Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam: Góp phần bảo vệ hội viên, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân

Bình Minh| 23/09/2022 08:48
Theo dõi ICTVietnam trên

5 năm qua, các đơn vị trên lĩnh vực truyền hình trả tiền - viễn thông đã tiếp cận, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhất của thế giới hiện nay nhằm cung cấp đa dịch vụ trên cùng một hạ tầng. Nội dung chương trình phong phú, đa dạng, chuyên kênh, đặc sắc đáp ứng hầu hết tất cả nhu cầu về cập nhật thông tin tuyên truyền, thưởng thức văn hoá, nghệ thuật, giải trí của nhân dân trên mọi vùng miền Tổ quốc.

Nhiệm kỳ II Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam: Công nghệ hàng đầu, đáp ứng hầu hết nhu cầu thông tin tuyên truyền của Nhân dân - Ảnh 1.

Truyền hình trả tiền đáp ứng đa dạng nhu cầu giải trí của khách hàng. Ảnh: Laodong.vn

Truyền hình trả tiền - viễn thông đều đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhất thế giới

Theo sách trắng Bộ Thông tin và Truyền thông, tại Việt Nam năm 2017 có khoảng 13,7 triệu thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền thì đến 12/2021 có khoảng 16,8 triệu thuê bao (trong đó: truyền hình cáp chiếm khoảng 84%, truyền hình số mặt đất 0,9%, truyền hình số vệ tinh 9,4%, truyền hình di động 2,8%, truyền hình trên Internet 2,9%).

Số doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền hiện nay là 40 đơn vị (tăng 13 đơn vị so năm 2017). Số kênh truyền hình trong nước là 196 (trong đó số kênh truyền hình cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền là 83); Số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biện tập là 70 (tăng 9 kênh so năm 2017).

Tổng doanh thu từ thuê bao truyền hình trả tiền bình quân hàng năm đạt gần 8.000 tỷ đồng/năm. Tổng số lao động của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khoảng hơn 8.500 lao động.

Truyền hình trả tiền được Chính phủ, các Bộ ngành đặc biệt quan tâm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch 2 truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 và Nghị định 06/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Theo nhận định của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, đa số các đơn vị làm trên lĩnh vực truyền hình trả tiền - viễn thông đều tiếp cận ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhất của thế giới hiện nay như: Công nghệ mạng 1 GHz fiber deep, công nghệ GPON,… cung cấp đa dịch vụ trên cùng một hạ tầng. Nội dung chương trình phong phú, đa dạng, chuyên kênh, đặc sắc đáp ứng hầu hết tất cả nhu cầu về cập nhật thông tin tuyên truyền, thưởng thức văn hoá, nghệ thuật, giải trí của nhân dân trên mọi vùng miền Tổ quốc. Đồng thời, an ninh, chính trị xã hội ổn định, kinh tế phát triển, đời sống xã hội ngày càng được nâng cao tạo điều kiện cho người dân khả năng đầu tư, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, giải trí cao.

Những thách thức của lĩnh vực truyền hình trả tiền

Bên cạnh những mặt làm được, các chuyên gia cũng nhìn nhận, quá trình phát triển, lĩnh vực truyền hình trả tiền cũng bộc lộ những hạn chế và đang đứng trước những thách thức. 

Cụ thể, chính sách chung về chuyên ngành lĩnh vực của nhà nước đôi lúc chưa đáp ứng theo kịp thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền - viễn thông, đặc biệt, cơ chế sử dụng hạ tầng dùng chung chưa cụ thể và một số chính sách còn bất cập cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

Thách thức cũng đến từ việc các nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới nước ngoài vào Việt Nam, cơ quan thẩm quyền nhà nước cần sớm ban hành các quy định, chế tài cụ thể, các OTT nước ngoài khi vào Việt Nam phải được cấp phép mới được cài ứng dụng và thực hiện "tiền kiểm" nội dung theo như quy định Luật Báo chí.

Chưa kể, về bản quyền nội dung, đặc biệt bản quyền các giải thể thao chưa có sự hợp tác, đồng thuận cao giữa các thành viên Hiệp hội, dễ bị đơn vị bản quyền nước ngoài chèn ép, khó đàm phán, đẩy giá lên cao…

Đại diện Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, giai đoạn 2017-2022 cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng nhìn chung các đơn vị hội viên truyền hình trả tiền, viễn thông đã có nhiều nổ lực, phấn đấu, chủ động lập phương án triển khai các giải pháp hiệu quả để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra về phát triển thuê bao, phát triển nội dung chương trình, phát triển và gia tăng diện phủ sóng, tích hợp các gói đa dịch vụ trên hạ tầng và chính sách kích cầu, phát triển thuê bao.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ II (2017-2022), BCH Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã tập trung vào các vấn đề cấp thiết liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nhiệm kỳ qua đã thực hiện các yêu cầu chính đáng chú ý:

1. Kiến nghị xem xét giảm phí thiết lập mạng viễn thông công cộng và miễn, giảm phí cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

2. Nỗ lực thực hiện bản quyền các kênh thể thao và bản quyền kênh truyền hình giải trí nước ngoài.

3. Kiến nghị xử lý các hoạt động cung cấp dịch vụ ứng dụng OTT xuyên biên giới nước ngoài tại Việt Nam.

4. Tham gia hội thảo và đóng góp ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP

5. Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung.

6. Góp phần kiến nghị hài hòa việc áp dụng đơn giá thuê cột điện lực treo cáp truyền hình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

7. Kiến nghị gửi đến Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là gửi đến VNPT về đơn giá thuê hạ tầng kỹ thuật cống, bể cáp truyền hình, viễn thông được hài hoà lợi ích các bên theo quy định pháp luật hiện hành.

8. Hiệp hội đã gửi văn bản đến các đơn vị truyền hình trả tiền là hội viên về xây dựng giá sàn.

9. Góp ý Dự thảo Thông tư về chất lượng dịch vụ truyền hình trả tiền.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam: Góp phần bảo vệ hội viên, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO