Tránh rủi ro khi giao kết hợp đồng viễn thông và truyền hình trả tiền

Uyên Hương| 02/08/2021 21:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương vừa đưa ra một số lưu ý đối với người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng theo mẫu trong lĩnh vực viễn thông, truyền hình trả tiền.

Tránh rủi ro khi giao kết hợp đồng viễn thông và truyền hình trả tiền  - Ảnh 1.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương vừa đưa ra một số lưu ý đối với người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng theo mẫu trong lĩnh vực viễn thông và truyền hình trả tiền.

Theo lưu ý của Cục tại Khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng.”

Vì vậy , đối với lĩnh vực viễn thông, truyền hình trả tiền, hợp đồng theo mẫu là các hợp đồng cung cấp và sử dụng các dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền soạn thảo sẵn để giao kết với khách hàng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết tùy từng loại dịch vụ, các mẫu hợp đồng dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền thường được thể hiện với nhiều tên gọi khác nhau.

Chẳng hạn như hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ truy nhập internet, điện thoại cố định, thông tin di động hình thức trả trước, trả sau, truyền hình trả tiền, truyền hình trả tiền trên mạng internet; điều khoản của hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ; điều khoản và điều kiện của hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ.

Ngoài ra, với việc đa dạng hóa dịch vụ cung cấp theo nhu cầu thực tiễn, bên cạnh mẫu hợp đồng cung cấp từng dịch vụ riêng lẻ, nhiều doanh nghiệp cũng tích hợp cung cấp một hoặc một số dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền trong một hợp đồng gọi là hợp đồng combo để khách hàng có thể lựa chọn.

Hợp đồng dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền có thể là một hợp đồng hoàn chỉnh hoặc được tách thành các tài liệu khác nhau như hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ; điều khoản, điều khoản và điều kiện của hợp đồng; phụ lục hợp đồng.

Các tài liệu này đều được quy định là một phần đính kèm, không tách rời và là bộ phận cấu thành bộ hợp đồng hoàn chỉnh, được bên cung cấp dịch vụ cung cấp cho khách hàng xem xét trước tại thời điểm giao kết hợp đồng.

Nội dung chính về cung cấp dịch vụ, gói dịch vụ, gói cước, quyền và nghĩa vụ của các bên, tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng, giải quyết tranh chấp… thường được quy định trực tiếp tại hợp đồng hoặc điều khoản của hợp đồng.

Các thông tin riêng biệt về từng giao dịch như thông tin khách hàng, thông tin chi tiết về gói dịch vụ, gói cước, giá cước, danh mục kênh truyền hình, thanh toán cước,… có thể được quy định tại hợp đồng hoặc được tách thành phụ lục riêng của hợp đồng.

Ngoài ra, bản điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp ban hành tài liệu này sẽ được cung cấp đính kèm hợp đồng cho khách hàng tại thời điểm giao kết hợp đồng.

Bên cạnh đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đưa ra một số lưu ý đối với người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng theo mẫu trong lĩnh vực viễn thông, truyền hình trả tiền.

Cụ thể, theo Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 1 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, một số dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền thuộc nhóm danh mục phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thẩm quyền.

Danh mục này bao gồm các dịch vụ điện thoại cố định mặt đất; thông tin di động mặt đất theo hình thức thanh toán trả sau; thông tin di động mặt đất hình thức thanh toán trả trước; truy nhập internet; truyền hình trả tiền.

Tránh rủi ro khi giao kết hợp đồng viễn thông và truyền hình trả tiền  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Như vậy, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền cần thực hiện và hoàn thành thủ tục đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về viễn thông, truyền hình trả tiền với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Sở Công Thương trước khi giao kết với người tiêu dùng.

Ngoài việc tuân thủ pháp luật chuyên ngành, hình thức và nội dung của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng cần tuân thủ các quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Để tránh rủi ro và tranh chấp phát sinh từ việc giao kết các hợp đồng viễn thông và truyền hình trả tiền được soạn thảo sẵn, người tiêu dùng cần lưu ý một số vấn đề trước khi giao kết.

Cụ thể, người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng hoàn chỉnh và đọc kỹ toàn bộ hợp đồng trước khi giao kết; lưu giữ một bản hợp đồng sau khi đã giao kết để làm cơ sở giải quyết các vấn đề hay tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Đồng thời, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ các thông tin của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm bảo các thông tin đã được doanh nghiệp điền đầy đủ, chính xác. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền và điều kiện giao kết hợp đồng của doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành khác có liên quan.

Mặt khác, người tiêu dùng cũng cần kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ đăng ký của các doanh nghiệp tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Sở Công Thương theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, so sánh mẫu hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thẩm quyền thông qua với mẫu hợp đồng do doanh nghiệp cung cấp để yêu cầu doanh nghiệp áp dụng đúng mẫu đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua trong trường hợp có sự khác biệt.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng lưu ý cần nghiên cứu kỹ các nội dung được doanh nghiệp chú thích và cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến cáo tại các phần để trống trong hợp đồng được đăng ký để có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao kết hợp đồng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • Cuộc đua trung tâm dữ liệu AI tại Đông Nam Á
    Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một động lực chính thúc đẩy đổi mới công nghệ toàn cầu và Đông Nam Á đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong cuộc đua phát triển AI. Hàng loạt các hãng công nghệ và đám mây lớn đã thông báo kế hoạch xây dựng, vận hành trung tâm dữ liệu mới tại Đông Nam Á.
  • Hai nền tảng số MISA được công nhận là sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024
    Vượt qua hơn 1.000 hồ sơ và nhiều vòng thẩm định khắt khe, MISA có hai nền tảng số đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024.
  • Mở rộng trông xe không dùng tiền mặt mang lại lợi ích "kép"
    Việc áp dụng hình thức thanh toán qua ứng dụng thu phí không dừng VETC và mã QR vào hoạt động thanh toán phí gửi xe không dùng tiền mặt không những góp phần từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh mà còn tăng cường công tác quản lý nhà nước, minh bạch trong công tác thu phí dịch vụ trông giữ xe.
  • 10 xu hướng định hình tương lai của quản lý giao dịch số
    Quản lý giao dịch số đang phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng về xử lý tài liệu an toàn, hiệu quả. Đây là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp giảm bớt thủ tục hành chính và tối ưu hóa quy trình xử lý tài liệu số.
Đừng bỏ lỡ
Tránh rủi ro khi giao kết hợp đồng viễn thông và truyền hình trả tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO