầu hết các điều khiển TV kể từ sau năm 2000) để cho phép các phụ huynh khóa các chương trình truyền hình mà họ không muốn con em họ xem. Nút bấm V-chip trên điều khiển TV sẽ tiến hành đọc các nội dung và gắn nhãn các Chương trình TV được phân loại và cho phép phụ huynh khóa các chương trình, kênh TV có nội dung được họ xem là không phù hợp với con trẻ của họ. Công nghệ Phụ huynh giám sát này cũng có trên các Hộp giải mã các kênh truyền hình sử Cáp và thu phát qua vệ tinh mà có thể sử dụng hệ thống hướng dẫn Phụ huynh giám sát để khóa các chương trình TV trên cơ sở xếp hạng và gắn nhãn của TV Ratings.

hinh-2_gan-nhan-truyen-hinh.png
Hình 2: Hệ thống chỉ dẫn phụ huynh về các chương trình TV.
gan-nhan-truyen-hinh-1a.png

Nội dung của hệ thống phân loại, xếp hạng và gắn nhãn các chương trình TV bao gồm các thông tin cơ bản như sau:

Các chỉ dẫn dành cho phụ huynh với các chương trình TV là hệ thống đánh giá và xếp hạng nội dung chương trình TV ở Mỹ mà lần đầu tiên được đề xuất đầu tiên bởi Quốc hội Mỹ, nền công nghiệp truyền hình Mỹ và Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission-FCC) ngày 19/12/1996 và đi vào hiệu lực từ 1/1/1997 và được áp dụng với hầu hết các chương trình truyền hình quảng bá và các chương trình truyền hình qua mạng cáp để đáp lại sự quan tâm và lo ngại của công chúng về vấn đề đang gia tăng của các nội dung về tình dục, hình ảnh bạo lực, tục tĩu trong các chương trình TV thời điểm đó.

Hệ thống này được thiết lập như là một hệ thống tự nguyện tham gia với những đánh giá và xếp hạng được xác định bởi chính các hãng truyền hình quảng bá và mạng lưới TH Cáp. Hệ

thống TV Ratings này nhìn chung được áp dụng với hầu hết các chương trình TV, phim truyền hình và các biên tập khi phát sóng hoặc các phiên bản THC của các Phim chiếu rạp; các kênh phim chính cũng thừa nhận các xếp hạng và gắn nhãn của TV Hệ thống chỉ dẫn phụ huynh về chương trình TV trong việc phát sóng một số bộ phim đã phát hành tại rạp hoặc tại xem tại nhà, bất kể Hiệp hội Phim Ảnh Mỹ (MPAA) đã không thừa nhận việc đánh giá và xếp hạng cho 1 bộ phim hay liệu kênh phát sóng đó có xếp hạng phim đó hay không.

Hệ thống này cũng thiết kế để sử dụng V-chip bắt buộc phải tích hợp vào điều khiển TV sản xuất từ sau năm 2000, nhưng những chỉ dẫn này bản thân nó không có hiệu lực pháp lý, và không áp dụng với các chương trình tin tức và thể thao hoặc trong suốt các quảng cáo thương mại. Rất nhiều dịch vụ truyền hình nổi tiếng như Hulu, Amazon Video và Netflix cùng với các nhà cung cấp Video trực tuyến như iTunes Store và Google Play cũng sử dụng các Chỉ dẫn của hệ thống này.

hinh-3_gan-nhan-truyen-hinh-.png
Hình 3: Chỉ dẫn phân loại chương trình truyền hình quốc tế.

Xét về mặt bản chất, Hệ thống đánh giá và dán nhãn nội dung các chương trình truyền hình (TV Content Rating System hay TV Ratings) là hệ thống cho phép đánh giá nội dung và báo cáo về các chương trình truyền hình phù hợp với trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Theo thống kê, ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đều có hệ thống đánh giá nội dung chương trình truyền hình riêng của mình bởi các cơ quan quản lý. Các chương trình được đánh giá nội dung bởi tổ chức mà quản lý các hệ thống kênh truyền hình, đài truyền hình hoặc các Nhà sản xuất nội dung chương trình truyền hình.

Một hệ thống đánh giá nội dung các chương trình truyền hình thường thiết lập cho mỗi cá nhân từng phần của một loạt các chương trình truyền hình. Hệ thống đánh giá nội dung chương trình truyền hình này có thể thay đổi qua mỗi phần, theo mạng lưới, chiếu lại, và theo quốc gia/địa phương. Chẳng hạn, các chương trình được đánh giá và dán nhãn nội dung thường không có nhiều ý nghĩa trừ khi chỉ khi nào và ở nơi nào mà việc đánh giá và dán nhãn này được được sử dụng đã nêu ở trên.

Bảng dưới đây so sánh về hệ thống đánh giá và gắn/dán nhãn nội dung các chương trình TV hiện nay phân biệt theo độ tuổi (theo ở trục ngang). Tuy nhiên, cần lưu ý là các tiêu chí cụ thể được sử dụng để so sánh và xếp hạng nội dung là khác nhau ở mỗi quốc gia. Bởi vậy, một mầu sắc hay độ tuổi khác nhau không thể xem như là cách để so sánh trực tiếp quốc gia này với quốc gia khác.

Từ thực trạng phân loại và gán nhãn các chương trình truyền hình nói trên và học tập kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần kiến nghị Chính phủ ban hành một Nghị định riêng về phân loại và gán nhãn chương trình truyền hình. Đây sẽ là căn cứ pháp lý cho việc thực hiện phân loại và gán nhãn các chương trình truyền hình hiện nay tại Việt Nam theo tiêu chuẩn phân loại và gán nhãn quốc tế. Các cơ quan quản lý và đơn vị phát sóng cần thật sự sát sao trong công tác kiểm duyệt nội dung trước khi trình chiếu. Cách làm việc nghiêm túc, thẳng tay loại bỏ những chương trình nhảm, những yếu tố phi văn hóa sẽ khiến bản thân những nhà sản xuất buộc phải xây dựng những chương trình giải trí hấp dẫn một cách đúng nghĩa.

bang-1_gan-nhan-truyen-hinh.png
bang-1b_gan-nhan-truyen-hinh.png
Bảng 1: Phân loại và xếp hạng nội dung các chương trình truyền hình (TV Content Rating System) tại một số quốc gia trên thế giới (Nguồn: Television content rating system (https://en.wikipedia.org/wiki/...).

Bên cạnh đó, trong bối cảnh còn nhiều bất cập của THTT, các nghệ sĩ khi tham gia cũng phải thật tỉnh táo để giữ mình, cũng để giữ tự trọng với nghề. Và trước mắt, khán giả - thành phần quan trọng quyết định sự sống còn của một gameshow cần trang bị cho mình khả năng tự vệ văn hóa để kịch liệt lên án, tẩy chay những chương trình nhảm nhí, vô bổ.

Ðược biết, từ ngày 5/5/2017, Nghị định 28/2017/NÐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2013/NÐ-CP đã chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và quảng cáo. Theo đó, ngoài việc nâng mức nộp phạt, Nghị định còn bổ sung hình phạt "Ðình chỉ hoạt động 12 tháng đối với người biểu diễn tái phạm hành vi biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp truyền thống văn hóa Việt Nam”. Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nếu có vi phạm sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của Thanh tra văn hóa. Trên môi trường mạng hay các chương trình phát sóng trên truyền hình nếu có vi phạm sẽ do thanh tra Bộ TT&TT xử lý, vì thế các Đài TH/nền tảng truyền hình OTT cũng cần rốt ráo, quyết liệt trong việc bảo đảm nội dung chương trình nhằm góp phần giảm những hành vi phản Ccảm trong môi trường biểu diễn nghệ thuật nói chung, trong đó có cả những chương trình THTT.

Tài liệu tham khảo:

1. Trang Anh, “Báo động tình trạng “thả nổi” các chương trình truyền hình thực tế”. http://www.nhandan.com.vn/ nation_news/item/33212602-bao-dong-tinh-trang-tha-noi- cac-chuong-trinh-truyen-hinh-thuc-te.html

2. Trọng Cầm, “Vì sao phải “đo lường” khán giả truyền hình?”: http://vietnamnet.vn/vn/thong-... phai-do-luong-khan-gia-truyen-hinh-296429.html; http:// vietnamtam.vn/san-pham/goi-rating

3. Websites: Bộ TT&TT www.mic.gov.vn; Vietnam-TAM http:// vietnamtam.vn; Television content rating system (https:// en.wikipedia.org/wiki/Television_content_rating_system)

4. Bài viết, số liệu về THTT đăng tải trên các báo: Báo Đầu tư, VietnamNET.vn, VNExpress.net; Đầu tư Chứng khoán...

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 2 tháng 2/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Đừng bỏ lỡ
Phân loại và gắn nhãn nội dung cho các chương trình truyền hình tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO